Đúng như lời giới thiệu, đây là một cuốn tiểu thuyết đúng chất Châu Tinh Trì. Tưng tửng. Siêu thực. Nhiều chi tiết hài hước phi logic. Nhưng cũng có nhiều lúc khiến người ta cảm động đến chảy nước mắt.
Hành trình của anh chàng nhà quê, con một cặp vợ chồng thuở xưa xung phong đi kinh tế mới ở Tây Nguyên mở đầu bằng một sự kiện trớt quớt: cái chết của Chi Wa Wa – một nhân vật mà khi đọc tiếp người ta mới biết chẳng liên quan gì đến câu chuyện chính.
Nhưng trên bước đường bôn tẩu của anh trai làng ấy, Chi Wa Wa và người bạn thân Xê Cu La thỉnh thoảng lại xuất hiên và mỗi lần xuất hiện Chi Wa Wa cứ phải chết. Cái chết đại diện cho một giấc mơ không thể thành hiện thực vì làm không phải cách. Rõ là con đường thành công không thể xây bằng những lừa lọc, giả trá. Như anh trai làng của chúng ta đã rút ra kết luận sau bao nhiêu sóng gió: “Không có toan tính nào làm con người ta sống yên ổn cả. Nếu ta nghĩ mình thắng thì có nghĩa là ta chuẩn bị thua. Sống chân thành và hết mình mới là anh minh.”
Anh trai làng của chúng ta cứ gặp hết nghịch cảnh này đến nghịch cảnh khác, nhưng lần nào anh cũng cho đó là chuyện thường tình của một tuổi trẻ “hoang hoải”, thế là anh chép miệng rồi biến nó thành cơ hội. Và dù có dặn lòng đừng quá ngây ngô để bị mắc lừa lần nữa, nhưng anh vẫn không ngừng tin đời tin người. “Cứ sai đi vì cuộc đời cho phép. Ai giận ai ai hờn ai cho qua đi.”
Giữa câu chuyện tưng tửng phớt đời, hành trình của một thanh niên từ quê ra phố khát khao thành công hiện ra với đầy đủ cung bậc, có vất vả, có khó khăn, nhiều khi tưởng chừng không thể vượt qua, nhưng cũng đầy tình yêu thương giữa những người lao động cùng khổ với nhau.
Cuối cùng Chi Wa Wa có chết không? Chàng thanh niên cứng của núi rừng Tây Nguyên có tìm được người con gái anh yêu và đạt được thành công như định mệnh đã báo trước giữa Sài Gòn không? Không quan trọng. Kết thúc chuyến đi tìm giấc mơ, người ta mới nhận ra: Đi thật xa để trở về (Lại một câu thời thượng của tuổi trẻ hoang hoải). Bình yên trong tâm hồn mới là kho báu lớn nhất của đời người.