Kiên trì đúng 2 chữ, người đàn ông bỏ học giữa chừng trở nên giàu có, con cháu nhiều đời đều ăn nên làm ra

27/07/2021 08:00
Kiên trì đúng 2 chữ, người đàn ông bỏ học giữa chừng trở nên giàu có, con cháu nhiều đời đều ăn nên làm ra

Bí quyết trở nên giàu có của gia tộc họ Kiều là kiên trì 2 chữ này trong kinh doanh buôn bán.

"Tấn thương" (Các thương nhân Sơn Tây) dưới thời kỳ cực thịnh của 2 triều Minh – Thanh đứng đầu trong top 10 thương hội lớn nhất của Trung Quốc, lấy văn hóa Nho gia làm tư tưởng chủ đạo, xưng hùng trong giới kinh doanh Trung Quốc suốt 500 năm. Nhân vật đại diện cho Tấn thương chính là Kiều Trí Dung, một người vô cùng trọng chữ tín trong kinh doanh.

Kiều Trí Dung (1818 - 1907), tự là Trọng Đăng, hiệu Hiểu Trì, là người Kỳ huyện, Sơn Tây dưới thời nhà Thanh, là đời thứ 4 của Kiều gia. Ông là một Tấn thương nổi tiếng, được ca ngợi là "lượng tài chủ" (người giàu có nức tiếng). Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã đọc sách Thánh hiền, thuở thiếu thời ông từng thi đỗ tú tài. Sau này do huynh trưởng bị bệnh, Kiều Trí Dung bỏ dở con đường học vấn, bắt đầu kinh doanh, tiếp quản sự nghiệp buôn bán của gia tộc họ Kiều.

Kinh doanh dựa trên 2 chữ tín nghĩa

Kiều Trí Dung cho rằng, trong kinh doanh dù mất tiền cũng vẫn phải giữ danh dự, chữ tín. Nền tảng thật thà, uy tín giúp cho sự nghiệp gia tộc họ Kiều ngày một hưng thịnh.

Các cửa hàng trực thuộc nhãn hiệu của Kiều gia mọc khắp nơi, đứng đầu vùng Bao Đầu, ngoài ra còn có 2 hiệu đổi tiền là Đại Phúc Thông, Đại Đức Hằng, trải dài khắp các trạm thông thương, bến cảng trên toàn quốc.

Đến cuối thời nhà Thanh, gia tộc Kiều Thị đã có hơn 200 cửa hàng đổi tiền, ngân hàng tư nhân, hiệu cầm đồ, trạm lương thực khắp các nơi tại Trung Quốc, nắm trong tay số tài sản hàng ngàn vạn lượng bạc.

Một thương hiệu lớn của Kiều Gia tại Bao Đầu là cửa hàng Hạ Thịnh Tây, chủ yếu buôn bán ngũ cốc và dầu.

Khi đó, cũng có rất nhiều thương hiệu làm điêu làm giả, cân non cân thiếu, nhưng Kiều gia thì không như vậy. Ông yêu cầu nghiêm khắc người bán phải chịu trách nhiệm về chất lượng và định lượng hàng hóa. Cũng vì thế mà Kiều gia đứng vững tại vùng đất Bao Đầu này, người tới mua hàng nườm nượp không ngớt.

Có một lần, xưởng ép dầu Hạ Thịnh vận chuyển một lô dầu vừng tới Sơn Tây, người phụ trách vì để trục lợi nên đã pha trộn hàng giả. Sau khi ông phát hiện ra, đã chửi mắng người kia thậm tệ, rồi lệnh cho người làm đổ toàn bộ số dầu vừng bị pha trộn, đổi thành lô dầu thật đúng giá. Tuy rằng việc làm lần này khiến cửa hàng tổn thất không nhỏ, nhưng lại khiến cho Kiều gia nức tiếng, thu hút thêm càng nhiều khách hàng.

Bán rẻ lương thực ngon cho người nghèo

Trên thực tế, Kiều gia cũng "trộn hàng", nhưng hoàn toàn không giống với như những kẻ khác.

Cửa hàng Thông Hòa của Kiều gia danh tiếng lẫy lừng trên thị trường Bao Đầu. Mỗi khi năm hết tết đến là lúc tiệm Thông Hòa bận rộn nhất. Mỳ trắng, gạo của cửa hàng đều có phân loại rõ ràng. Vì muốn cho người nghèo cũng được ăn đồ ngon, Kiều gia cố ý trộn lẫn loại mỳ gạo thượng hạng với loại mỳ bình thường, để bán cho người nghèo với giá mỳ bình thường.

Chữ "tín" của Kiều gia còn là "tín nghĩa", đối với mỗi khách hàng đều không phân  biệt đẳng cấp, sang hèn. Bất kỳ ai tới cửa hàng cũng đều là khách hàng, nhận được sự trọng đãi như nhau.

 Kiên trì đúng 2 chữ, người đàn ông bỏ học giữa chừng trở nên giàu có, con cháu nhiều đời đều ăn nên làm ra - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Lấy nghĩa chế lợi, thiệt mình lợi người

Khi hiệu đổi tiền của Kiều gia sa sút, hậu duệ của Kiều Chí Dung vẫn tiếp nối truyền thống tín nghĩa của ông.

Cho tới năm 1930, khi kinh tế suy thoái, tiền Tấn mất giá, 25 đồng bạc Tấn chỉ đổi được 1 đồng tiền mới. Trong tình hình đó, hiệu đổi tiền Đại Đức Thông nên xử lý sao đối với các khách hàng rút tiền gửi?

Nếu dùng đồng bạc Tấn để chi trả cho chính những người gửi loại tiền này, thì số tiền gửi của họ sẽ bị mất giá, ngược lại Đại Đức Thông có thể thu được món hời lớn nhờ thời cơ này.

Nhưng Đại Đức Thông lại không làm như vậy, họ lấy ra toàn bộ công quỹ nhiều năm của mình, dùng tiền mới đổi cho người gửi.

Ông chủ của Đại Đức Thông, Kiều Ánh Hà nói rằng, cho dù Đại Đức Thông sập tiệm thì một cửa hàng lớn như vậy cũng chưa tới nỗi để người của mình không có cơm ăn áo mặc, nhưng đối với người gửi lại khác. Điều này lại đe dọa nhiều đến tính mạng bản thân và gia đình họ. Mang hai điều này đi so sánh, việc nào nặng, việc nào nhẹ, không cần nói cũng rõ.

Có thể ngày nay người ta không thể tưởng tượng được kiểu thương gia chấp nhận chịu thiệt cho mình và làm lợi cho người nhưng nó lại rất phổ biến đối với các thương nhân Trung Quốc thời cổ đại, đặc biệt là các Tấn thương sùng bái tư tưởng Nho giáo, tôn thờ tư tưởng "lấy nghĩa chế lợi". Họ xem "nghĩa" là nguyên tắc cao nhất cần tuân thủ, nhấn mạnh việc lấy nghĩa để sinh lời.

Đây cũng chính là mật khẩu chữ Hán mà tiệm đổi tiền Nhật Thăng Xương của một Tấn thương nổi tiếng khác dùng khi viết phiếu chuyển tiền:

"Kham tiếu thế tình bạc, thiên đạo tối công bằng. Muội tâm đồ tự tư, âm mưu hại tha nhân. Thiện ác chung hữu báo, đáo đầu ắt phân minh" – tạm dịch là: Nực cười tình bạc chốn nhân gian, vẫn còn thiên đạo công bằng vô song. Dối lòng mưu lợi cá nhân, âm thầm mưu kế hại người khác ta. Thiện giả ắt có báo, cuối cùng ắt phân minh.

Trí thức trẻ


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 02/11/2024