Uniqlo giữ sáng đèn biển hiệu để giúp xua đi bóng tối, vay nợ ngân hàng để đảm bảo việc làm cho nhân viên sau thiên tai

18/07/2021 07:30
Uniqlo giữ sáng đèn biển hiệu để giúp xua đi bóng tối, vay nợ ngân hàng để đảm bảo việc làm cho nhân viên sau thiên tai

Doanh nghiệp này chỉ mất 5 tháng để phục hồi doanh số trở lại như thời trước sóng thần. Rõ ràng tiền thì có thể kiếm lại, nhưng niềm tin đã mất thì không dễ xây dựng lại.

Trong trận sóng thần năm 2011, gần 16.000 người Nhật Bản đã thiệt mạng, hàng trăm nghìn người mất nhà cửa và hàng triệu công dân sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Tất cả các công trình cơ sở hạ tầng bị phá hủy và tưởng chừng như người dân nơi đây không thể sống sót nổi qua trận thiên tai này.

Thế nhưng với sự đồng lòng của các doanh nghiệp, cư dân vùng thiên tai vẫn sống sót. Niềm tin vào cộng đồng cùng tầm nhìn dài hạn khiến các công ty Nhật Bản chung tay giúp đỡ đồng bào thay vì để ý quá nhiều đến lợi nhuận.

Thắp sáng biển hiệu để xua đi bóng tối

Chuỗi bán lẻ quần áo UNIQLO tại Nhật Bản cũng chịu thiệt hại khi sóng thần phá hủy một số chi nhánh, thế nhưng thay vì than vãn hoặc chăm chú bảo vệ lợi nhuận, CEO Tadashi Yanai của hãng đã có những bước đi táo báo giúp đỡ cộng đồng dù chúng ảnh hưởng đến lợi ích công ty.

Ngay sau trận sóng thần, CEO Yanai đã yêu cầu tất cả các chi nhánh dù còn hoạt động hay không phải luôn thắp sáng biển hiệu. Đây không phải là chiêu trò để quảng cáo, thay vào đó CEO Yanai hướng tới mục tiêu an ủi những người dân Nhật Bản vốn đang chịu cảnh đau thương sau trận sóng thần.

Tinh thần Nhật Bản: Uniqlo quyết giữ sáng đèn biển hiệu để giúp người dân xua đi bóng tối, vay nợ ngân hàng để đảm bảo việc làm cho nhân viên sau thiên tai - Ảnh 1.

Thật vậy, rất nhiều khách hàng đã cảm kích vì UNIQLO để biển hiệu sáng giữa một vùng tăm tối, nhất là trong các khu vực chịu thiên tai.

"Một số khách hàng đã đến những chi nhánh còn mở để khóc lóc cảm ơn vì chúng tôi luôn để đèn biển hiệu sáng", một giám đốc cửa hàng của UNIQLO cho biết.

Ngoài ra, CEO Yunai cũng là người giàu đầu tiên đóng góp tiền mặt cho quỹ từ thiện giúp đỡ nạn nhân thiên tai, qua đó làm tấm gương cho những đại gia khác. Ông cũng yêu cầu công ty đóng góp quần áo cho vùng chịu thiệt hại nhằm giúp đỡ những người sống sót.

"Một công ty chẳng những phải sống hòa mình với xã hội mà còn phải được mọi người chấp nhận. Để làm được điều đó thì họ phải có đóng góp cho cộng đồng. Những công ty nào thất bại thường không cân bằng được giữa lợi ích cộng đồng và doanh nghiệp. Bất cứ ai cũng là một thành viên xã hội trước khi là nhân viên doanh nghiệp và việc chỉ nghĩ đến lợi ích cho cổ đông sẽ không bền lâu được", CEO Yunai nhấn mạnh.

Vay nợ để giữ việc cho nhân viên

CEO Hiromi Watanabe của hãng Yakult chuyên sản xuất sữa chua đã vô cùng đau đầu khi sóng thần tác động đến những nhà máy và thị trường của công ty. Trong khi các công nhân lo sợ ảnh hưởng rò rỉ phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân sau vụ thiên tai thì các chuyên gia cảnh báo Yakult có thể mất 30% thị phần vì sóng thần.

Các cố vấn khuyên CEO Watanabe cắt giảm nhân sự để đối phó với tình hình nhưng thay vào đó, vị lãnh đạo này lại quyết tâm giữ việc làm cho công nhân. Đích thân Watanabe đã cam kết sẽ làm mọi thứ có thể để đảm bảo việc làm cho mọi người trong bối cảnh bất an, thậm chí nếu điều đó có làm hao tổn tiền bạc và tài chính dự trữ của công ty.

Vị lãnh đạo này đã phát cho mỗi nhân viên 300 USD vì ngân hàng đã đóng cửa sau vụ sóng thần, đồng thời tận dụng trung tâm giao hàng làm nơi trú ẩn tạm thời cho các công nhân trong vùng bị nạn. Công ty cũng cam kết giữ việc làm cho mọi người để có thời gian thu xếp, giải cứu người thân sau trận thiên tai.

Thậm chí, đội ngũ giao hàng của Yakult cũng bị trưng dụng để vận chuyển nhu yếu phẩm miễn phí cho người dân trong vùng.

Tinh thần Nhật Bản: Uniqlo quyết giữ sáng đèn biển hiệu để giúp người dân xua đi bóng tối, vay nợ ngân hàng để đảm bảo việc làm cho nhân viên sau thiên tai - Ảnh 2.

Động thái của Watanabe đã khiến các cố vấn bất ngờ bởi họ cho rằng nhà máy nên tạm đóng cửa nhằm giữ lợi nhuận cho công ty, còn công nhân thì đã có chính phủ lo. Thế nhưng vị CEO này vẫn muốn mở cửa nhà máy để giữ công việc cho mọi người, kể cả khi người tiêu dùng rời bỏ khu vực thiên tai do sợ rò rỉ phóng xạ.

"Tôi chắc chắn rằng công ty sẽ kiếm lại được lợi nhuận chỉ trong vòng 3 năm thôi. Thế nhưng nếu chúng tôi bỏ rơi mọi người lúc họ cần doanh nghiệp nhất, nếu doanh nghiệp đánh mất niềm tin của khách hàng lẫn nhân viên mà chúng tôi đã gầy công xây dựng bao năm qua thì chẳng bao giờ kiếm lại được", CEO Watanabe cho biết.

Khi tiền tiết kiệm của Yakult đã hết, Watanabe vay nợ ngân hàng để duy trì 80% lương cho công nhân. Nhờ sự cố gắng này mà khi nhà máy hoạt động trở lại, họ chỉ mất 5 tháng để doanh số trở lại như thời kỳ trước vụ thiên tai.

Những nhân viên giao hàng của Yakult thậm chí còn được người dân tặng quà bởi họ chưa bao giờ quên thời kỳ đen tối sau sóng thần khi công ty hy sinh rất nhiều cho cộng đồng và người dân.

Đối với những người công nhân của Yakult, họ không chỉ tự hào vì giúp đỡ cộng đồng mà còn biết ơn công ty khi chấp nhận mất thị phần và đối mặt nguy cơ phá sản để giữ sự ổn định cuộc sống cho nhân viên.

Theo giáo sư Hirotaka Takeuchi của trường đại học Harvard, một nhà lãnh đạo có tầm nhìn là người biết xây dựng những giá trị lâu dài hàng trăm năm chứ không phải chú ý đến lợi nhuận ngắn hạn cho cổ đông. Tiền có thể kiếm lại, nhưng niềm tin đã mất thì không bao giờ có thể xây dựng lại.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 5, 21/11/2024