Sống tối giản, tối thiểu để đạt được tối đa

STYLE Editor25/10/2020 08:30
Sống tối giản, tối thiểu để đạt được tối đa

Cuộc sống vốn mong manh, còn sự đời thì vô thường. Chẳng có gì lạ là ai nấy đều khao khát cảm giác an toàn. Nhưng ta không bao giờ tìm được sự an toàn lâu dài từ của cải trần tục.

Cuộc đời có quá nhiều chuyện ngẫu nhiên, và của cải không có đủ khả năng để bảo vệ chúng ta trước tất cả những điều đó. Vì thế, ta luôn khao khát có được nhiều hơn. Ta chẳng bao giờ cảm thấy mình đang an toàn tuyệt đối cả.

Vậy chúng ta nên làm gì với nhu cầu chính đáng là tìm được cảm giác an toàn này đây?

Ta nên tìm kiếm cảm giác an toàn từ những thứ thường bị hy sinh để ta có thể theo đuổi của cải vật chất: các mối quan hệ.

Giáo sư tâm lý học Margaret Clark tại Đại học Yale phát biểu rằng cảm giác an toàn có thể xuất phát từ cả của cải vật chất lẫn những mối quan hệ mang lại cho ta sự hỗ trợ tinh thần. Nhưng tình trạng mất cân bằng rất dễ xảy ra. Theo lời Giáo sư Clark thì: Con người là những sinh vật xã hội dễ bị tổn thương. Những mối quan hệ thân thiết mang lại cho con người cảm giác được bảo vệ. Ví dụ, trẻ sơ sinh sẽ không thể sống sót nếu không có người khác chăm sóc. Của cải vật chất cũng có thể mang lại cảm giác an toàn và được bảo vệ. Để sinh tồn, con người cần có thực phẩm, quần áo và chỗ trú. Vậy nên để có được cảm giác an toàn, ta cần đến nhiều yếu tố khác nhau. Nhưng nếu ta đặc biệt đề cao một yếu tố nào đó thì tực khắc ta sẽ ít quan tâm đến các yếu tố còn lại.

Nhầm lẫn giữa chủ nghĩa tiêu dùng với hạnh phúc đích thực

Vào thập niên 1920, khi làn sóng đầu tiên của sự sung túc lan đến những vùng dân cư rộng lớn ở Mỹ, các nhà quảng cáo bắt đầu cố ý tạo ra mối liên kết giữa quyền sở hữu với sự hạnh phúc trong tâm trí công chúng. Khi cố gắng thực hiện điều này, những người làm quảng cáo đã nhận được sự giúp đỡ từ các chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý học. Ernest Dichter, nhà phân tích tâm lý theo trường phái của Sigmund Freud đã hỗ trợ cho các công ty quảng cáo, từng nói rằng: “Trong chừng mực nào đó, nhu cầu và mong muốn của con người phải được khuấy động không ngừng.”

Từng có bài báo viết:

Ngày nay, một chiếc iPad, một chuyến nghỉ dưỡng đúng chuẩn hoặc đôi giày thể thao mới nhất đã trở thành điều kiện tiên quyết để một người nhận được sự tôn trọng. Một số hãng bia được đánh đồng với tình bạn và sự gắn kết cộng đồng. Một căn nhà hoành tráng biểu thị cho địa vị và là bằng chứng chứng tỏ bạn có thu nhập cao, có khả năng chu cấp tốt cho gia đình. Đương nhiên, tất cả những ý tưởng này đều do các công ty quảng cáo tạo ra và gán ghép, mà khách hàng của các công ty này sẽ thu được lợi nhuận khi chúng ta mua sắm nhiều hơn mức cần thiết.

Các công ty quảng cáo đã rất thành công trong việc lợi dụng những khát khao ích kỷ về quyền sở hữu của chúng ta, đến nỗi ngày nay mua sắm gần như được xem là đồng nghĩa với hạnh phúc. Như thể mục đích sống trên đời chính là thỏa mãn bản thân, và mua sắm là con đường duy nhất để đạt được điều đó. Chúng ta không suy nghĩ về chuyện này, chúng ta chỉ mặc định là thế.

Nhưng may mắn là trong thời gian này, cá nhân mỗi chúng ta đều bắt đầu nhận ra sự thật này và bắt đầu quan tâm tới khái niệm tối giản. Những người đang sinh sống tại các quốc gia phát triển trên thế giới, xu hướng sống là cắt giảm lượng đồ đạc mình sở hữu chứ không phải là tăng thêm. Do đó, thực tế mà nói thì chúng ta cần học kỹ năng tối giản hóa cuộc sống.

Hai quan niệm sai lầm thường thấy khi nói đến lối sống tối giản

  1. Sống tối giản nghĩa là từ bỏ mọi thứ

Một số người cứ nghĩ tối giản nghĩa là vứt hết mọi thứ, hoặc hầu hết mọi thứ, bằng bất cứ giá nào. Điều này hoàn toàn không đúng. Sự thật là lối sống tối giản chỉ đề cập đến việc sống với ít đồ đạc hơn mà thôi, ít hơn không phải là không có gì cả.

  1. Sống tối giản nghĩa là sắp xếp lại đồ đạc

Sắp xếp đồ đạc có vai trò riêng của nó, nhưng việc này không liên quan đến cuộc sống tối giản.

Sỡ hữu đồ đạc không đồng nghĩa với có được hạnh phúc. Ai cũng biết điều này rồi đúng không? Chí ít hầu hết chúng ta đều có thể thừa nhận rằng việc sở hữu đồ đạc không mang lại cho ta cảm giác mãn nguyện thật sự.

Vẻ đẹp của chủ nghĩa tối giản không nằm ở những thứ bị bỏ đi. Vẻ đẹp và điều tuyệt vời nhất của chủ nghĩa tối giản nằm ở những gì nó mang lại.

Tài sản và đồ đạc thừa mứa không giúp ta có được hạnh phúc. Tệ hơn, chúng còn khiến ta xa rời những điều thật sự mang lại hạnh phúc. Một khi buông bỏ được những thứ không quan trọng, ta có thể thoải mái theo đuổi tất cả những điều thật sự quan trọng với mình.

Đây là một thông điệp vô cùng quan trọng trong xã hội ngày nay, khi mà động lực chủ yếu thúc đẩy cuộc sống của đa số mọi người là được sở hữu thật nhiều đồ đạc. Thông điệp này có thể mang lại cho bạn một cuộc sống mới cùng niềm hân hoan to lớn hơn.

Sống tối giản: là có ý thức quan tâm, ưu tiên những điều có ý nghĩa với mình nhất và loại bỏ bất cứ thứ gì khiến mình xao nhãng khỏi những điều đó.

Khát khao sự an toàn và mong muốn được chấp nhận là hai mục tiêu cơ bản của con người, và có khi ta sẽ ngây ngô cố gắng hoàn thành hai mục tiêu ấy bằng cách tích trữ đồ đạc quá mức. Nhưng tôi muốn làm rõ một nhu cầu nữa, đó là sự mãn nguyện. Ai cũng muốn có cảm giác “về đích”. Giống như cảm giác ta đã có được mọi thứ mình muốn và thấy hài lòng. Ai cũng muốn đặt chân vào vùng đất mang tên Mãn Nguyện.

Người ta tìm kiếm sự mãn nguyện ở khắp nơi. Có người tìm kiếm sự mãn nguyện qua công việc được trả lương cao nhưng vẫn không hài lòng khi được duyệt tăng lương lần đầu. Có người tìm kiếm sự mãn nguyện qua việc sở hữu nhà cao cửa rộng nhưng vẫn không hài lòng mỗi lần căn nhà cần sửa chữa hoặc bảo dưỡng. Nhiều người tìm kiếm sự mãn nguyện ở cửa hàng bách hóa, họ tin rằng rốt cuộc chỉ cần một món đồ nữa thôi là mình sẽ có được cảm giác thỏa nguyện, nhưng khi mang món hàng đó về nhà, họ vẫn thấy còn thiếu điều gì đó.

Như thể sự mãn nguyện là một cái đích biết lùi ra xa mỗi lần ta lại gần. Đây là điều tất yếu khi mà khái niệm mãn nguyện của chúng ta phụ thuộc vào sự dồi dào của cải vật chất. Có khi nào bạn nghĩ chúng ta đã được dạy để tìm kiếm sự mãn nguyện nhầm chỗ?

Nếu sự mãn nguyện được tìm thấy ở những nơi hoàn toàn trái ngược với những nơi chúng ta đang tìm thì sao? Nếu như ta tìm được sự mãn nguyện khi đáp ứng nhu cầu của người khác chứ không phải khi tích cóp đồ đạc cho mình thì sao?

Đúng là nhu cầu của chúng ta ít bao nhiêu, những thứ ta có thể trao đi càng nhiều bấy nhiêu. Nhưng nếu điều ngược lại cũng đúng thì sao? Nếu trao đi càng nhiều, nhu cầu của chúng ta sẽ càng ít lại thì sao? Nói cách khác, nếu sự hào phóng có thể mang lại cho ta cảm giác mãn nguyện thì sao?

Những ai phân phát bớt đồ đạc sẽ trân trọng số đồ đạc còn lại của mình nhiều hơn trước. Những ai dành thời gian cho người khác sẽ tận dụng thời gian còn lại của mình hiệu quả hơn. Và những ai quyên tặng tiền bạc sẽ ít lãng phí số tiền còn lại hơn.”

Bài viết dựa trên những nghiên cứu và đánh giá của tác giả Joshua Becker trong cuốn “Sống tối giản” do First New phát hành.

Ảnh: pinterest

Nhập mã TIKITDT9 giảm thêm 5% khi mua sách do "Sống Tối Giản" do Tiki Trading phân phối: http://bit.ly/songtoigian-tk. Thời hạn sử dụng: đến hết ngày 31/10/2020. Số lượng mã giảm giá có hạn.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025