Mẹ đơn thân mưu sinh từ làm tranh lá bồ đề trong Covid-19

11/09/2021 10:30
Mẹ đơn thân mưu sinh từ làm tranh lá bồ đề trong Covid-19

Nguyễn Thị Diệu Huỳnh, sinh năm 1986, là một hướng dẫn viên tiếng Anh. Vì dịch bệnh, cô không thể tiếp tục công việc. Để kiếm tiền nuôi hai con nhỏ, cô đã tận dụng những năng khiếu mình có, trong đó có làm tranh lá bồ đề.

Diệu Huỳnh có sở thích nhặt những chiếc lá đẹp làm đồ thủ công mỹ nghệ khi đi dạo trên đường hay trong chùa. Có lần dạo lăng ông Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, nhìn thấy những chiếc lá bồ đề đủ kích cỡ trong sân, cô chợt nhớ đến một nghệ nhân làm tranh từ lá bồ đề ở Ninh Bình, và thầm nghĩ: “Tại sao mình lại không thể kiếm tiền bằng cách này?”.

Mẹ đơn thân mưu sinh từ làm tranh lá bồ đề trong Covid-19 - Ảnh 1.

Sau khi mang về, Huỳnh rửa thật sạch lá và luộc lá với soda baking trong vòng 4 tiếng với khoảng 80 độ, liên tục thay nước trong quá trình luộc, cứ thế cho đến khi lá thật sự mềm, thuận lợi cho bước tiếp theo là cạo lớp phần thịt lá.

Mẹ đơn thân mưu sinh từ làm tranh lá bồ đề trong Covid-19 - Ảnh 2.

Sau khi để lá nguội, đặt lá trên bề mặt phẳng, Huỳnh sử dụng bàn chải đánh răng đánh nhẹ bề mặt lá để lớp thịt lá tơi ra. Một tay đánh, tay còn lại cố định lá. Bước này đòi hỏi người làm phải rất kiên nhẫn, chỉ cần mạnh tay hay dịch chuyển một chút, lá sẽ bị rách. Người thiếu kiên nhẫn sẽ khó làm được điều này, cô khẳng định.

Mẹ đơn thân mưu sinh từ làm tranh lá bồ đề trong Covid-19 - Ảnh 3.

Sau khi không còn diệp lục, xương lá lộ ra, Huỳnh ngâm xương lá trong nước tẩy Javel từ 1-3 tiếng đến khi lá trắng hoàn toàn. Khi tẩy hay ngâm diệp lục, phần lớn các lá nhỏ sẽ dễ rách, còn nếu lá cứng quá thì sẽ mất nhiều thời gian hơn và nếu gân lá quá cứng thì nhìn tác phẩm nhìn có phần thô, Huỳnh cho biết.

Mẹ đơn thân mưu sinh từ làm tranh lá bồ đề trong Covid-19 - Ảnh 4.

Huỳnh để xương lá bồ đề khô tự nhiên, sau đó dùng bàn ủi ủi thẳng. Cô cho biết, trongmọi khâu của quá trình, cô phải hết sức cẩn thận vì nếu xương lá rách, cô phải bỏ đi và làm lại từ đầu.

Ngoài ra, Huỳnh còn để nguyên lá bồ đề còn xanh hay ngã vàng sau khi nhặt về, ủi thẳng lá làm vật liệu cho các tác phẩm sáng tạo của cô. Làm thẳng và khô lá bằng bàn ủi rất quan trọng, vì nếu không, lá sẽ còn hơi nước bên trong và trở nên ẩm mốc trong quá trình tạo thành phẩm hay bảo dưỡng về sau. Để có được một bức tranh đạt chuẩn đòi hỏi sự kỳ công ở từng thao tác nhỏ, cô nói.

Mẹ đơn thân mưu sinh từ làm tranh lá bồ đề trong Covid-19 - Ảnh 5.

Là một hướng dẫn viên, nhưng Huỳnh lại có năng khiếu về hội họa và thẩm mỹ. Trong các bước làm tranh từ lá bồ đề, Huỳnh chỉ mất 10-15 phút để vẽ Quan Thế Âm Bồ Tát, đức Phật, Chúa Jesu, hay đức Mẹ trực tiếp lên xương lá bằng bút dầu Thiên Long. Cô nói mình có duyên với tôn giáo nên chỉ tập trung vào những hình ảnh của các nhân vật được thờ phụng trong Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo.

Vì nhà ở gần chùa nên Huỳnh dễ dàng thu lượm lá bồ đề để làm vật liệu. Điều đáng nói là tôn giáo của cô là Thiên Chúa, nhưng cô lại không giải thích được vì sao mình rất thích đi dạo chùa và yêu cây bồ đề, một loài cây gắn liền với câu chuyện của đức Phật. Cô nghĩ mình đã và đang tìm ra được hướng đi và đối tượng khách hàng cho loại hình kinh doanh này.

Mẹ đơn thân mưu sinh từ làm tranh lá bồ đề trong Covid-19 - Ảnh 6.

Tác phẩm bằng lá bồ đề của Huỳnh rất đa dạng. Ngoài xương lá, cô còn sử dụng lá được phủ lớp sơn màu vàng, bạc, đồng để tạo hình một tác phẩm. Ngay cả tấm giấy bìa vân gỗ nền sau khi bỏ chiếc lá ra cũng là một tác phẩm nghệ thuật để kinh doanh.

Mẹ đơn thân mưu sinh từ làm tranh lá bồ đề trong Covid-19 - Ảnh 7.

Sau công đoạn sơn và vẽ, Huỳnh sử dụng súng bắn keo để dán lá được phủ lớp sơn màu đồng, vàng, hay bạc hay xương lá đã có hình vẽ lên một tấm giấy bìa vân gỗ có kích cỡ tùy thuộc chiều dài chiếc lá. Huỳnh cho biết, nếu dùng keo nước thì sản phẩm sẽ bị ướt và mau rách.

Khi vẽ hay khắc hình Chúa, cô sẽ để lá hướng xuống như trái tim của ngài, và để lá hướng lên trên đối với hình vẽ hay decal hình đức Phật. Bút kim tuyến là một công cụ không thể thiếu của Huỳnh khi khắc chữ lên tấm giấy bìa vân gỗ.

Mẹ đơn thân mưu sinh từ làm tranh lá bồ đề trong Covid-19 - Ảnh 8.

Nuôi hai con sau ly hôn, cộng với các hoạt động du lịch bị đóng băng vì dịch bệnh, Huỳnh tự nhủ phải tìm cách giải cứu mình, không thể ngồi yên mà phải làm một cái gì đó có ích cũng như có thể sinh lợi. Những lúc ngồi làm thủ công từng công đoạn cho tác phẩm của mình, Huỳnh thấy lòng nhẹ nhõm như buông bỏ bớt bao nhiêu áp lực mình đang mang, cô tâm sự.

Mẹ đơn thân mưu sinh từ làm tranh lá bồ đề trong Covid-19 - Ảnh 9.

Để có được xương lá bồ đề nguyên vẹn làm vật liệu, Huỳnh đã bỏ khá nhiều thời gian. Cô phải ngồi lựa những chiếc lá có kích cỡ ngang bằng nhau, không quá lớn và không quá nhỏ để phù hợp với một khung hay tấm giấy bìa vân gỗ. Trong 100 xương lá, chỉ chọn ra được khoảng 20 xương lá nguyên vẹn trước khi vẽ trên bề mặt.

Không dừng lại ở việc sử dụng giấy bìa vân gỗ, Huỳnh còn mua keo resin, giá 200.000-300.000 đồng, tự nghiên cứu đổ keo đúc từng lớp, đợi keo khô và đặt xương lá bồ đề kết hợp hình nhân vật vào bên trong. Sản phẩm này được dùng làm đèn ngủ. Cách này cô chỉ đang thử nghiệm nên còn khá bỡ ngỡ và phải cân nhắc thêm vì giá thành của keo và máy móc chuyên dụng để đúc keo khá tốn kém.

Mẹ đơn thân mưu sinh từ làm tranh lá bồ đề trong Covid-19 - Ảnh 10.

Làm được tác phẩm loại hình này thật không dễ, vì khó nhất là phải biết cách tiết kiệm keo, đánh keo sao cho không nhìn thấy bọt gợn bên trong. Nếu keo đã khô nhưng xuất hiện bọt gợn hay có cặn hiện lên, chứng tỏ mình còn thiếu kinh nghiệm và phải mua keo mới cũng như làm lại từ đầu. Một tác phẩm như vậy phải tốn 2-3 ngày mà làm lại từ đầu thì rất nản, Huỳnh nói thêm.

Huỳnh hay hỏi xin mọi người xung quanh các vật liệu bỏ đi để về tái chế chúng thành một phần sinh động trong bức tranh của mình, chẳng hạn như hộp xốp, nhánh cây khô, giỏ hoa cũ, thùng carton. Trong quá trình làm việc, cô cũng tận dụng luôn những dụng cụ cô có như kéo cắt tỉa lông mi, dao rọc giấy, giấy decal để tạo hình nhân vật.

Với vật liệu decal, Huỳnh tự tay khắc hình theo ý muốn bằng dao rọc giấy. Khi có chi tiết bị lem lúc vẽ, cô sẽ dùng dung dịch aceton chấm vào đầu tâm bông để tẩy. Đôi khi cô cũng tự ép plastic bằng bàn ủi. Tất cả các công đoạn từ lúc bắt đầu cho đến khi hoàn tất đều chỉ có một mình cô loay hoay.

Mẹ đơn thân mưu sinh từ làm tranh lá bồ đề trong Covid-19 - Ảnh 11.

Thời gian hoàn thành một tác phẩm nhanh hay chậm tùy thuộc vào nhân vật hay yêu cầu của khách hàng. Hiện tại, Huỳnh đang học thêm về khắc nhân vật trên decal hình chân dung đổ bóng đen trắng. Đối với loại hình này, cô phải dùng dao mổ chuyên dụng. Khi xác định được đường nét thì làm sao phải khắc cho đủ, nếu bị dư nét thì tác phẩm không đẹp, cô cho biết.

Giá bán các sản phẩm của Huỳnh là 300.000-500.000 đồng. Các bức tranh thế này có thể lưu giữ từ 10 đến 30 năm nếu bảo quản tốt. Huỳnh muốn bán giá cao hơn nhưng do tình hình dịch bệnh, điều kiện kinh tế khó khăn, làm kỳ công nhưng giá bán còn thấp là điều cô đang trăn trở.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 19/03/2024