Chất Michelle: Bài tập đọc ở lớp mẫu giáo và 'tuổi thơ dữ dội' của phu nhân Obama

21/08/2019 08:00
Chất Michelle: Bài tập đọc ở lớp mẫu giáo và 'tuổi thơ dữ dội' của phu nhân Obama

Ngay từ khi còn nhỏ, Michelle đã là cô bé cầu tiến. Dù không ai ép buộc nhưng cô luôn nỗ lực học tập để vươn lên vị trí dẫn đầu.

Chất Michelle là hồi ký của bà Michelle Obama, không chỉ ghi lại cuộc sống một đệ nhất phu nhân nước Mỹ, mà còn là câu chuyện truyền cảm hứng cho phụ nữ về hành trình tự khẳng định mình, độc lập, mạnh mẽ, đi tới thành công. Được sự đồng ý của First News - đơn vị nắm bản quyền tiếng Việt - Zing.vn trích đăng một phần nội dung sách. 

Tôi bắt đầu học mẫu giáo tại trường tiểu học Bryn Mawr mùa thu năm 1969, với lợi thế kép là đã biết đọc những chữ cơ bản và có một ông anh trai học lớp hai rất được quý mến. Trường chúng tôi là một tòa nhà bốn tầng bằng gạch có sân trước và chỉ cách nhà chúng tôi ở Đại lộ Euclid vài ba dãy nhà. Đi từ nhà đến trường chỉ mất chừng hai phút đi bộ, hoặc nếu chạy như anh Craig thì chỉ mất một phút.

Tôi thích ngôi trường này ngay khi bước vào. Tôi thích cô giáo, một phụ nữ da trắng dáng vẻ nhỏ nhắn tên Burroughs. Đối với tôi thì cô rất lớn tuổi nhưng thực tế thì lúc đó cô chỉ mới khoảng năm mươi. Lớp học của cô có những ô cửa sổ cỡ lớn đón nắng, một bộ sưu tập búp bê cho chúng tôi chơi và một ngôi nhà búp bê khổng lồ bằng giấy bìa cứng ở cuối phòng.

Bai tap doc o lop mau giao va 'tuoi tho du doi' cua phu nhan Obama hinh anh 1
Sách Chất Michelle.

Tôi làm quen với bạn học, bị thu hút bởi những đứa trẻ cũng có vẻ háo hức được ở trường như tôi. Tôi tự tin vào khả năng đọc của mình. Ở nhà, nhờ thẻ thư viện của mẹ mà tôi đã cày nát những quyển Dick and Jane, và vì vậy tôi mừng rơn khi biết nhiệm vụ đầu tiên ở lớp mẫu giáo là học cách đọc bằng mắt những bộ từ mới. Chúng tôi được học một loạt màu sắc, không phải sắc độ mà tên gọi của chúng - “màu đỏ”, “màu xanh dương”, “màu xanh lá”, “màu đen”, “màu cam”, “màu tím”, “màu trắng”. Trên lớp, cô Burroughs cầm những tấm thẻ giấy manila trên tay và đố lần lượt từng học sinh, yêu cầu chúng tôi đọc bất cứ từ nào được in bằng mực đen trên mặt trước của tấm thẻ.

Một ngày nọ tôi quan sát những bạn nam và bạn nữ mà mình đang bắt đầu thân quen đứng lên và đọc những tấm thẻ, tùy vào độ khó mà chữ được chữ không, và bị bắt ngồi xuống khi không đọc được từ nào đó. Tôi nghĩ việc này là một phần của trò chơi, giống như trò đánh vần vậy, nhưng bạn có thể loáng thoáng thấy một sự phân loại nào đó đang diễn ra và cảm giác bị dè bỉu thấy rõ nơi những đứa trẻ không thể đọc được thẻ “màu đỏ”.

Dĩ nhiên, đó là năm 1969, ở một trường công khu South Side thành phố Chicago. Không ai nói về lòng tự trọng hay tư duy phát triển. Nếu được học trước ở nhà, bạn sẽ được khen thưởng ở trường, được cho là học sinh “sáng láng” hoặc “có năng khiếu”, và điều này sẽ củng cố sự tự tin trong bạn. Các lợi thế nhanh chóng phát huy. Hai đứa trẻ thông minh nhất trong lớp mẫu giáo của tôi là Teddy, một cậu bé người Mỹ gốc Hàn, và Chiaka, một cô bé người Mỹ gốc Phi, cả hai vẫn duy trì thứ hạng đầu trong lớp suốt nhiều năm sau đó.

Tôi quyết tâm phải đuổi kịp hai người bạn đó. Khi tới lượt mình đọc những tấm thẻ, tôi đứng dậy và cố gắng thể hiện hết sức, đọc một mạch “màu đỏ”, “màu xanh lá” và “màu xanh dương” thật trôi chảy. Nhưng tôi hơi khựng lại ở “màu tím”, và “màu cam” thật khó đọc. Nhưng phải đến khi từ T-R-Ắ-N-G xuất hiện thì tôi mới cứng cả người, cổ họng tôi lập tức khô khốc, miệng tôi có cảm giác kỳ lạ và không sao đọc đúng khẩu hình trong lúc não tôi đang gặp sự cố nghiêm trọng, ra sức cố gắng đào bới ra một màu giống với màu “ch-áng”.

Tôi chết lặng. Tôi cảm thấy đầu gối lỏng khỏng một cách kỳ lạ, như thể hai khớp sẽ long ra. Nhưng trước khi chuyện đó xảy ra, cô Burroughs đã yêu cầu tôi ngồi xuống. Và đó chính là lúc tôi nhận ra từ trên tấm thẻ, trọn vẹn và đơn giản. Trắng. Trắắắng. Đó là từ “trắng”.

Đêm hôm đó, khi nằm trên giường với những con thú nhồi bông xếp quanh đầu giường, tôi chỉ nghĩ đến “màu trắng”. Tôi đánh vần nó trong đầu, xuôi rồi lại ngược, tự trừng phạt bản thân vì sự ngu ngốc của mình. Sự xấu hổ nặng nghìn cân, như một thứ tôi không bao giờ rũ bỏ được, mặc dù tôi biết cha mẹ sẽ không bận tâm xem tôi có đọc đúng hết các thẻ hay không. Tôi chỉ muốn thành tựu. Hoặc có thể tôi không muốn bị xem là không có khả năng đạt được thành tựu. Tôi đã chắc mẩm là khi đó cô giáo nghĩ tôi không biết đọc, hoặc tệ hơn, không chịu cố gắng.

Tôi bị ám ảnh bởi những ngôi sao nhũ vàng có kích thước bằng đồng xu mà cô Burroughs đã thưởng cho Teddy và Chiaka hôm đó, để cả hai đeo lên ngực như sự công nhận thành tích đã đạt được, hoặc đó có thể là dấu hiệu cho thấy chúng được đánh giá là xuất sắc, còn những học sinh còn lại như chúng tôi thì không. Cả hai người họ đã đọc được hết những tấm thẻ mà không hề vấp váp.

Bai tap doc o lop mau giao va 'tuoi tho du doi' cua phu nhan Obama hinh anh 2
Michelle khi còn nhỏ. 

Sáng hôm sau vào lớp, tôi xin cô cho làm lại.

Khi cô Burroughs từ chối, vui vẻ nói thêm là học sinh mẫu giáo chúng tôi còn nhiều thứ khác để làm, tôi vẫn đề nghị cô cho tôi làm lại. Đáng thương cho những đứa trẻ phải xem tôi đối đầu với những tấm thẻ lần thứ hai. Lần này tôi chậm rãi hơn, cố tình dừng lại sau khi đánh vần xong mỗi từ để hít thở, không để sự hồi hộp làm đoản mạch bộ não của mình.

Và cách đó có hiệu quả, cho cả “màu đen”, “màu cam”, “màu tím” và đặc biệt là “màu trắng”. Tôi thật sự đã đọc ra từ “màu trắng” trước cả khi nhìn thấy những chữ đó trên thẻ. Tôi thích nghĩ đến cảnh cô Burroughs ấn tượng ra sao với cô bé da đen có đủ can đảm để chứng tỏ bản thân. Tôi không biết Teddy và Chiaka có để ý chuyện này hay không. Dù sao đi nữa thì tôi đã nhanh chóng nhận chiến lợi phẩm của mình khi về nhà vào trưa hôm đó với cái đầu ngẩng cao và một ngôi sao nhũ vàng cài trên áo.

Còn tiếp...


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025