Phụ nữ hiện đại... - Tại sao phụ nữ có xu hướng nhận lấy tội lỗi?

07/03/2019 09:21
Phụ nữ hiện đại... - Tại sao phụ nữ có xu hướng nhận lấy tội lỗi?

Trong cuốn sách “Phụ nữ hiện đại nghĩ giàu và làm giàu”, Sharon Lechter đã khuyên phụ nữ hãy ngừng giằng xé nội tâm bằng việc cân bằng gia đình và công việc. Thay sự giằng xé tiêu cực đó thành mục tiêu “mưu cầu một cuộc sống viên mãn với tình yêu, gia đình...

Sharon Lechter là chuyên gia quốc tế nổi tiếng về tài chính đồng thời là một nhà giáo dục, một diễn giả và cũng là một người mẹ thành công. Bà là người được Tổng thống George W. Bush chọn làm vị trí đầu tiên trong Hội đồng tư vấn Tổng thống về kiến thức tài chính. Trong cuốn sách “Phụ nữ hiện đại nghĩ giàu và làm giàu”, bà đã khuyên phụ nữ hãy ngừng giằng xé nội tâm bằng việc cân bằng gia đình và công việc. Thay sự giằng xé tiêu cực đó thành mục tiêu “mưu cầu một cuộc sống viên mãn với tình yêu, gia đình, sự hài lòng, thành công và ý nghĩa”.

Cảm giác tội lỗi

Ngay trên đỉnh cao vinh quang của sự nghiệp, nhiều người phụ nữ hiện đại vẫn thường xuyên ám ảnh về cảm giác tội lỗi khi không thể cân bằng gia đình, công việc. Một cuộc khảo sát do tạp chí “Stylist” của Anh tiến hành năm 2010, cho thấy 96% phụ nữ cảm thấy tội lỗi ít nhất một lần trong ngày.

Quote PhuNuNghiGiauLamGiau-03.jpg

Họ cảm thấy thấy cắn rứt khi không thể nấu cho chồng, cho con những bữa ăn đều đặn khi công việc ngập đầu. Những phụ nữ đang là CEO, nhà khoa học , giám đốc, quản lý, … gánh trên mình nhiều trọng trách, sứ mệnh không khác gì “phái mạnh” nhưng họ dễ dàng cảm thấy thất vọng bản thân khi bị tấn công dồn dập bởi những thông điệp rằng, sự thành công chẳng là gì khi không toàn vẹn “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

Có hàng triệu phụ nữ ngoài kia đang phấn đấu tách biệt cuộc sống cá nhân với sự nghiệp, không muốn chồng, đồng nghiệp, con cái cảm thấy bị ảnh hưởng bởi khối lượng công việc của họ. Sharon Lechter chỉ ra điều này là bất khả thi, đó là một ý tưởng tồi đến mức có thể tàn phá bất kỳ người phụ nữ mạnh mẽ nào.

Tác giả Sharon chia sẻ nhiều khi bà “phát điên” với cảm giác tội lỗi mà xã hội “đóng gói’ và gán lên phụ nữ. Nếu họ bị đối xử thiếu tôn trọng, họ tự nói với mình rằng họ chưa xứng đáng. Nếu người chồng không thích họ, thậm chí ngoại tình thì họ cho rằng do bản thân mình chưa đủ hấp dẫn. Con cái không học hành đến nơi đến chốn, hư hỏng là do họ không biết dạy. Nhà cửa bừa bộn là lỗi của họ. Phụ nữ lớn lên trong xã hội như thế và bắt đầu có xu hướng nhận lấy tội lỗi ngay cả khi họ không phải là người gây ra điều đó.

Phunuhiendainghigiauvalamgiau.JPG

Bìa cuốn sách.

Phụ nữ thành công không phải có tất cả từ gia đình, sự nghiệp, tình yêu, … nó quá hoàn hảo đến mức cực đoan. Monique Lhuillier vốn là nhà thiết kế thời trang áo cưới nổi tiếng thế giới chia sẻ cách cô ấy vượt qua những cảm giác tiêu cực đó: “Tôi là một người cầu toàn nhưng tôi biết làm thế nào để sống. Khi tôi làm việc, tôi làm 100% nỗ lực. Khi tôi gặp gỡ bạn bè, tôi bỏ mọi thứ qua một bên và tận hưởng cuộc sống. Khi tôi trở về nhà với các con đó là niềm vui thuần khiết và tất cả mọi thứ đều đáng giá. Mỗi thời điểm, tôi thực sự tập trung 100% vào một thứ. Tôi đã học cách sắp xếp cuộc sống của mình và tôi cảm thấy bây giờ tôi có được sự cân bằng hoàn hảo”.

Cụm từ quyền lực nhất là “lựa chọn”

Anne Marie Slaughter nhà hoạt động chính trị lỗi lạc trong bài diễn thuyết của mình dành cho phụ nữ với chủ đề: “Chúng ta có thể có tất cả không?”, bà đã chia sẻ về sự lựa chọn khó khăn của bản thân giữa sự nghiệp và gia đình. Được đề nghị vào vị trí giám đốc quy hoạch cộng đồng của Bộ ngoại giao Mỹ là một cơ hội hiếm có mà bản thân bà Anne Marie Slaughter đã mong đợi từ lâu. Nhưng có một điểm lấn cấn trong lòng bà. Đó là việc bà bay đi bay lại giữa Washington và Princetion, nơi chồng và hai người con trai trong độ tuổi thanh thiếu niên của bà đang sống suốt thời gian dài. Điều này khiến cả gia đình có một khoảng cách.

Quote PhuNuNghiGiauLamGiau-06.jpg

Anne Marie có thể lựa chọn thuyết phục chồng và các con di chuyển chỗ làm, chỗ học đến Washington để hỗ trợ sự nghiệp chính trị của bà nhưng tiếng nói của tình yêu và trách nhiệm khiến bà cảm nhận sự lựa chọn đúng đắn là ở nhà. Bà là người tiên phong trong phong trào nữ quyền, khi đưa ra quyết định từ bỏ sự thăng tiến trong sự nghiệp để tập trung cho gia đình, nhiều người cho rằng bà đi ngược với kim chỉ nam cuộc đời.

Anne Marie tâm sự việc bình đẳng nam nữ không nhất thiết phải là định lượng có bao nhiêu phụ nữ nắm giữ các vị trí: thủ tướng, chủ tịch, CEO, giám đốc, quản lý, nhà khoa học đoạt giải Nobel, nhà lãnh đạo, …

Giai đoạn đứng trước quyền lựa chọn, bà lắng nghe điều mình muốn. Bà không muốn bỏ lỡ 5 năm cuối của các con khi chúng còn ở nhà. Bà không muốn trong những năm tháng thanh thiếu niên đầy biến động, các con phạm sai lầm mà bà không có mặt ở đó. Bà muốn khẳng định, quyền quyết định, sự lựa chọn cái nào quan trọng nhất với bản thân và được mọi người tôn trọng là điều phụ nữ cần.

Trái ngược với sự lựa chọn của nhà hoạt động chính trị Anne Marie, “Phụ nữ hiện đại nghĩ giàu và làm giàu” kể câu chuyện thành công của nữ doanh nhân Margie Aliprandi. Bà là mẹ đơn thân với ba người con nhỏ, không có kinh nghiệm thương trường, không có chút vốn liếng nào để kinh doanh, bà chỉ có một mục tiêu, khát khao cháy bỏng có đủ điều kiện mang lại cuộc sống tuyệt vời hơn cho các con. Trước sự quyết tâm đó, bà cũng bị thử thách bởi những lựa chọn.

Khi chuẩn bị đến một cuộc họp, cậu con trai chân trần trong bộ đồ mới ba tuổi của bà khóc nức nở nài nỉ: “Mẹ ơi, đừng đi mà!”. Bà bước xuống xe, ẵm con trên tay và khóc theo con nhưng giây phút đó bà biết để có cơ hội dẫn các con đi đến bất kỳ nơi nào trên thế giới không còn cách nào  khác ngoài việc cố gắng cho công việc hiện tại. Nếu bà lựa chọn ở nhà cùng với con, tiếp tục là người mẹ nội trợ, làm công việc dạy đàn cho trường trung học chắc có lẽ bà không thể nâng cao chất lượng cuộc sống của 4 mẹ con.

Sự lựa chọn đó giúp bà có một công việc tốt, cho phép bà và các con du lịch quanh thế giới. Sự quyết đoán tạo lập một hình ảnh người mẹ mẫu mực để nuôi dạy các con bà trở thành người tự lập, biết quan tâm, chăm sóc mọi người và có trách nhiệm.

Trong cuộc sống gia đình, câu hỏi lớn khiến nhiều phụ nữ lo lắng là làm sao phân chia đồng đều việc chu cấp, kinh tế và nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng? Khi nhắc đến “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, nghĩa là việc chăm sóc con cái, xã hội vốn “đóng khung” với hình ảnh người phụ nữ.

Hàng loạt những người phụ nữ thành công trong nhiều lĩnh vực của Sharon Lechter trong “Phụ nữ hiện đại nghĩa giàu và làm giàu” đã nói lên, khuôn mẫu đó đã và đang được thay đổi. Phụ nữ ngày nay có thể lựa chọn giữa việc trở thành người chăm sóc theo đúng nghĩa “xây tổ ấm” hay lựa chọn trở thành “người xây nhà”. Sự bình đẳng, nữ quyền chỉ thành công một nửa nếu những người đàn ông lựa chọn “xây tổ ấm” không vượt ra những lời xì xào, bàn tán của xã hội.

Cho dù Anne Marie hay Margie Aliprandi lựa chọn như thế nào, gia đình hay sự nghiệp. Họ hiểu rõ điều quan trọng trong thời điểm đưa ra lựa chọn và nhận được sự ủng hộ của mọi người. Không riêng phụ nữ, bất kỳ ai đều cần hy sinh ngắn hạn để đạt mục tiêu dài hạn. Quan trọng không phải là có tất cả hay không. Mà quan trọng là bạn coi trọng điều gì nhất.

Nguyên Nguyên


Gửi bình luận
(0) Bình luận