Một bức tranh của Edward Hopper - họa sĩ người Mỹ nổi tiếng với những bức tranh mô tả sự cô đơn, hối tiếc và buồn chán - được một họa sĩ khác (Nastya Nudnik) "mượn" để mô tả nỗi cô đơn, buồn chán trong kỷ nguyên mạng xã hội. |
Ai đời lại khuyên nên để trẻ em chán đời cho quen! Ấy thế mà trên tờ New York Times, một nhà báo phụ trách chuyên mục điểm sách lại nói cứ để cho bọn trẻ than “chán”, đừng nghe vậy mà chịu mặc cảm bỏ bê con cái, để chúng không có niềm vui. Theo bà, buồn chán rất có ích, có buồn chán mới nảy sinh sáng tạo.
Lập luận của bà tựu trung thế này: trường học là nơi buồn chán, vai trò của thầy cô giáo không phải là diễn hài cho các em xem. Các em có quen với sự buồn chán trong việc học, sau này vào đời mới không bị sốc khi rơi vào các loại công việc nhàm chán, những đồng nghiệp buồn chán, những hàng xóm đáng nản.
Đó là cách bà này viết cho các bậc cha mẹ tìm cách dạy con. Với chúng ta, thời đại ngày nay khó lòng mà buồn chán, nên đúng là một ít buồn chán sẽ đem lại sự quân bình, tránh bị rơi mãi vào các vòng xoáy xốc nổi.
Thuở chưa có điện thoại di động, chưa có máy tính để bàn, máy tính xách tay, thử hỏi thời gian rảnh rỗi chúng ta làm gì? Ngày nay những giây phút rảnh rỗi như thế ngày càng hiếm, ta dễ dàng tách mình khỏi thực tại đang sống để bước vào một không gian không một phút giây buồn chán. Hết tin động trời này đến tin gây sững sờ khác; hết vụ xìcăngđan này đến cuộc tranh cãi khác vừa bùng lên; mọi thần kinh cảm xúc của ta căng lên hết mức, đón nhận tin này, hấp thụ tin kia - làm sao có phút giây nào để buồn chán. Với chiếc điện thoại thông minh trên tay, ta lang thang khắp các diễn đàn, nhảy vào chửi đổng vài tiếng, vỗ vai vài người, xô đẩy, ném thêm vài viên đá vào những người khác.
Thế nên, nếu bỗng dưng ta thấy buồn chán, đó thực ra lại là dấu hiệu đáng mừng, nó cho thấy ta bắt đầu thoát khỏi vòng kiềm tỏa của thế giới ảo. Có buồn chán như thế, may đâu ta mới quay về đọc kỹ một cuốn sách mua lâu ngày nhưng vẫn xếp xó; chịu nhấc chân bước ra bờ sông hít thở không khí tự nhiên thay cho thứ không khí lạnh giả tạo trong phòng có điều hòa, mới chịu mở miệng hỏi han bà hàng xóm, xem bọn trẻ chơi đá dế, gọi điện cho lũ bạn lâu ngày chưa gặp mặt ngoài đời.
Buồn chán bắt con người ta sững lại, để đầu óc hoạt động hết công suất nhưng không phải thụ động tiếp nhận các tín hiệu cả âm thanh lẫn hình ảnh như khi bị cuốn vào các video trên YouTube. Đó là lúc đầu óc hoạt động hết công suất để trả lời những câu hỏi đã có từ lâu nhưng không chịu suy nghĩ thấu đáo, cứ để câu trả lời của người khác hiện lên, rồi ta đơn giản quyết hoặc thích hoặc ghét cho khỏe. Trong một thế giới mà bất kỳ ai cũng đòi hút hết sự chú ý của bạn, buồn chán là của trời ban.
Tiếp nối dòng suy nghĩ đó, tốt nhất chúng ta giải quyết thêm một bài toán mà báo Time từng đặt ra: lười nhác hóa ra rất tốt cho bạn. Bài viết cho rằng lười biếng là một nghệ thuật thất truyền. Nhưng trước hết phải biết lười ở đây không phải là lấp đầy mọi khoảnh khắc bằng các xao nhãng vô tâm; lười ở đây là cố ý không làm gì hết. Một lần nữa, tác giả muốn nói đến cái lười vô tâm đang đầy rẫy trong cuộc sống hiện đại: nhảy từ tin này sang mẩu chuyện khác; hết kiểm tra tin nhắn đến mở email; hết coi Facebook lại vào các diễn đàn tán gẫu...
Bài báo nói đến trải nghiệm của tác giả về sự chú tâm và sự lơ đễnh, nhưng phần quan trọng nhất của bài viết là cuộc chẩn đoán nói trên: con người đang lười theo kiểu tiêu cực, kiểu lười đúng cách đã biến mất.
Đúng là đầu óc con người ta không bao giờ ngồi yên một chỗ; hết nhảy về quá khứ, cười một mình vì nhớ lại lần đánh nhau với bạn rồi nhảy đến tương lai, hình dung 10 năm, 20 năm nữa chúng ta đang làm gì với món tiền vừa trúng số. Hình ảnh trong đầu chạy vùn vụt đuổi theo một kỷ niệm khi ẩn khi hiện, hoặc tái hiện những khung cảnh mà ta ước gì mình đã ứng xử khác đi. Từ chuyện này nhảy qua chuyện khác, bỗng lóe sáng trong đầu một ý tưởng nào đó; có thể là một sáng tạo đầy táo bạo, có thể là một ý tưởng làm ăn, cũng có thể là một cốt truyện cho câu chuyện đang ấp ủ viết.
Đáng buồn, trong cái thế giới mọi doanh nghiệp bán hàng tranh nhau giành lấy sự chú ý của chúng ta, những khoảnh khắc như thế càng hiếm. Chúng ta không còn thời gian để ngồi mơ mộng kiểu đó nữa. Chúng ta bị cuốn vào các mảng đời xa lạ, không mảy may liên quan chỉ vì một thuật toán khôn khéo nào đó trói chân chúng ta vào vòng xoáy này.
Vì thế, điều đáng mong ước nhất là chúng ta có những giây phút tự do để mà buồn chán, để mà lười nhác như ngày xưa, để đầu óc bay bổng tự do và ở cuối đường lại lóe sáng một suy nghĩ tinh quái nào đó.■