Môn đồ phàn nàn vợ quá keo kiệt, hôm sau nhà sư chỉ cần hỏi 2 câu, người vợ đã thay đổi

21/06/2020 07:30
Môn đồ phàn nàn vợ quá keo kiệt, hôm sau nhà sư chỉ cần hỏi 2 câu, người vợ đã thay đổi

Nhà sư đã hỏi những gì mà người vợ đã hiểu ra vấn đề?

Câu chuyện thứ nhất: Bàn tay của Mokusen

Mokusen Hiki là một thiền sư sống ở trong một ngôi chùa ở tỉnh Tamba, Nhật Bản. Một hôm, một trong những học trò của ông tới và phàn nàn về thói keo kiệt của vợ anh ta, nhờ ông nói giúp xem có thể thay đổi được không. Vài ngày sau, Mokusen tới thăm nhà của người học trò này. Gặp cô vợ của học trò, ông mới giơ bàn tay đang nắm lại lên trước mặt người phụ nữ.

"Điều đó có nghĩa là gì vậy ạ?", cô vợ người học trò ngạc nhiên và hỏi lại.

"Giả dụ bàn tay của tôi lúc nào cũng như thế thì cô sẽ gọi nó là gì?", Mokusen đặt câu hỏi.

"Dị tật", người phụ nữ trả lời.

Sau đó, Mokusen lại xòe hết bàn tay ra trước mặt người phụ nữ, rồi hỏi: "Giả dụ bàn tay tôi lúc nào cũng thế này, vậy cô gọi là gì?".

"Một kiểu dị tật khác", người phụ nữ nhanh chóng đưa ra đáp án.

"Nếu cô đã hiểu được như thế, vậy thì cô là một người vợ tốt đấy", Mokusen kết luận rồi xin cáo biệt ra về.

Sau chuyến viếng thăm này của Mokusen, bỗng dưng người ta thấy cô vợ của người học trò thay đổi hẳn, biết tính toán chi tiêu hợp lý, không hoang phí, nhưng cũng không còn chi li nữa.

Lời bàn: Một lời nói đúng lúc, đúng chỗ, tế nhị và vừa đủ còn có sức nặng gấp ngàn lần những lời nói thẳng thừng nhưng sáo rỗng và giáo điều. Do đó, góp ý với ai đó cũng là cả một nghệ thuật đòi hỏi người góp ý phải có đủ sự tinh tế và khéo léo.

Câu chuyện thứ 2: Người nghệ sĩ hám tiền

Gessen là một nhà sư, cũng là một họa sĩ của Nhật Bản. Tuy nhiên, trước khi bắt tay vào vẽ bất kỳ bức tranh nào, ông luôn yêu cầu người mua phải trả tiền trước, và giá của bức tranh cũng rất cao. Chính vì thế, mặc dù tài năng, ông vẫn thường bị mọi người xì xào và đặt cho biệt danh "Nghệ sĩ hám tiền".

 Môn đồ phàn nàn vợ quá keo kiệt, hôm sau nhà sư chỉ cần hỏi 2 câu, người vợ đã thay đổi - Ảnh 1.

Gessen bị mang tiếng là một họa sĩ hám tiền. (Ảnh minh họa)

Một hôm, có một geisha đặt hàng ông 1 bức tranh. "Cô có thể trả bao nhiêu tiền?", Gessen hỏi.

"Ông muốn bao nhiêu thì tôi trả bấy nhiêu, với 1 điều kiện là ông phải vẽ trước mặt tôi", cô gái nói.

Gessen đồng ý, rồi theo ngày đã hẹn, Gessen đến tìm gặp cô gái và bắt đầu vẽ tranh. Khi bức tranh hoàn thành, ông đã yêu cầu 1 số tiền lớn và nhận được ngay lập tức.

Lúc này, cô gái quay lại nói với các vị khách của mình rằng: "Tất cả những gì ông ta muốn chỉ là tiền mà thôi. Tranh ông ta vẽ thì đẹp đấy, nhưng tâm hồn ông ta thì vẩn đục. Chính tiền bạc đã làm vẩn đục nó. Được vẽ bởi 1 tâm hồn vẩn đục thì tranh của ông ta cũng chẳng xứng đáng được trưng bày. Có lẽ nó chỉ đáng để trang trí đồ lót của tôi mà thôi". 

Nói rồi, cô gái cởi váy ra, rồi yêu cầu Gessen vẽ 1 bức tranh khác ở đằng sau của chiếc váy lót. "Cô sẽ trả bao nhiêu?", Gessen lại hỏi.

"Bao nhiêu cũng được", cô gái lại đáp.

 Môn đồ phàn nàn vợ quá keo kiệt, hôm sau nhà sư chỉ cần hỏi 2 câu, người vợ đã thay đổi - Ảnh 2.

Cô geisha yêu cầu Gessen vẽ lên đằng sau của chiếc váy lót. (Ảnh minh họa)

Gessen lại đưa ra 1 mức giá cao, vẽ xong bức tranh theo đúng yêu cầu của cô gái rồi rời đi.

Một thời gian sau, cô gái tình cờ biết được lý do vì sao Gessen lại cần tiền đến thế. Một nạn đói nghiêm trọng đã diễn ra ở quê hương ông, song những kẻ giàu có chẳng màng giúp đỡ những người gặp nạn. Chính vì thế, Gessen đã lập ra 1 nhà kho bí mật, liên tục cung cấp lương thực để cứu đói cho dân chúng.

Bên cạnh đó, đường đi từ làng của ông đến một ngôi chùa quốc tự đã xuống cấp, vừa khó đi vừa nguy hiểm, khiến người dân rất khổ sở. Do đó ông cũng đã bỏ tiền ra để tu sửa đường sá, giúp người dân đi lại dễ dàng hơn. Ngoài ra, người thầy của Gessen từng có mong muốn xây dựng được 1 ngôi chùa, nhưng chưa kịp thực hiện mong ước này thì đã không may qua đời. Gessen tự hứa sẽ hoàn thành tâm nguyện của thầy.

Sau khi đã làm xong 3 việc lớn này, Gessen đã vứt hết bút vẽ đi, lên núi ở ẩn, và không bao giờ vẽ tranh nữa.

 Môn đồ phàn nàn vợ quá keo kiệt, hôm sau nhà sư chỉ cần hỏi 2 câu, người vợ đã thay đổi - Ảnh 3.

Lời bàn: Mỗi 1 con người đều có rất nhiều điều khó nói mà bạn không dễ gì có thể hiểu hết được. Đằng sau mỗi 1 hành động thường là cả một lý do. Chính vì thế, trước khi hiểu rõ ngọn ngành, đừng bao giờ vội đưa ra lời đánh giá tiêu cực với bất kỳ ai.

Càng trải nghiệm cuộc sống, chúng ta sẽ càng ngộ ra nhiều điều quý giá. Rồi bạn sẽ thấy rằng, người học nhiều khác xa với người ít học. Chỉ có những người kém hiểu biết thì mới hay khinh thường người khác. Trong tất cả những cái khổ thì khổ nhất là cái khổ vì thiếu hiểu biết.

Con người cao bởi chữ ‘nhẫn’, quý ở chữ ‘thiện’ và hơn nhau ở chữ ‘ngộ’.

Con người cao ở "NHẪN": Trong mọi việc đều có thể "nhẫn" thì phẩm chất sẽ tự nhiên cao. Con người quý ở "THIỆN": Trong cuộc đời luôn tích đức, làm việc thiện thì mới là đáng trân quý. Con người hơn người khác ở chỗ "NGỘ": Một người có thể hiểu thấu nhân sinh thì mới là kiệt xuất, hơn người.

Đời người, công danh lợi lộc chỉ như mây khói thoáng qua, có thể tiêu tan bất cứ lúc nào, duy chỉ có tiếng thơm là lưu truyền mãi. Đừng bao giờ hạ thấp người khác để nâng mình lên, hãy khiêm tốn, cung kính, nâng người hạ mình, đó mới là đấng quân tử.

Đừng phán xét ai cả. Đằng sau mỗi người đều có một câu chuyện và những vấn đề riêng mà chỉ có họ mới có thể hiểu hết.

Cũng đừng xem thường ai khi họ chưa có gì. Hãy tôn trọng và đối đãi tốt đẹp ngay cả khi họ chưa là gì, đó mới là lòng tốt thật sự.

Theo Gist Github 

Trí thức trẻ


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 4, 30/10/2024