Thép đã tôi thế đấy! ra đời giữa bối cảnh lịch sử đặc biệt của Liên Xô cũ nhưng nguồn gốc và "xuất thân" của tác phẩm từ lâu đã bị… bỏ quên.
Thay vào đó, đứa con tinh thần của Nikolai Ostrovsky lại trở thành một thương hiệu vượt ngoài phạm vi trang sách, trở thành một công thức sống vượt qua giới hạn của một kiếp người. Và nhân vật chính Pavel Korchagin từ lâu đã là một cái tên quen thuộc đến mức chẳng cần phải giải thích, định danh gì thêm về con người văn học này.
Dù vậy, xét trên khía cạnh giá trị nghệ thuật, Thép đã tôi thế đấy! dường như luôn nằm ngoài danh sách kiệt tác văn học, ngay cả trong những năm 1930 - 1950 của Liên Xô. Nghĩ đến những đại văn hào nổi tiếng của Nga, quan điểm chính thức nhất lại là những cái tên như Fadeev hay Sholokhov, và chắc chắn không phải là Nikolai Ostrovsky.
Thế nhưng, bất chấp sự thật khó tin này, Thép đã tôi thế đấy! vẫn trở thành sách giáo khoa cho hàng trăm thế hệ thanh niên. Dần dần, tác phẩm không còn được đơn thuần xem xét ở phương diện văn học mà nó đã bước ra ngoài cuộc sống, trở thành một khuôn mẫu hành vi đáng trọng.
Trong Thép đã tôi thế đấy!, bạn có thể bắt gặp các chủ đề, câu chuyện hay thậm chí là vài đoạn mang văn phong tương tự như các cuốn tiểu thuyết cung đình thời trung cổ. Đôi khi, tác giả lại tường thuật theo lối thức giống với các bộ phim hài cổ điển.
Tuy nhiên, điều cốt yếu nhất trong tác phẩm, vượt ngoài các phương cách hình thức, lại là phẩm giá của nhân vật Pavel Korchagin, đó là sự trung thành với những lý tưởng.
Thậm chí, chính niềm tin tuổi trẻ và sức mạnh đạo đức đã mang lại cho Pavel Korchagin một nguồn sống tinh thần phi thường, vượt lên trên thể chất yếu đuối bệnh tật, bị hành hạ bởi thương hàn, bại liệt, vôi hóa cột sống và phải ngồi xe lăn.
Đặc biệt, Thép đã tôi thế đấy! còn là một cuốn tiểu thuyết với mức độ phản ánh chính xác đáng kinh ngạc về thời đại, từ cách mạng, nội chiến cho tới nhiệt huyết xây dựng xã hội chủ nghĩa với đại diện sáng giá nhất chính là Pavel Korchagin.
Ở đây, Pavel Korchagin - cái tôi và cái ta - thời đại quyện hòa làm một. "Tôi" làm nên thời đại và chính thời đại làm nên "tôi". Cũng nhờ vậy, Thép đã tôi thế đấy! hiện lên đầy tráng lệ nhưng cũng đầy xúc động, chân thật.
Thông qua tác phẩm, người đọc có thể hiểu được con đường của cuộc cách mạng Nga và hiểu được cả số phận mỗi cá nhân con người trong làn sóng cách mạng lịch sử.
Đồng thời, tất cả những khám phá và giải đáp nhân văn trong câu chuyện cũng đã biến Thép đã tôi thế đấy! trở thành một sự giao hòa tuyệt đối giữa bối cảnh xã hội lịch sử và giá trị đạo đức cao cả.
Dung Nhi
Theo TS