Peter David: Giấc mơ trở thành diễn viên sau 40 năm

31/01/2019 08:00
Peter David: Giấc mơ trở thành diễn viên sau 40 năm

Peter David, tác giả của những cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng bán chạy nhất của tờ New York Times (Star Trek: The Next Generation, Deep Space Nine, The Hulk), tác giả truyện tranh, kịch bản truyền hình (Babylon 5, Space Cases) đã gửi những dòng tâm sự của mình trên trang sách.

Năm mười tám tuổi, tôi từ Tel Aviv đến Mỹ để tham gia đóng phim. Đó là một bí mật mà tôi giấu cha mẹ bởi tôi nói với họ rằng tôi rời nhà để theo học ngành báo chí.

Bốn mươi lăm năm sau, cuối cùng thì tôi cũng được sống trong niềm mơ ước của mình – một món quà từ đứa con trai cả của tôi. Nó là Peter David, tác giả của những cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng bán chạy nhất của tờ New York Times (Star Trek: The Next Generation, Deep Space Nine, The Hulk), tác giả truyện tranh, kịch bản truyền hình (Babylon 5, Space Cases) và một số bộ phim.

Kịch bản Backlash: Oblivion II của con trai tôi đang được dựng thành phim ở Rumani. Peter viết cho tôi một vai. Tôi cũng có lời thoại và cả một cảnh quay cận cảnh nữa.

Tôi từ bỏ ước mơ trở thành ngôi sao điện ảnh Hollywood lúc vừa mới tuổi đôi mươi để đi theo sự nghiệp báo chí ở các tòa soạn và đài phát thanh của một thành phố lớn. Khi còn nhỏ, Peter luôn là người cộng sự đáng tin cậy của tôi trong phòng tin; thằng bé gõ máy lóc cóc với những ngón tay nhỏ xíu của mình, trông giống hệt bố nó.

Vậy mà lời mời tham gia bộ phim của Peter ở Rumani vẫn là điều tôi không thể ngờ tới. Tôi và con trai xa cách về tình cảm do sống xa nhau, do những yêu cầu của công việc bận rộn cũng như cuộc sống gia đình của nó nữa. Nó lấy vợ và có ba đứa con. Tôi và Dalia - vợ tôi có lẽ một năm chỉ gặp được nó chừng ba lần mà thôi bởi vì chúng tôi sống ở hai bang khác nhau.

Trước giờ chúng tôi chỉ nói chuyện ngắn gọn qua điện thoại. Tôi ít biết về cuộc sống của nó, và nó cũng chẳng biết gì nhiều về cuộc sống của vợ chồng tôi. Tôi có cảm giác mất mát, ý thức về cái chết của chính mình và cảm giác rằng thời gian giữa tôi và đứa con đầu lòng đang dần mất đi. Nhưng tôi không bao giờ để Peter biết. Nó không phải là người đa cảm.

Chuyến đi tới Rumani của chúng tôi bắt đầu vào một ngày thu khô lạnh, tiết trời trong xanh ở sân bay Kennedy, New York. “Bố con ta sẽ có nhiều thời gian ở cạnh nhau và rồi bố sẽ chán ngấy con cho mà xem.” – Peter nói. Tôi nói với nó rằng điều này sẽ chẳng bao giờ xảy ra cả. Dĩ nhiên, tôi chẳng biết nó sẽ cảm nhận về tôi thế nào cả.

Nhưng sau khi máy bay cất cánh, Peter bắt đầu mở lòng với tôi. Con tôi – với vẻ ngoài rất tự tin – đã nói rằng nó cảm thấy chưa hài lòng với những gì nó đã viết. Nó luôn nghĩ rằng nó có thể làm tốt hơn nữa. Nó cũng nói rằng nó rất cần sự ủng hộ của mọi người. Và đôi khi nó sợ rằng dòng ý tưởng trong nó đột nhiên cạn kiệt.

Tôi thấy tội nghiệp cho nó nhưng cũng thấy vui trong lòng. Con tôi đang chia sẻ với tôi như nó đã từng chia sẻ lúc còn ở nhà. Tôi chưa bao giờ chia sẻ với cha tôi cả. Lúc tôi và con tôi đã trở nên xa cách thì tôi mới hiểu cha tôi hẳn đã phải sống khép mình như thế nào. Giờ đây tôi thấy rất hứng khởi bởi con tôi đang quay trở lại với tôi.

Buổi sáng sau khi đến Bucharest, chúng tôi lái xe đến trường quay. Ngay giữa những cánh đồng đang được cày bừa và những nông trại nhỏ ở Rumani mọc lên một thị trấn mang phong cách của miền Viễn Tây Hoa Kỳ trước đây: cửa hàng bách hóa tổng hợp, quán rượu của cô Kitty, ngân hàng, những con ngựa buộc ở các cây cọc.

Bởi vì phim của Peter là sự pha trộn giữa phim cao bồi và khoa học viễn tưởng nên có cả một con tàu không gian đáp ở trạm xe lửa. Ngân hàng Wild West còn được trang bị cả một máy rút tiền tự động.

“Tuyệt thật.” – Tôi thốt lên. “Nơi này tuyệt thật đấy, Peter. Con có trí tưởng tượng thật tuyệt vời.”

Nó mỉm cười. “Bố có biết khi trẻ con chơi đùa, chúng muốn được cha mẹ nhìn thấy như thế nào không ạ?” – Nó hỏi. “Bọn trẻ muốn nói với cha mẹ rằng: ‘Mẹ ơi, nhìn con này, Bố ơi, xem con này’.”

Tôi đặt tay lên vai nó. “Và thế là con đã đưa bố đến đây để nói rằng: ‘Nhìn con này Bố ơi, hãy nhìn những gì con đạt được này’ phải không con?” Peter gật đầu.

Vào khoảnh khắc ấy, tầng tầng lớp lớp khoảng cách tình cảm, tầng tầng lớp lớp sự phòng thủ vốn được dựng lên để chống lại sự thất vọng và thương tổn bắt đầu được gỡ bỏ. Tôi cảm nhận được một cảm giác nhẹ nhõm tuyệt vời, như thể một gánh nặng tâm lý đã được nhấc khỏi lồng ngực của mình. Tôi nhận ra con tôi rất yêu tôi, cũng như tôi yêu nó vậy, và nó cần sự thừa nhận cũng như sự ủng hộ của tôi biết dường nào. Tôi nói với nó rằng tôi rất ấn tượng trước những gì nó đạt được và tôi rất tự hào về nó.

Những ngày sau đó, tôi và Peter trò chuyện với nhau rất nhiều về cuộc sống, về hy vọng và những ước mơ của nó. Tôi cũng nói với nó về cuộc sống của tôi. Ở đó – ngay tại đất nước Rumani – cứ như thể chúng tôi đã được trở về nhà và nó lại là đứa con bé bỏng của tôi như ngày nào.

Ngày trọng đại của tôi nằm ở khoảng giữa thời gian mười một ngày lưu lại Rumani của chúng tôi. Peter chỉ cho tôi cách diễn trước máy quay. Trong trang phục cao bồi, thêm một chiếc mũ cao bồi, găng và ủng bằng da, tôi bước vào tiệm bách hóa tổng hợp mua ít đồ.

“Diễn!” – Đạo diễn nói lớn. Đó quả thật là một từ kỳ diệu.

Một nam diễn viên cao hơn 2 mét mặc đồ đen, đội một cái nón cao màu đen bước vào. Anh ta đóng vai một người điều khiển tang lễ với sức mạnh huyền bí, và sự xuất hiện của hắn cũng có nghĩa là cái chết sẽ xảy ra sau đó.

Ngay khi vừa nhìn thấy hắn, tôi lắp bắp nói với người chủ cửa hàng: “Tôi... tôi nghĩ tôi sẽ quay lại sau”. Lúc vội chạy ra ngoài, tôi làm rớt những món đồ hộp mà mình đã lựa trên sàn gỗ, gây ra một chuỗi tiếng động.

Tiếp đến là quay cận cảnh. “Đạt.” – Đạo diễn la lớn. Rồi đạo diễn, các diễn viên và mọi người trong đoàn làm phim vỗ tay tán thưởng.

Mở đầu màn vỗ tay là con trai tôi. Peter cẩn thận giữ lại cái nón và găng tay diễn để tôi làm kỷ niệm. Vào buổi chiều cuối cùng khi chúng tôi lưu lại đó, khi các thành viên trong đoàn đang viết những lời tốt đẹp trên trang tiêu đề trong phần kịch bản của tôi, tôi bảo Peter hãy làm như thế.

Nó nói: “Con không thể viết nên cảm xúc của mình chỉ với vài từ ngắn ngủi được ạ”. Nhưng nó đã viết cảm xúc của nó vào trong cuốn nhật ký mà nó giữ trong suốt chuyến đi. Nó viết xong bài cuối cùng trong chiếc máy tính xách tay một giờ trước khi chúng tôi đáp xuống Kennedy.

“Khi con bắt đầu viết nhật ký, con đã nhắc đến bố như một người bố của con.” – Peter quay sang tôi và nói. “Rồi khi thời gian trôi qua, con bắt đầu nhắc đến bố một cách thân mật hơn. Bố có biết tại sao lại như vậy không?”

Mắt tôi ngấn lệ. Tôi muốn dang tay ra và ôm chặt lấy nó ngay tại đó - trên máy bay. Nhưng tôi sợ làm nó ngượng và có lẽ cả tôi cũng sẽ ngượng nữa. Nên tôi đặt tay mình lên tay nó và siết chặt. Chặt. Thật chặt. Con tôi cũng siết chặt tay tôi.

Trích Chicken Soup for the Soul - Sống với Ước mơ


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 4, 30/10/2024