Tuy nhiên, có một sự thật là việc trải nghiệm nỗi buồn, sự tức giận, cảm giác tội lỗi hoặc sợ hãi vẫn có thể mang lại cho chúng ta những lợi ích nhất định, chẳng hạn như:
1. Giúp chúng ta xây dựng lý lẽ vững chắc. Khi trải nghiệm những cảm xúc “tiêu cực”, chúng ta có khuynh hướng sử dụng thông tin có căn cứ rõ ràng và cụ thể, nắm bắt chính xác tình hình thực tế và ít có nguy cơ đưa ra những phán xét sai lệch. Tất cả những điều này giúp chúng ta toát ra thần thái của người có năng lực chuyên môn và uy tín, nhờ đó chúng ta có thể trở thành những tác giả hoặc diễn giả có sức thuyết phục hơn.
2. Cải thiện trí nhớ. Một nghiên cứu cho thấy vào những ngày âm u lạnh lẽo khi tâm trạng con người dễ ủ dột, người đi mua sắm nhớ được nhiều chi tiết bài trí bên trong cửa hàng hơn hẳn so với những ngày ấm áp và khiến người ta cảm thấy thoải mái. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện rằng khi tâm trạng không tốt, chúng ta thường ít tiếp nhận thông tin sai lệch và nhờ vậy, trí nhớ của ta cũng ít bị lẫn lộn.
3. Khuyến khích tính kiên trì. Nói cho cùng, khi bạn đã cảm thấy thoải mái rồi thì có lý do gì để tự thúc đẩy bản thân nữa? Trong các bài kiểm tra học lực, khi có tâm trạng u sầu, người ta thường cố gắng trả lời nhiều câu hỏi hơn - và có số câu trả lời đúng nhiều hơn - so với khi cảm thấy vui vẻ. Các bậc phụ huynh có thể lưu ý vấn đề này và cố gắng đừng để con mình vui vẻ thái quá trước kỳ thi.
4. Giúp chúng ta lịch sự và chu đáo hơn. Những người ở trong trạng thái ít hưng phấn hơn thường thận trọng hơn, chu đáo hơn và thường vô thức bắt chước cử chỉ cũng như lời nói của người mà họ đang tương tác - một hành vi đã được chứng minh là có thể củng cố mối liên kết xã hội. Khi cảm thấy sảng khoái, chúng ta tự tin khẳng định bản thân hơn, điều này đồng nghĩa với việc ta tập trung nhiều hơn vào cái tôi của mình và dễ bỏ qua những điều tốt đẹp nơi người khác hoặc những gì họ đang trải qua.
5. Củng cố lòng bao dung. Những người có tâm trạng không quá vui vẻ thường chú ý hơn đến sự công bằng và có khuynh hướng từ chối tiếp tay cho sự bất công.
6. Khiến chúng ta ít sa vào thiên kiến xác nhận. Một nghiên cứu có đối tượng là những người có quan điểm chính trị mạnh mẽ cho thấy những người đang tức giận thường chọn đọc nhiều bài viết bất đồng quan điểm với ý kiến của họ thay vì sa vào thiên kiến xác nhận - một khuynh hướng phổ biến mà trong đó người ta tìm kiếm những thông tin giúp xác nhận hoặc củng cố niềm tin của mình. Sau khi tìm hiểu những quan điểm trái ngược đó, họ trở nên cởi mở hơn với việc thay đổi suy nghĩ của mình. Có vẻ như sự tức giận tạo ra tâm lý “chinh phục sự phản đối” và thôi thúc chúng ta tìm hiểu quan điểm của phía đối lập với mục đích bẻ gãy lập luận của họ, nhưng nghịch lý là chính vì hiểu rõ quan điểm của đối phương nên chúng ta cũng dễ bị họ thuyết phục hơn.
"Vượt bẫy cảm xúc" - cuốn sách cần thiết cho bất cứ ai gặp khó khăn với cảm xúc, đặc biệt là những độc giả đang trong chặng đường đầu tiên của hành trình sống hoà hợp với chính mình.