Ngôi nhà với mái ngói đỏ và cánh cửa lùa của nước Nhật có khiến bạn xao xuyến?

30/01/2019 08:00
Ngôi nhà với mái ngói đỏ và cánh cửa lùa của nước Nhật có khiến bạn xao xuyến?

Tuổi thơ của thế hệ 9X nằm gọn trong những tập truyện/bộ phim hoạt hình Thủy thủ Mặt trăng, Sakura, Doreamon, Conan, Shin – Cậu bé bút chì… Ngoài Việt Nam, Nhật Bản có lẽ là đất nước thứ hai cho ta bao thân thuộc.

Thuở ấy, thứ gây ấn tượng với ta ngoài những nhân vật hoạt hình đáng yêu còn là nét kiến trúc giản đơn mà đặc trưng của Nhật: Ngôi nhà được lợp mái màu đỏ, tất cả các phòng đều sử dụng cửa lùa, lót chiếu trải sàn Tatami và trang trí trên vách những đường nét hoa văn đơn giản nhất. Đây là lối kiến trúc Shoin mang đậm dấu ấn Phật giáo Thiền tông xuất hiện từ thế kỷ 15 và vẫn thịnh hành đến tận ngày nay nhờ thiết kế hoàn toàn bằng gỗ giúp giảm thiệt hại khi động đất hay núi lửa hoạt động.

Trong cuốn du ký Bốn Mùa Trên Xứ Phù Tang, cây bút Nguyễn Chí Linh đã dẫn dắt người đọc về lại với ký ức tuổi thơ qua những chia sẻ của ông về kiến trúc, văn hóa Nhật Bản.

Theo bước chân lữ khách Nguyễn Chí Linh, độc giả còn được chiêm ngưỡng nét tinh tế của kiến trúc Shoin trong ngôi chùa vàng linh thiêng Kinkaku-ji. Cùng với chùa bạc Gingaku-ji, chùa vàng được UNESCO công nhận là cụm di sản văn hóa thế giới nằm riêng biệt với 15 công trình còn lại ở Kyoto.

Trái ngược với không khí náo nhiệt ở Kinkaku-ji, không gian của chùa bạc ôm trọn lấy sự yên tĩnh, thanh nhã, giúp tâm hồn du khách được hòa mình vào thiên nhiên. Nếu chùa vàng nổi bật với kiến trúc rực rỡ thì chùa bạc lại quyến rũ trong màu đỏ sẫm của vách gỗ cùng mái vòm màu nâu.

Theo tác giả cuốn sách Bốn Mùa Trên Xứ Phù Tang, kiến trúc Nhật Bản ngoài việc phải đảm bảo những tiêu chuẩn khắt khe về sự an toàn khi nằm trên vành đai núi lửa Thái Bình Dương, còn mang nhiều nét độc đáo của tôn giáo. Với người Nhật, Thần đạo luôn có ý nghĩa rất riêng và song hành cùng Phật giáo. Điều này không chỉ thể hiện trong tôn chỉ “Khi còn sống, mọi hoạt động của con người đều lấy Thần đạo làm gốc nhưng khi nằm xuống thì mọi nghi thức tang lễ đều tuân theo Phật giáo”, mà còn trong nét kiến trúc của cố đô Kyoto.

Nơi đây có những mái nhà cổ kính bằng gỗ màu đen nằm dài bên dòng kênh nhỏ róc rách nước reo, những bức tường rào làm bằng đá ong với rêu phong phủ kín trên tường, những ngôi nhà nhỏ nơi góc phố Kiyomizu Dera thanh bình với dàn lồng đèn treo cao hay những mái vòm trên ngôi chùa cổ To-ji.

Trắng tinh khôi và lạnh lùng như tuyết kết hợp với đen bền bỉ, mạnh mẽ và trầm tính của gỗ là những gam màu yêu thích của người Nhật. Màu trắng là của Thần đạo, còn màu đen là sự ôxi hóa của lớp nhựa tuyết tùng tượng trưng cho Phật giáo. Hai gam màu tương phản còn biểu trưng cho sự ra đời và mất đi trong vòng tròn sinh tử. Tư duy thông thái này còn được biểu lộ trong nghệ thuật sân vườn của người Nhật.

Trong cuốn du ký, tác giả Nguyễn Chí Linh viết rằng dù theo trường phái mỹ thuật nào thì tất cả vườn Nhật đều dựa trên một trong hai quan điểm: vườn đi dạo để thư thái tâm hồn hoặc vườn để tĩnh tâm. Nếu vườn đi dạo là sự nối kết giữa miền Cực lạc thoát tục và nơi trần thế thì vườn để tĩnh tâm lại là sự hòa quyện giữa màu trắng đục của đá vôi và màu đen của đất để thể hiện quan điểm “trở về cát bụi” của Thiền Tông.

Trải trên từng trang sách của Nguyễn Chí Linh là một nước Nhật thật đẹp trong nỗi man mác của những hoài niệm, không chỉ với du khách từng đặt chân đến nơi này mà còn với những ai từng say mê thế giới truyện tranh Doreamon, Naruto, One Piece…

Nước Nhật nửa lạ lẫm nửa thân thuộc luôn nhắc nhớ cho chúng ta nhiều hồi ức. Cũng vì vậy mà Bốn Mùa Trên Xứ Phù Tang đã khép lại với những dòng suy tư của tác giả: “Như bao người đi trước, tôi vẫn cho rằng xứ sở Mặt trời mọc quá lạ lùng. Mỗi lần quay lại, tôi lại được học thêm những cái mới vừa hình thành song hành với những điều xưa cũ đang tồn tại, được nghe những câu chuyện nhỏ thật hay và cũng đầy sắc màu trên các cung đường”.

Trí Việt


Gửi bình luận
(0) Bình luận