Willis Johnson đã xây dựng một trong những doanh nghiệp ít được biết đến nhưng lại thành công ngoạn mục với Copart – đế chế kinh doanh xe phế liệu lớn nhất thế giới. Vị tỷ phú 72 tuổi đang điều hành một mạng lưới các bãi phế thải trên khắp nước Mỹ, Brazil và Anh.
Trong năm tài chính 2020, Copart đạt doanh thu hơn 2 tỷ USD. Công ty được định giá 27 tỷ USD. Một trong những yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ của Copart là việc các tài xế thường xuyên bị điện thoại di động làm phân tâm. Tình trạng trên dẫn đến nguồn cung xe dồi dào cho công ty.
Một chuyên gia phân tích nhận định: "Có rất nhiều lo ngại rằng công nghệ an toàn sẽ giúp giảm thiểu tai nạn và vì thế, nguồn cung xe cũ hỏng để bán đấu giá sẽ giảm. Điều đó tốt cho xã hội nhưng không phải là tin tốt đối với Copart. Mặc dù vậy, cũng cần nhắc đến sự phổ biến của smartphone. Xe ô tô có thể an toàn hơn nhưng tài xế thì mất tập trung hơn nhiều".
Thời điểm hiện tại, Johnson sở hữu khối tài sản 2,2 tỷ USD. Có thể nói, nhờ vài phút mất tập trung của cánh tài xế mà người đàn ông này đã kiếm được cả tỷ USD.
Dưới đây là câu chuyện làm giàu của Willis Johnson:
Bán nhà để khởi nghiệp
Nhà sáng lập Copart khởi nghiệp và trở nên giàu có từ bãi phế thải. Sau khi tốt nghiệp trung học ở California, ông nhập ngũ và từng có thời gian hoạt động ở Việt Nam. Khi trở lại Mỹ, ông làm việc tại bãi tháo dỡ ô tô của cha.
Đến năm 1972, ông đưa ra một quyết định mạo hiểm: Bán nhà để mua bãi tháo dỡ riêng có giá 75.000 USD. Do đó, gia đình ông phải sống trong một chiếc xe nhỏ. Sau này, khi đã thành công, ông viết một cuốn tự truyện, nhắc đến việc gia đình ông phải sống chung với lũ chuột và vợ con ông rất ghét điều đó.
Thời điểm Johnson khởi nghiệp, kinh doanh ô tô phế thải là một ngành công nghiệp chưa thực sự phát triển ở Mỹ. Sau một thời gian, ông mở rộng quy mô kinh doanh thông qua việc mua lại các bãi tháo dỡ.
Lấy cảm hứng từ công viên giải trí Disneyland – nơi có cả dịch vụ ăn uống, cửa hàng quà tặng bên trong, Johnson đã thêm nhiều dịch vụ vào các cơ sở của mình. Mỗi lần như vậy, tỷ suất lợi nhuận của công ty lại tăng. Đó chính là cách ông đạt được thành công.
Giống như Disneyland, trong các bãi tháo dỡ xe tự phục vụ ban đầu, Johnson tính một khoản phí vào cổng nhỏ, bán các bộ phận riêng lẻ còn tốt và kiếm được khoản tiền đáng kể từ sắt phế liệu còn sót lại của những chiếc xe.
Thời điểm IAA – đối thủ lớn nhất của Copart, tìm cách giành vị trí thống trị thị trường bằng việc mua lại hàng loạt bãi tháo dỡ, Johnson quyết định đưa công ty lên sàn chứng khoán năm 1994 để huy động vốn và tăng tính cạnh tranh.
Bên cạnh đó, Johnson còn có lợi thế từ phong cách khiêm tốn của mình. Trong cuộc chiến giữa IAA và Copart, nhiều chủ sở hữu bãi phế liệu nhỏ đã chọn bán mình cho Johnson – một doanh nhân khiêm tốn và nhân hậu, hơn là những giám đốc có vẻ khó gần của IAA.
Ngoài ra, ông còn sớm tận dụng Internet để ra mắt một nền tảng đấu giá trực tuyến từ năm 1998, chỉ 3 năm sau khi Ebay thành lập. Hệ thống này giúp loại bỏ chi phí phát sinh cũng như sự bất tiện của đấu giá trực tiếp.
Biến "rác" thành "vàng"
Tính đến năm 2019, Copart là người chơi thống trị thị trường đấu giá ô tô cũ hỏng với giá trị thị trường lớn hơn 250% so với IAA. Một trong những thế mạnh của Copart là mối quan hệ với các công ty bảo hiểm.
Cuối năm 2019, Copart đã thỏa thuận với công ty Geico để bán những chiếc xe mà họ cho là có chi phí sửa chữa quá đắt đỏ. Ước tính, công ty của Johnson đã sở hữu thêm 130.000 chiếc xe mỗi năm nhờ thỏa thuận này.
Với mạng lưới kho bãi rộng lớn, nền tảng trực tuyến hàng đầu và sự hợp tác với các công ty bảo hiểm của Copart, sẽ vô cùng khó khăn để một công ty mới nổi có thể đánh bại Copart.
Tuy lợi nhuận của Copart tăng và giảm theo giá bán xe nhưng doanh thu chính vẫn ổn định vì mọi người liên tục va chạm xe. Đồng thời, nhu cầu về ô tô đã qua sử dụng ở các nước đang phát triển ngày càng tăng lên do xe có tuổi thọ cao hơn nhiều so với trước đây. Phần lớn hoạt động kinh doanh của Copart hiện là bán đấu giá toàn bộ chiếc xe cho người mua ở nước ngoài thay vì chỉ bán phụ tùng như ngày trước.
Giá bán lẻ của một chiếc siêu xe Ferrari 812 Superfast mới khoảng 363.000 USD nhưng người mua hoàn toàn có thể sở hữu nó với mức giá không thể mềm hơn nếu đủ nhanh và không để ý đến vài vết xước hay lõm trên thân xe.
Copart rao bán một chiếc xe như vậy với giá chỉ gần 100.000 USD. Đây chỉ là một trong hơn 200.000 sản phẩm có sẵn trong "bãi rác" của công ty – nơi chứa từ siêu xe đến xác tàu đắm.
Với việc thị trường Mỹ bão hòa, Copart đang lên kế hoạch mở rộng ra quốc tế. Sử dụng chiến lược đã thực hiện ở Mỹ, công ty đã thành công trong việc mua lại nhiều hoạt động trục vớt ở nước ngoài và chuyển chúng thành hoạt động kinh doanh của mình.
Cuộc sống cá nhân
Nơi ở tồi tàn năm nào của gia đình Johnson là một sự khác biệt hoàn toàn so với căn biệt thự ở Tennessee mà vị tỷ phú mua với giá 28 triệu USD năm 2010. Ông chủ Copart còn sở hữu một bộ sưu tập xe hơi cổ điển tại khu bất động sản gần Nashville.
Giống nhiều doanh nhân thành công khác, Johnson là người đưa ra quyết định nhanh chóng. Điều này không chỉ thể hiện trong việc kinh doanh mà còn trong cuộc sống của ông. Vị tỷ phú từng cầu hôn bạn gái chỉ sau 10 ngày hẹn hò. Đến nay, sau 50 năm, họ vẫn là một cặp vợ chồng hạnh phúc.
Nguồn: MD
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị