Chỉ những trẻ nào cảm nhận được tình yêu thương và sự quan tâm của cha mẹ mới có thể vững vàng trưởng thành. Nghiên cứu của các nhà khoa học chỉ ra, lời nói yêu con có tác động không chỉ là thời điểm, mà cả cuộc đời của một đứa trẻ. Nhà tâm lý học người Mỹ Jeffrey Bernstein từng viết: "Bạn yêu con thôi chưa đủ. Nếu bạn không bày tỏ thành lời, đứa trẻ sẽ không thể cảm nhận được tình yêu của bạn".
Việc bạn sử dụng những ngôn ngữ yêu thương đối với trẻ không có nghĩa bạn đã loại trừ hoàn toàn nguy cơ nổi loạn của trẻ trong tương lai. Tuy nhiên, điều đó sẽ giúp con bạn cảm nhận được tình yêu thương, cảm giác an toàn và niềm hy vọng mà bạn dành cho chúng. Điều này sẽ giúp bạn dạy dỗ con cái tốt hơn, để trẻ phát triển toàn diện và trở thành người có trách nhiệm khi lớn lên.
Tình yêu chính là nền tảng của quá trình phát triển đó. Sự trưởng thành của con trẻ chủ yếu phụ thuộc vào mối quan hệ giữa trẻ và cha mẹ. Bạn hãy nhớ, chỉ những trẻ nào cảm nhận được tình yêu thương và sự quan tâm của cha mẹ mới có thể vững vàng trưởng thành. Có thể bạn rất yêu thương con, nhưng nếu bạn không sử dụng được loại ngôn ngữ có thể chuyển đến cho con tình yêu sâu sắc của bạn thì trẻ vẫn cảm thấy mình thiếu vắng tình yêu của cha mẹ.
Trong cuốn sách “5 ngôn ngữ yêu thương dành cho trẻ em” hai tác giả Gary Chapman và Ross Campbell cho rằng: “Mỗi trẻ em đều có một “khoang tình cảm” riêng. Đó là nơi chứa đựng sức mạnh tình cảm của trẻ, giúp trẻ vượt qua những thử thách trong thời thơ ấu và niên thiếu. Là cha mẹ, bạn phải biết cách làm đầy “khoang tình cảm” của con để trẻ có thể phát triển toàn diện nhất. Nhưng làm thế nào để làm đầy được “khoang tình cảm” của trẻ?
Dĩ nhiên, chúng ta phải luôn dành cho con tình yêu, nhưng tình yêu đó phải giúp cho trẻ phát triển bản thân và sống có trách nhiệm. Và câu trả lời là chúng ta phải thương yêu con cái của mình bằng tình yêu thương vô điều kiện. Đây là loại tình yêu đầy đủ và trọn vẹn nhất, thừa nhận trẻ vì chính bản thân chúng chứ không phải vì những gì chúng làm. Dù trẻ có làm (hay không làm) điều gì đó thì chúng vẫn được yêu thương”.
Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là đa số các bậc phụ huynh thường dành cho con trẻ loại tình yêu có điều kiện. Loại tình yêu này lệ thuộc vào những việc trẻ làm hơn là bản thân trẻ. Nó đòi hỏi ở con trẻ phải có một thành tích vượt trội nào đó và thường biểu hiện bằng cách nuôi dạy con gắn liền với việc tặng quà cho chúng, trao phần thưởng và những đặc lợi khác khi trẻ hành động hay đạt thành tích theo ý nguyện của cha mẹ.
Điều này cũng được nhà tâm lý học Edward L. Deci nhắc đến trong cuốn sách “Sao ta làm điều ta làm”. Từ những nghiên cứu của mình, ông đã chỉ ra rằng con người giải quyết vấn đề tệ hơn khi họ cố gắng vì một phần thưởng ngoại tại thay vì được thúc đẩy từ bên trong. Điều này chứng tỏ, phần thưởng chỉ là một tác nhân đến từ bên ngoài và không thể hoàn toàn xem nó như một phương tiện để thúc đẩy hành vi của con người. Thậm chí, khi sử dụng sai cách, phần thưởng sẽ làm suy yếu động lực nội tại trong quá trình trưởng thành.
Chính vì vậy, chỉ có tình yêu vô điều kiện mới ngăn chặn được những “căn bệnh” ở trẻ như sự giận dữ, cảm giác không được yêu thương, mặc cảm có lỗi, sợ hãi và bất an. Chỉ khi nào chúng ta cho con trẻ đúng tình yêu vô điều kiện đó, chúng ta mới có thể hiểu được chúng một cách sâu sắc và xử lý được những hành vi đa dạng ở trẻ.