Người chỉ biết cho đi và kẻ chỉ biết nhận về, ai mới là người chiến thắng?

17/09/2020 08:30
Người chỉ biết cho đi và kẻ chỉ biết nhận về, ai mới là người chiến thắng?

Theo Adam Grant, nhà tâm lý học với kinh nghiệm giảng dạy lâu năm tại Đại học Wharton, có hai mẫu người có quan điểm trái ngược nhau về vấn đề nhượng bộ lợi ích trong công việc...

Danny Shader, một doanh nhân kỳ cựu từng làm cho nhiều tập đoàn tên tuổi như Netscape, Motorola, Amazon ghé qua văn phòng của David Hornik, một chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư doanh nghiệp và trình bày ý tưởng mới nhất của mình. Có gần 1/4 dân số Mỹ gặp rắc rối với các giao dịch online do không có tài khoản ngân hàng hoặc thẻ tín dụng và Shader đang có ý tưởng giải quyết vấn đề này. Hornik là một trong những nhà đầu tư vốn đầu tiên được Shader chia sẻ và ngay lập tức cảm thấy hứng thú với ý tưởng của Shader.

Thông thường, trong tình huống này, biện pháp tốt nhất để Hornik có thể chốt lại thương vụ đầu tư này là cho Shader một thời hạn để đưa ra quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, Hornik đã đặt lợi ích của Shader lên trước nguyện vọng của bản thân và cho Shader thời gian để cân nhắc tất cả các phương án trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Và Shader đã làm đúng như vậy. Anh gặp gỡ một số nhà đầu tư khác, trình bày về ý tưởng của mình. Một tuần sau, điện thoại của Hornik đổ chuông. Và đầu bên kia là Shader với quyết định của mình: “Thật xin lỗi! Tôi muốn báo với anh là tôi đã quyết định hợp tác với một nhà đầu tư khác”.

Người chỉ biết cho đi và kẻ chỉ biết nhận về, ai mới là người chiến thắng? - 1

Bìa cuốn sách.

Nếu so về những điều khoản tài chính thì giữa Hornik và các nhà đầu tư khác hầu như không có khác biệt đáng kể, tuy nhiên, trong trường hợp này chính sự tử tế của Hornik đã làm hại anh. Hornik cảm thấy suy sụp: “Mình đúng là đồ đần mà. Nếu mình tạo áp lực cho việc ký kết thỏa thuận hợp tác, có khi Shader đã chọn mình rồi”.

Phải chăng David Hornik đã học được một bài học cay đắng rằng: Người tốt luôn chịu thiệt thòi?

Có phải người tốt thì chịu thiệt thòi

Theo Adam Grant, nhà tâm lý học với kinh nghiệm giảng dạy lâu năm tại Đại học Wharton, có hai mẫu người có quan điểm trái ngược nhau về vấn đề nhượng bộ lợi ích trong công việc, đó là người vì người (luôn sẵn sàng cho) và kẻ chỉ biết mình (chỉ muốn nhận).

Kẻ chỉ biết đến mình có đặc điểm: luôn muốn nhận được nhiều hơn những gì mình đã cho đi. Cán cân lợi ích luôn phải nghiêng về phía họ và lợi ích của bản thân phải luôn đặt trên nguyện vọng của người khác. Họ cho rằng thế giới là nơi người ta tranh đoạt, dẫm đạp lên nhau để tồn tại. Để chứng minh thực lực, họ tự khuếch trương bản thân và luôn đảm bảo rằng những gì mình bỏ ra sẽ thu được thành quả tương xứng.

Nhưng Hornik lại thuộc mẫu người trái ngược - những người luôn vì người khác (sẵn sàng cho). Có thể nói trong môi trường công việc hiện nay, mẫu người này tương đối hiếm hoi. Họ là những người luôn cân nhắc đến lợi ích của người khác, sẵn sàng cho đi nhiều hơn thứ nhận về. Trong khi những người chỉ muốn nhận luôn chăm chăm vào lợi ích bản thân, tính toán chi li những gì mình sẽ có được thì những người sẵn sàng cho lại tập trung vào lợi ích của người khác, quan tâm những gì mình có thể mang lại cho người khác.

Trong môi trường công sở, nếu xét về tính chuyên nghiệp, rất ít người trong chúng ta hành xử thuần túy theo kiểu chỉ chuyên cho hoặc chỉ chuyên nhận. Thay vào đó, ta cố gắng duy trì mức cân bằng giữa việc cho và nhận. Chúng ta trở thành nhóm phong cách thứ ba - Nhóm Dung Hòa giữa việc cho và nhận. Nhóm này gồm những người hành động tuân theo nguyên tắc sau: giúp đỡ người khác trên cơ sở đôi bên cùng có lợi. Phương châm của nhóm này là “có qua có lại mới toại lòng nhau”, và các mối quan hệ được kiểm soát bằng sự trao đổi lợi ích.

Trong thực tế, bạn dự đoán xem người cuối cùng thành công nhất sẽ là ai. Người chỉ muốn nhận, người sẵn sàng cho hay những người dung hòa?

Qua câu chuyện của David Hornik, có thể bạn sẽ nghĩ rằng những người sẵn sàng cho sẽ chịu thiệt nhất - và bạn đã đúng. Số liệu thống kê cho thấy rằng so với nhóm người chỉ muốn nhận, nhóm người cho kiếm được ít tiền hơn khoảng 14%, có nguy cơ trở thành nạn nhân của bọn tội phạm nhiều hơn gấp 2 lần và khả năng nắm giữ các vị trí quan trọng chủ chốt thấp hơn 22%.

Như vậy, nếu vị trí thấp nhất trong thang bậc thành công rơi vào nhóm người sẵn sàng cho thì ai mới là người thành công nhất: nhóm người chỉ ưu tiên quyền lợi của bản thân hay những người thuộc phái dung hòa lợi ích?

Nhóm nhận hay dung hòa, ai sẽ thành công?

Câu trả lời là không ai trong số hai nhóm người này. Khi nhìn lại các dữ liệu thống kê, Adam Grant phát hiện ra một ngạc nhiên thú vị: Những người thành công nhất cũng chính là những người thuộc nhóm sẵn sàng cho. Như vậy, khi những người giỏi nhất và tệ nhất đều thuộc nhóm sẵn sàng cho thì nhóm chỉ muốn nhận và nhóm dung hòa sẽ nằm ở giữa.

Kết quả điều tra thu được tại trường Đại học Y ở Bỉ cho thấy, những sinh viên có thành tích kém cỏi nhất và những sinh viên có thành tích xuất sắc nhất đều rơi vào nhóm người sẵn sàng cho. Trong một khóa học, tỷ lệ sinh viên xuất sắc thuộc nhóm người sẵn sàng cho chiếm 11% trong tổng số sinh viên ưu tú. Trong lĩnh vực bán hàng, những nhân viên có doanh số cao nhất và thấp nhất đều là những người thuộc nhóm nhượng bộ lợi ích, có khác chăng là những người tệ nhất có khuynh hướng nhượng bộ nhiều hơn so với những người giỏi nhất (cao hơn 25%). Đồng thời, doanh số của những ngôi sao bán hàng bao giờ cũng cao hơn 50% so với nhóm người chỉ muốn nhận và nhóm người dung hòa. Như vậy, những người sẵn sàng cho chiếm lĩnh vị trí quán quân (cả từ trên xuống lẫn từ dưới lên) trong thang bậc thành công. Xét một cách tổng quát, khi đánh giá mối liên hệ giữa thành công và khuynh hướng nhượng bộ lợi ích, thì những người sẵn sàng cho mới thực sự là người chiến thắng.

Vậy bạn hãy thử đoán xem, chuyện gì sẽ xảy ra với David Hornik tiếp theo?

Sau khi ký thỏa thuận hợp tác với một nhà đầu tư khác, Danny Shader bắt đầu cảm thấy dằn vặt và hối hận. Cuối cùng, Shader quyết định rằng mình nên đánh cuộc một lần nữa. Trước khi chính thức ký thỏa thuận hợp tác, Shader đã mời Hornik đầu tư vào công ty của mình. Dĩ nhiên, Hornik đồng ý và tiến hành cấp vốn, đổi lại anh được chia sẻ quyền sở hữu công ty. Nhờ sự cố vấn của Hornik, công việc kinh doanh của Shader thuận buồm xuôi gió. Dịch vụ PayNearMe cho phép những cá nhân không có tài khoản ngân hàng hoặc thẻ tín dụng có thể mua sắm trực tuyến thông qua một mã số hoặc thẻ xác nhận, sau đó thanh toán tiền mặt tại những địa điểm được định sẵn. Đối tác chính của Shader là chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven và Greyhound. Một năm rưỡi kể từ ngày khai trương, PayNearMe đạt tỷ lệ tăng trưởng hàng tháng là 30%, một kết quả vô cùng ấn tượng. Khoản đầu tư của Hornik đã sinh lời và đây là phần thưởng xứng đáng dành cho anh.

Tuy đã nhìn nhận các hạn chế của mình, David Hornik vẫn tin tưởng rằng việc hành xử theo cách sẵn sàng cho chính là yếu tố quan trọng tạo nên thành công của anh trong các thương vụ đầu tư.

Trích “Cho và nhận”
Theo First New


Gửi bình luận
(0) Bình luận