Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, tình trạng in lậu sách, bán sách giả đã và đang có nhiều diễn biến phức tạp tinh vi.
Thay vì bày bán trên vỉa hè hay tại các tiệm sách lẻ như trước kia, lợi dụng mạng xã hội, rất nhiều đầu nậu sách đã chuyển sang hình thức bán sách giả online. Thậm chí, các kênh thương mại điện tử cũng đã trở thành phương tiện buôn bán sách giả của các đối tượng gian dối.
Sách lậu tiến hóa theo công nghệ
Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa trong bài trước,trong cuộc chiến chóng sách giả, sách lậu các đơn vị thuộc Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra, phát hiện và thu giữ hàng chục nghìn cuốn sách “lậu” và các ấn phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ với giá trị lên đến nhiều tỷ đồng.
Nhiều đối tượng buôn bán sách giả, sách lậu đã khai nhận số sách làm giả để phục vụ bán online, bán hàng trên mạng.
Sự phát triển của internet đã dẫn đến sự phát triển của thương mại điện tử và sách lậu cũng theo đó mà nghiễm nhiên “lên sàn”. Trong thời đại người người online, nhà nhà lướt web mua sắm qua mạng…, thị trường sách thương mại điện tử trở thành mục tiêu kinh doanh và được cho là “an toàn” hơn hình thức bán tại các cửa hàng của các đầu lậu sách giả.
Theo thống kê, hiện nay có khoảng 5 sàn thương mại điện tử lớn bán sách online như: Lazada, Shopee, Tiki, Sendo…, mỗi sàn này lại có hàng chục ngàn nhà bán hàng, trong đó có sản phẩm sách.
Cuốn sách Đắc Nhân Tâm của công ty Trí Việt bị làm giả đến 16 lần với đủ các loại hình thức, nhà xuất bản khác nhau. Ảnh: Fist News |
Như vậy, các trang thương mại điện tử này đang có vai trò là một khu chợ, cung cấp các gian hàng.
Và có rất nhiều những cá nhân, đơn vị khác ở bên ngoài sẽ thuê những gian hàng này để bán các loại sản phẩm.
Cách thức hoạt động trên khiến cho sách được đưa vào các sàn giao dịch một cách thiếu kiểm soát.
Cũng bởi vậy, khi xảy ra việc bán sách lậu, sách giả các sàn thương mại điện tử cho rằng: mình chỉ là đơn vị trung gian, cung cấp nơi bán hàng chứ không lưu trữ ấn phẩm.
Bên cạnh đó, mạng xã hội cũng đang trở thành nơi các đối tượng buôn bán sách giả, sách lậu tung hoành.
Khi mọi người đều sở hữu ít nhất một tài khoản Facebook và nhu cầu mua sắm online cao thì thị trường bán sách online cũng là cuộc cạnh tranh sôi động.
Việc phát triển một fanpage Facebook bán sách, lập các hội nhóm mua bán sách…đang trở lên dễ dàng. Do vậy, ngày nay không khó để có thể tìm thấy một địa chỉ bán sách trên trang mạng xã hội Facebook,
Thậm chí có cả những loại sách mà nhà sách đã ngừng xuất bản nhưng các trang bán hàng này vẫn có sách mới để bán.
Được biết, các tác phẩm được chọn làm giả thường là những tựa sách đang bán rất chạy, như: Quẳng gánh lo đi mà vui sống, Đắc nhân tâm, Suối nguồn tuổi trẻ, Nghệ thuật bán hàng bậc cao….
Thậm chí có đơn vị liên kết như Công ty văn hóa sáng tạo Trí Việt (First News) bị các “trùm lậu” làm giả đến 280 đầu sách, trong đó những ấn phẩm như Đắc nhân tâm, Hành trình về phương Đông, Hạt giống tâm hồn kỷ lục tới... 10 - 15 phiên bản khác nhau.
Công nghệ sách giả
Theo thống kê mới nhất của công ty sách First News, hiện nay có đến hơn 480 đầu sách của công ty này bị in lậu, làm giả dưới mọi hình thức và một đầu sách bị hàng chục nơi in lậu làm giả, cạnh tranh đua nhau giảm giá.
Các cuốn sách “best-seller” như Đắc Nhân Tâm, Quẳng Gánh Lo Đi, Hành Trình về Phương Đông và bộ sách của Nguyên Phong, bộ 18 cuốn Hạt Giống Tâm Hồn, Nghĩ Giàu Làm Giàu, Dám Nghĩ Lớn... thậm chí bị từ 10 đến 17 nơi in lậu, làm giả cùng một lúc.
Theo công ty này đưa ra, điển hình như cuốn sách ‘Nghĩ Giàu - Làm Giàu’ của tác giả nổi tiếng Napoleon Hill mà First News là đơn vị đầu tiên mua bản quyền bị hơn 10 nơi in lậu - Có nghĩa là: Bạn đọc mua 10 cuốn Nghĩ Giàu - Làm Giàu - thì First News bán được 1 cuốn sách thật.
Thị trường tiêu thụ 16 cuốn Đắc Nhân Tâm, Quẳng Gánh Lo Đi, Hạt Giống Tâm Hồn, Hành Trình về Phương Đông... thì First News mới bán được một cuốn.
Sách giả đã lên internet và đang gây khó khăn cho cuộc chiến chống lại nạn buôn bán, in lậu sách. Ảnh chụp màn hình |
Sách bị làm giả thường đánh máy hoặc scan, dẫn đến tình trạng nhầm trang, sai sót lỗi chính tả…
Đặc biệt có hiện tượng nhiều kẻ làm giả sách, in lậu, để giá sách giả cao hơn sách thật từ 30-50%, sau đó quảng cáo giảm giá mạnh để thu hút và đánh lừa bạn đọc. Đặc biệt việc treo sách thật bán sách giả trên mạng khiến phần lớn bạn đọc, đa số là học sinh, sinh viên không thể phân biệt được đâu là sách thật sách giả bởi chỉ có thể thấy hình bìa sách thật trên các trang thương mại điện tử hoặc không có sách thật để so sánh.
Đáng lo ngại hơn khi cuốn sách “Hiểu về Trái Tim” của Thiền sư Thích Minh Niệm được đơn vị phát hành cam kết dành lợi nhuận để làm từ thiện, mổ tim miễn phí cho trẻ em nghèo cũng bị 5 nơi in lậu, làm giả và thu lời trên ý nghĩa nhân văn của cuốn sách.
Thủ đoạn làm sách giả phổ biến nhất là chế bản toàn bộ. Với cách này đối tượng in lậu dùng các phần mềm chuyên dụng để nhận dạng chữ khiến độ chính xác cao, giống đến 95% sách thật.
Cách này đặc biệt ưu thế với làm giả sách ngoại ngữ, với sách tiếng Việt thì sẽ bị nhiều lỗi chính tả do phần mềm không nhận diện được tiếng Việt.
Sách thật được scan chất lượng cao cả bìa và nội dung. Sách giả giống đến 90% sách thật. Hoặc kẻ làm sách giả photocopy, thay bìa đổi tên, đánh lừa người tiêu dùng bằng một nội dung nghe có vẻ mới lạ.
Công nghệ làm giả sách cũng được “phát triển” theo sự tiến bộ của Khoa học kỹ thuật.
Nếu trước kia, sách giả, sách lậu là những bản scan, chất lượng giấy, chữ viết nhòe nhoẹt gây ức chế cho người dùng thì nay, sách giả đã tinh vi hơn rất nhiều.
Thậm chí, các đầu lậu sách giả sử dụng cả máy chụp phim cao cấp để “độ” giống trên 95% so với sách thật, thậm chí bìa sách thật có nhũ vàng thì sách giả cũng làm y hệt mà nếu không phải người trong nghề sẽ rất khó phát hiện.
Sách giả còn được thiết kế dạng PDF hoặc đọc thu âm chép trong USB để dùng nghe trên xe hơi, đủ loại “giả dạng” được công khai rao bán tràn lan trên mạng, đáng chú ý có cả trên những sàn thương mại điện tử lớn…
Bài tới: Sách giả “giết” sách thật tàn nhẫn như thế nào?