Chuỗi 74 tác phẩm thú vị có tên gọi ‘Wonderland’ (Xứ sở thần tiên), một ‘thế giới ảnh’ đẹp nhiệm màu lấy cảm hứng từ những quyển sách mà mẹ Mitchell từng đọc cho cô nghe suốt năm tháng tuổi thơ.
“Khi bạn mất đi ai đó thân thương, chẳng hạn vì chứng bệnh ung thư, điều đau buồn nhất là khi bạn nhận ra bản thân hoàn toàn bất lực”. Nữ nhiếp ảnh gia trả lời phỏng vấn trên CNN.
“Bạn không thể làm gì để giúp đỡ - bạn không biết về y khoa, bạn không thể góp ý kiến trong những buổi thảo luận với bác sĩ - và tôi nghĩ một phần lý do tôi xây dựng dự án là vì, tôi có thể làm mọi điều tôi muốn với nó. Tôi có thể quyết định đặt bối cảnh mỗi bức ảnh ở đâu, từng câu chuyện, từng nhân vật trên ảnh sẽ thế nào. Và như thế, chụp ảnh giúp tôi trút bớt cảm giác bất lực".
Nhân vật trung tâm ở ‘Wonderland’ là một nữ thần thường dạo bước trong rừng. Người phụ nữ trên ảnh phản ánh cả mất mát, xen lẫn đôi chút hồi ức ấu thơ mà nữ nghệ sĩ trải qua sau cái chết của mẹ cô.
Trong một vài shot ảnh tươi sáng, người xem thấy vị ‘nữ thần’ bao quanh bởi hoa và bướm, gợi ấn tượng về ‘giấc mơ tuổi thơ’ êm đềm. Khoảng thời gian Mitchell chìm sâu trong đau buồn, nhân vật trên ảnh lại ‘đuổi bắt’ những chiếc tàu bằng giấy đang chìm, hay dang đôi tay như để níu kéo điều gì đó.
“Cố hoàn thành dự án này, tôi chợt nhận ra mọi cảm xúc đau thương tôi phải đối diện giữa đời thực đều được biểu hiện trên từng khung ảnh” - Mitchell chia sẻ.
“Tôi chấp nhận điều đó và để những bức ảnh nói lên câu chuyện của chúng”.
Trông huyền ảo, đôi khi đầy mê hoặc, thế nhưng series ‘Wonderland’ được tạo ra bằng kinh phí rất khiêm tốn. Chồng Mitchell giúp dựng bối cảnh chụp, một người bạn của cô đứng trước ống kính làm mẫu, một người quen khác phụ trách khâu làm tóc, trang điểm. Mitchell tự tìm kiếm, tận dụng đủ loại vật liệu rẻ tiền để thiết kế nhiều mẫu phục trang lạ mắt, phụ kiện độc đáo khiến ‘xứ thần tiên’ lung linh qua mỗi shot ảnh.
Địa điểm chụp nằm trong khu rừng gần nơi Mitchell sống. Cô tận dụng không gian thiên nhiên biến chuyển theo mùa, sắc hoa rực rỡ ngày hè đến thảm lá vàng mùa thu, nhằm mang lại dấu ấn đa dạng cho mỗi tác phẩm.
Mitchell bày tỏ: “Tôi nghĩ nét biến đổi không ngừng của thời gian là ẩn dụ cho trải nghiệm mất mát. Bạn không thể đứng yên, như thời gian, bạn di chuyển không ngừng, và sự vật, cuộc đời cũng đổi thay. Nếu bạn từng mất đi ai đó, tôi nghĩ bạn sẽ không cách gì tìm ra một ‘lối tắt’ để vượt qua nỗi đau”.
Nữ nghệ sĩ người Anh không chủ động xây dựng một dự án ảnh nhằm khai thác giá trị mỹ thuật, mà trên hết, cô hy vọng có thể giúp người xem đối diện những cung bậc cảm xúc riêng, cũng như để thẳng thắn ‘đối thoại’ về sự mất mát.
Kirsty Mitchell
‘Phần thưởng’ đáng trân trọng nhất với Mitchell là khi phát hành sách ảnh ‘Wonderland’, nhiều độc giả cô gặp gỡ tại buổi ra mắt tác phẩm đã mạnh dạn chia sẻ những câu chuyện, hoài niệm của riêng họ.
Hành trình ‘Wonderland’ kết thúc với bức ảnh tựa đề ‘Home’ (‘Nhà’). Trong khung cảnh mùa đông, nhân vật chính quay lưng về phía camera, hướng mắt đến một ngôi nhà gỗ trên đồi. Do cô gái đang quay mặt, bạn không thể nhìn rõ cảm xúc của cô. Căn nhà phía xa chỉ là ‘chấm’ nhỏ trên ống kính, bạn cũng không thể thấy liệu có ai chờ đón cô ở đó.
Ý tưởng ‘về nhà’ là thứ Mitchell nung nấu từ lâu. Mẹ cô qua đời tại Pháp, cách xa quê hương Maidstone của bà, một thị trấn nhỏ tọa lạc tại đông nam nước Anh.
“Tôi nghĩ, cùng với việc mất mẹ, tôi đánh mất cả ‘ngôi nhà’ nơi tôi thuộc về. Bất kể bạn bao nhiêu tuổi, khi điều gì tồi tệ xảy đến với bạn, bản năng đầu tiên của bạn là quay về nhà, về bên mẹ” - Mitchell nói.
“Đoạn kết dự án, tôi để nhân vật của tôi ‘về nhà’. Tôi không muốn tạo dựng một thế giới cổ tích với kết thúc hạnh phúc hoàn mỹ vì chúng ta không có được điều đó giữa thế giới thực. Nên điều tôi muốn tạo ra là một cái kết bỏ ngõ”.
Có lẽ, bằng cách ấy, người xem không chỉ nhớ về ‘Wonderland’ như một dự án giúp xoa dịu nỗi đau. ‘Xứ sở thần tiên’ của Mitchell có thể giúp chúng ta nhận ra, kêt thúc luôn mang đến một khởi đầu mới.
Như Ý (theo CNN)