Nữ nhà văn trẻ xinh đẹp và 'Những vị vua mới của thế giới'

17/11/2019 08:30
Nữ nhà văn trẻ xinh đẹp và 'Những vị vua mới của thế giới'

"New Kings of the World", cuốn sách mới của Fatima Bhutto nghiên cứu về sự hấp dẫn của văn hóa đại chúng phương Đông trên toàn cầu. Trong bài phỏng vấn này, cô nói về lý do tại sao mọi người, từ người Đức đến người Peru, say mê Bollywood, K-pop và dizi (phim truyền hình nhiều tập) của Thổ Nhĩ Kỳ.

Sinh ra trong một trong những triều đại chính trị lỗi lạc nhất thế giới, Fatima Bhutto là cháu gái cố Thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto và cháu nội cố Thủ tướng Pakistan Zulfikar Ali Bhutto. Cô chào đời tại Kabul, Afghanistan vào năm 1982 và lớn lên tại Syria và Pakistan. Fatima Bhutto tốt nghiệp Đại học Columbia, Mỹ năm 2004, chuyên ngành Ngôn ngữ và Văn hóa Trung Đông và lấy bằng thạc sĩ Nam Á học tại Đại học London, Anh năm 2005.

Báo Hindustan Times, Ấn Độ đã phỏng vấn cô nhân dịp cô ra mắt sách New Kings of the World (Những vị vua mới của thế giới).

Một cảnh trong phim Calikusu - dizi đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ xuất ngoại. Nga mua phim Calikusu và đặt lại tên Kẻ si tình. Nó được tái sản xuất vào năm 2013 và chiếm được tình cảm của khán giả Nga

* Nguồn gốc ý tưởng của cuốn sách này là gì?

- Nếu bạn sống ở các nước phương Nam (các nước kém phát triển hơn nằm ở Nam bán cầu), chúng ta tràn ngập với văn hóa phương Tây và dù thích nó, bạn cũng biết rằng phương Tây không phải là trung tâm của thế giới. Chúng ta sống trong một thế giới đa cực - có nhiều sản phẩm văn hóa thú vị đến từ Ấn Độ, Pakistan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ... Tôi chán với suy nghĩ rằng phần còn lại của thế giới không tồn tại và tôi muốn nghiên cứu những lĩnh vực mà các cường quốc châu Á đang vượt qua. Tôi tin vào tương lai của lục địa chúng ta và tôi muốn nghiên cứu không chỉ những triển vọng hấp dẫn của sức mạnh văn hóa của chúng ta mà còn lịch sử cũng như chính trị của những sản phẩm của chúng ta cho đến ngày nay.

* Trong New Kings of the World, chị viết, “Đây là cuốn sách nói về những người nắm quyền mới của văn hóa đại chúng đến từ phương Đông. Không phải lúc nào sự hiện đại thế tục cũng kết hợp nhuần nhuyễn với những giá trị truyền thống trong bối cảnh đô thị hóa, chúng tạo nên một nền văn hóa đại chúng toàn cầu mới rất dễ tiêu thụ, đặc biệt bởi nhiều triệu người đến với thế giới hiện đại muộn hơn và vẫn vượt qua được những thách thức quá mạnh của nó…”. Trong khi điều này đúng, làm thế nào nó giải thích về sự mến mộ khủng khiếp nam diễn viên Ấn Độ Shah Rukh Khan ở những nơi như Đức, nơi mà anh ấy là một ngôi sao lớn?

- Nền văn hóa của chúng ta, cho dù đó là Pakistan hoặc Ấn Độ, là những nền văn hóa của cộng đồng, của sự biểu cảm mạnh mẽ về niềm vui và nỗi buồn. Chúng ta, với tư cách là một dân tộc, hạn chế thân mật và tôi nghĩ đó là điều mà những quốc gia này - những quốc gia tự xem mình bị tổn thương nặng nề và dè dặt về mặt tình cảm - thật sự hưởng ứng Bollywood hoặc dizi của Thổ Nhĩ Kỳ. Nó đem đến cho họ một không gian cũng như sự cho phép để tự bày tỏ tình cảm. Người ta nhắc đi nhắc lại với tôi rằng họ cảm thấy có thể khóc, bày tỏ nỗi đau, có nơi để thể hiện cảm xúc của họ khi xem phim Bollywood và dizi.

Fatima Bhutto (phải) giao lưu với bạn đọc về cuốn sách mới của mình vào ngày 1.10.2019 tại New York

* Làm thế nào chị tiếp cận diễn viên Shah Rukh Khan?

- Tôi viết thư cho Công ty sản xuất và phân phối phim Ấn Độ Red Chillies Entertainment và nhận được phản hồi từ đội ngũ của anh ấy.

* Chị đã không chọn Nhật Bản. Đối với thế hệ Z - những con người rất trẻ trong độ tuổi thanh thiếu niên và đầu độ tuổi 20 - Nhật Bản là địa điểm hấp dẫn, và phim hoạt hình và truyện tranh Manga chiếm ưu thế... Tại sao chị lại thu hẹp cuốn sách chỉ còn người Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc?

- Cuốn sách có lượng chữ giới hạn. Vấn đề không phải là viết về sự nghiên cứu đầy đủ nền văn hóa toàn cầu mà tập trung vào sự lặp lại được cập nhật đầy đủ nhất của những cường quốc đó khi giới thiệu họ như những vị vua mới. Tôi thích viết về Nhật Bản và tôi ngưỡng mộ văn hóa Nhật Bản, truyền thống và hiện đại, nhưng chọn tập trung vào Hàn Quốc không chỉ vì K-pop là một hiện tượng xuyên quốc gia mà còn vì nó có những nét tương đồng với Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ khi cả ba đều tự do hóa kinh tế cùng thời điểm và cố gắng kết nối những khái niệm về sự hiện đại và truyền thống theo những cách mở rộng. Hơn nữa, nguồn gốc câu chuyện K-pop không được biết đến nhiều, đặc biệt xa lạ và lôi cuốn.

Diễn viên Ấn Độ Shah Rukh Khan được yêu thích thậm chí ở cả Peru

* Chị viết, “sự tài tình, khả năng tưởng tượng, và hình ảnh của Bollywood luôn nằm trong ranh giới của các giá trị bảo thủ, truyền thống và như vậy đã vươn tới khán giả toàn cầu từ lâu…”. Đâu là nét khác biệt về sự tiếp cận của Bollywood trong thời điểm này? Nam Mỹ chỉ mới quan tâm đến các bộ phim tiếng Hindi, nhưng các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, châu Phi và Trung Đông đã quan tâm đến các bộ phim tiếng Hindi từ lâu.

- Bạn nói đúng; Bollywood luôn ảnh hưởng đến châu Phi và Trung Đông. Tôi chọn Peru vì nó không dính dáng đến những nơi khác của thế giới với Ấn Độ. Ví dụ, Ấn Độ và Ai Cập đều có nhiều sự kết nối thông qua các nhà lãnh đạo như cố Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser và cố Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru và Phong trào Không liên kết. Nền điện ảnh của họ sản xuất các bộ phim tương tự nhau khi nói về kịch tính của họ. Các quốc gia châu Phi như Uganda hoặc Nigeria có nhiều hoạt động buôn bán và di cư với Ấn Độ; nhiều gia đình Ấn Độ đã định cư ở đó trong nhiều thập niên. Nhưng Peru không có lịch sử song phương với Ấn Độ, liên doanh thương mại khá mới và số người Ấn Độ sinh sống ở đó rất nhỏ. Tôi nghiên cứu tỉ mỉ chuyện toàn cầu hóa và mặt trái của toàn cầu hóa - cụ thể là mọi người sẽ được phát triển khi làn sóng cơ hội và tiếp cận dâng cao - đang tạo nên một đối tượng khán giả mới cho Bollywood ở các nước phương Nam.

* Phần Peru cực kỳ cuốn hút với sự hiểu biết xuất sắc về chuyện người bản địa thích nam diễn viên Shah Rukh Khan vì họ nghĩ anh ấy trông giống họ, và họ cảm thấy được trao quyền khi nhìn thấy những người da nâu có cuộc sống giàu sang trong các bộ phim tiếng Hindi… Tại sao chị lại chọn Peru thay vì các quốc gia Nam Mỹ khác nơi Bollywood thịnh hành.

- Tôi chọn Peru vì tôi tò mò muốn biết chuyện gì đã thu hút quốc gia này gần như không liên quan gì đến Ấn Độ lại quan tâm đến phim Ấn Độ. Tôi nghĩ các vấn đề về sắc tộc, giai cấp và chủ nghĩa tự do mới xuất hiện cùng với nhau trong một cơn bão hoàn hảo ở Peru, điều này khiến nó quá lôi cuốn đối với tôi. Peru là một đất nước xinh đẹp và tôi quá xúc động bởi những con người mà tôi gặp ở đó, các khát vọng, ước mơ và cuộc đấu tranh của họ đã kết nối họ với một dân tộc sống xa họ ở các bờ đại dương và đường biên giới. Cuốn sách này là một lời nhắc nhở tuyệt vời đối với tôi về việc chúng ta cởi mở với các nền văn hóa khác, những con người khác như thế nào, chúng ta luôn sẵn sàng và say mê với việc mở rộng trí tưởng tượng của chúng ta để nghe về những con người xa lạ và tiếp nhận những câu chuyện mới như thế nào.

Nhóm nhạc K-pop Monsta X biểu diễn trong chương trình trò chuyện đêm khuya Jimmy Kimmel Live của Mỹ vào tháng 8 năm nay

* Trong khi Bollywood là lĩnh vực quen thuộc, và Thổ Nhĩ Kỳ không xa lạ về mặt văn hóa, thì Hàn Quốc thật sự khác biệt. Chị đã thực hiện nhiều phóng sự và bạn đọc bắt đầu hiểu về Hàn Quốc, đặc biệt là K-pop. Chị đã vất vả như thế nào khi đắm chìm trong nền văn hóa này để hiểu được bối cảnh Hàn Quốc?

- Hàn Quốc là đất nước tôi ít hiểu biết nhất và nó đòi hỏi chuyện nghiên cứu rất nhiều và cần dành nhiều thời gian, nhưng một phần thú vị khi viết về New Kings là tôi đã học hỏi được rất nhiều. Tôi bắt đầu sự nghiệp như là một tác giả viết về người thật việc thật và quan tâm đến con người, tôi háo hức khi được đắm chìm. Tôi đọc nhiều, tôi đến Hàn Quốc và nói chuyện với mọi người - các nhà kinh tế học, nhà văn, nhà điều hành âm nhạc, nhạc sĩ, giáo sư, ca sĩ, người hâm mộ và nhiều người khác. Nó khó nhưng hay.

* Gần cuối phần Hàn Quốc, chị nhắc đến những khát vọng văn hóa toàn cầu Trung Quốc. “Năm 2017, giám đốc điều hành phụ trách dịch vụ toàn cầu và quốc tế của Công ty thu âm Warner Music, Mỹ đã dự báo các nghệ sĩ sẽ muốn hoạt động tại Trung Quốc theo cách mà họ một thời cố gắng chinh phục Mỹ”. Các bài báo cho thấy Aamir Khan là siêu sao quốc tế lớn nhất ở đó và Trung Quốc dường như đã là vùng đất to lớn mới của Bollywood. Theo chị, đâu sẽ là những thách thức mà Trung Quốc có thể đưa ra cho các bộ phim tiếng Hindi?

- Tôi nghĩ câu hỏi lớn nhất là liệu các bộ phim Ấn Độ sẽ tiếp tục thử thách các rào cản với những tác phẩm như Gully Boy những bộ phim thử nghiệm, độc đáo và đáng xem trên toàn thế giới, hoặc liệu chúng sẽ hướng vào thị trường Trung Quốc với quan điểm các bộ phim của họ chỉ hay đối với khán giả địa phương. Nếu các bộ phim Ấn Độ hướng vào thị trường Trung Quốc, khi đó Trung Quốc sẽ đặt ra một thách thức sáng tạo thật sự. Nếu các bộ phim Ấn Độ tiếp tục thử thách các rào cản, thì khi đó sẽ rất thú vị để xem khu vực này, cho dù là Trung Quốc hoặc Ấn Độ, tính toán thế nào để phát triển.

Mê Linh (theo Hindustan Times)


Gửi bình luận
(0) Bình luận