Huy bắt đầu sưu tập tiền từ năm lớp 6. Lúc đó, Huy được ra nhà cô ở thị trấn chơi, Huy và anh họ tìm kiếm hình ảnh của các nước thì vô tình tìm thấy hình ảnh một tờ tiền Ecuador.
"Thấy nó rất lạ và mình đã thích thú ngay lần đầu nhìn thấy. Nhiều lần ra đó chơi, mình tìm được thêm nhiều hình ảnh tiền Việt Nam và thế giới nữa, thế là nhờ cô in ra giấy, mang về nhà... ngắm cho đỡ thèm.
Từ lúc nhà có máy tính và kết nối Internet thì mình bắt đầu tìm hiểu về các diễn đàn sưu tầm tiền, làm quen các anh chị ở khắp mọi miền từ Hà Nội, TP. HCM, Tây Ninh, Đà Nẵng...", Huy cho biết về cơ duyên đến với thú chơi sưu tầm tiền của mình.
Với Huy, việc thú vị nhất khi sưu tầm tiền là những phát hiện mới về những tờ tiền mình sở hữu thông qua các lần sưu tập và trao đổi với các anh chị em chung sở thích trên khắp mọi miền Tổ quốc.
"Mình được làm quen với các anh chị ở nhiều lĩnh vực khác nhau trên khắp mọi miền đất nước và cả nước ngoài. Vậy nhưng nhớ nhất vẫn là hồi còn nhỏ, mình đạp xe khắp xóm, qua nhà những đứa bạn để trao đổi những tờ tiền đầu tiên với những đứa bạn cùng xóm.
Tuy những tờ giấy bạc đó thực sự không có giá trị cao nhưng mình vẫn lưu giữ như kỉ niệm buổi đầu sưu tập", Huy nhớ lại.
Ngày nay, việc tìm kiếm thông tin về tiền không còn khó khăn qua các phương tiện Internet. Tuy nhiên, để có thông tin chính xác hơn thì Huy có mua một số sách của các nhà sưu tập trước về tham khảo thêm. "Về tiền giấy quốc tế thì mình thường tham khảo trên trang tổng hợp banknote.ws", Huy chia sẻ.
Để có thêm kiến thức trong thú chơi sưu tầm tiên, Huy vẫn thường đến quán cà phê Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại TP. HCM vào mỗi sáng thứ Bảy hằng tuần để gặp gỡ và trao đổi với các anh chị em và các chú bác trong giới sưu tầm.
"Sưu tầm tiền đòi hỏi mình cần có hiểu biết rõ về thời gian và cả về tài chính. Nhiều lần mình phải bán đi một số tờ tiền vì không đủ khả năng tài chính.
Tuy nhiên, mình nghĩ, tiền tệ đúng là cần được để theo đúng chức năng lưu thông của nó: công cụ trung gian trao đổi. Khi một tờ tiền được trao đi, mình nhận lại một cơ hội gặp một tờ tiền mới", Huy chia sẻ.
Huy dự định vẫn sẽ duy trì việc sưu tập, tuy nhiên tập trung hơn vào hai mảng là tiền thế giới mệnh giá 10 và các tờ tiền "độc- lạ" thay vì tìm kiếm đủ bộ.
"Tìm kiếm đủ bộ vốn cần nguồn tài chính rất lớn vì có những tờ tiền trị giá hàng trăm triệu đồng và chỉ còn 1-3 tờ nên chưa chắc có nguồn tài chính đã có thể mua được", Huy cho biết.
Ngoài có sở thích sưu tập tiền cổ, Khánh Huy còn tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện quốc tế. Huy là thành viên của dự án Speak-up Borneo do AIESEC Curtin University (bang Sarawak, Malaysia) tổ chức. Đây là một dự án dạy tiếng Anh cho những đứa trẻ vùng sâu tại Malaysia.
Hiện tại, Huy cũng đang dạy giao tiếp tại nhà cho người lớn và một trung tâm tiếng Anh thiếu nhi tại Q. 2, TP. HCM.
Theo Hà Chi
Sinh viên Việt Nam