Bụi phấn - Nghề giáo là nghề truyền sức mạnh

Đoàn Xuân17/11/2018 08:00
Bụi phấn - Nghề giáo là nghề truyền sức mạnh

Người dạy học phải tin vào sức mạnh tiềm tàng của học trò, và anh ta phải nỗ lực hết sức để giúp học trò mình nhận ra được sức mạnh này.

Dù đã gắn bó với nghề dạy học suốt 20 năm nhưng trong thâm tâm, tôi chưa bao giờ coi mình là một giáo viên thật sự. Trong suy nghĩ của tôi, nghề giáo không đơn giản chỉ là truyền đạt lại kiến thức mà còn phải lắng nghe và giúp học sinh của mình vươn tới những chân trời mới. Suốt thời gian qua, tôi cảm thấy mình chưa đáp ứng được những yêu cầu này nên luôn cho rằng mình vẫn còn là “giáo viên tập sự”... cho đến khi Ethan xuất hiện.

Ethan cao lớn với mái tóc vàng hoe và quần áo lúc nào cũng luộm thuộm. Điểm nổi bật ở cậu ta là cách sống khác người, ít nói và hay quên. Nhưng cũng chính những đặc điểm này là cơ duyên giúp tôi hiểu được thế nào là hạnh phúc của một nhà giáo chân chính.

Ethan thường ngồi một mình ở cuối lớp, chẳng để ý đến ai mà cũng chẳng muốn ai quan tâm đến mình. Cậu ta không bao giờ làm bài tập và cũng không tham gia bất kỳ hoạt động nào của lớp.

Tôi nhận ra sự lập dị của cậu học trò này chỉ một thời gian ngắn sau khi tiếp nhận lớp. Và để Ethan hòa đồng với tập thể quả thật là một việc không hề dễ dàng chút nào. Tôi quyết định tìm hiểu kỹ hơn về cậu học trò kỳ lạ này. Khi xem lại hồ sơ của Ethan, tôi hiểu được phần nào nguyên nhân dẫn đến những hành vi của em. Cha Ethan qua đời khi cậu còn rất nhỏ và cậu đang phải sống chung với người mẹ nghiện rượu. Ethan còn có một người anh bị thiểu năng và cả hai anh em đều có dấu hiệu bị mẹ ngược đãi.

Hoàn cảnh của Ethan khiến tôi hết sức thương cảm. Tôi tự nhủ bằng mọi giá phải giúp đỡ cậu bé sớm hòa nhập với mọi người. Thế nhưng, bất chấp những cố gắng của tôi cũng như thiện chí của các bạn trong lớp, Ethan vẫn thường xuyên bỏ học hoặc trốn tiết.

Đó là năm học cuối cấp. Để tốt nghiệp, Ethan cần phải trả nợ tất cả những môn mà cậu thi trượt trước đó. Tôi hiểu điều này rất khó khăn với Ethan nên cố tìm cách giúp đỡ cậu mỗi khi có thể. Nhưng dường như Ethan không mấy mặn mà với việc thi cử, cậu vẫn cứ chứng nào tật ấy.

Một hôm, tôi nảy ra một sáng kiến giúp Ethan khi cả lớp sắp sửa có buổi thảo luận môn Tâm lý học. Theo gợi ý của tôi, mỗi nhóm gồm năm học sinh sẽ mô tả từng thành viên trong nhóm với những từ mà các em thấy phù hợp nhất. Buổi thảo luận diễn ra sôi nổi và hầu hết các em đều tỏ ra thích thú với bài tập này. Chỉ trong vòng năm phút, các em đã hoàn thành yêu cầu của tôi. Tiếp theo, tôi yêu cầu mỗi nhóm viết về một bạn nổi bật nhất trong nhóm của mình và sẽ báo cáo vào tuần sau. Điều bất ngờ là trong buổi thảo luận hôm đó, Ethan tham gia một cách nhiệt tình, liên tục đưa ra quan điểm riêng của mình.

Thế nhưng, một tuần sau đó, Ethan lại tiếp tục nghỉ học không lý do. Tôi thật sự thất vọng khi thấy mọi nỗ lực nhằm giúp đỡ cậu học trò “cá biệt” của mình đều không mang lại kết quả. Nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn cảm thấy mình có một phần trách nhiệm và tôi quyết định thử lần cuối.

Sau khi bàn bạc kỹ lưỡng với các bạn cùng nhóm Ethan, tôi đã tổ chức lại buổi thuyết trình vào cuối tuần – ngày duy nhất Ethan không bao giờ bỏ học. Hôm đó, theo kế hoạch, sau bài thuyết trình, mỗi nhóm sẽ nói về một thành viên đặc biệt của nhóm mình. Các em mang đến lớp những tấm áp-phích lớn được trang trí bằng nhiều hình ảnh sinh động.

Trên mỗi tấm áp-phích ghi những từ tương ứng với tính cách của thành viên được nhắc đến trong bài viết. Nhóm của Ethan đã trưng lên những từ “Tử tế”, “Vui vẻ”, “Mái tóc rất ấn tượng”, “Biết quan tâm”... Cả lớp đều hồi hộp, không biết thành viên nào của nhóm sẽ trở thành nhân vật xuất sắc nhất. Và trong khi mọi người suy đoán thì Beth, một bạn nữ xinh xắn trong nhóm đứng lên:

- Mình nghĩ hẳn các bạn đang tò mò muốn biết thành viên nổi bật nhất nhóm mình là ai phải không? Bây giờ, mình xin thông báo với các bạn, nhân vật chính của nhóm chính là… Ethan.

Bối rối rời khỏi chỗ ngồi, Ethan bước lên bục cùng với cả nhóm trong tràng pháo tay nồng nhiệt. Tôi không kìm được xúc động khi thấy Ethan hạnh phúc trong vòng tay bạn bè. Chưa bao giờ tôi thấy yêu các em học sinh của mình đến vậy. Tôi biết, tình cảm và sự sẻ chia của các bạn sẽ là động lực để Ethan vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt.

Cuối cùng thì Ethan cũng hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp vào tháng sáu năm đó. Trong buổi lễ trao bằng tốt nghiệp, Ethan, trong bộ lễ phục thùng thình, bước đến trước mặt tôi, mỉm cười rồi ôm lấy tôi. Khi nhìn thấy đôi mắt cậu ngấn ngấn nước, tôi chợt nhận ra niềm hạnh phúc mà nghề giáo đã mang lại cho mình, niềm hạnh phúc thiêng liêng và cao cả mà mãi đến giây phút này, mãi đến năm thứ 20 trong nghề “gõ đầu trẻ”, tôi mới có cơ hội được cảm nhận.

Bụi phấn


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025