Hãy lựa chọn tích lũy sai lầm để đạt được cuộc sống thành công, thay vì sống để tới khi về già, cầm tờ giấy trắng trong tay rồi hối hận.
Có một câu chuyện như này: Có một giáo sư đại học tên Michael Tricker, khi còn trẻ, ông luôn theo đuổi cho mình sự hoàn mỹ, luôn lo lắng và dành nhiều tâm huyết cho chuyện tình yêu và hôn nhân của mình. Ông sợ rằng mình sẽ gặp phải một người phụ nữ không phù hợp rồi cứ thế kết hôn, bỏ lỡ một mối nhân duyên tốt hơn. Vì việc này, ông dày công nghiên cứu tính toán xác suất thời gian để có thể gặp được người phụ nữ hoàn hảo cho mình.
Nghiên cứu phát hiện, xác suất để một người gặp được tình yêu hoàn hảo của mình là 37%. Giả sử số người phụ nữ mà ông gặp mỗi năm là như nhau, nếu bắt đầu lựa chọn từ năm 18 tuổi, vậy thì trước hoặc sau 26.1 tuổi, xác suất gặp được người bạn đời hoàn hảo sẽ thấp hơn 37%.
Michael bắt buộc phải vào cái ngày mà ông được 26.1 tuổi, cầu hôn cô gái mà ông thích nhất trong số những cô gái mà ông gặp ngày hôm đó, và xác suất để cô gái này trở thành một nửa hoàn hảo của ông là cao nhất.
Sau khi tính toán ra được kết quả, Michael bắt đầu bật chế độ lạnh lùng. Trước 26.1 tuổi, bất kể có gặp cô gái tốt tới đâu, ông cũng sẽ không động lòng, cứ như vậy, đợi mãi, đợi mãi, cuối cùng cũng tới ngày ông tròn 26.1 tuổi. Ông lập tức lao ra khỏi nhà, thời gian gấp gáp, ông phải cầu hôn được cô gái ấy trong ngày hôm nay, lỡ mất thời gian thì sau này ông sẽ khó mà gặp được một nửa hoàn hảo.
Cuối cùng, giữa dòng người tấp nập, Michael đã gặp được người con gái mà mình yêu mến. Michael nhanh chóng chạy tới chỗ cô gái: Lấy anh nhé?
Cô gái sững sờ nhìn Michael rồi hét lớn: Cứu tôi, ở đây có một tên biến thái!
Không phải chứ, Michael cũng sững sờ không kém.
Tính toán của ông hoàn toàn không có vấn đề. Vấn đề là ở chỗ, người khác không làm như theo tính toán của ông.
Vào ngày 26.1 tuổi, ông gặp được cô gái mà mình mến, và đây chính là người vợ hoàn hảo với xác suất cao nhất dành cho ông, nhưng, chính ông lại chưa chắc đã là người chồng hoàn hảo của người ta. Cho dù là đúng đi chăng nữa thì cũng chẳng ai vừa gặp mặt giây trước, giây sau đã đồng ý làm vợ người khác như vậy cả.
Giáo sư Michael đáng thương cứ như vậy mà đã bỏ lỡ mất "khoảnh khắc tìm được người bạn đời vàng" của mình.
Ngày xửa ngày xưa, ở trong một khu rừng nọ, có hai người sinh sống, một người tên là Đói (đói khát), một người tên là Hoàn (hoàn hảo). Đói luôn luôn rất đói, còn Hoàn thì phàm là việc gì cũng theo đuổi sự hoàn mỹ.
Sáng sớm ngủ dậy, Đói cảm thấy rất đói, bèn vác rìu đá đi săn. Hoàn trông thấy Đói như vậy liền cho rằng Đói quá ngu ngốc. Anh nói anh muốn đi săn, nhưng săn ở đâu? Nếu con mồi ở hướng Đông, anh đi hướng Tây, há chẳng phải là phí công vô ích à? Rồi nhỡ con mồi ở hướng Nam, anh lại đi hướng Bắc, vậy cũng chẳng phải là trắng tay ư?
Hoàn chính là một người nguyên thủy luôn theo đuổi sự hoàn hảo. Không hoàn hảo, anh ta sẽ không làm. Vì muốn có một buổi săn mồi thật hoàn hảo, Hoàn đã dành ra cả ngày để lên kế hoạch chi tiết.
Quả nhiên Đói phí công vô ích cả ngày, chỉ kiếm được vài thứ quả linh tinh, không bõ ăn. Vì vậy ngày hôm sau, Đói lại tiếp tục vác rìu đi săn, lấp đầy cái bụng rỗng của mình. Còn Hoàn thì vẫn tiếp tục ngồi đó lên kế hoạch.
Vài ngày trôi qua, Đói may mắn săn được một con mồi lớn, và cuối cùng cũng có cho mình một bữa ăn thịnh soạn và no nê. Đói còn dự định mang về chia cho Hoàn ăn cùng, nhưng về tới nhà thì phát hiện ra Hoàn đã chết vì đói. Ngay cả lúc lâm chung, kế hoạch của Hoàn vẫn chưa làm xong.
Thực ra, Hoàn không hề biết rằng, trên thế gian này, vốn dĩ không tồn tại cái gọi là kế hoạch hoàn hảo, mà chỉ tồn tại hành động hoàn hảo.
Jobs nói: Luôn đói khát, luôn ngu ngốc.
Câu nói này có ý nghĩa gì? Câu nói này, thực ra chính là dành cho giáo sư Michael. Sai lầm của Michael là ở chỗ ông đã chọn sai thuật toán. Tình yêu hôn nhân, chuyện như này nó phải dựa vào "thuật toán sinh lý" chứ không phải thuật toán lý tính.
Thuật toán sinh lý bắt đầu từ sự đói khát của nội tâm, tới từ sự ngốc nghếch. Cũng giống như Khổng Tử nói, "tri háo sắc nhi mộ thiếu ngải", sự tò mò và thu hút giữa hai giới tính là điều rất tự nhiên, thiếu niên sinh lý trưởng thành, nhìn thấy người khác giới, động lòng là chuyện bình thường, đây cũng chính là một "cảm giác đói khát" ngốc nghếch. Người trẻ khi gặp được người mà mình yêu thích sẽ áp dụng đủ mọi cách để thể hiện điều đó ra, muốn tỏ tình ngay lập tức. Nếu không thành, cùng lắm là ăn một cái tát, còn nếu chẳng may thành công, thì cái vấn đề "đói" về tâm lý, tự nhiên sẽ tạm thời được giải quyết.
Đây chính là cái nghĩa của "luôn đói khát, luôn ngu ngốc" mà Jobs muốn nói.
Còn sự đói khát và ngốc nghếch về mặt sự nghiệp sẽ đẩy con người ta vào trạng thái hành động. Nếu nội tâm của một người thiếu đi cái năng lực phi lý tính này, họ sẽ rơi vào cái bẫy của chủ nghĩa xác định, giống như Hoàn, trước khi xác định được chỗ ở của con mồi, anh ta không chịu hành động, trong khi con mồi là một thực thể sống, và nó luôn ở trong trạng thái di chuyển.
Khi bạn có thể xác định chỗ ở của con mồi thì nó sớm đã rời đi chỗ khác rồi. Cuối cùng, chủ nghĩa xác định khiến bạn sống cả đời trong cái gọi là "nhất sự bất thành", chỉ có chủ nghĩa đói khát mới thúc bạn, tạo ra cho bạn cơ hội có được cái mà mình mong muốn.
Vì vậy mà chúng ta phải biết rằng, cao thủ đều là những người mang trong mình tư duy đói khát, còn đối với kẻ tầm thường, hầu hết những khát khao bên trong họ đều sớm đã bị dập tắt, đều là những người đói chết rồi những vẫn không hành động, không cảm nhận được cái sự đói khát ấy.
Có một câu nói trong lĩnh vực phát triển phần mềm như này: ưu hóa quá sớm chính là ngọn nguồn của mọi cái xấu. Trong quá trình phát triển phần mềm, toàn bộ khung sẽ được điều chỉnh nhiều lần. Nếu bạn tối ưu hóa một nhánh sớm, rất có thể nhánh này sẽ bị loại bỏ trong lần điều chỉnh khung tiếp theo. Khi đó thời gian, sức lực và công sức bạn bỏ ra cho nhánh này là vô nghĩa.
Đời người cũng như vậy, cao thủ thực sự, sẽ không quá đắm chìm vào một chi tiết nào đó, thay vào đó họ sẽ có cái nhìn bao quát, tổng thể để nắm được cái đích lớn hơn:
Thứ nhất: cái nhìn bao quát
Nhìn bao quát có nghĩa là có một cảm nhận chung về thế giới và môi trường xung quanh. Cũng giống như Đói, chỉ cần biết phía đông là núi, phía tây là nước, còn về số cây trên núi hay lượng nước trong hồ, các chi tiết cụ thể này cứ từ từ rồi đi sâu vào sau. Nhận thức của các cao thủ về thế giới cũng như vậy, họ biết rằng thời đại này đang tạo ra những thay đổi to lớn, vậy là đủ rồi. Về việc những ngành nào sẽ tăng trưởng, những ngành nào sẽ chìm trong sự thay đổi này, bạn không cần biết, bởi vì những điều này là không chắc chắn. Việc phải chờ đợi mọi điều không chắc chắn trở nên chắc chắn sẽ chỉ khiến bạn mất đi cơ hội.
Thứ hai: cảm giác đói khát hay tham vọng
Những người tài giỏi đều sống theo kiểu để bản năng dẫn dắt, bề ngoài trông có vẻ hiền lành nhưng bên trong thì lửa lại đang cháy rừng rực. Tham vọng khiến họ tập trung hết sức vào hành động, đồng thời thờ ơ với những lời chỉ trích của người khác. Nếu một người không có sự thôi thúc này trong lòng, anh ta sẽ không chịu nổi sự đánh giá của người khác, và cuối cùng trở thành một người hay trì hoãn với cái cớ "đợi thời cơ hoàn hảo đã". Người thành công không bao giờ trì hoãn, không phải họ chắc chắn rằng mình sẽ làm tốt hơn người khác mà là họ không quan tâm đến những đánh giá không tốt của người khác.
Thứ ba: coi tư duy xác suất như một sự đánh đổi
Khi chúng ta hành động, có những người sẽ giống với Hoàn, luôn lo lắng rằng hành động của mình sẽ là phí công vô ích, nhưng những người thành công, họ lại chọn hành động thực tế, giống như Đói vậy, anh ta chỉ cần có sự thúc đẩy của cơn đói để rồi không ngừng đi tìm kiếm. Anh ta có thể vài ngày liền không thấy được con mồi, cũng có thể một ngày nào đó bắt được một con mồi to bự. Người thuộc chủ nghĩa hành động, họ xem trọng vận may hơn, mà vận may, về bản chất, chẳng qua cũng chỉ là xác suất. Chỉ cần là đang hành động, chỉ cần không ngừng tìm kiếm, dù vận may cũng chẳng đi đến đâu, nó chẳng qua cũng chỉ là niềm vui hoặc sự mất mát của một quá trình sống hết mình, không âu lo, cứ tiến về phía trước với nhiệt huyết tràn đầy.
Nếu bạn có đọc những tiểu sử về một vài nhân vật nào đó, bạn sẽ ngạc nhiên phát hiện ra rằng, một vài người thành công, vấn đề của họ thâm chí còn nhiều hơn cả những người bình thường. Cái này là bởi vì cao thủ đều là những người thuộc trường phái hành động, mà cuộc đời của của một kẻ hành động lại được cấu thành nên từ một loạt những sai lầm. Còn người bình thường, họ ít hành động nên sai sót sẽ ít hơn.
Cuộc sống cũng giống như một học sinh khi đi học vậy, những học sinh đứng đầu thường là những người trải qua nhiều kì thi nhất, và xác suất làm sai của các em ấy cũng nhiều hơn. Trong khi học sinh kém thì hay cúp học, họ trốn tiết, trốn bài kiểm tra, và tất nhiên cũng sẽ chẳng tạo ra lỗi sai, và cũng sẽ không cho ra được thành tích gì. Vì vậy, hãy lựa chọn tích lũy sai lầm để đạt được cuộc sống thành công, thay vì sống để tới khi về già, cầm tờ giấy trắng trong tay rồi hối hận.
Theo Trí Thức Trẻ