Một lần nữa, mình lại chọn một bộ phim về đề tài nhà tù này. Vì vốn dĩ lương tâm và tâm hồn của con người sẽ mãi là một khái niệm trừu tượng mà không bao giờ có một thước đo cụ thể. Mình chẳng bao giờ hiểu hết được, chỉ có thể biết thôi.
The Shawshank Redemption mất hết bảy giải thưởng Oscar về tay Forrest Gump vào năm 1994. Bộ phim cũng không bao gồm pha hành động rượt đuổi gay cấn nào, không có hình ảnh bắt mắt đa dạng, nó chỉ đơn giản là nhẹ nhàng, ấm áp đi vào lòng người xem. Và cho đến bây giờ, bộ phim vẫn được mọi người chào đón bởi những giá trị nhân đạo mà nó mang lại.
Andy Dufresne, một nhân viên ngân hàng gương mẫu bị kết tội tù chung thân vì giết vợ và nhân tình. Nhận được án tù chung thân cho hai mạng người, có nghĩa là cả cuộc đời còn lại của anh sẽ không bao giờ có thể bước ra thế giới bên ngoài song sắt được nữa. Anh được đưa tới nhà tù Shawshank, và ở đó, anh gặp gỡ với những người bạn tù và tạo nên những mối quan hệ thân thiết.
*
Đầu tiên, bộ phim hấp dẫn mình ở thái độ của Andy. Đa số các loạt phim về người tử tù, ta luôn thấy những dáng vẻ suy sụp, những tâm hồn rã rời. Nếu không phải là một nhà tù toàn những kẻ côn đồ máu lạnh hung bạo thì sẽ là những góc tối đầy sự vô vọng mong muốn tìm đến cái chết. Thế nhưng ở đây, Andy một mực từ chối đã giết vợ và xuyên suốt cả bộ phim luôn giữ một tâm thế trầm tư, ít nói. Ta không thấy bất cứ sự hối lối nào ở gương mặt, đôi mắt của anh mà luôn tồn tại một sự thanh thản, mơ hồ đến lạ kì. Bộ phim không thể hiện ra suy nghĩ, ý muốn của Andy mà để cho khán giả tự hỏi bản thân, tự suy đoán, tạo cho Andy một vẻ ngoài ký bí khó hiểu. Tất cả những gì khán giả thấy đều được kể qua góc nhìn của Red, người sau này trở thành bạn thân của Andy. Điều đó khiến mình bị cuốn vào bộ phim không rời, vì Andy luôn có thể đột ngột hành động không thể suy đoán trước. (Để rồi sau đó thăng hoa trong đủ các loại cảm xúc) Bộ phim không phải chỉ về Andy, mà còn về các mối quan hệ, những người tử tù xung quanh. Có lẽ đây cũng chính là chìa khóa khiến bộ phim thành công hơn cả.
Và ở anh có một thứ gọi là hy vọng.
Nghe hơi trớ trêu và nực cười. Một tên tử tù án chung thân với hy vọng được tự do.
Nhưng tự do có nhiều loại. Andy Dufresne cần thứ tự do ở chính tâm hồn mình. Cuộc sống trước kia của Andy tưởng chúng là hạnh phúc nhưng cuối cũng không mang lại cho anh niềm vui. (Hay đúng hơn nó chỉ mang lại cho anh một cô vợ từ bỏ mình để đến với một thằng con trai khác!) Andy cần thoát khỏi điều đó. Liều lĩnh giúp đỡ tên cai ngục, để đổi lấy vài chai bia cho bạn bè, chịu ngồi phòng tối chỉ để cho mọi người nghe bản một bản nhạc, dạy cho một tù nhân trẻ học chữ, miệt mài viết thư xin cấp kinh phí xây thư viện trong tù. Chậm rãi, Andy thay đổi mọi người mà anh gặp. Qua đó, mình cũng có thể thấy một xã hội thu nhỏ rất thú vị ở trong tù. Bỏ qua những tội ác mà những kẻ tù tội đã gặp trong quá khứ, bộ phim đồng thời cũng nêu lên chua chát những thối nát trong công lý, những kẻ cầm quyền chỉ biết giương mặt thể hiện uy quyền, những sai lầm của những kẻ đại diện cho cái đúng. Ta bắt gặp sự chông chênh của lương tâm, một vài khao khát thỏa mãn tình dục, vài trận đánh nhau tan nát. Nhưng những hình ảnh ấy không phải để khiến cho ta thêm mất niềm tin vào cuộc sống, hay để khinh thường chán ghét họ, mà là để ta hiểu hơn về cuộc sống, về con người. Sau này ta cũng sẽ biết rằng tội ác của Andy không phải như những gì tòa đã phán xét.
Những người như Red và ông Brook, thì tự do chính là được tha thứ, được thoát khỏi song sắt quay trở về với cộng đồng. Cả hai đều đã gắn bó với nhà tù quá lâu, với họ đây chính là ngôi nhà duy nhất. Thoát khỏi đây cũng như tự rời bỏ mái ấm của chính mình, sẽ cảm thấy chao đảo và sợ hãi. Chi tiết ông Brook đe dọa giết người khác để được ở lại khi ông nhận được lệch ân xá sẽ mãi còn ở trong tâm trí mình.
Ta có thể thấy bốn bức tường đóng kín có thể ảnh hưởng tới một con người như thế nào. Đối với Brook, “tự do” lúc này cuối cùng chỉ lại là một nhà tù khác. Tái hòa nhập với một cộng đồng đã thay đổi quá nhiều, cô đơn khi phải trơ trọi một mình, tất cả những điều đó đã giết chết tâm hồn và con người Brook.
Red, vì có Andy làm bạn, đã không vướng phải tình trạng như Brook. Mình vẫn nhớ chi tiết mỗi khi Red được hỏi rằng ông có hối hận về những gì đã làm không ở ba phiên tòa ân xá. Từ ban đầu, Red vẫn luôn tự dày vò bản thân về tội ác của mình, ông liên tục nói hối hận và không bao giờ có ý định tha thứ chính mình. Nhưng dần dần, khi tiếp xúc với Andy, Red nhận ra được giá trị của cuộc sống và tự giải thoát cho tâm hồn để trở lạ thành người tốt, xóa bỏ mọi tội trạng, đó cũng chính là khi ở phiên tòa thứ ba, ông bác bỏ mọi thứ về sự hối hận và được cho phép ra tù. Tình bạn của Red và Andy là cứu rỗi lẫn nhau, họ thật sự quan tâm đến nhau. Và mình nghĩ đây chính là tình bạn đẹp nhất mà mình từng biết.
Cả bộ phim là nhiều sự trái ngược đối lập nhau đến mâu thuẫn. Nhưng nó mang một cái kết mĩ mãn làm vừa lòng người xem. Nó miêu tả những sự thật trần trụi về con người, nhưng lại hướng về một tương lại sáng sủa, đẹp đẽ và bình yên.
Sau khi xem phim thì mình có cái nhìn khác hơn về những con người này. Lạ kì là bạn sẽ yêu mến sự chân thật và mộc mạc của họ. Bạn sẽ học được cách bỏ qua lỗi lầm của người khác. Và hơn hết, bạn sẽ có được vài bài học về hy vọng.
“Hy vọng là một thứ tốt đẹp và có lẽ là tốt đẹp nhất. Và chẳng thứ tốt đẹp nào có thể chết cả”.
Đây là bộ phim mà mình tin là bạn sẽ xem đi xem lại nhiều lần. Mỗi lần xem bạn sẽ lại có thể nhận ra vài điều mới. Có thể nó sẽ không đem lại cho bạn bất kì giọt nước mắt nào, nhưng dư âm của nó vẫn sẽ vang vọng mãi. :”D
Thêm nữa là nó nằm trong top 250 phim hay nhất của IMDb. (Mà thật luôn, rating của nó cao ngất ngưỡng – 9.3/10) :”D Cho các bạn thêm yên tâm với sự lựa chọn này.
Mong là các bạn sẽ thích bộ phim. Chúc ngủ ngon.