8 trí tuệ quý hơn cả gia sản bạc tỷ mà cha mẹ nên truyền dạy cho con cái

16/02/2020 08:30
8 trí tuệ quý hơn cả gia sản bạc tỷ mà cha mẹ nên truyền dạy cho con cái

Gia đình hạnh phúc, bố mẹ giỏi giang không được đánh giá bởi việc để lại cho con bao nhiêu tiền, bao nhiêu nhà sang, xế xịn mà là có thể truyền thụ lại được cho con bao nhiêu trí tuệ cuộc đời. Bởi có những đạo lý làm người, đạo lý cuộc sống còn quý hơn cả gia sản bạc tỷ.

01

Dạy con biết nhẫn nại lắng nghe

Tại sao Thượng Đế tạo ra con người chúng ta chỉ có một cái miệng nhưng lại có hai cái tai? Đó là bởi muốn ngầm nói với chúng ta rằng hãy "nói ít nghe nhiều".

"Sử Ký" có câu: "Ngôn năng thính, đạo nãi tiến", là để khuyên răn chúng ta phải chăm chú lắng nghe lời người khác nói mới có thu hoạch.

Thế nhưng ngày nay có rất nhiều người thiếu kiên nhẫn, không đủ kiên nhẫn nghe người khác nói hết ý. Thường cho rằng những gì mình nói mới đúng, mới có đạo lý.

Thực ra, đâu có ai bận đến nỗi không có thời gian đợi người khác biểu đạt. Thiếu ở đây không phải là thời gian mà là tố chất cơ bản.

Một người có tu dưỡng phải khoan dung độ lượng, để người khác nói hết ý của mình. Dù rằng trong đó chỉ có một câu hữu ích nhưng cũng nên coi đó là liều dinh dưỡng cho tinh thần.

Hành vi của cha mẹ luôn có tác dụng làm mẫu, làm gương. Muốn hướng dẫn con lắng nghe thì trước hết cha mẹ cũng phải lắng nghe tiếng lòng của con cái.

Dù là người lớn hay trẻ nhỏ, chỉ khi cảm thấy đối phương hiểu mình thì mới nghe lọt tai những lời đối phương nói. Sau khi trò chuyện với con, cha mẹ nên hướng dẫn con lợi ích của việc chăm chú lắng nghe. Để từ đó xây dựng thói quen tốt "luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu" cho con.

02
Dạy con thói quen đọc sách

Tầm quan trọng của việc đọc sách, không cần nói ai cũng thấu. Yêu đọc sách giúp con có thể thay đổi mọi thứ và hưởng lợi ích suốt đời.

Con cái mà thích đọc sách còn quý hơn cả việc học tập ở trường, quý hơn cả tấm bằng đại học cao cấp.

Tạo hứng thú để con thích đọc sách là món quà tốt nhất mà các bậc cha mẹ nên dành cho con cái của mình. Đồng thời đó cũng đó cột mốc đánh dấu thành công trong giáo dục gia đình. Vậy nên hướng dẫn con cái đọc sách như thế nào cho đúng?

Một là, đọc các tác phẩm kinh điển

Sở dĩ gọi là tác phẩm kinh điển là do trí tuệ và tư tưởng trong đó đã được thực tế kiểm chứng. Đáng để đời sau học tập và rút kinh nghiệm.

Hai là, không đọc sách mới khi chưa đọc hết sách cũ

Ý chỉ khi chưa đọc hết một cuốn sách này thì đừng vội đọc sang cuốn sách khác. Đọc một cuốn sách trước hết bạn phải đắm chìm vào trong đó thì mới có thể thẩm thấu được những thứ có giá trị nhất.

Ba là, không học thuộc lòng

Đọc sách không cần phải khổ sở thuộc lòng. Hãy điềm tĩnh ngâm nghi, hôm nay đọc vài lần, ngày mai đọc vài lần, lâu dần tự nhiên sẽ ngấm. Đọc sách vốn là việc thư giãn nhẹ nhàng và vui vẻ, vậy nên không được coi đó là nhiệm vụ phải học thuộc lòng.

Bốn là, chăm chỉ ghi chép

Ghi lại những cảm nhận khi đọc sách. Có thể là tâm đắc lĩnh hội hay thậm chí là những điểm còn hoài nghi đều có thể ghi chép lại. Điều này sẽ mang lại lợi ích học tập rất lớn.

8 trí tuệ quý hơn cả gia sản bạc tỷ mà cha mẹ nên truyền dạy cho con cái - Ảnh 1.

03
Có thể giao tiếp với bất cứ ai 

Nếu quan sát kỹ bạn sẽ phát hiện ra một đặc điểm trong mối quan hệ gia đình giữa bố mẹ và con cái hiện nay đó là ngày càng ít giao lưu tình cảm.

Dù là cha mẹ hay con cái, làm gì cho đối phương cũng thường ít khi thể hiện. Thường chỉ thầm nghĩ không hổ thẹn với lòng mình là được. Thực ra đây là một biểu hiện của việc thiếu kỹ năng trò chuyện.

Muốn được người khác khẳng định, muốn bản thân thành công khá đơn giản, chỉ cần bạn dám thể hiện mình, khiến người khác biết được ưu điểm của bạn là đủ.

Nếu như không có khả năng giao tiếp tốt, bạn khó lòng đi sâu vào hiện thực xã hội, đồng nghĩa với việc mất đi rất nhiều cơ hội phát triển, quan trọng hơn đó là rất dễ khiến gia đình không hạnh phúc.

Do vậy, trong giáo dục con cái, phải dạy chúng cách giao tiếp với người khác. Mà trước hết đó là cha mẹ hãy học cách giao tiếp với con cái.

04
Dạy con biết giải quyết vấn đề một cách độc lập

Con cái là sự sống tiếp nối của cha mẹ. Cha mẹ thậm chí còn coi trọng con cái hơn mạng sống của mình. Làm thế nào để dạy con ngoan luôn là việc quan trọng hàng đầu đối với các bậc cha mẹ. Mà bước đầu tiên để giáo dục con cái thành công đó là xây dựng thói quen tư duy độc lập cho con.

Hiện nay có rất nhiều gia đình con một, con cái không biết nấu cơm, giặt quần áo, thay bóng đèn… đây không hề là một biểu hiện gì cao quý mà ngược lại đó là không biết chăm sóc bản thân, không biết thò tay vào làm việc và càng không biết giải quyết vấn đề một cách độc lập.

Trong khi đó, khả năng đối mặt và giải quyết vấn đề một cách độc lập lại là khả năng sinh tồn cần phải có của mỗi người trong xã hội hiện đại.

Muốn con có khả năng tư duy và giải quyết vấn đề một cách độc lập, phụ huynh cần phải buông tay để con cái tự phân tích và giải quyết vấn đề mà mình gặp phải. Gặp phải vấn đề đầu tiên cần phải bình tĩnh suy nghĩ và tích cực tìm cách giải quyết chứ không chờ đợi một cách tiêu cực.

Có thể trong quá trình đó, cách xử lý của con không mấy thỏa đáng, nhưng từ việc xử lý những chuyện nhỏ con mới dần dần trưởng thành hơn.

Các bậc cha mẹ nên dẫn dắt con tư duy một cách độc lập, dũng cảm đối mặt với thực tiễn, giúp con không ngừng trưởng thành.

8 trí tuệ quý hơn cả gia sản bạc tỷ mà cha mẹ nên truyền dạy cho con cái - Ảnh 2.

05

Dạy con biết tôn trọng người khác

Mạnh Tử nói: "Yêu người thì người hằng yêu lại, kính người thì người hằng kính lại".

Muốn được người khác tôn trọng thì đầu tiên bạn phải học cách tôn trọng người khác.

Có những người tự cho rằng mình rất cao thượng, coi thường người khác. Đối xử với những người có địa vị thấp hơn mình thường tỏ thái độ cao cao tại thượng, không kiềm chế được việc khoe mẽ bản thân. Những người như vậy thực ra mới là những người hạ đẳng thấp hèn.

Không ai muốn con cái của mình trở thành những người hạ đẳng hay thấp hèn như vậy, thế nhưng thực tế lại luôn đi ngược lại với ước mơ.

Rất nhiều bậc cha mẹ không bao giờ hà tiện trong việc chi tiền cho con, đáp ứng đủ mọi yêu cầu, nhưng lại rất ít người giáo dục con sự tôn trọng, khiến con trẻ không tôn trọng người lớn, không tôn trọng bố mẹ, không tôn trọng thầy cô, không tôn trọng bạn bè; muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm.

Do vậy, trong cuộc sống thường ngày, cha mẹ lên tạo điều kiện mọi lúc mọi nơi để khơi gợi lòng biết ơn của con, nhìn thẳng vào những gì mà cha mẹ đã bỏ ra, để con trước hết là biết ơn cha mẹ.

Ví dụ, dạy con biết nói lời "cảm ơn" sau khi cha mẹ làm gì đó cho con. Thông qua những việc nhỏ đó để con quen với thái độ biết ơn, đồng thời biết cách làm thế nào để bày tỏ lòng biết ơn.

Chỉ khi biết cảm ơn người khác mới hiểu được thế nào là "tôn trọng".

06

Dạy con tính nghiêm túc

Nghiêm túc là phẩm chất cơ bản để con được người khác tôn trọng trong các mối quan hệ xã hội sau này.

Xã hội ngày nay là xã hội hợp tác và cạnh tranh song hành. Muốn con có thể nhanh chóng thích ứng được với cuộc sống xã hội phức tạp trong tương lai thì hãy dạy con thói quen nghiêm túc.

Chúng ta thường nghe thấy không ít các bậc cha mẹ kêu ca, phàn nàn con mình lúc nào cũng rối ren lộn xộn, chân tay lóng ngóng, làm việc quên trước quên sau. Đi học hay quên đồ, bình thường rất thông minh, nhưng cứ thi cử là qua loa đại khái, làm sai rất nhiều bài, khiến cha mẹ lo lắng. Vậy thì phải làm sao?

Thực ra, đó là biểu hiện của việc làm việc không nghiêm túc, do vậy cha mẹ cần phải dẫn dắt con làm việc có tính quy hoạch.

Hãy nói với con của bạn, dù là ai, làm bất cứ việc gì cũng đều phải quy hoạch một cách chu toàn. Làm gì trước, làm gì sau, trước khi làm cần phải chuẩn bị những gì và phải bắt đầu như thế nào…

Quan trọng nhất cha mẹ phải lấy mình làm gương, rèn luyện tính nghiêm túc cho con. Giúp con khắc phục các tật xấu như làm việc qua loa đại khái, luống cuống, quên trước quên sau.

07
Dạy con biết tự phê bình

Một nhà giáo dục đã từng nói rằng: "Phê bình con trẻ không bằng dạy con biết tự phê bình".

Mục đích của việc tự phê bình là để con ý thức được sai lầm của mình, sửa chữa sai lầm và tránh tái phạm. Trong quá trình đó, cha mẹ nên hướng dẫn con biết tự phê bình và kiên trì tự phê bình.

Khi con biết cách tự phê bình mới có thể nhận thức đúng về sai lầm và nguyên nhân dẫn đến sai lầm của mình.

Làm cha mẹ cũng khó tránh khỏi việc phạm sai lầm, do vậy trước mặt con, cha mẹ cũng nên dũng cảm nhận sai và sửa sai.

Thế nhưng, có một số cha mẹ không dám nhận sai vì sợ mất uy tín trước mặt con. Thực ra, điều này là hoàn toàn thừa thãi. Bởi trong quá trình dạy con, cha mẹ phạm sai lầm, nếu thành khẩn nhận sai đồng thời sửa sai, con trẻ sẽ càng thấu hiểu và tôn trọng cha mẹ hơn. Đồng thời sẽ khiến con hiểu được yêu cầu cơ bản về đạo đức làm người từ đó càng chủ động ép mình vào khuôn khổ hơn.

8 trí tuệ quý hơn cả gia sản bạc tỷ mà cha mẹ nên truyền dạy cho con cái - Ảnh 3.

08
Dạy con xây dựng khả năng tự học

Khả năng tự học là khả năng thu nhận kiến thức thông qua việc tự học, tự nghiên cứu mà không phụ thuộc vào thầy cô, cha mẹ.

Trong thời đại bùng nổ, không ngừng cập nhật tri thức như hiện nay, yêu cầu mỗi người chúng ta phải luôn học hỏi mọi lúc mọi nơi mới có thể bắt kịp tiết tấu thời đại.

 "Cho người con cái không bằng cho người cần câu cá". Do vậy, thay vì việc nhồi nhét quá nhiều kiến thức cho con trẻ, cha mẹ hãy giúp con hình thành khả năng nắm bắt kiến thức. Giúp con có thể học tập mọi lúc mọi nơi theo nhu cầu của mình, để càng phù hợp hơn với yêu cầu của môi trường và xã hội.

Khả năng tự học cần phải được bồi dưỡng từ nhỏ, cha mẹ có thể áp dụng theo 3 phương pháp dưới đây:

Một là tạo cảm hứng học tập cho con

Cảm hứng là người thầy tốt nhất, một khi con trẻ có hứng thú với việc học tập, cha mẹ có thể hoàn toàn yên tâm mà không phải lo lắng gì nhiều.

Hai là hướng dẫn con học để ứng dụng

Mục đích của việc học là để ứng dụng, hướng dẫn con người ta cách sống. Học tập mà không liên quan tới thực tế là hoàn toàn vô dụng.

Do vậy, phương pháp học tập hữu dụng nhất đó là phải liên quan tới thực thế. Thông qua việc giải quyết các vấn đề thực tế giúp con có được cảm giác chiến thắng, từ đó kích thích cảm hứng học tập của con.

Ba là tạo dựng không khí tự giác học tập trong gia đình

Cha mẹ yêu cầu con học bài nhưng bản thân lại ngồi xem ti vi, cách giáo dục này hoàn toàn không có hiệu quả. Nhưng nếu cả gia đình cùng ngồi lại với nhau, cùng nhau đọc sách, kể  chuyện, vẽ tranh, ghép ảnh thì sẽ hoàn toàn khác. Điều này không chỉ giúp con có thích thú học tập mà còn giúp con tự giác hơn trong việc học.

Thứ quý giá nhất mà cha mẹ để lại cho con không phải là gia sản bạc tỷ mà là những tri thức, lối sống, thói quen tích cực, phẩm chất tốt mà cha mẹ hướng dẫn hoặc hình thành cho con. Bắt đầu từ chính bản thân mình, mỗi người cha, người mẹ hãy là những tấm gương sáng để con trẻ noi theo. Đó là những gia sản quý giá nhất mà chúng ta nên trao cho con!

Theo Trí Thức Trẻ


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025