Lá thư cha gửi con gái: 9 bài học để đời về tiền bạc

14/01/2022 08:00
Lá thư cha gửi con gái: 9 bài học để đời về tiền bạc

Là một người cha dành phần lớn sự nghiệp để nghiên cứu về tiền bạc, tài chính và kinh doanh, đây là những gì ông sẽ khuyên nhủ con gái mình về tiền bạc và cuộc sống.

Chuyên gia tài chính Morgan Housel, người từng viết cho chuyên mục của The Wall Street Journal và The Motley Fool, đã đúc kết kinh nghiệm trong một lá thư để gửi gắm cho đứa con gái mới chào đời của ông.

1. Đừng đánh giá thấp vai trò của những cơ hội

Nhiều người cho rằng giàu nghèo là do quyết định của mỗi người và họ đánh giá thấp vai trò của sự may mắn trong cuộc sống. Trong khi đó, gia đình, đất nước, những giá trị sẵn có của mỗi người hay những người chúng ta gặp thoáng qua cũng đều đóng một vai trò lớn đến cuộc sống và vận mệnh mỗi người.

Chúng ta không phủ nhận những giá trị và phần thưởng của sự siêng năng, nhưng không phải ai cũng thành công nhờ chăm chỉ và không phải ai nghèo đói cũng là đều do lười biếng. Đây là điều con cần ghi nhớ khi đánh giá người khác, bao gồm cả chính bản thân mình.

2. Lợi nhuận lớn nhất là khả năng kiểm soát thời gian

Có thể tự do làm những gì mình muốn cùng người mình mong bao lâu tùy thích chính là hạnh phúc mà không thứ vật chất xa xỉ nào có thể sánh ví được.

Cảm giác vui vẻ khi sở hữu vật chất rồi sẽ chóng qua, nhưng khả năng kiểm soát thời gian như có một công việc giờ giấc linh hoạt sẽ giúp con có thời gian làm những gì mình đam mê.

Đạt đến một cuộc sống độc lập là mục tiêu mà chúng ta hướng đến. Nhưng sự độc lập không phải là một trò chơi được mất, có tất cả hoặc không có gì. Mỗi đồng tiền con tiết kiệm được giống như sở hữu một phần của tương lai.

3. Đừng dựa dẫm vào sự nuông chiều

Không ai hiểu được giá trị của đồng tiền nếu không trải qua những vất vả. Vì vậy cha mẹ vẫn sẽ cố gắng hết sức để hỗ trợ con, nhưng không nuông chiều con.

Việc chấp nhận rằng không ai có thể có mọi thứ mình muốn là cách duy nhất để con phân biệt được giữa nhu cầu và mong muốn. Điều này sẽ dạy con biết lập ngân sách, tiết kiệm và định giá những gì mà mình có.

Học cách tiết kiệm mà không làm tổn hại đến bản thân là một kỹ năng sống thiết yếu hỗ trợ cho con vượt qua những thăng trầm của cuộc sống.

4. Thành công không chỉ đến từ những điều lớn lao

Hoàng đế Napoleon định nghĩa thiên tài là người có thể làm điều bình thường khi tất cả mọi người xung quanh đều đang "mất trí".

Việc quản lý tiền bạc cũng tương tự như vậy. Con không cần làm điều to lớn, mà chỉ cần không làm hỏng việc quá nhiều lần. Lời khuyên đắt giá nhất trong mọi hoàn cảnh là con hãy tránh những sau lầm tai hại, đặc biệt là vùi đầu vào nợ nần.

5. Sống dưới mức thu nhập của mình

Khả năng xoay sở để sống tốt dưới mức thu nhập chính là một trong những đòn bẩy tài chính mạnh mẽ nhất. Điều này giúp mỗi người kiểm soát được nhiều hơn những nguồn thu nhập hoặc lợi nhuận đầu tư.

Người kiếm được 50.000 USD nhưng có thể sống hạnh phúc với 40.000 USD sẽ giàu có hơn người kiếm 150.000 USD nhưng cần 151.000 USD mới đủ sống.

Thu nhập sẽ không quyết định được số tiền con có và cũng không xác định được số tiền con cần.

 Lá thư cha gửi con gái: 9 bài học để đời về tiền bạc mà ai nhận ra thì cũng đã quá muộn, điều thứ 8 là đúc kết đắt giá nhất  - Ảnh 1.

6. Bao dung với bản thân khi thay đổi quyết định

Hầu như không ai có thể xác định trước cuộc đời của mình ở năm 18 tuổi. Vì vậy, nếu con chọn một chuyên ngành mà cuối cùng con không yêu thích thì cũng không sao. Khi nhận tấm bằng trong lĩnh vực mà con không hoàn toàn đam mê, hoặc đang làm một công việc mà con muốn chuyển sang một công việc khác, thì đó hoàn toàn là điều bình thường.

Đừng dằn vặt vì những lựa chọn sai hướng, thay vào đó, con có thể thừa nhận rằng các giá trị và mục tiêu của mình đã thay đổi. Đối xử nhẹ nhàng với bản thân khi thay đổi suy nghĩ cũng là một "siêu năng lực", đặc biệt là khi con còn trẻ.

7. Mọi thứ đều có giá của nó

Một sự nghiệp bận rộn sẽ phải đánh đổi bằng thời gian xa gia đình và bạn bè. Cái giá của lợi nhuận thị trường dài hạn là sự biến động và không chắc chắn. Cái giá của việc nuông chiều đó là những đứa trẻ hư.

Mọi thứ đều có một mức giá để đánh đổi và hầu hết thì cái giá phải trả thường không lường trước được. Một khi con chấp nhận điều này, con sẽ bắt đầu coi thời gian, các mối quan hệ, quyền tự chủ và sự sáng tạo như những loại tiền tệ có giá trị tương đương tiền mặt.

8. Tiền không phải thước đo thành công lớn nhất

Warren Buffett đã từng nói: "Thước đo thành công trong cuộc sống là số người thực sự yêu quý bạn".

Tình yêu đó phụ thuộc vào cách con đối xử với mọi người hơn là tài sản mà con có. Tiền bạc không thể bù đắp được cho nhân cách thiếu sót, thiếu trung thực và sự đồng cảm chân thành với người khác.

Đây là lời khuyên tài chính quan trọng nhất mà cha có thể khuyên con.

9. Đừng mù quáng nghe theo mọi lời khuyên

Tất cả những lời khuyên trên là những điều mà hầu hết mọi người nhận ra khi đã quá muộn.

Thế hệ của con sẽ khác với thế hệ của bố mẹ, ông bà. Không ai giống nhau hoàn tàn và không có ai là luôn luôn đúng. Đừng nghe lời khuyên của bất kỳ ai mà không cân nhắc với những giá trị, mục tiêu và hoàn cảnh của riêng mình.

(Lược theo lá thư của chuyên gia tài chính Morgan Housel gửi con gái được đăng trên CNBC)

Doanh nghiệp và tiếp thị


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025