Tupac “hồi sinh”
15 năm sau khi tuyên bố đã chết, rapper Tupac xuất hiện trở lại dưới hình thức hologram (ảnh toàn ký) trong một chương trình biểu diễn âm nhạc với sự tham gia của 70.000 khán giả diễn ra vào ngày 15.4.2014. Paul Walker và Carrie Fisher cũng đã được “hồi sinh” theo cách này.
Hệ quả: Sẽ có thêm nhiều ngôi sao quá cố “hồi sinh” và kèm theo một đống hệ lụy về mặt pháp lý. Dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên ra mắt năm 2020, phim Finding Jack sẽ có sự tham gia của tài tử James Dean – người đã chết vào năm 1955 do tai nạn xe. "Chúng tôi hy vọng có thêm nhiều các ngôi sao đã chết quay trở lại màn ảnh", Anton Ernst – đồng đạo diễn phim Finding Jack – cho biết. "Tất cả mọi người đều có lợi từ việc này”.
Netflix ra mắt House of Cards
Năm 2012, Netflix đã thực hiện một bước đi táo bạo là chi số tiền khổng lồ 100 triệu USD để làm lại loạt phim House of Cards của Anh và giao cho David Fincher thực hiện. Kịch bản xuất sắc cộng thêm diễn xuất tuyệt vời của Kevin Spacey và Robin Wright đã giúp House of Cards trở thành loạt phim chiếu trực tuyến (web-series) đầu tiên nhận đề cử Emmy.
House of Cards không phải loạt phim gốc đầu tiên của Netflix (vinh dự này thuộc về Lilyhammer). Tuy nhiên, nó đã giúp kênh streaming này khẳng định vị trí của mình trong làng giải trí vốn xem trọng các phương thức truyền thống như truyền hình và rạp chiếu. Chỉ sau 7 năm, số tiền Netflix chi cho nội dung gốc đã lên đến 15 tỉ USD mỗi năm.
Hệ quả: Các kênh streaming như Netflix, Amazon Prime, Hulu, Disney+… với phần nội dung gốc không thua kém bất kỳ bom tấn nào sẽ dần đe dọa mô hình chiếu phim tại rạp vốn được xem là không thể bị thay thế hay biến mất tại Hollywood.
Rupert Murdoch thu mua Time Warner thất bại
Năm 2014, “ông trùm truyền thông” Rupert Murdoch đã bỏ cuộc trong việc mua lại công ty Time Warner với giá 80 tỉ USD. Ông cho rằng mình không muốn ôm một món nợ lớn như vậy.
Hệ quả: Bốn năm sau, AT&T đã mua Timer Warner với giá 85 tỉ USD. Trong khi đó, công ty FOX của Rupert Murdoch bị Disney nuốt chửng. Sự kiện này đặt dấu chấm hết cho một đế chế hùng mạnh mang tên Murdoch.
#OSCARsoWHITE
Năm 2016, lễ trao giải Oscar đã vấp phải chỉ trích mạnh mẽ do mấy năm liên tục không có người da màu xuất hiện trong danh sách đề cử các hạng mục diễn xuất. Từ khóa #Oscarsowhite đã được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội Twitter và được hưởng ứng bởi hàng loạt ngôi sao da đen như Spike Lee, The Weeknd, Will Smith… Thậm chí, người dẫn chương trình năm đó là Chris Rock cũng đã chế nhạo Oscar là “White People's Choice Awards” và khuyến khích nên có hạng mục “Best Black Friend”.
Hệ quả: Viện hàn lâm ngay lập tức thay đổi. Bằng chứng nằm ở sự đa dạng trong danh sách đề cử ở những năm tiếp theo. Một năm sau sự ra đời của từ khóa #Oscarsowhite, Moonlight thắng hạng mục “Phim hay nhất”.
FOX kiện Netflix “dụ dỗ” các nhà điều hành của mình
Năm 2016, Netflix đã chiêu mộ 2 nhà điều hành của FOX là Tara Flynn và Marcos Waltenberg. Tuy nhiên, họ vẫn chưa hết hạn hợp đồng với công ty cũ. Điều này đã làm dấy lên cuộc tranh luận sôi nổi trong làng giải trí Mỹ xoay quanh việc chảy máu chất xám cũng như cách thức tuyển dụng nhân sự truyền thống của các công ty lớn.
Hệ quả: Ngày 10.12 năm nay, một thẩm phán đã đứng về phía Fox, ra lệnh cho Netflix ngừng “săn trộm”. Thế nhưng, Netflix chắc chắn sẽ kháng cáo vào năm sau. Và nếu nó thắng, đó sẽ là dấu chấm hết cho hệ thống ký hợp đồng dài hạn vốn đã tồn tại từ lâu tại Hollywood.
Ashely Judd kiện Harvey Weinstein
Trước đây, từng có không ít ngôi sao bị kiện quấy rối tình dục như Bill Cosby, Roger Ailes và Bill O'Reilly. Mặc dù vậy, khi Ashely Judd cùng nhiều phụ nữ khác đệ đơn kiện Harvey Weinstein và chia sẻ việc đó trên tờ New York Times vào năm 2017, cả thế giới giải trí đã thay đổi. Phong trào #MeToo xuất hiện và lan tỏa mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực, không chỉ riêng giải trí.
Hệ quả: Hàng loạt nhân vật cộm cán của Hollywood bị mất việc. Cách thức giao tiếp giữa nam và nữ thay đổi theo chiều hướng tích cực.
Ari Emanuel sáng lập ra Endeavor
Đây là giọt nước tràn ly đã châm ngòi cho mối thù giữa các nhà biên kịch và công ty quản lý hiện nay. Nguyên nhân sâu xa của cuộc tranh chấp lợi ích bắt đầu từ năm 2010 khi CAA – công ty quản lý và đại diện cho hàng trăm ngàn nhân sự tại Hollywood - bán 35% cổ phần cho công ty cổ phần tư nhân TPG Capital. Số tiền này được CAA dùng để đa dạng hóa nội dung của mình khiến các nhà biên kịch làm việc nhiều hơn nhưng hưởng ít hơn do hợp đồng “trọn gói” đã ký trước đó.
Hệ quả: Các nhà biên kịch vẫn bền bỉ đâm đơn kiện các công ty quản lý. Lần gần nhất là vào tháng 4 năm nay.
Quảng cáo trên internet vượt quảng cáo trên truyền hình
Tháng 2 năm nay, chi tiêu quảng cáo trên internet đã vượt qua truyền hình, đài phát thanh và in ấn truyền thống. Theo eMarketer, chi tiêu cho quảng cáo kỹ thuật số đã tăng lên 129 tỷ USD (bao gồm 76,5 tỉ USD của Google và Facebook) còn chi tiêu cho quảng cáo truyền thống giảm còn 109 tỉ USD trong năm 2019.
Hệ quả: Theo dự đoán, quảng cáo kỹ thuật số sẽ đè bẹp quảng cáo truyền thống vào năm 2023 và chiếm 2/3 tổng chi phí quảng cáo. Ngoài ra, Amazon cũng đang lâm le chiếm lấy vị trí của Google và Facebook.
Youtuber đầu tiên đạt 100 triệu “người theo dõi”
Mười năm trước, PewDiePie (tên thật: Felix Kjellberg) chỉ là một cậu bé Thụy Điển chuyên đăng các video liên quan đến trò chơi lên YouTube. Hôm nay, ở tuổi 30, anh ta đang điều hành một đế chế trực tuyến trị giá hàng triệu USD, được mô phỏng thành một nhân vật trong loạt phim hoạt hình South Park và được Stephen Colbert phỏng vấn. PewDiePie chính là ngôi sao truyền thông xã hội đầu tiên vượt qua ngưỡng 100 triệu người theo dõi.
Hệ quả: Theo khảo sát của Lego, 33% trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 13 mong muốn trở thành Youtuber khi lớn lên. Trong khi đó, một khảo sát tương tự tại Anh cho ra con số 50%. Điều này cho thấy chỉ vài năm nữa thôi, Youtuber, vlogger sẽ trở thành công việc được ao ước như bất kỳ ngành nghề nào khác.
Mai Thảo (theo Hollywood Reporter)