Câu chuyện ly kỳ từ cậu bé giao báo - Cuốn sách tuyệt vời cho những ý tưởng khởi nghiệp

01/05/2021 18:30
Câu chuyện ly kỳ từ cậu bé giao báo - Cuốn sách tuyệt vời cho những ý tưởng khởi nghiệp

“Câu chuyện ly kỳ từ cậu bé giao báo là bản miêu tả chính xác về tinh thần lập nghiệp và những yếu tố làm nên thành công.” - William Kerr, giáo sư giảng dạy tại trường kinh doanh Harvard.

Khi đọc Câu chuyện ly kỳ từ cậu bé giao báo, mình chợt nhớ tới lời tâm sự của một cựu du học sinh ngành Kinh doanh tại một trường đại học nổi tiếng trên thế giới: “Tôi đã từng phân vân giữa Mỹ thuật và Kinh doanh khi lựa chọn ngành mà mình muốn theo đuổi. Cuối cùng tôi đã chọn Kinh doanh vì tôi nhận ra rằng kinh doanh cũng là nghệ thuật.” Đối với bản thân mình Câu chuyện ly kỳ từ cậu bé giao báo giống như một câu chuyện được kể một cách đầy nghệ thuật nói về một “lĩnh vực” nghệ thuật: Kinh doanh khởi nghiệp. Rất có thể cuốn sách này sẽ truyền cho bạn niềm cảm hứng khởi nghiệp cho dù trước đó bạn có yêu thích kinh doanh hay không!

Về tác giả và cuốn sách 

Deep Patel là doanh nhân trẻ tuổi, chuyên viên marketing và tác giả của cuốn sách bán chạy Câu chuyện ly kỳ từ cậu bé giao báo. Tác phẩm này đã được Tạp chí Success bình chọn là quyển sách kinh doanh xuất sắc nhất năm 2016, đồng thời được Tạp chí Entrepreneur vinh danh là quyển sách hay nhất năm 2016.

Bên cạnh đó, Deep Patel còn được Forbes xếp vào nhóm 25 nhân vật có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực marketing. Patel cũng là một cây bút viết bài cho các trang tin nổi tiếng như Forbes, Entrepreneur, The Huffington Post và Success.

Phần 1: Mười một bí quyết thành công

Trước khi đọc Câu chuyện ly kỳ từ cậu bé giao báo, mình đã tưởng tượng đây là một cuốn sách văn học với cốt truyện thông thường. Nhân vật chính là một cậu bé giao báo. Trên đường làm nhiệm vụ, một sự việc bất ngờ xảy ra và cậu đã lạc vào một thế giới khác, nơi mà cậu biến thành người hùng, v.v... Câu chuyện ly kỳ bắt đầu từ đây. Nhưng té ra đây lại là một cuốn sách kinh doanh. 

Câu hỏi đặt ra là “Thế câu chuyện này có ly kỳ như tiêu đề của nó không?” Chắc hẳn sẽ không ly kỳ đến mức như câu chuyện mà bạn vẫn đọc hay xem trên phim ảnh đâu nhưng nó vẫn đủ hấp dẫn để khơi gợi trí tò mò của bạn. Đây cũng chính là điều đặc biệt của Câu chuyện ly kỳ từ cậu bé giao báo so với những cuốn sách kinh doanh khác.

Nhiều người cho rằng 11 bí quyết kinh doanh không mới, nhất là những ai đã từng trải nghiệm qua “thương trường” hoặc được đào tạo trong các trường kinh doanh, quản lý. Nhưng đối với bản thân mình, một đứa không biết gì về kinh doanh thì đây quả là một cuốn sách tuyệt vời. Cuốn sách khá mỏng, chỉ gói gọn trong hơn 200 trang nhưng tóm gọn những triết lý kinh doanh bằng những chi tiết rất chân thực, dễ hiểu. Trước đây, mình luôn nghĩ khởi nghiệp là một việc rất xa vời và lớn lao nhưng bây giờ mình nghĩ là nó thực tế hơn nhiều so với mình tưởng. Tất nhiên nó không hề dễ dàng để thành công nhưng không quá khó để bắt đầu. Nếu một ngày nào đó, chúng ta gặp lại nhau và mình đã trở thành một start-up thì bạn sẽ hiểu rằng: lí do để mình bắt đầu chính là nhờ cuốn sách này. Và biết đâu được khi bạn đọc Câu chuyện ly kỳ từ cậu bé giao báo, bạn cũng nhen nhóm cho mình một ý tưởng kinh doanh thì sao. Tương lai chúng ta đâu thể biết trước được, đúng không? 

Phần đầu của cuốn sách này kể về câu chuyện của cậu bé giao báo tên Ty Chandler. Cậu cần việc làm thêm. Cậu vừa lên lớp mười hai và cậu muốn dành dụm tiền để thực hiện những kế hoạch của riêng mình như vũ hội tốt nghiệp hay học phí đại học. Vào một buổi sáng khi đang chạy bộ trên đường, Ty thấy người đàn ông giao báo đang cằn nhằn là muốn bỏ việc. Ty đã hỏi người giao báo về số tiền kiếm được và ông ta lắc đầu cho rằng chẳng đáng là bao. Nhưng Ty nhận ra đây chính là thời cơ của mình và cậu đã nhận việc và tiếp quản tuyến đường giao báo của người tiền nhiệm. Nhận biết cơ hội cũng chính là bí quyết đầu tiên trong số những bí quyết thành công mà cuốn sách này đề cập. Câu chuyện tiếp diễn và Ty đã kiếm được đủ tiền để sống theo lối sống mình chọn và nhiều mục tiêu khác nữa bằng cách áp dụng 11 bí quyết thành công sau đây:

  1. Nhận biết cơ hội

  2. Đầu tư vào sự thành công

  3. Vận dụng tài khéo léo 

  4. Vượt qua trở ngại 

  5. Thêm giá trị, giảm chi phí

  6. Xây dựng đội ngũ người hâm mộ cuồng nhiệt 

  7. Vượt trội nhờ chất lượng ổn định 

  8. Mở rộng để phát triển 

  9. Đa dạng hóa 

  10. Ủy quyền 

  11. Xây dựng thương hiệu cho tương lai

Bí quyết thành công 2: Đầu tư vào sự thành công

Ty đạp xe từ trụ sở tòa soạn báo Sunnydale Sentinel về nhà, gương mặt ánh lên niềm tự hào. Niềm vui đó không hẳn là do bản hợp đồng mới kí vẫn đang nằm trong ba lô của cậu, cũng không phải vì cậu có thể bắt đầu hành trình mới ngay từ sáng mai, mà nó bắt nguồn từ những ý tưởng đang đua nhau nảy ra trong đầu cậu.

Khi đạp xe qua trung tâm Sunnydale, cậu có thể cảm nhận bầu không khí đang thay đổi. Mùa hè đang khép lại và mùa thu sắp bắt đầu. Những ô cửa sổ và mặt tiền của các cửa hàng đã đổi phông nền chủ đề từ màu đỏ, trắng và xanh của tháng Bảy sang sắc vàng mùa thu.

Điểm dừng chân trong ngày của Ty là Ngân hàng tiết kiệm và cho vay Sunnydale, nơi đang rất đông đúc vào giờ này, và Ty phải tự nhắc nhở rằng các doanh nghiệp địa phương không bao giờ nghỉ hè, nhất là ngân hàng duy nhất trong thị trấn.

“Chào Ty”, Carol lên tiếng. Cô là nhân viên giao dịch đã giúp cậu mở tài khoản tiết kiệm tại ngân hàng này hồi đầu hè. “Hôm nay chị có thể giúp gì cho em?”

“Chào chị Carol”, Ty đáp lời. “Em muốn kiểm tra tài khoản tiết kiệm của mình và rút ít tiền.”

Carol lắc ngón tay với vẻ đùa giỡn. “Em có nhầm không Ty? Em định gửi tiền chứ có định rút tiền đâu nào, nhớ không?”

“Nhưng nếu rút tiền để đầu tư thì sao hả chị?”. Ty vừa nói vừa nhìn Carol nhập thông tin tài khoản của cậu vào máy vi tính. 

“Em chưa đủ tuổi chơi chứng khoán mà đúng không?, Carol in số dư tài khoản ra cho cậu và nói.

“Chuyện này gần giống như đầu tư vào, à… đầu tư cho bản thân vậy”, Ty chậm rãi đáp, như thể cậu chỉ vừa mới nhận ra điều đó. Cậu nhìn xuống tờ giấy Carol vừa đưa. Cậu có một ngàn hai trăm đô-la tiền tiết kiệm nhờ vào công việc làm thêm mùa hè ở Rạp phim Sunnydale. Vốn dĩ ty muốn dành dụm để sắm một chiếc ô tô vào năm lớp mười hai, nhưng rồi cậu nhận ra là với các hoạt động ngoại khóa của mình, cộng thêm việc phải duy trì điểm số, thì cậu sẽ không có nhiều thời gian rảnh để lái xe loanh quanh. Nhờ vậy mà cậu đã dành dụm được một khoản đáng kể trong tiền lương hàng tuần của mình để gửi vào tài khoản tiết kiệm.

Tuy vậy, Ty vẫn không muốn rút ra quá nhiều tiền. Cậu hy vọng mình sẽ nhận học bổng từ một trong năm trường đại học mình chọn, nhưng cho dù như thế thì cậu biết sẽ có nhiều khoản chi phí sinh hoạt như mua sắm đồ đạc cho phòng ký túc xá, giải trí, đi lại v.v… Cậu không muốn phải ngửa tay xin tiền mẹ để trả những khoản đó, vậy nên cậu đang cố gắng để dành ít nhất năm ngàn đô-la cho các khoản chi phí phát sinh trong năm nhất đại học. Không quá lớn nhưng đây là con số hợp lý nhất cậu có thể đưa ra dựa trên công việc mới của mình.

“Em có thể rút một trăm đô-la được không?”, cậu vừa hỏi vừa điền vào phiếu yêu cầu rút tiền và đẩy nó qua ô cửa của bàn giao dịch.

“Em muốn rút bao nhiêu cũng được”, Carol nói. “Nhất là khi số tiền đó dùng để đầu tư cho bản thân”, cô nháy mắt, xử lí tờ phiếu và đưa cho cậu số tiền.

Ty cầm tiền và nháy mắt nói đùa. “Nếu em có thể biến mỗi tờ tiền này thành tờ một trăm đô-la thì sao hả chị?”

“Chị sẽ đề nghị em ứng tuyển vào ngân hàng này, vì bọn chị cần những người có khiếu tài chính như thế!”

Ty cầm tờ hai mươi đô-la mới cứng và đi thẳng đến tiệm xe đạp ở góc đường.

“Bác giúp được gì cho cháu đây, chàng trai trẻ?”, ông Giuseppe chủ tiệm hỏi.

“Cháu mới nhận việc đi giao báo quanh khu nhà mình ạ”, Ty trả lời.

Ông Giuseppe gãi cái đầu hỏi nằm dưới chiếc mũ bóng chày có dòng chữ “Phụ tùng Giuseppe” của mình. “Người ta vẫn còn giao báo cơ à?”, ông hỏi “Đi bộ sao?” 

“Chà, bằng xe đạp chứ ạ”, Ty trả lời. “Vì vậy cháu mới đến đây. Chiếc xe đạp của cháu còn khá tốt, nhưng cháu biết mình sẽ dùng nó rất nhiều trong năm học này, thế nên bác có thể kiểm tra lại một chút để nó chạy thật ngon lành ấy ạ?

“Rất sẵn lòng”, ông đáp. “Cháu cần gói dịch vụ đặc biệt - Mùa khai giảng của Giuseppe đấy.”

“Gói đó bao nhiêu tiền ạ?”, Ty hỏi.

Ông Giuseppe gãi gãi chiếc cằm lún phún râu và nhìn Ty chăm chú. “Cháu đã bắt đầu công việc chưa?”

“Sáng mai ạ. Cho nên nếu có phiếu giảm giá hay ưu đãi gì đó…”

Ông Giuseppe toét miệng cười. “Bảy mươi đô-la thì thế nào, trọn gói, bảo dưỡng từ đầu đến đuôi?”

Ty tỏ ra đăm chiêu. Cậu không phải là người giỏi thương lượng, nhưng lúc này mỗi tờ hai mươi đô-la đều rất quý giá. Cậu không muốn bị lố ngân sách ngay ngày đầu tiên bắt tay vào việc!

“Sáu mươi đô-la có được không ạ?”, cậu hỏi.

Ông Giuseppe nheo mắt. “Yêu cầu hơi cao đấy nhóc. Bác không chắc lắm đâu.”

Ty suy nghĩ một chút rồi mỉm cười. “Nhà cháu được tặng báo dài kỳ miễn phí vì cháu đi giao báo”, cậu nói. “Nhưng mẹ cháu đã đọc trên mạng rồi. Mỗi sáng cháu đều đi học ngang qua đây, cho nên… cháu có thể giao cho bác một tờ báo miễn phí vào mỗi ngày trong tuần, nếu chúng ta có thể thống nhất giá sáu mươi đô-la.”

“Đồng ý!”, ông Giuseppe nói và bắt tay Ty. “Bác thích cách nghĩ của cháu đấy nhóc. Nhưng bác còn thích cách cháu thanh toán hơn”, ông nói thêm lúc Ty đưa ba tờ hai mươi đô-la mới cứng cho mình. “Bác đóng cửa tiệm lúc 5 giờ chiều, nên nếu cháu muốn lấy xe thì tầm đó là xe của cháu đã xong.”

Ty gật đầu và rời khỏi tiệm. Cậu nhìn danh sách khách hàng của mình và đi đến Cửa hàng dược phẩm Discount. Ngoài hợp đồng, tòa soạn còn giao cho cậu tên và địa chỉ của mười khách hàng hiện tại. Ty nghĩ gửi cho mỗi khách hàng một tấm thiệp có ghi dòng chữ viết tay của mình là một ý kiến hay. Đó sẽ là cách cậu nói “Cảm ơn vì là khách hàng trung thành của chúng tôi.”

Khi Ty đang đứng trước dây kệ bày thiệp thì một cô gái trạc tuổi cậu bước lại. “Xin chào, mình là Chelsea. Mình có thể giúp gì cho cậu không?”

Ty đỏ mặt, vì cô ấy xinh quá. 

Bạn có tò mò, câu chuyện của Ty sẽ tiếp diễn thế nào không? Những chương tiếp theo sẽ đem lại cho bạn những điều vô vùng thú vị đấy!

Phần 2: Những lời khuyên

Phần 2 của Câu chuyện ly kỳ từ cậu bé giao báo chiếm hơn một nửa tổng số trang sách, trong đó tác giả đã trích dẫn những cuộc phỏng vấn thực tế với các doanh nhân, giáo sư, và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tài ba đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Chủ yếu các lời khuyên được đưa ra là dành cho những người trẻ về việc tìm kiếm cơ hội, bài học từ những thất bại, những tố chất tạo nên một nhà lãnh đạo thành công,…

Dưới đây là một số trích dẫn mà mình tâm đắc:

Josh Linkner 

Bây giờ nhìn lại ông có muốn sửa đổi điều gì trong sự nghiệp của mình không? Ông có gặp thất bại nào không, và ông rút ra bài học quan trọng nào từ thất bại đó?

Tôi từng thất bại nhiều lần. Nếu có cơ hội trò chuyện với những nhân vật thành công nhất  - tôi rất may mắn khi có cơ hội trò chuyện với những nhà tỷ phú và được gặp tổng thống Mỹ  - thì bạn sẽ thấy là những người chiến thắng nhiều nhất cũng chính là những người thất bại nhiều nhất. Họ không phải là những phù thủy quyền năng không bao giờ bại trận. Họ cũng thất bại nhưng bí quyết thành công nằm ở chỗ bạn học hỏi được gì và đối mặt ra sao với thất bại đó.

Ông có lời khuyên nào dành cho sinh viên đại học hoặc bất kỳ người nào có khát khao trở thành doanh nhân, để có thể lĩnh hội tinh thần doanh nhân?

Tôi đã thấy quá nhiều người chọn một nghề nghiệp an toàn, làm công việc nhàm chán tại một công ty tư vấn nào đó, để rồi nhiều năm sau lại chìm đắm trong hối tiếc, vì không có giai đoạn nào thích hợp hơn để đón nhận rủi ro hơn lúc bạn còn trẻ. Chẳng mấy chốc bạn sẽ kết hôn, có con hoặc gánh một khoản nợ thế chấp. Theo quan điểm của tôi, nếu bạn còn trẻ và chấp nhận mạo hiểm thì dù chuyện gì xảy ra, đằng nào bạn cũng có lợi. Ví dụ bạn mở công ty và thành công – tuyệt vời! Hãy tận hưởng chiếc Ferrari của mình. Còn ví dụ bạn mở công ty và thất bại thì những kỹ năng, kinh nghiệm, hiểu biết và kiến thức bạn thu được từ quá trình đó sẽ giúp bạn nổi trội hơn nhiều trên thị trường lao động, trở thành một người tốt đẹp hơn, có phẩm chất và bề dày kinh nghiệm. Thế nên dù thành công hay thất bại, sau cùng bạn vẫn là người có lợi. Nếu nói thời điểm nào phù hợp nhất để mạo hiểm thì đó chính là khi bạn còn trẻ. Con trai tôi đang học đại học, và tôi đã nói với nó rằng bây giờ chính là lúc để mạo hiểm.

Derek Lidow

Nếu được gửi ba lời khuyên đến các sinh viên của mình hoặc bất kì ai có khao khát trở thành doanh nhân, để họ thành công nắm bắt tinh thần doanh nhân, thì ông sẽ khuyên gì?

Một điều thật sự quan trọng đối với việc trở thành doanh nhân thành công, một nhà lãnh đạo giỏi là hiểu rõ bản thân và lý do mình muốn trở nên như vậy. Nếu không biết điều đó, bạn sẽ không thành công và sẽ khiến những người làm việc cho bạn nổi giận vì bạn không kiên định. Tôi thường nói với sinh viên của mình là để thành công và trở thành một nhà lãnh đạo doanh nghiệp thực thụ, các bạn phải vị tha một cách ích kỷ.

Bạn phải thừa nhận lòng ích kỷ của bản thân chính là lí do bạn trở thành doanh nhân. Các doanh nhân xây dựng sự nghiệp vì một lí do, đó là giúp bản thân hài lòng. Điều đó có thể là kiếm tiền và trở nên giàu có, hoặc để chứng tỏ điều gì đó – chẳng hạn như là điều mà mọi người nghĩ bạn không thể làm được – hoặc chỉ đơn giản là để có toàn quyền kiểm soát cuộc đời mình.

Một khi hiểu rõ lí do vị kỷ khiến ta muốn trở thành doanh nhân, ta cũng cần nhận ra là mình sẽ cần đến sự hỗ trợ của rất nhiều người, và như thế ta cần trở thành nhà lãnh đạo. Trở thành nhà lãnh đạo nghĩa là ta cần nghĩ cho người khác nữa. Ta phải làm cho mọi người xung quanh cảm thấy ta sẽ đưa họ đến với thành công. Cho nên, sau cùng thì ta sẽ đặt thành công của người khác ngang hàng nếu không nói là cao hơn, thành công của bản thân và điều đó khiến người ta hết lòng trung thành với ta, sẵn sàng tận lực vì ta và biến tầm nhìn của ta thành hiện thực. Đó chính là tinh thần mà mọi doanh nhân cần có để có thể thành công. 

David Perry

Nếu có cơ hội được gây dựng lại sự nghiệp thì ông sẽ thay đổi điều gì?

Tôi đã không tập trung đúng mức cho việc học ở trường phổ thông và đại học, và cứ nghĩ đây chỉ là “giáo dục” đại trà mà thôi. Tôi ước gì mình đừng lười biếng đến thế. Tôi nhớ có người hỏi tôi, “Cậu có muốn học đàn piano không?” Và thay vì nói “Dĩ nhiên là có!” thì tôi lại hỏi “Học cái đó thì có phải luyện tập ở nhà không?”. Tôi đã học được một điều đó là càng trải nghiệm nhiều điều thì ta càng dễ phá bỏ rào cản với những người mình gặp.

Thử tưởng tượng bạn tham dự một sự kiện và gặp một người rất say mê piano. Khi đó bạn nghĩ “Chết tiệt giá mà mình đã đi học lớp dạy đàn đó!”. Thế nên bây giờ, khi đối mặt với một lựa chọn, tôi sẽ tự hỏi, “Mình có học hỏi hay trải nghiệm được điều gì mới mẻ không?”. Sau đó tôi phải làm việc đó. Như thế rất thú vị, và lượng kiến thức bạn tích lũy trong ba mươi hay ba mươi năm sẽ giúp bạn bắt chuyện với các đối tác kinh doanh tiềm năng thuận lợi hơn nhiều.

Lời kết 

Cuốn sách này có thể coi là mỏng, nhỏ, gọn nhưng lại chứa đựng những ý tưởng lớn. Có một điều thú vị là tác giả viết cuốn sách này khi mới 16 tuổi. William Kerr, Giáo sư tại Trường Kinh doanh Harvard và Chủ tịch của chương trình Khởi nghiệp mới cho Giáo dục quản trị nhận xét: "Với những dự đoán và sự sâu sắc vượt xa độ tuổi của mình, Deep Patel đã trình bày toàn diện tinh thần doanh nhân và các yếu tố để thành công." 

Review chi tiết bởi: Thuy Duong 


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025