01. "Một lúc nào đó tôi sẽ hạnh phúc"
Năm 14 tuổi, tôi đang học để thi O-level (kỳ thi phân loại học sinh trung học ở một số quốc gia) trong trường trung học ở Luân Đôn. Bố mẹ và thầy cô khuyên tôi nên dừng chơi bóng đá vào buổi tối và cuối tuần để ở nhà làm bài tập. Họ giải thích cho tôi hiểu tầm quan trọng của những bài thi này và nếu làm tốt, tôi sẽ hạnh phúc.
Tôi làm theo lời khuyên của họ và mọi thứ diễn ra rất tốt đẹp. Thế nhưng điều đó không làm cho tôi cảm thấy hạnh phúc chút nào, bởi sự thành công đó đồng nghĩa với việc tôi phải học nhiều hơn trong suốt hai năm nữa để vượt qua kỳ thi A-level - chứng chỉ tiếp theo cần có. Bố mẹ và thầy cô lại khuyên tôi không nên đi chơi tối và cuối tuần, không theo đuổi các cô gái để lấy thời gian đó ở nhà học bài. Họ nói cho tôi biết tầm quan trọng của kỳ thi A-level và nếu thi đậu, tôi sẽ hạnh phúc.
Một lần nữa tôi lại làm theo lời khuyên của họ và làm bài rất tốt. Nhưng cũng một lần nữa điều đó cũng không làm cho tôi thấy hạnh phúc. Bởi giờ đây tôi phải học vất vả hơn nữa trong vòng 3 năm tới để lấy tấm bằng đại học. Mẹ và thầy cô (bố tôi bấy giờ đã qua đời) khuyên tôi nên tránh xa những quán bar và các buổi tiệc trong trường và thay vào đó tập trung học hành chăm chỉ. Họ cho tôi biết bằng đại học quan trọng đến chừng nào và nếu tôi thi đậu, tôi sẽ hạnh phúc.
Đến lúc này thì tôi bắt đầu ngờ vực.
Tôi thấy một số bạn bè lớn tuổi hơn đã rất vất vả để có được tấm bằng đại học và giờ đây họ đang làm công việc đầu tiên thậm chí còn cực nhọc hơn thời đi học. Họ làm việc cực kỳ vất vả để kiếm đủ tiền mua một món đồ quan trọng, chẳng hạn như chiếc xe hơi. Họ nói, "Khi nào kiếm đủ tiền mua xe hơi là tôi hạnh phúc lắm".
Thế nhưng khi đã kiếm đủ tiền mua chiếc xe hơi đầu tiên họ vẫn không hạnh phúc. Bấy giờ họ càng làm việc nhiều hơn để mua cái khác để cảm thấy hạnh phúc. Hoặc họ vật vã với chuyện tình cảm rối ren và đang tìm kiếm một nửa của mình. Họ nói, "Khi nào lập gia đình và yên bề gia thất thì tôi mới hạnh phúc được".
Nhưng khi đã lập gia đình rồi, họ vẫn không cảm thấy hạnh phúc. Thậm chí họ phải làm việc còn vất vả hơn, làm thêm việc để dành dụm tiền mua căn hộ hoặc nhà. Họ nói, "Khi nào mua được nhà riêng thì bọn mình sẽ rất hạnh phúc".
Không may thay, khi trả hết tiền vay mua nhà rồi họ vẫn không cảm thấy hạnh phúc. Hơn nữa, ban đêm họ mất ngủ vì bị con trẻ đánh thức và vì những khoản tiền khổng lồ phải chi tiêu cho con cái. Giờ đây họ phải chịu đựng thêm 20 năm nữa mới có thể làm điều mình muốn. Thế là họ nói với tôi rằng: "Khi nào bọn trẻ khôn lớn và tự lập được rồi thì bọn mình mới hạnh phúc".
02. Tại sao lại đặt hạnh phúc vào hàng ưu tiên gần cuối?
Câu thần chú "một lúc nào đó tôi sẽ hạnh phúc" được họ lặp lại cho đến cuối đời. Khi con cái đã ra ở riêng thì hầu hết các bậc phụ huynh đã ngấp nghé tuổi về hưu. Họ tiếp tục trì hoãn cái hạnh phúc của mình và làm việc chăm chỉ để dành dụm cho tuổi già. Họ nói: "Khi nào về hưu tôi sẽ rất hạnh phúc".
Thậm chí trước khi về hưu, và chắc chắn là sau đó, họ bắt đầu chú tâm đến tôn giáo và chăm chỉ đi nhà thờ. Có bao giờ bạn để ý xem có bao nhiêu cụ già ngồi trong những hàng ghế nhà thờ không? Tôi hỏi họ vì sao lại đi nhà thờ, họ nói: "Vì khi chết tôi sẽ được hạnh phúc".
Có một câu chuyện (mà hẳn bạn đọc đã quen thuộc) về chiếc bình đựng đầy đá, cát và nước. Với một chiếc bình thuỷ tinh, ta có thể đựng vào đó những viên đá cho đến khi không còn chỗ nữa. Nhưng chiếc bình vẫn chưa đầy. Ta có thể bỏ vào đó thêm một bịch cát mịn, cát rơi vào trong những khoảng trống giữa các viên đá trong bình. Rồi ta lại còn có thể lấy nước đổ ngập chỗ đá và cát đó.
Nếu ta muốn có chỗ cho những viên đá lớn thì phải đặt chúng xuống trước. Đây là bài học về sự ưu tiên. Bạn hãy nhìn lại xem "những viên đá lớn" trong "chiếc bình" của mình là gì? Điều gì là quan trọng nhất trong cuộc đời bạn?
Có lẽ những viên đá quý báu nhất mà chúng ta cần bỏ vào "chiếc bình" của mình ngay từ đầu, chính là niềm hạnh phúc nội tại. Thế thì tại sao rất nhiều người trong chúng ta lại không biết tận hưởng hạnh phúc ở hiện tại, hối hả theo đuổi những cột mốc cuộc đời và đặt hạnh phúc vào hàng ưu tiên gần cuối đến như vậy?
Với những người vẫn nghĩ rằng "Nếu tôi có được cái này thì tôi sẽ hạnh phúc" thì hạnh phúc của họ sẽ chỉ là một giấc mơ về tương lai mà thôi. Nó cũng giống như cầu vồng chỉ cách chúng ta có một hai bước chân thôi nhưng mãi mãi ngoài tầm với. Trong cuộc đời mình, hoặc cả sau đó, họ sẽ không bao giờ biết được hạnh phúc là gì.
Hãy đảm bảo rằng bạn luôn đặt những "viên đá quý" xuống trước để một ngày nào đó không bao giờ phải vất vả nhét chúng vào "chiếc bình" của mình.
Mẩu chuyện trên được lược trích từ cuốn sách "Mở cửa trái tim" của thiền sư Ajahn Brahm. Ajahn Brahm sinh năm 1951 tại Luân Đôn, nước Anh. Ông tự xem mình là một phật tử khi mới mười sáu tuổi, sau khi đọc những quyển sách nhà Phật lúc đang còn đi học. Ông tốt nghiệp ngành vật lý lý thuyết tại đại học Cambridge và đi dạy được 1 năm thì đến Thái Lan để tu học và trở thành thầy tu. Hiện ông là tu viện trưởng của tu viện Bodhinyana. Ông đến nhiều nơi trên thế giới để nói về các câu chuyện của nhà Phật, về hạnh phúc, về bình an…
Những câu chuyện được thiền sư Ajahn Brahm kể lại với những tình tiết vui tươi, lồng ghép những suy tư từ trải nghiệm của thầy từ khi chưa xuất gia đến khi mới bắt đầu quy y, cho đến tận lúc đã là trụ trì. Những câu chuyện của thiền sư giúp bạn đọc khám phá những điều tươi đẹp trong thế giới nội tâm, hiểu hơn về sự buông xả, bình an, tình yêu vô điều kiện, đồng thời chiêm nghiệm những triết lý thâm sâu của đạo Phật.
Các cuốn sách của thiền sư đã được xuất bản tại Việt Nam bao gồm: "Mở cửa trái tim"," Buông bỏ buồn buông"," Tâm từ", "Hạnh phúc đến từ sự biến mất".
Nguyên Thảo
Theo Nhịp sống kinh tế