Với nhiều người, Sài Gòn hay TP.HCM đã trở nên thân thương hết thảy, cho dù là người sinh ra trên mảnh đất này hay những người con xa xứ đang mưu sinh.
Trong những ngày thành phố giãn cách theo Chỉ thị 16, “người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình, thành phố cách ly với thành phố” thì sách được xem một món ăn tinh thần không thể thiếu với nhiều người.
Trong những ngày này, người ta có thể "khép cửa" và chiêm nghiệm về Sài Gòn qua những trang sách.
Sài Gòn – dòng sông tuổi thơ – tác giả Lê Văn Nghĩa
Sài Gòn – Dòng sông tuổi thơ là tập tạp văn của cố nhà văn – nhà báo Lê Văn Nghĩa (ông vừa qua đời hôm 25.7) viết về hình ảnh Sài Gòn trong quá khứ và hiện tại dưới góc nhìn và trải nghiệm của một người thấm đẫm tuổi thơ ở Sài Gòn.
“… những bài viết ngắn chỉ phản ánh được chút tơ lòng rất là sơ lược của tác giả, chưa đến nỗi sâu sắc cũng như bao quát. Mỗi bài viết chỉ nói lên những góc cạnh nào đấy của Sài Gòn mà tác giả bất chợt bắt gặp. Cũng đâu đó có một ít bài tạm gọi là có chút đỉnh ý kiến chung quanh vấn đề văn hóa đọc, thế thôi. Chẳng lớn lao gì lắm! Tác giả mong muốn được bạn đọc, như các người bạn trà tâm đắc trong nỗi nhớ nhỏ nhoi từng góc cạnh phiến diện trong hồn mỗi con người, đọc và san sẻ dù chỉ đôi chút ý kiến hồn nhiên như Sài Gòn của chúng ta…”.
Theo nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, cố nhà văn – nhà báo, tác giả của những cuốn viết về Sài Gòn như Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian, Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ là những trang tư liệu quý, tâm tình của một người trọng tình. Lê Thiếu Nhơn viết rằng, “tác giả thể hiện đầy đủ phẩm chất một nhân chứng tha thiết yêu Sài Gòn – TP.HCM, đồng thời anh biết cách đối chiếu các nguồn tài liệu, để tài liệu báo chí và tài liệu văn học được tương tác và tôn vinh nhau”.
Sài Gòn mai gọi nhau bằng cưng - Hạ Dung
Sài Gòn mai gọi nhau bằng Cưng của tác giả Hạ Dung là 1 tập tản văn ghi lại các suy nghĩ, cảm nhận nhẹ nhàng pha chút nhí nhảnh về cuộc sống, tình yêu bình dị và sâu lắng của một cô giáo đã gắn bó gần như trọn đời tại Sài Gòn.
Tác giả đã viết về Sài Gòn trước và sau 1975 bằng những trải nghiệm của mình, từ những hàng cây, đoạn đường mà tác giả đã đi qua, ngôi trường mình đã học, nơi ở và những người bạn của chính tác giả. Cuốn sách này đặc biệt viết cho những người có ký ức về những năm 75 ở Sài Gòn, họ sẽ thấy được mình thấp thoáng đâu đó ở Sài Gòn xưa, ở chính trong tác phẩm này. Tác giả Hạ Dung giành tình cảm của mình cho Sài Gòn như coi Sài Gòn như một người bạn để rồi tác giả có thể gọi bằng “Cưng”.
Sài Gòn chuyện đời của Phố - Phạm Công Luận
Sài Gòn chuyện đời của Phố của tác giả nhà văn – nhà báo Phạm Công Luận gồm 36 bài nói về những câu chuyện gợi nhớ 1 Sài Gòn xưa: Con đường ký ức, Hồn đô thị, Nhà cổ ven đường, Tìm lại giấc mơ xưa, Nhiếp ảnh gia của nghệ sĩ Sài Gòn, Ban hợp ca Thăng Long, một cuộc thi hoa hậu, Giai nhân một thuở… được nhắc đến trong chuyện đời của mình, tác giả Phạm Công Luận.
Tập sách không hẳn là 1 tập tản văn hay sách ảnh mà đầy ắp các tư liệu mới lạ như Ngã ba Ông Tạ là ai, Lăng Cha Cả bắt đầu từ giai đoạn nào của lịch sử… . Câu trả lời được ghi lại qua những cuộc gặp gỡ và trao đổi với các nhân chứng cụ thể chứ không chỉ là tra cứu sách báo. Chính điều ấy mà phần nào tạo nên giá trị tư liệu cho cuốn sách.
Không gian gia vị Sài Gòn – Trần Tiến Dũng
Không gian gia vị Sài Gòn là tập tùy bút thứ hai của tác giả Trần Tiến Dũng sau tập Món ngon và gia vị cảm xúc.
Không gian gia vị Sài Gòn là cuốn sách viết về hương vị món ăn, thức uống của người dân Sài Gòn xưa. Ở đó. Những món ngon đặc trưng của đường phố Sài Gòn như cơm tấm, cà phê, bánh mì, hủ tiếu, cà ri... đều mang dư vị của tình yêu.
Chuyện nhỏ Sài Gòn, Sài Gòn bao nhớ
Chuyện nhỏ Sài Gòn, Sài Gòn bao nhớ của tác giả Đàm Hà Phú là những câu chuyện về kiếp nhân sinh, sự chảy trôi của dòng thời gian làm nên một Sài Gòn, đủ sức níu chân người ở lại.
Hai cuốn sách như nhắc người đọc dừng lại đôi chút giữa dòng người hối hả để lắng nghe những âm thanh, dư vị của cuộc sống nơi thành phố mang tên Bác.
Sài Gòn tạp pín lù
Sài Gòn tạp pín lù của cuốn sách tâm đắc của cụ Vương Hồng Sến (1902-1996) - một nhà văn, học giả đặc biệt của Nam bộ. Ông có một bút pháp độc đáo, duyên dáng… mà vài thập kỉ của thế kỉ XX chưa có nhà văn nào có thể so sánh được.
Nói như tác giả (VHS), Sài Gòn tạp pín lù là ông nhớ đâu viết đó và viết bằng máy chữ nên rất tự do, tự nhiên, chân thành và không kém thân tình. Sài Gòn tạp pín lù khiến độc giả say sưa đọc bởi vì bút pháp cùng với văn phong cố hữu có một không hai của nhà cổ ngoạn họ Vương.
Sài Gòn tạp pín lù còn là một thứ “đi tìm thời gian đã mất”, một thứ hành hương về quá khứ để hồi tưởng về những thú vui, những cảm xúc, những mùi vị nay không còn nữa! Tô cháo cá chợ Củ, bát phở đường Turc (nay là đường Hồ Huân Nghiệp), món bò bung, bánh hỏi của ông già Thủ Đức… cũng tạo được sự kì diệu của chiếc banh Madeleine nhúng vào tách nước trà tilleul đối với Marcel Proust năm nào ở trời Âu.
Sài Gòn thương và nhớ
Tập tản văn Sài Gòn thương và nhớ gồm 52 bài của Nguyễn Ngọc Hà là tiếp nối của những tựa sách viết về mảnh đất Sài Gòn xưa.
Tác phẩm có sự xuất hiện của nhiều hình ảnh tư liệu về những quán ăn, tiệm cắt tóc, công viên, di tích lịch sử ghi đậm dấu ấn của thành phố. Cuộc sống có thiếu thốn, lam lũ, nhưng người dân nơi đây vẫn yêu thương, đùm bọc nhau bằng tình người ấm áp.