Vào cuối tháng 5/2021, anh Nguyễn Huy (33 tuổi), làm nghề hướng dẫn viên du lịch, đưa đoàn khách từ TP HCM đi leo núi và cắm trại ở hồ Trị An (Đồng Nai).
Sau khi kết thúc chuyến đi, du khách quay về thành phố còn Huy cắm trại ở Trị An một tuần nữa. Nhận được lời mời của nhóm bạn, Huy tiếp tục đi cắm trại sâu trong rừng ở Ninh Thuận, Lâm Đồng...
Sau thời gian đó, Huy có ý định trở về nhà thì diễn biến dịch Covid-19 ở TPHCM bắt đầu phức tạp, cả thành phố giãn cách theo chỉ thị 16 và khu vực chỗ ở của anh cũng có nhiều F0.
Chính vì vậy cả nhóm 4 người đã quyết định cắm trại tiếp tại Núi Dinh (Bà Rịa- Vũng Tàu) để chờ hết dịch nhưng đã bị kẹt cho tới nay chưa về được lại thành phố.
Bốn người dựng trại, làm lán sâu trong rừng cách bên ngoài đi bộ khoảng 5 km để tránh tiếp xúc với người lạ. Ban đầu Vũng Tàu chưa giãn cách xã hội thì nhóm có thể xuống núi mua lương thực khoảng 2-3 ngày một lần. Nhưng từ 17/7, khi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giãn cách theo chỉ thị 16, cả nhóm hàng ngày phải vào rừng hái măng, nấm và bắt cua để làm thực phẩm.
"Mùa này ở đây là mùa mưa nên suối có nhiều nước và có nhiều nấm rừng non có thể ăn được. Ngoài nấm cả nhóm có thể hái thêm những loại rau rừng. Mỗi sáng sau khi ăn xong mọi người thường đi dạo quanh rừng để tìm rau, măng và nấm", Huy chia sẻ.
Các thành viên trong nhóm đều là những người có thâm niên và kinh nghiệm cắm trại nên mang đầy đủ các dụng cụ cần thiết như bạt che mưa, lều, nồi, bếp, nên cuộc sống diễn ra bình thường, không gặp nhiều khó khăn.
Cuộc sống diễn ra trong rừng khoảng 2 tuần ,nhóm gặp được một cán bộ kiểm lâm, sau khi cả nhóm được khuyên xuống núi khai báo y tế với chính quyền địa phương. Sau đó họ được giới thiệu tới một ngôi chùa trên núi cách điểm cắm trại khoảng hơn 3 km.
Huy cho hay các sư thầy ở chùa rất vui vẻ cho nhóm tá túc lại, hàng ngày phụ giúp công việc bếp núc. Ở chùa không có người qua lại vì đang trong thời điểm dịch bệnh nên cả nhóm có thể yên tâm không bị lây nhiễm Covid-19.
Mỗi sáng, nhóm thức dậy sớm, vào bếp nấu nước, tới trưa, chiều sẽ theo các thầy vào rừng hái măng, nấm để làm đồ ăn. Ở đây có gạo, các món chay khác nên các bữa ăn của nhóm đa dạng hơn, đủ dinh dưỡng.
Huy cho biết, những ngày kẹt trên rừng chỉ có bất tiện duy nhất là không có sóng điện thoại, thực phẩm không đa dạng. Một ngày Huy thường đi bộ khoảng 4 km ra nơi có sóng điện thoại để cập nhật tình hình dịch ở TPHCM.
Huy và nhóm bạn cảm thấy rất thoải mái với khoảng thời gian ở trong rừng không có dịch bệnh, lại được sống giữa thiên nhiên tận hưởng không khí trong lành. Với họ đây là khoảng thời gian nghỉ ngơi và cũng là lúc học hỏi thêm kỹ năng sinh tồn làm kinh nghiệm cho việc hướng dẫn viên leo núi, và cắm trại sau khi hết dịch.
Dự định của Huy và cả nhóm trong thời gian tới sẽ đợi dịch bệnh được kiểm soát và trở về TPHCM, ổn định cuộc sống và trở lại công việc hướng dẫn viên du lịch.
Toàn Vũ
Ảnh: NVCC