“Trái tim người cha là một tuyệt tác của tạo hóa.”
Lúc nhỏ, bộ đồ cha mặc luôn khiến tôi cảm thấy sượng sùng. Tôi muốn cha ăn mặc giống các vị bác sĩ hay luật sư chứ không phải như cách tôi trông thấy cha vào những buổi sáng oi bức, khi cha thật dậy sớm để làm món trứng chiên cho mẹ con tôi.
Cha tôi ưa mặc chiếc quần jeans cũ mèm rách nát và chiếc áo vải đã sờn có gài đủ thứ bút viết, thuốc lá, mắt kính, cờ-lê, tua-vít ở các túi trước ngực. Giày của cha là loại có mũi bằng thép, rất khó tháo ra nên tôi thỉnh thoảng phải cởi giày giúp cha mỗi khi ông đi sửa máy lạnh về. Mà công việc của cha cũng làm tôi cảm thấy xấu hổ ghê gớm.
Tuy vậy, vì còn là con nít nên tôi thường lén vào phòng cha, khoác mấy bộ đồ của cha lên người rồi săm soi trước gương. Trong trí tưởng tượng của tôi, chiếc áo của cha là long bào của nhà vua còn dây thắt lưng là bao súng của quân lính. Tôi thường mặc áo lót của cha khi đi ngủ và nhờ cái mùi mồ hôi quen thuộc nơi cổ áo mà tôi trấn át được nỗi sợ bóng tối của mình. Nhưng mấy năm gần đây, tôi chỉ ước cha bán quách mớ quần jeans để sắm vài cái quần kaki, đồng thời thay mấy đôi giày cổ lỗ sĩ bằng giày da hợp thời trang hơn. Tôi cũng không còn mặc đồ của cha khi đi ngủ nữa, và cuối cùng, tôi ước mình có một người cha khác.
Tôi luôn cho rằng cách ăn mặc của cha là nguyên nhân gây ra những thất bại trong các mối quan hệ của mình. Tôi nghĩ mình bị bọn con trai bắt nạt vì tụi nó đã trông thấy cha tôi đội nón cao bồi, cởi trần và dắt chó đi dạo. Tôi cảm tưởng như bọn con gái cười nhạo tôi khi thấy cha tôi mang đôi giày đen sì và tự xén cỏ. Gia đình tụi nó thuê người khác cắt tỉa bãi cỏ (và tôi tin chắc là những người thợ xén cỏ đó còn ăn mặc đẹp hơn cha tôi) trong khi cha của các bạn tôi thảnh thơi dạo du thuyền trên vịnh, diện áo len màu vàng chanh và mang giày xăng-đan đắt tiền.
Cả đời cha tôi chỉ mua đúng hai bộ vét. Cha thích ăn mặc sao cho thoải mái để tiện chui xuống gầm xe và sửa chữa. Thế nhưng trước ngày kỷ niệm 20 năm ngày cưới, cha cùng tôi tới tiệm Sears – cửa hàng quần áo nổi tiếng trong vùng – và cha dành cả buổi chiều để thử hết bộ vét này đến bộ vét khác. Với mỗi bộ, cha đều bước đến trước gương, mỉm cười gật gù, hỏi giá rồi lại đi tìm bộ khác. Chắc cha đã thử đến cả chục bộ vét trước khi chúng tôi lái xe qua một cửa hàng giảm giá và mua ngay một bộ vét mà chẳng cần thử. Tối hôm đó, mẹ tôi cứ mãi xuýt xoa rằng bà chưa từng thấy người đàn ông nào điển trai hơn thế.
Song, hôm cha mặc bộ đồ ấy đi dự lễ phát thưởng năm lớp Tám của tôi thì tôi ước rằng cha ở nhà thì hơn. Sau khi từ buổi lễ trở về nhà, (tôi được chọn là Học sinh Ưu tú Toàn diện), cha vừa khen ngợi thành tích học tập của tôi vừa thay bộ đồ đã bạc màu. Khi cha vào ga-ra để rửa xe, tôi đánh bạo nói với cha về điều mà một thằng con trai 14 tuổi như tôi coi là nỗi nhục. “Tại sao cha không ăn mặc ‘tử tế’ như cha của mấy đứa bạn con?”, tôi hỏi.
Cha nhìn tôi với ánh mắt sửng sốt và buồn bã, cố gắng tìm kiếm câu trả lời. Rồi trước khi đi khuất vào ga-ra, cha nói, “Cha thích bộ đồ của mình”.
Mãi đến sau này khi chín chắn hơn, tôi mới hiểu ra rằng bọn con gái tránh né tôi không phải do cha tôi, mà là do chính bản thân tôi. Tôi nghiệm ra câu nói của cha tối hôm đó hàm ý rằng, “Có những thứ quan trọng hơn quần áo bên ngoài, và cha không dám tiêu phí tiền bạc cho bản thân vì con còn cần nhiều thứ”. Dù cha không nói ra nhưng tôi hiểu rằng cha đã hy sinh cuộc đời mình để tôi có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Vào ngày lễ tốt nghiệp cấp ba của tôi, cha đến dự trong bộ vét mẹ mới mua hồi sáng sớm. Không hiểu sao hôm ấy cha trông cao ráo, điển trai và phong độ hơn những ông bố khác. Mọi người nhường lối cho cha khi ông đi ngang qua, và dĩ nhiên họ làm vậy không phải vì bộ đồ cha mặc mà là vì con người cha. Vì nhận thấy sự tự tin trong dáng vẻ đường hoàng và niềm tự hào trong mắt cha, các bác sĩ và luật sư cư xử với cha thật lịch sự và tôn trọng. Về đến nhà, cha cất kỹ bộ vét của tiệm Sears ấy vào tủ, và tôi chẳng bao giờ trông thấy nó nữa mãi cho đến lễ tang của cha.
Tôi không biết cha đã mặc đồ gì khi ra đi, nhưng cha mất trong lúc đang làm việc nên hẳn là cha đang mặc bộ đồ ưa thích của mình. Điều đó làm tôi cảm thấy nhẹ nhõm nhiều lắm. Mẹ định tẩm liệm cha trong bộ vét của tiệm Sears, nhưng tôi thuyết phục mẹ gửi đến nhà tang lễ cái quần jeans cũ, chiếc áo vải và đôi giày sờn mép của cha.
Buổi sáng hôm tang lễ, tôi lấy dao nhíp đục một lỗ trên dây thắt lưng của cha để nó vừa với eo mình, rồi tôi mặc bộ vét mà cha đã mua ở tiệm Sears. Tôi thu hết can đảm và bước đến đứng trước gương. Tôi nhìn vào gương và chợt thấy mình thật nhỏ bé trong bộ đồ của cha. Một lần nữa, tôi như trở lại thời thơ ấu khi khoác bộ đồ rộng lùng thùng lên thân hình còm nhom của mình. Mùi của cha phả lên âu yếm khuôn mặt tôi nhưng chẳng thể nào làm tôi nguôi ngoai nỗi đau mất cha. Tôi đứng lặng người trước gương và để mặc nước mắt tuôn trào, cố tưởng tượng đến một ngày mình trưởng thành và trở thành một người đàn ông đáng kính như cha.
Trích sách HGTH – Tình yêu thương gia đình