Tỏa sáng nơi công sở - Chuyên gia nhân sự chia sẻ 4 bí quyết giúp sinh viên mới ra trường sớm thăng tiến

06/12/2020 08:30
 Tỏa sáng nơi công sở - Chuyên gia nhân sự chia sẻ 4 bí quyết giúp sinh viên mới ra trường sớm thăng tiến

Nhân viên mới, đặc biệt là sinh viên mới ra trường thường được thả vào "mê hồn trận" phải tự thân vận động chốn công sở. Dưới đây là 4 lời khuyên mà Jason Smith – chuyên gia nhân sự và tác giả cuốn sách "Tỏa sáng nơi công sở" mà các bạn trẻ nên "nằm lòng" trước khi bắt đầu gia nhập bất cứ công ty nào.

Cẩn thận trước lời mời gia nhập "bè phái"

Là một nhân viên mới, bạn nên phòng bị trước để không bị các phe nhóm lôi kéo vào những hành vi công kích gây bất hòa hay căng thẳng một cách tiêu cực. Bên cạnh đó, bạn cũng đừng nghĩ việc tham gia vào một phe nhóm nào đó sẽ giúp xây dựng mối quan hệ tốt với đồng nghiệp. Ngược lại, bạn đang chuốc thêm rắc rối vào mình.

Do đó, hãy trở thành nhân viên có nhiều đóng góp mà sếp bạn có thể tin cậy thay vì trở thành một cấp dưới mà sếp bạn phải dè chừng. Luôn cư xử công tâm là cách tốt nhất để bạn giữ được lòng tin của sếp.

Đồng thời, bạn nên giữ quan hệ chừng mực với những người muốn lôi kéo bạn về phe của họ. Trong trường hợp họ vẫn tạo sức ép, buộc bạn phải ủng hộ một vấn đề gì dó hoặc cư xử theo cách mà bạn không thích thì bạn nên mạnh dạn rút lui. Hãy lắng nghe tiếng nói của lương tâm thay vì theo áp lực phải giữ gìn mối quan hệ với bất kỳ ai. Đó là chuyện cần phải làm và bạn sẽ cảm thấy mọi thứ dễ dàng hơn.

Chuyên gia nhân sự chia sẻ 4 bí quyết giúp sinh viên mới ra trường sớm thăng tiến nơi công sở - Ảnh 1.

Hòa nhập văn hóa công ty là điều rất quan trọng

Sự lệch pha giữa nhân viên mới với môi trường làm việc là một trong những lý do khiến nhiều người rời khỏi công ty ngay khi họ nhận việc chỉ trong một thời gian ngắn.

Trên thực tế, đôi khi chúng ta dễ hòa nhập với văn hóa công ty, và đôi khi không thể. Nguyên nhân bởi cách sống và lối suy nghĩ của bạn có thể hòa nhập với văn hóa nơi này nhưng lại không hòa nhập được với văn hóa tại một nơi khác.

Nếu là một người thích sống thoải mái, vô tư lự và làm việc theo cảm hứng, thì bạn sẽ có lúc cảm thấy lạc lõng khi buộc phải làm việc trong nhịp sống sôi động của các công ty lớn, nơi mà ở đó mọi thứ đòi hỏi phải tuân theo kế hoạch chặt chẽ. Ngược lại, nếu bạn là người thích bận rộn nhưng lại làm việc cho một viện nghiên cứu với nhịp độ chậm rãi thì chắc chắn bạn sẽ chẳng thoải mái, thậm chí không tìm thấy hứng thú trong công việc.

Khác biệt văn hóa giống như bạn tra trật chìa vào ổ khóa vậy, dù có nỗ lực cách mấy cũng không tài nào xoay chìa và mở khóa được. Vì vậy, bí quyết là hãy "biết mình biết ta" trước khi gia nhập bất cứ công ty nào.

Chấp nhận thử thách trong những năm đầu

Những tháng thử việc đầu tiên được xem là thời kỳ "trăng mật" khi mọi việc diễn ra hết sức suôn sẻ, tốt đẹp. Mọi người đều tỏ ra thân thiện, kỳ vọng của công ty vào bạn không quá cao và trách nhiệm cũng nhẹ nhàng.

Nhưng càng về sau, danh sách những việc phải làm, những dự án cần bạn tham gia dường như ngày càng dài cùng với áp lực từ đồng nghiệp tỷ lệ thuận với các nhiệm vụ bạn phải hoàn thành.

Bạn bắt đầu phạm lỗi – có khi là những sơ suất nhỏ và cũng có những sai phạm đáng tiếc khiến nhiều người biết. Và bạn cũng phải chạm trán với những vấn đề phức tạp sớm hơn bạn nghĩ. Căng thẳng, áp lực trong công việc khiến bạn rơi vào tình trạng stress và bất an, đôi khi cảm thấy quá sức đến mức bạn chỉ muốn bỏ trốn.

Và rồi bạn bắt đầu nảy sinh mối nghi ngờ: "Vào làm việc trong công ty này, làm công việc này liệu có phải là lựa chọn đúng đắn không? Hay mình chưa trang bị đủ kiến thức?" Cảm giác của bạn lúc này là chỉ muốn về nhà khóa cửa lại và ở một mình trong phòng, hoặc cảm thấy cần gọi điện cho người thân để giải tỏa.

Đó không phải là dấu hiệu cảnh báo bạn đang thất bại. Thật ra, đây lại là một dấu hiệu tốt cho thấy bạn đang được mọi người nhìn nhận với tư cách là một nhân viên có khả năng đóng góp và có năng lực thay vì chỉ là một người trẻ mới bước ra từ giảng đường đại học.

Chuyên gia nhân sự chia sẻ 4 bí quyết giúp sinh viên mới ra trường sớm thăng tiến nơi công sở - Ảnh 2.

Không ngừng học hỏi

Một trong những lời khuyên quan trọng nhất dành cho những người trẻ mới đi làm là hãy không ngừng học hỏi.

Nền giáo dục của nhà trường mang đến cho bạn nền tảng kiến thức với những đáp án đúng – sai mang tính tuyệt đối. Nhưng cuộc đời và công việc thì khác. Những vấn đề mà bạn gặp phải sẽ phức tạp hơn nhiều và chẳng có giải pháp nào là hoàn hảo dành riêng cho mọi vấn đề.

Để có được trực giác nhạy bén, bạn cần phải trau dồi qua kinh nghiệm thực tiễn, và điều này cần phải có thời gian. Có thể lúc mới bước vào nghề, bạn chưa hình dung hết những tình huống phát sinh, nhưng đừng vì thế mà nản lòng.

Kinh nghiệm là cách duy nhất để bạn trau dồi trực giác, và để có kinh nghiệm bạn cần phải trải nghiệm. Bạn sẽ có thật nhiều trải nghiệm nếu biết rút ra bài học từ sự thất bại. Ngược lại, luôn tìm cách biện minh cho sai lầm của bản thân và không nhìn nhận thực chất vấn đề, bạn sẽ đánh mất cơ hội học hỏi và sẽ có nguy cơ lặp lại sai lầm.

Jason Smith từng đảm nhiệm vị trí Giám đốc Nhân sự tại các tập đoàn lớn thuộc lĩnh vực dầu khí, năng lượng và truyền thông tại Mỹ cùng nhiều nơi trên thế giới. Ông tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Quản lý Nhân sự tại Trường Đại học Columbia, đồng thời là Cử nhân ngành Đầu tư và Tài chính tại Đại học East Tennessee State (Mỹ).

Trên cương vị là nhà quản lý nhân sự, bản thân Jason chứng kiến không ít bạn trẻ mới đi làm phạm phải những sai lầm tưởng là nhỏ nhưng rất đáng tiếc. Hậu quả là họ để lại ấn tượng xấu trong lòng cấp trên, hoặc sẩy chân và chậm bước trên con đường sự nghiệp.

Nhằm trang bị những kiến thức xây dựng nền tảng sự nghiệp vững chắc, đồng thời giúp người trẻ tránh được những cạm bẫy thường gặp trong năm đầu tiên đi làm, Jason đã đưa ra những lời khuyên hữu ích được đúc kết từ 14 năm đi làm của mình, trích từ cuốn sách Leaving campus and going to work (Tạm dịch: Tỏa sáng nơi công sở).

(Bài viết tham khảo cuốn sách Leaving campus and going to work (tạm dịch: Toả sáng nơi công sở) 

Theo Trí Thức Trẻ


Gửi bình luận
(0) Bình luận