Tăng trưởng thần tốc - Công nghệ biến “từ một thành một tỷ”

30/10/2019 08:00
Tăng trưởng thần tốc - Công nghệ biến “từ một thành một tỷ”

Thay vì đi “từ không đến một”, tăng trưởng thần tốc sẽ giúp bạn đi “từ một đến một tỷ”, chính vì vậy tăng trưởng thần tốc luôn là một cụm từ quyến rũ với nhiều công ty khởi nghiệp lẫn tập đoàn lớn. Công nghệ nào sẽ biến một người tí hon thành khổng lồ trong phút chốc?

Không vẽ một bức tranh đầy màu hồng và xúi mọi người  làm mọi cách để nhanh chóng gặt hái thành tựu, cuốn sách “Tăng trưởng thần tốc” chỉ ra con đường nhanh nhất để tạo dựng doanh nghiệp khổng lồ nhưng không quên phân tích, cảnh báo rủi ro có thể gặp phải để phòng tránh.

Trái đắng bên trong mật ngọt

Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến nói: “Ngày hôm nay không phải là “cá lớn nuốt cá bé” mà là doanh nghiệp nào nhanh hơn sẽ chiến thắng”.

Sự phát triển tốc độ chóng mặt của The Coffee House với hơn 200 cửa hàng trong 5 năm khiến cho The Coffee House được xem là “ông lớn” chiếm lĩnh thị trường cà phê Việt Nam và có tốc độ tăng trưởng hơn hẳn cà phê StarBuck tại Việt Nam. CEO Nguyễn Hải Ninh cho biết, ngay từ khi mở 2, 3 cửa hàng đầu tiên, The Coffee House phải nhanh chóng mở rộng thị trường, không thể đợi 2, 3 cửa hàng đó sinh ra lợi nhuận mới phát triển vì chỉ cần chậm một giây, thị trường chính có thể bị “cuỗm” mất.

Dù vô tình hay cố ý, cả ông Hoàng Nam Tiến lẫn Nguyễn Hải Ninh đã mang tư duy phát triển thần tốc vào doanh nghiệp của mình. Tuy nhiên đi kèm với những lợi ích vượt trội, tăng trưởng thần tốc mang lại những khó khăn, rủi ro tiềm tàng, thậm chí có thể phá hủy danh tiếng, cổ phiếu công ty bất kỳ lúc nào. Ngay cả “ngôi sao” tăng trưởng thần tốc Facebook cũng phải cẩn thận với “chiếc bánh ngọt” này.

Một thực tập sinh mùa hè đã tìm ra lỗi kỹ thuật và làm sập toàn bộ Facebook trong 30 phút. Mark Zuckerberg – CEO Facebook cũng phải cay đắng thừa nhận: “Chúng tôi đang trong một thời điểm mà việc quay lại sửa những lỗi kỹ thuật, cùng vấn đề mà chúng tôi tạo ra sẽ làm mất nhiều thời gian hơn so với tốc độ chúng tôi đạt được bằng cách đi nhanh hơn”.

Công ty đá phiến Chesapeake Energy phát triển thần tốc từ doanh thu 738 triệu USD vào năm 2002, nhanh chóng tăng lên 7,3 tỷ USD vào năm 2006. Để tiếp tục mở rộng và chiếm lĩnh thị trường, công ty này đã phát triển đội ngũ tìm kiếm và thuê quyền sử dụng đất nhiều nhất có thể với chỉ thị hãy chi trả bất kỳ giá nào nếu cần thiết. Và cuộc suy thoái kinh tế năm 2008 khiến giá cổ phiếu Chesapeake Energy từ 62,4 USD tụt xuống chỉ còn 2,16 USD vào năm 2016. Đây chính là minh họa điển hình về những rủi ro của việc hy sinh hiệu quả để đạt được sự tăng trưởng thần tốc.

Một công ty lâu năm tham gia cuộc chơi tăng trưởng thần tốc và thất bại sẽ phá hủy những điều có giá trị đã gầy dựng. Một thất bại lớn và công khai có thể nhấn chìm giá cổ phiếu của một công ty lâu đời và cả danh tiếng đã có.

Bí kíp tăng trưởng thần tốc sẽ được tiết lộ bằng những giải pháp đơn giản và thực tế như: hợp tác với một công ty start-up tăng trưởng thần tốc khác, tận dụng kiến thức của các nhà đầu tư mạo hiểm hay xem sáng kiến mới là một công ty nhỏ bên trong một công ty lớn, …

Cuốn sách “Tăng trưởng thần tốc” sẽ giúp bạn phân tích cả mặt lợi, hại một cách chu đáo đồng thời đưa ra những giải pháp phù hợp từng loại hình doanh nghiệp

Barack Obama cũng áp dụng tăng trưởng thần tốc

Với những đặc trưng cơ bản như tăng trưởng thần tốc nhấn mạnh tốc độ và chấp nhận rủi ro nên phù hợp với những công ty khởi nghiệp thường có tinh thần “không có gì để mất”. Điều đó khiến nhiều người nghĩ rằng tăng trưởng thần tốc chỉ phù hợp với các công ty khởi nghiệp công nghệ. Tác giả đã thuyết phục rằng tăng trưởng thần tốc có thể ứng dụng cả những tập đoàn lớn hay các tổ chức phi lợi nhuận, thậm chí vận động tranh cử chính trị với cách thức ứng dụng linh hoạt hơn.

Đơn cử như chiến dịch tranh cử của tổng thống Barack Obama vào năm 2008 đã ứng dụng thành công sức mạnh của tăng trưởng thần tốc. Sử dụng các ứng dụng công nghệ như mạng xã hội, website, tận dụng gần như triệt để công cụ đến từ Sillicon Valley như Twitter, Facebook, Google, … Barack Obama đã huy động được nguồn tình nguyện viên khổng lồ trên khắp nước Mỹ trong thời gian ngắn, tạo thành một làn sóng ủng hộ chưa từng có.

Cố vấn chiến dịch của Obama là Steve Spinner, Chris Hughes đã biến điểm bất lợi của Obama là một thượng nghị sỹ da màu vô danh với nhiệm kỳ đầu tiên tại bang Illinois thành lợi thế bằng cách đưa những câu chuyện của Obama đến khắp các phương tiện truyền thông. Những câu chuyện đời thường của Obama đi vào lòng người nhanh hơn bất kỳ bài phát biểu nào khác của các chính trị gia đối thủ.

Từ trang my.barackobama.com, ứng dụng “Neighbor to Neighbor”, trang mạng đăng ký cử tri “The vote for Change” (Bỏ phiếu cho sự thay đổi) đã tận dụng các mạng lưới những người ủng hộ Obama sẵn có, cho phép họ kết nối với nhau, tạo nhóm, lên kế hoạch, đặc biệt là gây quỹ. Từ đó tạo ra hai triệu hồ sơ, hai trăm ngàn sự kiện offline, quyên góp được 30 triệu USD.

Nhờ ứng dụng nguyên lý tăng trưởng thần tốc, Obama giải quyết vấn đề tuyển dụng, quản lý nhân sự lẫn huy động số vốn không tưởng cho chiến dịch. Đối đầu với các ứng cử viên lão làng như Hillary Clinton, vốn có mối quan hệ sâu sắc với các nhà tài trợ truyền thống của Đảng Dân chủ sau những năm tháng ở Nhà trắng và Thượng Viện, Obama đã huy động tổng số tiền 650 triệu USD và hơn nửa số tiền khổng lồ đó đến từ khoản tài trợ nhỏ cá nhân. Điều mà chưa có bất kỳ ứng cử viên Tổng thống nào làm được trước đây.

Nguyên Nguyên


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 27/04/2024