Medscape, trang web cung cấp thông tin y khoa cho bác sĩ và hỗ trợ huấn luyện y khoa liên tục (CME) cho nhân viên y tế, đã đưa bác sĩ Stanley Dudrick vào danh sách 25 bác sĩ có tầm ảnh hưởng nhất thế giới.
Đặc biệt hơn, sáng chế đó giúp cứu sống hàng chục triệu người khắp thế giới.
Đó là định mệnh. Năm bảy tuổi, chứng kiến cảnh bác sĩ tận tâm cứu người mẹ của mình thoát khỏi một cơn sốt thập tử nhất sinh, ngay lập tức cậu bé Stanley Dudrick quyết định lớn lên phải trở thành bác sĩ cứu người. Sau khi lấy bằng cử nhân sinh học, Dudrick học tiếp y khoa, và vào đầu những năm 1960 ông trở thành bác sĩ nội trú phẫu thuật tại bệnh viện đại học Y khoa Pennsylvania.
Không chịu thua cuộc
Trong khi làm việc, có lần chứng kiến cái chết của ba bệnh nhân được phẫu thuật thành công, ông tự hỏi điều gì xảy ra cho họ. Thay vì nghi ngờ con đường đã chọn hoặc chán nản bỏ nghề, Dudrick lao vào tìm hiểu trong nhiều tháng trời, trao đổi với đàn anh – bác sĩ Jonathan Rhoads – người cũng quan tâm chuyện này, và cuối cùng ông biết được nguyên nhân: bệnh nhân chết không vì bệnh khó chữa, mà vì họ không ăn uống được hoặc không hấp thu đủ chất dinh dưỡng để duy trì cuộc sống.
“Phải có cách để nuôi dưỡng những bệnh nhân không thể ăn uống?”, ông tự hỏi. Nuôi ăn trực tiếp qua ống xông dạ dày hay ruột non có thể áp dụng ở một số người, nhưng đối với người có vấn đề ở đường tiêu hoá hoặc cần đến “siêu dinh dưỡng” để duy trì sự sống, thời đó y khoa chưa có cách nào.
Trong thực tế, nếu truyền nước đường cho bệnh nhân qua tĩnh mạnh họ chỉ cầm cự được vài ngày, vì đường không cung cấp đủ dinh dưỡng. Nhiều nhất nó chỉ cung cấp 500 – 600 calo/ngày, và ngay cả nếu bổ sung vitamin và muối khoáng, xen kẽ với một dung dịch protein đặc biệt, nó cũng không đủ duy trì trọng lượng cơ thể hay ngăn chặn sự phân huỷ các mô ở một người lớn trung bình hoặc một trẻ em đang tuổi phát triển.
Theo bác sĩ Dudrick, cách bổ sung dinh dưỡng trước nay vẫn làm là dùng một tĩnh mạch nhỏ ở cánh tay với nồng độ 5%, chỉ phù hợp với dung dịch hoà tan trong máu có nồng độ bình thường. Nếu nồng độ dung dịch vượt quá tỷ lệ này, tĩnh mạch và tế bào máu sẽ bị tổn thương. Và nếu bổ sung nhiều hơn ba chai dung dịch hoà tan/ngày, mỗi chai khoảng 175 calo, toàn bộ lượng nước có thể gây tổn thương nghiêm trọng chức năng tim, phổi bệnh nhân. Chưa kể việc nuôi ăn chỉ bằng đường tĩnh mạch có những nguy cơ khác như nhiễm trùng, máu đóng cục nếu truyền lâu ngày.
Để giải quyết trở ngại này, Dudrick áp dụng cách truyền tĩnh mạch dung dịch 10 – 15% cùng lúc cho bệnh nhân dùng thuốc lợi tiểu để rút bớt nước thừa. Như thế, ông có thể tăng lượng dịch truyền lên 4 – 5 chai, thậm chí 7 chai/ngày. Trong hai năm trời, 37 bệnh nhân đối mặt với cái chết đã được Dudrick cứu sống. Tuy nhiên, ông phát hiện rằng nhiều người ngừng mất cân nặng nhưng lại không thể tăng cân, thậm chí họ cần phải được cung cấp dinh dưỡng nhiều hơn nữa để mau khỏi bệnh.
Không nghĩ lợi ích riêng
“Cần ‘nâng cấp’ phương pháp”, bác sĩ Dudrick nghĩ như thế và lập luận: “Nếu tĩnh mạch nhỏ không phù hợp tại sao không tìm đến tĩnh mạch lớn, nơi có lượng máu nhiều và chất dinh dưỡng sẽ nhanh chóng được pha loãng”. Và ông quyết định chọn tĩnh mạch chủ trên, nơi đưa máu từ đầu – cổ về tim.
Hàng ngày Dudrick làm việc ở bệnh viện, nhưng tối về ông lại lao vào nghiên cứu trên chó con. Ông truyền dung dịch dinh dưỡng 30% cho chúng qua tĩnh mạch chủ trên và nhận thấy chúng lớn lên bình thường. Ngay cả khi toàn bộ ruột non của chúng bị lấy đi, chúng vẫn phát triển bằng cách nhận dịch truyền 24 giờ/ngày.
Áp dụng thử kỹ thuật truyền dịch mới này trên sáu bệnh nhân có nguy cơ tử vong vì suy dinh dưỡng nặng, bác sĩ Dudrick nhận được kết quả khả quan: hai người chết, nhưng bốn người được cứu sống và xuất viện khoẻ mạnh.
Từ năm 1964 – 1966, Dudrick và cộng sự liên tục chứng minh giá trị của kỹ thuật mới trên hàng trăm động vật thử nghiệm. Trên người, ông khẳng định có thể truyền cho một người lớn 3 lít dung dịch 30% mà không cần dùng thuốc lợi tiểu. Dung dịch này gồm dextrose (một loại đường đơn), amino acid (cần để tạo ra protein), điện giải, vitamin, muối khoáng và thỉnh thoảng còn có các protide quan trọng, đủ cung cấp 2.000 – 3.000 calo/ngày.
Vào năm 1967, phương pháp của bác sĩ Dudrick nghĩ ra – gọi là “nuôi dưỡng toàn phần qua tĩnh mạch” (TPN) – đối diện với thách thức khó nhất, áp dụng để cứu một trẻ chào đời bị biến dạng ruột đe doạ tính mạng. Nhưng thật ngoạn mục, chỉ sau 45 ngày, em bé từ chỗ nặng 1,8 ký tăng lên 3,4 ký và dài thêm 5cm. Sau đó, TPN áp dụng cho 18 bé bị dị tật ruột khác. Không bé nào tử vong, tất cả lớn lên, và kỳ diệu hơn trong thời gian này dị tật tự sửa chữa, giúp chúng ăn uống như người bình thường.
Có lần bác sĩ Dudrick gặp phải một ca bệnh người lớn thật “hóc búa”. Đó là một phụ nữ 52 tuổi, cao 1,57m, sau phẫu thuật dạ dày, cân nặng giảm còn 22,5 ký. Cái chết đã cận kề và cần phải cấp cứu nhanh chóng. Bác sĩ Dudrick chia sẻ: “Trước mắt tôi bà ta đang chết vì không còn chút nhiên liệu nào trong người. Đầu tiên chúng tôi truyền dinh dưỡng cho bà 500 – 600 calo/ngày qua tĩnh mạnh rồi tăng dần lên 3.000 calo/ngày. Trong hai tháng, bà tăng lên 36 ký. Sau khi xuất viện và ăn uống bình thường, cân nặng của bà lên được 47 – 50 ký. Rõ ràng nhờ dinh dưỡng tốt mà bệnh nhân được cứu sống, không phải thuốc, mà cũng không phải phẫu thuật”.
Nhưng phương pháp của bác sĩ Dudrick không chỉ áp dụng cho bệnh nhân hậu phẫu, mà còn cho những bệnh nhân khác, từ bệnh đường ruột, ung thư, bỏng nặng, đa chấn thương, bệnh thận hay gan, cho đến nạn nhân rơi vào hôn mê, hay trẻ sinh non hoặc có dị tật nặng ở đường tiêu hoá. Nhờ TPN mà hàng triệu người trên thế giới mắc các dạng bệnh này thoát khỏi tử vong. Có lần ông nói vui với phóng viên của tờ The Times (Mỹ): “Thật vô nghĩa khi phải trả 200 – 300 USD mỗi ngày nằm trong phòng săn sóc đặc biệt mà không trả thêm 50 – 100 USD chi phí cho dinh dưỡng. Nó giống như mua chiếc xe Mercedes mà không có chiếc bánh xe nào”.
Phương pháp TPN ngày càng phổ biến trong y khoa, nhưng bác sĩ Dudrick lại không quan tâm đăng ký bản quyền để làm giàu. Irene Brown, em gái của ông nói: “Anh tôi không xin cấp bản quyền cho bất kỳ phát minh nào, vì anh ấy chỉ muốn chúng thuộc về nhân loại”.
Một tượng đài y khoa
Medscape, trang web cung cấp thông tin y khoa cho bác sĩ và hỗ trợ huấn luyện y khoa liên tục (CME) cho nhân viên y tế, đã đưa bác sĩ Stanley Dudrick vào danh sách 25 bác sĩ có tầm ảnh hưởng nhất thế giới. Ông cũng là thành viên sáng lập và chủ tịch đầu tiên của hội Dinh dưỡng đường ruột và ngoài đường ruột Hoa Kỳ (ASPEN). Trong khi đó, căn cứ vào những đóng góp của bác sĩ Dudrik cho nhân loại, bác sĩ Steven J. Scheinman, hiệu trưởng trường y khoa Geisinger Commonwealth, đã đánh giá ông ngang hàng với Joseph Lister và Ignaz Semmelweis, hai người tiên phong về phương pháp vô khuẩn; William T.G. Morton, người phổ biến phương pháp gây mê trong phẫu thuật và Sir Alexander Fleming, cha đẻ kháng sinh penicillin.
Theo Bình Yên/TGHN