Việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cùng một số nghệ sĩ khác ký tên tên tác phẩm của họa sĩ Hứa Thanh Bình đã tạo nên dư luận kiến nhiều chiều trong cộng đồng hội họa Việt Nam và đông đảo công chúng. Sau khi sự việc xảy ra, phía ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng đã chính thức có lời xin lỗi đến với cá nhân họa sĩ Hứa Thanh Bình, cũng như xin lỗi giới mỹ thuật và công chúng.
Vụ việc cũng đã được Báo điện tử Một Thế Giới phản ảnh đến bạn đọc thông qua ý kiến góc nhìn của giới hội họa cũng như của chính các nghệ sĩ trong các bản tin trước.
Hình ảnh Đàm Vĩnh Hưng ký lên tranh đang được chia sẻ tràn lan trên mạng xã hội
Thế nhưng có đến thời điểm hiện tại, giới họa sĩ cũng như công chúng đưa ra nhiều phân tích đúng sai về việc các nghệ sĩ ký tên lên tranh. Đặc biệt có nhiều ý kiến phân tích mổ xẻ và đặt ra câu hỏi liệu đó có phải là hành vi xâm phạm bản quyền? Người ký "lỡ tay ký tên lên tác phẩm" nên làm gì để khắc phục...?
Sau đây là ý kiến của Họa sĩ Uyên Huy-Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, luật sư Phan Vũ Tuấn - Chánh văn phòng luật sư Phan Law Vietnam (Đoàn Luật sư TP.HCM), và họa sĩ Lê Kinh Tài cùng ca sĩ Vũ Hà về vấn đề này
Họa sĩ Uyên Huy -Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM: "Không ai có quyền ký tên mình vào tác phẩm của người khác"
Họa sĩ Uyên Huy tại Triển lãm mỹ thuât Việt Nam- Hàn Quốc - Ảnh: UH Art
Trưa ngày 15.10 đài truyền hình VTV có đến Hội Mỹ thuật phỏng vấn Uyên Huy về việc này. Thực tế tình trạng này đã xảy ra cả chục năm tai các chương trình từ thiện qua việc xin tác phẩm đấu giá bán kèm theo mời một số lãnh đạo lớn đến dự, ký tên vào tranh để bán được giá cao!
Đây là dự thiếu hiểu biết của nhiều phía: Nhà tổ chức, người ký tên, người bỏ tiền làm từ thiện vì muốn được tiếng tăm một cách không bình thường. Chỉ có bản thân tác giả có quyền ký tên vào " tác phẩm độc bản" của mình. Khi ký họ còn phải cân nhắc về : độ lớn, vị trí, màu sắc nhằm thể hiện ý thức bố cục,trình độ thẩm mỹ, sự khiêm tốn, lòng tự trọng... Tại sao lại nói đến lòng tự trọng?.
Ngày xưa tôi học mỹ thuật quý thầy khuyên: Ký tên lớn trong tác phẩm mình là không khiêm tốn! Không ai có quyển ký tên mình vào tác phẩm của người khác. Đây là sự thiếu văn hóa, hủy hoại tác phẩm nghệ thuật. Vi phạm quyền tác giả...
Họa sĩ Hứa Thanh Bình phải được xin lỗi. Người mua tranh, ban tổ chức phải đích thân nhờ tác giả xóa các chữ ký này để khôi phục lại nguyên trạng tác phẩm. Không phải xin lỗi là xong.
Luật sư Phan Vũ Tuấn - Chánh văn phòng luật sư Phan Law Vietnam (Đoàn Luật sư TP.HCM)
Luật sư Phan Vũ Tuấn
Theo pháp luật, tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào. Quyền tác giả đối với tác phẩm bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản (Điều 19, 20 Luật Sở hữu trí tuệ).
Hành vi ký tên trên bức tranh của những ca sĩ này có khả năng xâm phạm về quyền nhân thân của tác giả, cụ thể là xâm phạm về quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm.
Khoản 4 Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ quy định Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm là không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
Tuy nhiên nếu xét về vấn đề này, chúng ta hiểu rõ, cho dù có quy chụp hành vi ký tên là hành vi xâm phạm thì cái mà những ca sĩ này xâm phạm là phiên bản của tác phẩm chứ không phải hình thức, nội dung sáng tạo ban đầu của tác giả (tác phẩm).
Thứ hai, pháp luật không quy định rõ thế nào là hành vi “sửa chữa”, “cắt xén” hoặc “xuyên tạc”. Theo ngôn ngữ Tiếng Việt, “sửa chữa” là “sửa những hư hỏng, sai sót”; “cắt xén” là “cắt bỏ bớt một phần” và “xuyên tạc” là “bóp méo làm sai sự thật với dụng ý xấu”. Do đó, theo định nghĩa của tiếng Việt, hành vi ký tên trên tác phẩm chưa thể là hành vi sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm khi chưa có chứng cứ về việc gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
Thứ ba, tới thời điểm hiện tại, chính tác giả - họa sĩ vẽ nên bức tranh chưa đưa ra phát ngôn chính thức nào về hành vi này. Không có căn cứ cho thấy họ được phép hay không được phép thực hiện hành vi, cũng như không có căn cứ cho thấy hành vi này có thật sự gây tổn hại đến danh dự hay uy tín của tác giả, họa sĩ này hay không.
Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm là quyền nhân thân của chính tác giả, quyền này có bị xâm phạm hay không căn cứ trên sự thỏa thuận, căn cứ trên sự cho phép của tác giả.
Ngoài ra, những ca sĩ này có hành vi như vậy không xuất phát từ ý chí chủ quan ban đầu của họ, mà họ thực hiện theo yêu cầu của chủ sở hữu tác phẩm.
Nếu xét về hành vi xâm phạm quyền của tác giả thì phải dựa vào căn cứ nguồn gốc của hành vi nêu trên. Người xâm phạm chưa hẳn là những ca sĩ, người xâm phạm là người đưa ra ý tưởng đề xuất kêu gọi những người nghệ sĩ thực hiện hành vi này.
Họa sĩ Lê Kinh Tài: "Cá nhân, tôi thấy đau nhiều hơn cả giận Hưng và Quyên"
Chúng tôi phát hiện ra vụ việc này trễ, nhưng cá nhân tôi nghĩ vẫn còn kịp để Lệ Quyên và Đàm Vĩnh Hưng tổ chức một buổi họp báo xin lỗi công khai cá nhân hoạ sĩ Hứa Thanh Bình nói riêng và giới cầm cọ cả nước nói chung. Nếu anh chị biết mình sai lầm.
Nghệ sĩ cũng là người, ai cũng có thể mắc sai lầm, quan trọng là biết sửa sai. Biết tôn trọng người khác, đó cũng là cách tự trọng mình. Tôi thiển nghĩ, người hoạt động nghệ thuật phải biết tôn trọng tác giả cũng như tác phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ khác, âu mới giữ được nhân cách và nhân phẩm của chính mình.
Cá nhân, tôi thấy đau nhiều hơn cả giận Hưng và Quyên.
Ca sĩ Vũ Hà: "Chúng tôi ký tên lên tranh là theo yêu cầu của mạnh thường quân"
"Tôi là một trong các ca sĩ tham gia chương trình và chứng kiến toàn bộ sự việc. Tôi khẳng định việc nghệ sĩ ký tên trên bức tranh đấu giá là theo yêu cầu của mạnh thường quân. Vị doanh nhân này muốn treo tranh trong phòng làm việc, yêu mến anh chị em nghệ sĩ nên đã nói chúng tôi ký tên làm kỷ niệm. Nếu không, chúng tôi chẳng ai dại cùng ký tên như thế. Người mua tranh vui vẻ muốn điều đó thì không hiểu tại sao mọi người lại phản ứng".
Tiểu Vũ