Nếu muốn sống một cuộc đời thực sự ý nghĩa, càng sống càng có phúc, mỗi người nhất định cần phải có một tính khí tốt đẹp, tuyệt đối đừng bao giờ dễ dàng nổi giận, nếu không bạn sẽ chỉ khiến cuộc đời trôi qua một cách lãng phí mà thôi.
Nhà văn Hồ Thích từng nói: "Trên đời này không có gì đáng sợ nhất hơn một khuôn mặt đang tức giận; không có gì đê hèn hơn việc để lộ ra vẻ mặt tức giận cho người khác xem, những điều này khiến người ta cảm thấy khó chịu hơn cả bị đánh chửi."
Mỗi người đều có lúc cảm thấy bực tức, khi ấy theo bản năng luôn muốn được trút ra, nhưng nếu có thể nhịn xuống thì đó thực sự là một người tôi luyện được tố chất rất tốt.
1. Hãy để dành phần tính khí tốt đẹp nhất cho người mà bạn yêu thương nhất
Trong công việc, đa số chúng ta luôn tỏ ra kính cẩn lễ phép với cấp trên, hòa nhã thân thiện với đồng nghiệp, đối với người lạ thì luôn duy trì phép lịch sự tối thiểu; nhưng các bạn có phát hiện ra rằng chỉ cần về đến nhà, nói chuyện với người thân đôi ba câu là chúng ta có thể nổi giận ngay lập tức.
Chúng ta luôn đưa ra quá nhiều các yêu cầu đối với người thân, hay bắt bẻ bới móc, chỉ cần có một chút không vừa ý mình sẽ lập tức nổi trận lôi đình. Nhưng vì họ là người thân thiết nhất, người chảy chung một dòng máu với mình nên mặc cho chúng ta có nổi giận hay cáu kỉnh như thế nào, họ vẫn luôn không do dự mà lựa chọn tha thứ cho chúng ta. Việc này có thể khiến cho chúng ta một khi đã nổi giận liền nổi trận lôi đình không chút kiêng dè.
Tục ngữ có câu: "Nhận ơn một giọt, trả ơn một dòng." Nhờ có sự ủng hộ và giúp đỡ vô điều kiện của những người thân yêu, chúng ta nên cảm thấy biết ơn từ tận đáy lòng.
Cha mẹ chúng ta đã ngậm đắng nuốt cay cực khổ bao nhiêu năm mới nuôi chúng ta khôn lớn nên người, những nỗi khổ ấy chúng ta sẽ chỉ hiểu được khi chúng ta trở thành những người làm cha mẹ. Vì thế dù có nóng giận đến đâu thì cũng đừng tùy tiện nổi giận, bố mẹ chắc chắn sẽ tôn trọng và lắng nghe ý kiến của chúng ta nên hãy đợi đến lúc nguôi giận rồi ta từ từ nói chuyện với họ.
Bởi vậy, học cách sống chung cùng chính những người thân yêu của mình là bài học tiên quyết của đời người. Chỉ khi ta hiểu được lòng biết ơn, học được cách cảm ơn ta mới học được cách kiểm soát tính tình nóng nảy của bản thân.
2. Bản lĩnh càng lớn càng ít nổi giận
Bản lĩnh của một người thông thường sẽ tỷ lệ nghịch với tính cách của người ấy, cũng có thể nói bản lĩnh càng lớn, càng ít nổi giận; ngược lại người không có bản lĩnh thường rất dễ nổi giận. Vì khi một người trở nên nỏng nảy hay tỏ ra phẫn nộ, suy cho cùng cũng chỉ vì bản thân cảm thấy quá bất lực đến nỗi không kìm nén được mà nổi giận.
Triều Minh năm niên hiệu Chính Đức, Ninh Vương đứng lên tạo phản, Vương Dương Minh chỉ mất vẻn vẹn một tháng đã nhanh chóng dẹp được loạn giúp đất nước tránh được kiếp đại nạn, tránh cảnh muôn dân rơi vào lầm than. Vì việc này Vương Dương Minh bị kẻ gian ghen ghét đố kỵ, vu cho ông tội thông đồng với Ninh Vương tạo phản, sau đó vì thấy việc không thành mới phản bội Ninh Vương hòng thoát tội.
Chính Đức Đế tin những lời bịa đặt này của thuộc hạ, ép Vương Dương Minh thả tự do cho Ninh Vương.
Dẹp yên phản loạn có thể coi là lập được công lớn nhưng dường như tất cả mọi công trạng của Vương Dương Minh đều bị xem như không có gì, hơn thế ông còn bị kẻ gian hãm hại. Đối mặt với tình huống như vậy Vương Dương Minh cũng không hề tức giận. Ông chỉ tìm đến và đem hết công lao nhường cho Trương Vĩnh, để Trương Vĩnh lôi kéo phe hoạn quan, còn bản thân ông sau đó xin vào ở trong một ngôi chùa, tỏ rõ thái độ không tranh với đời, cứ như vậy âm thầm lặng lẽ vượt qua kiếp đại nạn này.
Bởi vậy người đời sau mỗi khi bình luận về Vương Dương Minh đều nói ông có thể: "Cảm nhận được mọi hiểm nguy, liệu sự như thần, luôn suy nghĩ cặn kẽ triệt để".
Vương Dương Minh cho rằng, trên đời này con người phải biết tự nắm bắt lấy vận mệnh của bản thân, phải biết động não nhưng đừng "động tâm". Bởi chỉ có động não mới có thể tìm ra cách giải quyết vấn đề, nếu như "động tâm" vậy chỉ có kết cục là bị dắt mũi bởi cảm xúc mà thôi.
Một người càng dễ nóng giận càng khó tìm ra điểm mấu chốt để giải quyết vấn đề, giống như một con ruồi mất đầu hoàn toàn mất đi phương hướng, càng làm càng khiến cho mọi việc rối tung lên.
Chỉ khi khống chế được cảm xúc trong lòng ta mới có thể bình tĩnh phân tích và giải quyết được vấn đề, cuộc sống nhờ đó mới có thể bình yên, tránh được sóng gió cuộc đời.
3. Cuộc đời không phải dùng để nổi giận
Có một vị sư thầy nổi tiếng yêu thích hoa lan, ông trồng được rất nhiều giống lan nổi tiếng và quý hiếm, thường ngày ngoài những lúc niệm kinh ông luôn dốc lòng, tỉ mỉ chăm sóc nhưng cây hoa lan của mình.
Một ngày nọ, vị sư thầy muốn ra ngoài ngao du một thời gian, trước khi đi ông dặn dò và giao cho đồ đệ của mình nhiệm vụ phải chăm sóc thật tốt tất cả những cây hoa lan trong chùa. Kết quả, có một người đồ đệ trong lúc tưới hoa đã không cẩn thận làm đổ cả giàn hoa lan, những chậu lan rơi xuống vỡ tan tành khiến những gốc lan cũng rơi dầy trên đất.
Người đồ đệ ấy khi ấy vô cùng sợ hãi, cậu thầm nghĩ: Sư phụ trở về nhìn thấy những gốc lan mà ông yêu quý biến thành như vậy, không biết sẽ tức giận đến mức nào đây?
Sau khi sư thầy trở về, người đồ đệ lập tức đến và quỳ trước mặt sư phụ xin chịu phạt, nào ngờ sư thầy chẳng những không tức giận, ngược lại còn an ủi người đệ tử kia, ông nói: "Ta trồng những chậu lan kia, mục đích không phải là để khiến bản thân tức giận."
Phạm Trọng Yêm từng nói: Không nên vì có được hay mất đi vật ngoài thân nào đó mà quá vui hay quá buồn.
Muốn giữ vững sự bình tĩnh và và yên ổn trong tâm thì một người phải học được cách thờ ơ, giữ thái độ được mất tùy duyên với mọi vật ngoài thân. Bởi vật gì thì cũng sẽ có lúc được lúc mất, có sống có chết.
Ngay cả cuộc đời ta cũng chỉ có vài lần mười năm, chớp mắt cũng sẽ trôi qua, thế nên hà tất khiến cho bản thân phải sống những ngày tháng chẳng vui vẻ ấy?
Giáo lý nhà Phật cho rằng, việc nổi giận có thể làm mất đi mọi phúc lộc công đức mà người ta tích lũy được.
Vì thế khi gặp phải những chuyện không như ý hãy bình tĩnh lại và nói với bản thân rằng: "Không sao đâu, mọi chuyện rồi cũng sẽ qua thôi." Sống vui vẻ mỗi ngày, cuộc đời này mới trôi qua mà bị không lãng phí.
Trí thức trẻ