Một buổi sáng sớm giữa tháng 8/2020, anh Lê Trần Thiện Long (TP.HCM) cùng con trai Lê Nguyên Tâm lọ mọ chất vài thứ cần thiết lên chiếc xe máy, bắt đầu chuyến phượt từ Sài Gòn về Nha Trang. Quãng đường hơn 400 km, vốn dĩ chỉ mất một ngày đường nhưng hai cha con đi đến.... 20 ngày. Đó là chuyến đi khởi đầu cho những tháng ngày khám phá trải nghiệm sau này. Trong năm học thì đi vào cuối tuần, dịp nghỉ lễ, loanh quanh những điểm gần thành phố. Ngày nghỉ dài thì đi xa hơn. Đỉnh điểm là hồi tháng 5 năm nay, chuyến đi từ Sài Gòn đến Đà Lạt của cả gia đình 4 người kéo dài gần 6 tháng.
Trên chiếc xe máy nhỏ, cả nhà 4 người rong ruổi khắp nơi.
Đi cùng con, trải nghiệm cùng con, người bố năm nay 34 tuổi nói, anh cảm thấy con mạnh mẽ cứng cáp hơn nhiều. "Con khác xa với hồi đi học về chỉ ở nhà xem tivi, ipad. Lúc trước con sợ bóng tối, côn trùng, giờ những lần ở rừng rú sông suối con dũng cảm hơn. Con cũng từng chỉ biết ăn học, giờ biết nấu cơm, tự lo bữa ăn, rửa chén, dọn dẹp nhà cửa... Chính bản thân tôi cũng thấy mình thay đổi từ sau những chuyến đi, rắn rỏi và biết quan tâm hơn thay vì là 1 ông bố chỉ biết đi làm suốt ngày, số giờ gặp con hàng ngày đếm chưa đầy 1 bàn tay".
Những chuyến đi của gia đình đều được anh Long ghi lại trên kênh Youtube Đi là Đến Official của gia đình với mong muốn lưu giữ những khoảnh khắc tuyệt vời trong cuộc đời của con và cả gia đình. Anh hy vọng sau này lớn lên, con sẽ hạnh phúc vì đã có một tuổi thơ đầy sắc màu trải nghiệm.
Làm nghề kinh doanh tự do, anh Long chia sẻ mình đã từng có khoảng thời gian chỉ biết đến công việc với quan niệm cho con đầy đủ vật chất là cách yêu con đúng đắn nhất. Tuy nhiên, quan điểm dạy con của anh đã thay đổi khi được nghe, đọc nhiều câu chuyện cũng như có cơ hội tiếp xúc với những người thầy truyền cảm hứng.
"Trẻ con sẽ lớn rất nhanh, nhanh hơn cả những gì ta nhận thấy. Nếu có điều kiện, hãy cho con đi cùng, vừa trải nghiệm, vừa học hỏi thêm nhiều điều mới mẻ chứ không chỉ quanh quẩn ăn học trong bốn bức tường hay chỉ du lịch kiểu nghỉ dưỡng", anh Long nói. Nghĩ là làm, nhân dịp con nghỉ hè, anh cũng nghỉ làm luôn 20 ngày đưa con đi phượt thay vì book vé máy bay vèo từ Sài Gòn đến Nha Trang cho nhanh gọn.
Hai vợ chồng thống nhất với nhau về cách dạy con, vậy nên khi hai cha con quyết định phượt, vợ anh cũng rất ủng hộ. Những khoảng thời gian sau đó, cứ cuối tuần hoặc nghỉ lễ là cả nhà lại đèo nhau đi những địa điểm ngoại thành như hồ Trị An (Đồng Nai), hồ Đá Bàn (Bình Dương); Bãi biển Đồi Nhái (Vũng Tàu); Hồ Đá Hóa An (Biên Hòa)...
Đến ngày 19/5 năm nay, ngoài anh Long và con trai thì vợ anh chị Trần Thị Thu Hằng cùng bé út Lê Khả Như (5 tuổi) cũng tham gia vào hành trình phượt. Dự định ban đầu gia đình sẽ đi từ Sài Gòn ra Bình Thuận, nhưng tình hình dịch bệnh nên cuối cùng hai vợ chồng quyết định đi tiếp, vòng lên Đà Lạt và kẹt lại ở đây từ ngày 2/7. Cả nhà trú tại một homestay với giá 3 triệu đồng/tháng.
Những chuyến đi theo anh Long không tốn kém nhiều vì gia đình anh không phải đi du lịch kiểu nghỉ dưỡng, đa phần là cắm trại, trải nghiệm kiểu hoang dã, đi chợ và tự nấu ăn trên suốt hành trình. Đồ đạc đem theo vì thế cũng chỉ những thứ cần thiết như: Lều cắm trại loại tốt, có thể chống mưa chống nắng; bàn du lịch; bếp ga du lịch (không phải loại bếp ga mini); bếp than, áo phao, quạt tích điện cho gia đình có trẻ em...
Trải nghiệm cắm trại Tuyệt tình cốc.
"Điều lo nhất là sức khỏe của bé út, ban đầu hai vợ chồng cũng sợ con đau ốm kiểu lạ nước lạ cái, nhưng thực sự khi ra ngoài, hòa nhập với thiên nhiên, sức đề kháng của con cũng tốt hơn. Thứ hai là tinh thần các bé cũng vui vẻ phấn chấn, vui chơi chạy nhảy nhiều. Trộm vía dù cùng bố mẹ trèo đèo lội suối, trải qua những ngày mưa rồi nắng nhưng con chỉ bị cảm sốt nhẹ, uống thuốc là khỏi", ông bố hai con kể.
Lúc đầu, gia đình tới các khu du lịch nổi tiếng, sau đó tìm đến những địa điểm hoang sơ để nghỉ ngơi, thư giãn. Trong hành trình 2 tháng qua nhiều tỉnh thành gia đình nhỏ đã có những trải nghiệm tuyệt vời qua các địa điểm: Bình Thuận: Núi Đức Mẹ Tà Pao; Suối La Ngâu; Đảo trên hồ Đa Mi; Hồ thủy điện Sông Quao; Suối gần hồ thủy điện Sông Quao; Biển Mũi Kê Gà; Suối Tiên Mũi Né; Sa mạc cát Bàu Trắng; Mũi Yến; Chùa cổ Thạch - Bãi đá 7 màu - biển Cổ Thạch; Ninh Thuận: Biển Cà Ná; Ghành đá biển Mũi Dinh; Suối Thác 3 Hồ; Suối Tiên; Cánh Đồng Cừu; Bãi Nước Ngọt - Bãi Biển Chà Là; Làng Nho Thái An - Hồ đập thủy lợi Hồ Nước Ngọt; Khánh Hòa: Suối Đá Giăng; Hồ Suối Dầu; Mũi Ninh Vân - Vịnh Ninh Vân; Sông Khánh Lê; Thác EDU Khánh Vĩnh.... Mỗi địa điểm cắm trại từ 2 - 5 ngày kéo dài trong 2 tháng.
"Thời gian kẹt dịch ở Đà Lạt, vì tuân thủ 5K nên cả nhà hầu như không di chuyển, nhưng nhờ homstay ở ngay đồi thông nên các con có không gian thiên nhiên để trải nghiệm những hoạt động thú vị như hái nấm, trồng rau... mà không tiếp xúc nhiều người", anh Long chia sẻ.
Chuyến đi đầu tiên 20 ngày cùng bố của Nguyên Tâm - khi đó 8 tuổi - theo kiểu "du mục", dọc theo tuyến đường ven biển từ Sài Gòn ra tới Nha Trang, cứ nơi nào hay ho, cảnh đẹp hai cha con lại cắm trại trải nghiệm 1, 2 ngày rồi di chuyển đến điểm tiếp theo. Cậu bé dường như được "thừa hưởng" sở thích phượt của bố nên dù chuyến đi mới mẻ nhưng con cũng hợp tác, vui vẻ, khỏe mạnh. Về nhà con nhanh chóng bắt nhịp lại với hoạt động thường ngày, cứng cáp hơn. Chuyến đi khởi điểm được anh đặt tên là "hành trình rèn nghị lực giúp con trưởng thành".
"Những lúc dừng chân, hai cha con tự nhóm lửa, nấu ăn, có khi lặn biển bắt ốc, câu cá... Không phải kiểu sinh tồn mà là cách trải nghiệm để con học được những kỹ năng. Con cũng học được cách đi chợ, lựa chọn thức ăn, nghĩ món ăn cho từng bữa... Ở nhà chăn ấm nệm êm, nhưng trong những chuyến đi này con hầu như tự lực. Thực sự tôi cũng có phần ngạc nhiên vì không nghĩ khi đặt con trong những hoàn cảnh ít thuận lợi, nhiều lúc gặp trở ngại khó khăn nhưng con lại thích nghi nhanh và vượt qua tốt đến vậy".
Những kỷ niệm khó quên.
Nguyên Tâm thích nhất là cắm trại đêm ngoài trời, đó là khoảng thời gian đầy cảm xúc. Những nỗi sợ trước đây như bóng tối, sợ... ma thì sau vài lần con đã quen dần và không còn lo lắng nữa. Dưới bầu trời đêm, phía dưới là sóng biển, anh Long hỏi con: "Lần đầu ngủ ngoài trời, con có thấy sợ không". Đứa trẻ 9 tuổi cười toe toét, vô tư trả lời: "Con ít sợ hơn con tưởng, bố ạ!".
Không chỉ bé Tâm, mà với bé gái thứ hai, anh Long cho rằng con cũng dạn dĩ và độc lập hơn: "Quan điểm của nhà tôi khá thoải mái: Con còn muốn chơi nghĩa là còn năng lượng, đói chắc chắn sẽ đòi ăn và mệt sẽ đi ngủ. Con ăn thì không bắt buộc phải là ăn cơm hay ngủ là phải về phòng nằm. Bé cũng rất thích khám phá và hòa nhập với thiên nhiên. Tôi thấy những chuyến đi phượt không chỉ giúp con được trải nghiệm nhiều hơn mà còn giúp chính bố mẹ có được cảm giác lớn lên cùng con nữa".
Tới đâu cũng có thể là nhà.
Những chuyến đi cũng là cơ hội để vợ chồng anh dạy con đủ thứ kỹ năng sống, cách xử lý tình huống, quản lý cảm xúc hay sẻ chia với những người khó khăn trên đường đi. Có những lúc đi vào những vùng đất nhão dính phải dắt bộ mấy tiếng, rồi google chỉ đường... sai, thay vì đi 15 phút tới nơi thành đi 3 tiếng... nhưng theo anh Long, đây chính là những bài học từ trải nghiệm vô giá mà bình thường con khó có được. Rồi vợ chồng cũng có lúc xảy ra xung đột trên đường đi, nhưng nhờ vậy, cách nhìn về nhau cũng lặng lẽ thay đổi. Dưới núi, trên bãi cỏ, bên hồ, họ cùng trò chuyện về cuộc sống, kể ra những khiếm khuyết của nhau. Những chuyến trải nghiệm, vì thế, không chỉ giúp con khám phá, học hỏi hay giải trí sau những giờ học căng thẳng mà cũng là cách để vợ chồng anh Long kết nối và hiểu nhau hơn.
Dự định của vợ chồng anh Long là nếu đỡ dịch sẽ cho các con đi xuyên Việt, từ Nam tới Bắc. Mong muốn của anh là để con cảm nhận được thế giới bên ngoài, càng nhiều càng tốt.
"Trước đây, vợ chồng tôi thỉnh thoảng có đưa con đi du lịch, ở khách sạn, ăn nhà hàng và tham quan danh lam thắng cảnh. Đó là hưởng thụ. Bây giờ là du lịch, chú trọng trải nghiệm. Điều kiện tương đối khó khăn nhưng có thăng trầm cuộc sống sẽ càng phong phú và đáng nhớ hơn", anh Long nói.
Pháp luật & Bạn đọc