Một vị quản lý cấp cao của doanh nghiệp nọ trong một buổi thuyết giảng đã được nghe câu chuyện kể về “Giỏ thưa múc nước”.
Có một thanh niên lúc nào cũng tự nhận mình thông minh, tài giỏi, học một hiểu mười, ngày ngày khoe khoang về trí tuệ của mình. Cho đến khi anh ta đọc một quyển giáo lý Phật gia, đọc đi đọc lại rất nhiều lần, anh ta vẫn không thể hiểu được. Anh tự nhủ rằng: “Lạ thật, rõ ràng mình hiểu nghĩa từng chữ một, nhưng ghép lại với nhau thì nghĩ mãi chẳng thông”.
Vậy là, anh ta tìm tới một khu rừng sâu, trong đó có một Thiền sư cao tuổi ẩn dật và hỏi ngài ấy rằng: “Thưa sư thầy, tôi vốn thông minh nhanh trí, nhưng đọc quyển giáo lý này lại đọc mãi vẫn không hiểu được ý nghĩa thâm sâu đằng sau từng câu từng chữ. Dù đã cố gắng rất nhiều lần, tôi vẫn không giữ được những lời lẽ này trong lòng. Tôi cảm thấy mình rất thất bại. Sư thầy có thể giúp tôi được không?”.
Vị Thiền sư bình tĩnh lắng nghe tất cả những gì thanh niên này giãi bày. Sau đó, ông lặng lẽ lấy một chiếc giỏ thưa được đan bằng tre vừa cũ vừa bẩn, phủ đầy bụi đất trong một góc đưa cho chàng trai và nói: “Tôi sẽ giúp cậu giải đáp nghi vấn này nếu cậu chịu cầm cái giỏ này đi múc cho tôi đầy một chậu nước.”
Chàng trai ngạc nhiên: “Vậy thì nước sẽ bẩn hết ư?”.
Vị Thiền sư chỉ mỉm cười gật đầu, không nói gì nữa.
Vậy là cậu thanh niên miễn cưỡng cầm giỏ đi tìm một con sông gần đó. Muốn nhanh chóng được nghe lời giải đáp, anh vục chiếc giỏ vào nước thật mạnh, rồi cố gắng chạy về thật nhanh.
Tuy nhiên, ngay khi vừa đi được vài bước, chiếc giỏ thưa đã không giữ được nước. Tất cả số nước múc lên đều tràn đi theo từng kẽ giỏ. Sau hàng chục lần thử đi thử lại, kết quả vẫn không hề khả quan. Có chạy nhanh lắm, bưng bít kiểu gì thì số nước trong giỏ cũng sẽ tràn hết khi anh ta đi được vài ba bước.
Cuối cùng, anh ta thất vọng não nề, lê bước trở về, trở lại chiếc giỏ không cho vị Thiền sư và đáp rằng “Tôi không làm được điều ông muốn”.
Vị Thiền sư đáp: “Không đâu, thực ra cậu đã làm được điều tôi muốn rồi”.
Trong khi cậu thanh niên không hiểu ra sao, vị Thiền sư đã giải đáp: “Người ta chỉ cần nhìn chiếc giỏ thưa này đều sẽ biết, nó không bao giờ có thể múc được nước. Chắc cậu cũng nhận thấy điều đó, nhưng để đạt được mục tiêu của mình, cậu vẫn quyết định thử, và thậm chí còn cố hết sức để thử theo nhiều cách khác nhau. Chỉ cần nhìn vào số đất cát bùn dơ bám trên giỏ nay đã trôi hết là tôi hiểu rằng cậu đã nỗ lực nhiều thế nào.
Trí tuệ của con người cũng vậy. Càng bỏ nhiều công sức, càng nỗ lực dám thử, dám mạo hiểm, dám tư duy thì cậu mới có khả năng thấu hiểu được đạo lý ẩn sâu đằng sau mỗi sự vật, hiện tượng khác nhau”.
Thông qua câu chuyện này, vị quản lý hiểu ra rằng, lòng can đảm nhiệt tình là một nhân tố không thể thiếu trong quãng đường phát triển của mỗi một người. Ứng dụng vào công việc tuyển dụng nhân sự của mình, anh ta bắt đầu chú trọng tới việc tìm kiếm các nhân tố tiềm năng của ứng viên nhiều hơn là nhìn chằm chằm vào những kỹ năng, thâm niên, kinh nghiệm mà họ đã có sẵn.
Để làm được điều đó, trong những buổi phỏng vấn do mình tổ chức sắp xếp, vị quản lý không chỉ đưa ra các đề mục test kiến thức, kỹ năng, trình độ và ngoại ngữ mà còn kết hợp thêm nhiều câu hỏi IQ, EQ, đưa ra một số tình huống bất ngờ để ứng viên tự do phản ứng, thể hiện tư duy logic của mình.
Trong một lần, anh ta đã hỏi chính các ứng viên rằng: “Theo các bạn, có thể làm thế nào để múc nước bằng giỏ thưa hay không?”.
Ứng viên đầu tiên đứng dậy và trả lời: “Làm sao một chiếc giỏ thưa múc nước được? Bao nhiêu nước sẽ lọt xuống lỗ hết rồi còn đâu. Tôi nghĩ điều này là không thể nào".
Một ứng viên khác lại thử: “Nếu là một chiếc giỏ thưa thì không thể. Nhưng nếu làm cho chiếc giỏ được đan chặt hơn, hoặc bọc nó bằng một lớp nilon, hay sử dụng keo hồ dán lại tất cả những chỗ trống, hạn chế không gian giữa các khe một cách tối đa thì vẫn có thể múc nước được".
Trong lúc mọi người tranh cãi ầm ỹ về tính khả thi của việc này, một nữ sinh viên lại đưa ra câu trả lời: “Điều này rất dễ dàng mà. Vì câu hỏi chỉ yêu cầu ‘múc nước’ chứ không nêu rõ nước ở điều kiện nào, cho nên, lấy chỗ nước đó đem đi đặt vào tủ đá, tới khi nó đông lại thành băng, tôi có thể dùng giỏ thưa để múc lên rồi”.
Vị quản lý đưa ra kết luận, đây chính là câu trả lời thu hút anh nhất từ đầu tới giờ. Trong khi các ứng viên tốt nghiệp đại học, cao học chuyên sâu không ngừng làm phức tạp hóa vấn đề, nữ sinh viên này lại có thể tìm ra cách đột phá nhất từ sự đơn giản nhất. Cô chỉ tận dụng những hình thái khác nhau ở những nhiệt độ và hoàn cảnh khác nhau của nước, ở đây là trạng thái đóng băng, để giáp đáp vấn đề không tưởng này.
Ở bất cứ trường hợp nào, yếu tố “sáng tạo” tuy nói thì đơn giản, nhưng vẫn luôn là công cụ hữu hiệu nhất giúp chúng ta gây ấn tượng mạnh trong công việc, giúp nâng cao năng suất hơn so với việc lựa chọn một phương thức truyền thống ai ai cũng biết.
Biết tận dụng chính sở trường và tư duy logic để đơn giản hóa các nhiệm vụ được đề ra, đồng thời, giúp chúng ta tận hưởng công việc một cách thoải mái và vui vẻ hơn, chính là tiền đề để một người có thể phát triển thật xa hay không. Càng hoàn thiện năng lực sáng tạo, bạn lại càng có nhiều cơ hội để tự mình cải thiện kỹ năng, năng động nhiệt tình và làm ra nhiều thành tựu đột phá hơn.
*Tổng hợp - Trí thức trẻ