Trẻ em là thiên tài kỳ 1: Câu chuyện của bán cầu não trái não phải và hội chứng “bác học ngốc nghếch”

13/10/2019 08:00
Trẻ em là thiên tài kỳ 1: Câu chuyện của bán cầu não trái não phải và hội chứng “bác học ngốc nghếch”

Thế kỷ hai mươi mốt - khi mà thế hệ con trẻ của chúng ta sẽ lớn lên và xây dựng tương lai, là thời đại mà những người phát triển não phải sẽ đóng vai trò quan trọng. Đây sẽ là một thời đại bất lợi với những ai chỉ thiên về phát triển não trái.

Trong trường hợp này, hẳn là các bậc cha mẹ sẽ mong muốn rằng: Tôi muốn dạy con của mình thành những người có não phải phát triển.

1. Sự khác biệt giữa chức năng của bán cầu não trái và não phải

Hiện nay, trong kì thi tuyển vào Đại học, các bài đọc hiểu ngày càng dài nhưng nhiều học sinh không có kĩ năng đọc nhanh nên không thể hoàn thành bài thi. Trong kì kiểm tra môn tiếng Anh, thậm chí có những trường Đại học còn cho phép thí sinh mang từ điển vào phòng thi (Đại học Keio – Tokyo - Nhật Bản). Nhưng nếu thí sinh đó không có kĩ năng đọc nhanh thì dù có dựa vào từ điển, việc đỗ kì thi tuyển vẫn thật khó khăn.

Để đỗ vào trường Đại học Tokyo, tốc độ đọc của thí sinh được cho là phải đạt 1500 từ một phút, trong khi tốc độ đọc trung bình của học sinh bình thường chỉ từ 600 đến 1000 từ một phút. Do đó để tăng tốc độ đọc, quan trọng là phải nghĩ cách tận dụng tối đa não phải. Việc luyện tập kĩ năng đọc nhanh đã ngày càng phổ biến và trở thành một kĩ năng cần phải có ở thế kỷ hai mươi mốt.

Câu chuyện của bán cầu não trái não phải và hội chứng “bác học ngốc nghếch” (kỳ 1) - 1

Trong thế kỷ hai mươi mốt, yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp hiện nay đều hướng đến nguồn nhân lực có hiểu biết sâu sắc cũng như có tính sáng tạo. Những yêu cầu này cũng chính là những chức năng hoạt động của não phải. Nếu dạy trẻ bằng phương pháp giáo dục não trái truyền thống như từ trước đến nay, vô hình trung chúng ta đang nuôi dạy nên một thế hệ tương lai không đáp ứng được nhu cầu làm việc của xã hội.

Làm gì để giúp trẻ phát triển não phải?

Để dạy trẻ phát triển não phải, chúng ta cần phải phân biệt được sự khác nhau trong cách vận hành của não trái và não phải, đồng thời biết đâu là cách thức đúng đắn để khơi dậy những tiềm năng của cả não trái và não phải. Não phải được cho là có khả năng nhận biết không gian, khả năng trực giác, khả năng tổng hợp và điều hành sự hiểu biết của con người trong các lĩnh vực như âm nhạc, hội họa, điêu khắc, sáng tạo. Ngược lại, bán cầu não trái được cho là sở hữu khả năng ngôn ngữ, lí luận logic, khả năng phân tích và đảm nhiệm các nhiệm vụ liên quan đến ngôn ngữ viết, ký hiệu, tính toán…

Điểm khác biệt lớn nhất cần phân biệt là: Não phải thích hợp để nạp thông tin với khối lượng lớn mà không đòi hỏi áp dụng các quy tắc suy luận hay lý giải, và quan trọng là không yêu cầu cần phải học thuộc lòng hay phải hiểu khi làm việc với những khả năng này.

 Chúng ta cần phải hiểu được sự khác biệt trong phương thức xử lí thông tin của não trái và não phải. Não phải xử lí thông tin bằng phương thức xử lí song song nên thích hợp với cách học đi từ toàn thể đến bộ phận mỗi khi tiếp nhận bất cứ thông tin gì. Não trái hoạt động với phương thức xử lí chuỗi thông tin nên phù hợp để tiếp nhận thông tin từ bộ phận đến tổng quát.

Điều quan trọng nhất là, mặc dù não phải sở hữu những khả năng thiên tài thì não trái lại luôn có xu hướng chiếm ưu thế và không để cho não phải được thực hiện đúng chức năng trong não bộ của mình. Vì vậy trong một thời gian dài, mọi người đã không nhận ra tài năng thiên phú được cất giấu trong não phải.

2. Những năng lực đang được cất giấu bên trong não phải

Bạn đã từng nghe đến tên của Tiến sĩ người Anh John Langdon Down chưa? Vị tiến sĩ nổi tiếng này là học giả đã đưa ra những báo cáo đầu tiên về trường hợp mắc hội chứng Down một trăm năm trước trong Hiệp hội bác sỹ Luân Đôn. Ông còn nổi tiếng vì đã gọi tên hội chứng “bác học ngốc nghếch” (hội chứng Savant - là hội chứng hiếm gặp trên thế giới, những người mắc hội chứng Savant thường vượt trội hơn so với người khác ở một lĩnh vực nào đó. Tuy nhiên họ lại thường bị khiếm khuyết về tâm lý hoặc rối loạn phát triển thần kinh. Hơn 50% người mắc hội chứng Savant bị tự kỷ, một số khác nghiêm trọng hơn là bị tổn thương não.). Hội chứng “bác học ngốc nghếch” là cụm từ được dùng để chỉ những trường hợp trẻ em bị khiếm khuyết về mặt trí tuệ nhưng vẫn thể hiện được những tài năng đặc biệt.

Câu chuyện của bán cầu não trái não phải và hội chứng “bác học ngốc nghếch” (kỳ 1) - 2

Để hiểu rõ sự vận hành của não phải, chúng ta cần tiến hành nhiều nghiên cứu trường hợp trên những trẻ em này.

Dưới đây là những trường hợp ghi chép lại các trẻ có hội chứng “bác học ngốc nghếch”. Những đứa trẻ này có não trái phát triển chậm, IQ chỉ từ 25 đến 70.:

1 – Một số trẻ có thể lặp lại những câu phức tạp chính xác đến từng từ nhưng không thể giải thích chính xác ý nghĩa câu chúng vừa đọc.

Ví dụ một trẻ có thể nhớ được hết tác phẩm The History of the Decline and Fall of the Roman Empire (Lịch sử suy tàn và sụp đổ của Đế chế La Mã) hay trường hợp của trẻ khác có thể thuộc được toàn bộ cuốn thánh ca.

2 – Một trẻ khác có thể ghi nhớ địa chỉ của tất cả các cửa hàng bánh kẹo ở Luân Đôn và nhớ được chính xác ngày tháng nào đã đi đến cửa hàng bánh kẹo đó. Ngoài ra, có những trẻ còn nhớ được toàn bộ các sự kiện lịch sử quan trọng diễn ra vào ngày nào trong năm.

3 – Có trẻ trả lời được chính xác đó là ngày thứ mấy trong tuần trên lịch bất kể ngày tháng nào trong quá khứ.

4 – Có những trẻ ngay lập tức đưa ra kết quả phép tính chính xác dù phép toán có phức tạp đến đâu.

5 – Có những trẻ lại thể hiện năng khiếu về âm nhạc. Một trẻ nọ sau khi xem buổi biểu diễn nhạc kịch và trở về nhà đã có thể nhớ được và nhẩm lại toàn bộ các bản giao hưởng đã được chơi. Một trẻ khác sau khi tham dự buổi hòa nhạc có thể chơi lại những ca khúc đã nghe được bằng đàn piano.

6 – Có trẻ vì có khả năng xuất chúng về địa lí nên có thể ghi nhớ toàn bộ bản đồ của những vùng lân cận, do đó có thể nói nhanh chóng và chính xác hành trình đi từ địa điểm này đến địa điểm khác.

7 – Cũng có trường hợp trẻ là những nhà điêu khắc xuất sắc và có thể làm nên mô hình tàu vô cùng đẹp mắt.

8 – Có những trẻ vẽ được những bức tranh tuyệt đẹp.

9 – Một vài đứa trẻ khác lại sở hữu khả năng cảm nhận siêu giác quan với khả năng nhìn xuyên thấu và thần giao cách cảm.

10 – Có những trẻ sở hữu năng lực trí nhớ chụp hình.

Nhiều học giả trên thế giới chưa hiểu tường tận về sự khác nhau trong chức năng của não trái và não phải nên không thể lý giải thắc mắc: Tại sao trẻ mắc hội chứng “bác học ngốc nghếch” lại sở hữu những năng lực như vậy?

Cần phải biết rằng não trái của chúng ta có năng lực ghi nhớ, năng lực tính toán và năng lực tiếp nhận nhiều ngôn ngữ. Não phải cũng sở hữu chức năng ghi nhớ, tính toán và năng lực tiếp nhận nhiều ngôn ngữ, tuy nhiên, chúng là những chức năng có bản chất hoàn toàn khác biệt nhau. Ở những trẻ mắc hội chứng “bác học ngốc nghếch”, hoạt động của não trái kém hơn và không thể “lấn át” hoạt động của não phải, bởi vậy não phải với năng lực thiên bẩm sẽ được kích hoạt một cách dễ dàng.

Vì vậy, chúng ta cần phải hiểu rằng: Ở trẻ bình thường, mặc dù những khả năng thiên tài ở não phải từ trước đến nay vốn có sẵn nhưng hầu như không thể hoạt động tối ưu được vì não trái luôn chiếm ưu thế.

Trẻ sơ sinh sở hữu khả năng giao tiếp phi ngôn ngữ và người ta đã khám phá ra rằng trẻ sử dụng khả năng này để có thể nhận thức đầy đủ những điều mà cha mẹ cũng như những người xung quanh đang nói. Một thời đại mới dành cho trẻ nhỏ đã đến. Chúng ta cần phải cân nhắc phương pháp áp dụng tri thức mới cho việc nuôi dạy trẻ trong thời đại ngày nay.

 Trẻ em là thiên tài - cuốn sách được viết nên từ những nghiên cứu và kinh nghiệm thực tế được Giáo sư Makoto Shichida - Nhật Bản chắp bút sẽ giúp bạn có cái nhìn mới hơn về việc giáo dục sớm sẽ tốt cho trẻ ngay từ khi còn trong bụng mẹ. 

Trích sách “Trẻ em là thiên tài”

 


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 19/03/2024