Jack London - Tác giả Tiếng gọi nơi hoang dã đọc gì và đọc như thế nào để trở thành một nhà văn?

26/03/2021 16:00
Jack London - Tác giả Tiếng gọi nơi hoang dã đọc gì và đọc như thế nào để trở thành một nhà văn?

Những gì London làm là kết quả của cả bản năng hoang dã lẫn niềm say mê học hỏi trong ông. Những cuộc phiêu lưu ngang tàng và hoang dại ấy được dẫn lối bởi trí tuệ - chúng bắt nguồn từ tình yêu sách từ tấm bé của ông.

Jack London, dù qua đời ở tuổi 40, đã sống một cuộc đời không phải ai cũng làm được. Năm 17 tuổi ông là một hải tặc tại Vịnh San Francisco và sau đó lái thuyền đến Thái Bình Dương để săn hải cẩu. Tới năm 21 tuổi ông đi bộ đến lục địa Bắc Mỹ, leo lên những chuyến tàu hơi nước để đi tìm vàng ở Klondike.
 
Năm 24 tuổi London đã là một nhà văn có tên tuổi và được nhận xét là “Kipling của nước Mỹ”. Ông viết tác phẩm kinh điển “Tiếng gọi nơi hoang dã” vào năm 27 tuổi và trở thành phóng viên chiến trường vào năm 28 tuổi. Năm 30 tuổi ông là nhà văn được trả tiền nhiều nhất tại Mỹ và ông bắt đầu giong buồm khám phá thế giới vào năm 31. Khi qua đời vào năm 40 tuổi Jack London đã viết 200 truyện ngắn, 200 tác phẩm phi hư cấu và 20 tiểu thuyết.
Nhà văn Jack London

Jack London được tạp chí The San Francisco Examiner miêu tả là “có bản năng của một người tối cổ và hơi thở của một nhà thơ”. Vợ ông, Charmian, nhận xét ông “vừa là tuýp người hành động vừa là một nhà suy nghĩ”. Những gì London làm là kết quả của cả bản năng hoang dã lẫn niềm say mê học hỏi trong ông. Những cuộc phiêu lưu ngang tàng và hoang dại ấy được dẫn lối bởi trí tuệ - chúng bắt nguồn từ tình yêu sách từ tấm bé của ông.

Sách là sự cám dỗ đến những cuộc phiêu lưu

“Tôi là một kẻ ăn tạp. Tôi đọc mọi thứ tôi chạm đến.” – Jack London

Sách là người dẫn đường đầu tiên giới thiệu cho cậu bé Jack London về những chân trời mới – những địa điểm lạ kỳ và những khát vọng to lớn – những gì rộng hơn và cao cả hơn so với môi trường cậu lớn lên.

Năm 8 tuổi Jack London tìm thấy một bản sao rách nát của cuốn Signa của tác giả Ouida (bút danh của tiểu thuyết gia người Anh Maria Louise Rame) và từ đó thế giới quan của cậu được mở rộng. Dù cuốn sách của cậu bị mất vài trang cuối, cậu không ngừng đọc đi đọc lại những gì cậu có trong tay – câu chuyện về một cậu bé người Ý mất cha mất mẹ từ năm 1 tuổi trở thành nhà soạn nhạc và nghệ sĩ vĩ cầm trứ danh. Jack London cho biết câu chuyện đã “cho tôi tham vọng để nhìn xa hơn thung lũng California và giúp tôi hiểu về những cơ hội trong thế giới nghệ thuật. Cuốn sách đã trở thành ngôi sao dẫn đường cho ước mơ thuở bé của tôi.

Sau đó ông tìm đến Thư viện Công cộng Oakland như một điều hiển nhiên. Dù việc trường lớp của ông thường xuyên bị gián đoạn bởi vấn đề gia đình, ông không bao giờ ngừng tự học. Người thủ thư năm đó, Ina Coolbrith, đã giúp nuôi dưỡng tâm hồn yêu sách của cậu bé London 9 tuổi. Bà còn cố vấn sách cho cậu. Sau này, khi đã gặt hái được nhiều thành công, London viết thư cho bà:

Cô có biết không, cô là người đầu tiên khen việc lựa chọn sách của cháu. Cháu là một đứa trẻ đầy háo hức và đầy khao khát - và một ngày kia ở thư viện cháu đã chọn cuốn Pizarro of Peru. Cô cầm lấy cuốn sách và đóng dấu nó. Và khi cô đưa cho cháu cô đã khen cháu vì lựa chọn cuốn sách đó. Thật tự hào biết bao! Ước gì cháu có thể nói cho cô biết cháu đã cảm thấy tự hào như thế nào.

Cậu bé Jack London thường lủi thủi một mình nên Thư viện Công cộng Oakland gần như là ngồi nhà thứ hai của cậu. Cậu dành tất cả thời gian ở đó để đọc sách. Khi thẻ mượn sách của cậu đạt đến số lượng sách mượn tối đa, cậu nhờ tất cả thành viên trong gia đình đăng ký thẻ thư viện rồi mượn thêm bằng thẻ của họ. London miêu tả về thời thơ ấu đó như thế này:

Tôi đọc tất cả mọi thứ, chủ yếu là sách lịch sử và sách phiêu lưu, những chuyển đi đường dài và những cuộc hải hành. Tôi đọc từ sáng, sang trưa sang chiều rồi đến khi trời tối mịt. Tôi đọc khi nằm trên giường, khi ngồi cạnh bàn, khi tôi đi bộ đến trường và đi từ trường về nhà, tôi đọc vào giờ ra chơi khi những đứa con trai khác đang đùa giỡn.

Vì là một cậu bé mọt sách nên London thường bị bắt nạt và bị chọc là “đồ nhát cáy”. Dù nhỏ con hơn so với kẻ bắt nạt, cậu đã đánh vào mũi hắn và khiến hắn té bật ngửa. Từ đó những đứa trẻ hư trong trường không bắt nạt cậu nữa.

Những chuyện tương tự xảy ra xuyên suốt cuộc đời của Jack London. Khi lớn lên ông dành phần lời thời gian ở bờ sông Oakland, đủ cứng rắn để ẩu đả với đám lưu manh trong vùng, nhưng ông chưa bao giờ từ bỏ niềm vui đọc sách. London thường xuyên ghé thăm thư viện khi không chè chén. Ông luôn suy nghĩ về thế giới rộng lớn và khao khát tự mình thực hiện những chuyến phiêu lưu ông đọc được.

Jack London viết trên một chuyến đi dã ngoại

Sách đồng hành trên mỗi chuyến đi

“Jack hiếm khi làm gì mà không có sách ở cạnh bên. Trong đầu anh ấy dường như lúc nào cũng có một cuộc tranh luận.” – Charmian London.

Trở ngại đầu tiên với thói quen đọc sách của London xuất hiện vào năm ông 10 tuổi. Ông đi làm thêm để phụ giúp gia đình. Tuy nhiên ông vẫn đề ra mục tiêu “đọc 2 cuốn sách mỗi tuần” dù điều đó đồng nghĩa với việc có những ngày ông thức đến 1-2h sáng. Ông chỉ ngủ được vài tiếng trước khi đi giao báo rồi đến trường.

Nhưng đến khi London 14 tuổi ông phải bỏ học và làm việc từ 16-20 tiếng mỗi ngày, 7 ngày/tuần tại một xưởng đóng hộp thì ông không thể tiếp tục đọc sách được nữa. Một trong những lý do khiến London tìm kiếm một công việc khác là để “không bị mất đi thời gian bên cạnh những cuốn sách yêu quý.”

Năm 15 tuổi London trở thành thành viên của một băng hải tặc và tham gia những cuộc đột kích trong đêm. Sau một đêm cướp bóc ở vùng vịnh San Francisco, nơi từng là khu vực công và được cải tạo thành trang trại tư nhân vào thời của London, ông sẽ chui vào khoang thuyền nhỏ của mình và đọc những trang sách mà ông yêu quý. Đây là bước ngoặt cho vai trò mới của cuốn sách – một người bạn đồng hành trong những chuyến phiêu lưu suốt cuộc đời của London.

Khi London đến Biển Bering để săn hải cẩu vào năm 17 tuổi, ông mang theo một chồng sách bao gồm Anna Karenina, Madame Bovary và cả Moby Dick. Khi trú đông tại một mỏ khai thác bỏ hoang ở Yukon, London chống chọi với những cơn bão tuyết buốt giá bằng việc đọc sách hàng tuần liền. Một cộng sự miêu tả ông, khi ấy là một chàng trai 21 tuổi, là “một người đàn ông mạnh mẽ, tràn đầy niềm vui sống. Cậu tìm mọi cuốn sách sẵn có ở mỏ hoang và đọc một cách thích chí những gì cậu có được.”

Sau này vào năm 30 tuổi, ông dự định giong buồm đi khắp thế giới cùng vợ và trên tàu sẽ chất 500 cuốn sách, bao gồm các tác phẩm của Joseph Conrad, Henry James, Rudyard Kipling, và Robert Louis Stevenson. Ông còn dự định biến chuyến đi của mình thành một hành trình hồi hương đến cái nôi văn học. Ông muốn dừng lại ở Marquesas để xem quan cảnh được miêu tả trong Typee của Melville, rồi đến đảo Upolu ở Samoa để thăm mộ Stevenson. Dù đến mộ của Stevenson buộc ông phải đi bộ lên một ngọn núi cao với rừng rậm bao phủ, ông đi với niềm hân hoan và nói với vợ như sau sau khi rời đài tưởng niệm: “Tôi sẽ không làm đến mức này với mộ của bất kỳ người đàn ông nào khác đâu.”

Sách hỗ trợ cho những chuyến phiêu lưu

Luôn có nhiều thứ đáng đọc và có quá ít thời gian để đọc hết chúng. Thỉnh thoảng tôi buồn vì đã phung phí thời gian cho những tác phẩm tầm thường, tôi đã có thể đọc những tác phẩm tốt hơn.” – Jack London.

Vì đã làm qua nhiều công việc lao động khác nhau và nhìn thấy cách một người dễ dàng từ bỏ ước mơ khi bị cuốn vào vòng xoáy của cơm áo gạo tiền, London tin rằng chìa khóa để thoát khỏi tình trạng này không nằm trên cơ thể, mà nằm trong tâm trí của ông. Sách có thể giúp ông thoát khỏi tình cảnh hiện tại và vươn xa hơn nữa.

Sau khi trở về từ Klondike, London quyết tâm thực hiện việc đọc một cách có hệ thống hơn cách đọc trước kia. Ở tuổi 19 ông quyết định quay lại trường cấp 3 nhưng không thành công. Vì thế, ông tự chuẩn bị để tham gia kỳ thi tuyển chọn đầu vào nghiêm ngặt của Đại học California, vượt qua kỳ thi đó là cách duy nhất để quay lại trường học.

London tự cam kết sẽ nhớ hết những tài liệu đáng lý cần nhiều năm để tiếp thu chỉ trong vòng ba tháng – một điều tưởng chừng chỉ dành cho người có siêu năng lực. Sống trong một căn phòng nhỏ phía sau nhà của bố mẹ, ông ngồi cạnh chiếc bàn con con với những chồng sách và học liên tục trong 19 tiếng, 7 ngày/tuần. Mặc dù London đi ngủ vào nửa đêm và dậy lúc 5h, ông rời giường với niềm hân hoan và sự phấn khởi. “Chưa bao giờ tinh thần phiêu lưu lại lôi cuốn tôi nhiệt liệt như cách tôi đang khám phá tâm trí ngay lúc này.”

London học từ tiếng Anh, khoa học, toán học cho đến lịch sử. Vì cố gắng nhồi nhét công thức hóa học và phương trình bậc hai với thời gian nghỉ ngơi hạn chế, “sức sống của ông”, bà Charmian kể lại, “bị dồn ép đến mức bùng nổ. Các khớp cơ của ông co giật… Ánh mắt ông thường dao động, run rẩy và không có tiêu cự. Nhưng như mọi khi, ông ấy đã chiến thắng.”

London vượt qua kỳ thi tuyển sinh kéo dài ba ngày một cách xuất sắc và được nhận vào trường Berkeley. Tuy nhiên ông chỉ học ở đó một năm rồi nhận ra môi trường đại học không đáp ứng được kỳ vọng của ông và cảm thấy ông có thể học được nhiều hơn thông qua việc tự học hơn là ngồi trong lớp.

Sau đó, London đặt mục tiêu sẽ trở thành một nhà văn. Khi không làm việc ông không ngừng viết luận và bài viết ở mọi chủ đề và gửi chúng đến tòa soạn. Tuy nhiên tất cả những gì ông nhận là được là một chồng thông báo từ chối.

London biết ông cần cải thiện chất lượng bài viết của mình và xem việc đọc như phương pháp để làm điều đó. Ông không chỉ đọc những cuốn chuyên về viết lách, ví dụ như Philosophy of Styles (Triết lý Phong cách) của Herbert Spencer, mà ông còn nghiền ngẫm tác phẩm của những vĩ nhân văn học xuyên suốt chiều dài lịch sử, ví dụ như Homer, Shakespeare và Milton và những tác gia được yêu thích đương thời như Poe, Melville và Kipling. Ông không chỉ đọc mà còn chép lại để thấm nhuần giọng văn của những tác phẩm ấy. Trong quá trình học hoàn toàn mới này, ông tìm “những quy tắc được ẩn giấu” trong con chữ của những nhà văn lỗi lạc để ông có thể kết hợp chúng thành một phong cách hoàn toàn nguyên bản và của riêng ông.

Trong quá trình thực hiện ước mơ trở thành nhà văn London vẫn giữ nhịp sinh hoạt hệt như lúc ông ôn thi đại học: làm việc 19 tiếng và ngủ trong 5 tiếng, liên tục 7 ngày/tuần. Ông viết vào ban ngày, chỉ dừng lại để ăn và đọc. Có khi ông làm cả hai việc này một lúc, ví dụ như một tay cầm nĩa và một tay cầm sách. Đến tối ông ghé Thư viện Công cộng Oakland và đọc số sách mà ông mượn. Những lúc ông không viết là những lúc ông đang đọc, và ông tiếp tục như thế mãi cho đến khi tác phẩm của ông được công chúng đón nhận nhiệt tình.

Sách đã dẫn đường cho London đạt được những thành tựu to lớn này, và những chiến thắng trong quá khứ tạo điều kiện cho những chuyến phiêu lưu vĩ đại hơn trong hiện tại và tương lai.

Thư viện của Jack London

“Tôi xem sách trong thư viện của mình như cách một thuyền trưởng xem những bản đồ hàng hải. Không thuyền trưởng nào có thể nhớ rõ vị trí của từng rặng san hô, từng mỏm đá, từng bãi cạn, từng bến cảng, từng ngọn hải đăng, từng đèn hiệu hay từng dây phao tại mọi bờ biển trên khắp thế giới. Không thuyền trưởng nào có thể tích một lượng lớn kiến thức như vậy trong đầu. Những gì anh ta cần là biết vị trí của mọi thứ trong phòng hải đồ và sau khi chọn một bờ biển mới anh ta lấy ra tấm bản đồ thích hợp và ngay lập tức nắm mọi thông tin về bờ biển đó. Sách cũng vậy. Giống như một thuyền trưởng cần một phòng hải đồ tốt, học sinh và những nhà tư tưởng cần một thư viện với đầy đủ trang bị và biết trong thư viện đó thứ gì được đặt ở đâu.”

Số sách của tôi không bao giờ là quá nhiều, chúng cũng chẳng thể bao trùm hết mọi chủ đề. Có lẽ tôi sẽ không bao giờ đọc hết chúng, nhưng chúng luôn ở đó. Tôi không biết mình sẽ cập bến bờ biển mới nào trong đại dương kiến thức mênh mông này.” – Jack London.

Có thể nói sách đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đời của Jack London. Không mấy ngạc nhiên khi điều mà ông mong đợi nhất ở căn nhà trong mơ của mình, “Wolf House”, là được an tĩnh trong phòng làm việc. Trong phòng có một cầu thang xoắn ốc dẫn lên thư viện của ông, nơi chứa được hơn 15.000 cuốn sách.

Tuy nhiên ước mơ ấy đã không thành hiện thực. Wolf House đã cháy thành tro chỉ trước khi ông và bà Charmian có thể chuyển đến vài ngày. Tuy nhiên ta vẫn có thể biết rõ những quyển sách nào sẽ nằm trên kệ sách của ông ấy.

Những quyển sách có thể chỉ ra từng giai đoạn của một đời sách vở của London. Ta sẽ thấy một bên là các tác phẩm của Friedrich Nietzsche, Herbert Spencer, và Charles Darwin. Những tác phẩm này đã định hình thế giới quan thời còn trẻ của ông theo hướng hiện thực và chủ nghĩa duy vật – cuộc sống là một cuộc chiến về mặt sinh học và người phù hợp nhất sẽ sống sót. Ở kệ đối diện lại là những cuốn sách làm cho London phấn khích. Psychology (Tâm lý học) của Carl Jung khiến ông cảm thấy “Tôi đứng ở rìa một thế giới hoàn toàn mới, quá khủng khiếp, quá tuyệt vời, đến độ tôi sợ hãi khi nhìn vào nó”. Người viết tiểu sử của Jack London, Earle Labor, nhận xét, “Phản ứng của Jack như là sốc vì tỉnh ngộ, vì “tầm nhìn ban sơ” của anh ấy – một thuật ngữ của Jung – đã xuất hiện trong phần lớn những tác phẩm xuất sắc nhất của London ngay từ đầu.” Sự khám phá của London về Jung cổ vũ cho ông tìm hiểu thêm về thần thoại, truyện dân gian, và sức mạnh tinh thần, đồng thời thúc đẩy một hành trình sáng tạo mới – tiếc thay ông đột ngột qua đời khi tác phẩm chưa thành hình.

Dưới đây là một số tác phẩm trong tủ sách của Jack London và đã được dịch sang tiếng Việt:

  •         Các tác phẩm của Shakespeare

  •         Các tác phẩm của Leo Tolstoy

  •         Các tác phẩm phi hư cấu của Oscar Wilde

  •         Các tác phẩm của Edgar Allan Poe

  •         Nicholas Nickleby của Charles Dickens

  •         On the Origin of Species (Nguồn gốc muôn loài) của Charles Darwin

  •         A Genealogy of Morals (Bàn về Đạo đức) của Friedrich Nietzsche

  •         The Social Contract (Khế ước xã hội) của Jean Jacques Rousseau 

  •         Uncle Tom’s Cabin (Túp lều của bác Tom) by Harriet Beecher Stowe 

  •         Moby-Dick của Herman Melville

 Vũ | The Art of Manliness


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025