Hợp nhất với vũ trụ - Khi bạn lắng nghe tiếng nói nội tâm để tìm kiếm giá trị của bản thân

29/08/2021 08:30
Hợp nhất với vũ trụ - Khi bạn lắng nghe tiếng nói nội tâm để tìm kiếm giá trị của bản thân

Chắc hẳn chúng ta ai cũng đã rơi vào trạng thái cô đơn, mệt mỏi và trống rỗng đến vô cùng. Ta cảm thấy cuộc sống dần mất đi ý nghĩa và tồi tệ hơn mỗi ngày. Chúng ta không biết tại sao mình lại tồn tại?

Mọi thứ ta làm không khiến ta cảm thấy hạnh phúc hơn. Trái lại, chúng ta cảm thấy kiệt sức và muốn né tránh cuộc sống thực tại. Và rồi ta trở nên nghi ngờ về mọi thứ và không ngừng tự vấn bản thân. 

 “Tôi là ai?” 

  • “Mục đích sống thực sự của tôi là gì?” 

Và cứ thế, ta chìm dần vào lạc lối trong chính dòng thác suy nghĩ của chính mình. 

"Tôi muốn biết tâm trí của Thượng Đế, phần còn lại chỉ là tiểu tiết", Einstein từng nói vậy.

Hợp nhất với vũ trụ hay Oneness with all life của tác giả Eckhart Tolle là một cuốn sách với 10 chương. Cuốn sách không chỉ không có cốt truyện mà còn không có nhân vật chính.Tác giả đưa người đọc bước vào hành trình chiêm nghiệm về chính bản thân mình. Cuốn sách còn mang lại cho độc giả nguồn cảm hứng và động lực vượt qua khó khăn và những cảm xúc chán chường, trống rỗng. 

Đôi nét về tác giả 

Eckhart Tolle là một trong những bậc thầy số một thế giới trong lĩnh vực tâm linh. Sau tốt nghiệp Đại học Luân Đôn, ông trở thành nhà nghiên cứu tại Đại học Cambridge. Năm hai mươi chín tuổi, một sự chuyển hóa tâm linh sâu sắc và đột ngột đã làm thay đổi hoàn toàn những gì ông từng nghĩ về chính mình và cuộc đời. Từ đó ông dành hết tâm sức để tìm hiểu, vận dụng và đào sâu thêm vào sự chuyển hóa này.

Trong những bài thuyết giảng trên khắp thế giới, ông truyền đạt một thông điệp rất giản dị nhưng sâu sắc và bất tử của các bậc giác ngộ xưa nay rằng: Có một con đường thoát khổ và một phương pháp thực tập để tìm lại được niềm tin an lạc có sẵn trong mỗi người.

Tác giả khuyến khích độc giả mỗi lần đọc chỉ nên đọc một chương. Và đó là lời khuyên quan trọng khi tiếp cận tác phẩm này. Mỗi con chữ khai mở một chiều không gian sâu lắng, yên tĩnh, mang lại cho bạn những thể nghiệm chân thật và tự nhiên nhất về thế giới xung quanh. Ông chia sẻ rằng hãy khám phá không gian nội tâm bằng cách tạo ra những khoảng không giữa dòng chảy suy nghĩ. Nếu không có những khoảng không ấy thì suy nghĩ sẽ lặp đi lặp lại, khiến chúng ta mất đi cảm hứng và không có được lửa sáng tạo.

Bạn không cần để tâm đến độ dài của khoảng không ấy, chỉ một vài giây là đủ, dần dần chúng sẽ tự kéo dài ra và giúp bạn thoát khỏi sự thao túng của tâm trí. Điều quan trọng đó là dành cho mình một khoảng không gian và thời gian để vừa đọc sách, vừa đối chiếu với bản thân và rút ra những chiêm nghiệm cho riêng mình.

Ta là ai? 

Có lẽ những câu hỏi về nội tâm hay bản thân vẫn luôn thoáng xuất hiện trong suy nghĩ của chúng ta. Tuy nhiên, guồng quay bận rộn của đời sống thường ngày đã khiến chúng ta bỏ quên chính mình. Những thắc mắc xoay quanh giá trị của nội tâm dễ dàng bị bỏ ngỏ và lãng quên. Chỉ đến ngày chúng ta cảm thấy sự trống rỗng ập đến và choán lấy toàn bộ tâm hồn mình. Đến khi này, chúng ta sẽ không cảm thấy hạnh phúc dẫu rằng mình đã đạt được những mục tiêu lớn trong cuộc sống. 

Điều đang trỗi dậy vào lúc này không phải là một hệ thống niềm tin mới, một tôn giáo mới, một tư tưởng tâm linh mới, hay là một câu chuyện thần thoại nữa… mà chính là sự chấm dứt tất cả những điều đó. Ý thức mới sẽ đưa ta vào trải nghiệm vượt lên trên cả suy nghĩ, nghĩa là giúp ta nhận ra chiều không gian nội tâm, một cõi mênh mông, vô hạn hơn cả suy nghĩ. 

Khi đó ta không còn nhìn nhận bản thân, hay cảm nhận Ta là ai qua những dòng suy nghĩ miên man kia. Nhận ra được “cái tiếng nói luôn vang vang trong đầu” ấy không phải là Tôi, con người đích thực chính là sự giải thoát thật sự. 

Vậy thì Ta là ai? Ta chính là… người nhận ra được điều đó. Nhận thức đi trước suy nghĩ. Nhận thức là “không gian” để suy nghĩ – cảm xúc hoặc tri giác – được biểu hiện.

Nguyên nhân chính dẫn đến bất hạnh không bao giờ là do hoàn cảnh, mà nó nằm ở cách ta nghĩ ngợi, diễn giải về hoàn cảnh. 

Hãy xem xét những suy nghĩ mà bạn đang nghĩ đến. Tách bạch chúng với hoàn cảnh, vốn là thứ luôn trung lập, không đúng cũng chẳng sai, bởi lẽ hoàn cảnh luôn chỉ là hoàn cảnh mà thôi. Kia là hoàn cảnh, là sự việc, còn đây là những suy nghĩ của tôi về nó. Thay vì thêu dệt nên câu chuyện không thật, hãy giữ lấy dữ kiện có thật. Nắm bắt giữ kiện sẽ giúp bạn cảm thấy tự tin và có khả năng giải quyết vấn đề. Hãy lưu ý rằng suy nghĩ của bạn sẽ tạo ra cảm xúc, cảm nhận cho bạn. Thay vì thả trôi theo dòng suy nghĩ và cảm xúc, hãy là sự tỉnh thức ẩn sau những suy nghĩ và cảm xúc ấy.

Mọi thứ trên đời đều luôn thay đổi. Việc chạy theo những mục tiêu bên ngoài và coi đó là những giá trị tiêu chuẩn, chúng ta sẽ chẳng bao giờ đạt được hạnh phúc thực sự. Hãy lắng nghe tiếng nói nội tâm, tìm kiếm những tiềm năng và giá trị cốt lõi của bản thân mình. Bởi chính những giá trị này mới là những điều bất biến, đồng hành cùng chúng ta trên hành trình chinh phục mục tiêu bên ngoài.

“Sự khôn ngoan của đời này là rồ dại đối với Đức Chúa Trời”. Vậy, sự khôn ngoan của thế gian này là gì? Đó là sự vận động của tư duy, và của ý nghĩa vốn chỉ được định hình bởi chính tư duy.

Chính tư duy đã cô lập một hoàn cảnh hoặc một sự kiện, rồi dán nhãn cho nó là tốt hoặc xấu, như thể nó là thứ tồn tại tách biệt, không có quan hệ với bất kỳ cái gì. Khi phụ thuộc quá mức vào tư duy, thực tại sẽ bị phân mảnh. Sự phân mảnh này chỉ là một ảo tưởng, nhưng khi ta mắc kẹt bên trong đó thì nó lại trông có vẻ rất thật.

Tuy nhiên, Vũ trụ là một tổng thể không thể phân chia mà trong đó vạn vật đều kết nối với nhau, không có cái gì tồn tại tách biệt. Mối liên hệ qua lại sâu sắc giữa toàn bộ sự vật và sự việc hàm ý rằng những chiếc nhãn tốt – xấu hoàn toàn chỉ là ảo tưởng. Chúng luôn phản ánh cách nhìn nhận hạn hẹp, chỉ đúng một cách tương đối và tạm thời.

Không có sự việc nào là ngẫu nhiên, cũng không có sự việc hay sự vật nào tồn tại độc lập, hoàn toàn tách biệt. Các nguyên tử cấu tạo nên thân xác của bạn cũng từng được tôi luyện trong các vì sao, và nguyên nhân dẫn đến những sự việc, dẫu là nhỏ nhất, thì trên thực tế cũng là nhiều vô hạn và có liên quan đến toàn bộ vạn vật theo những cách không thể hiểu được.

Nếu muốn truy ra nguyên nhân của bất kỳ sự việc nào, ta cần quay trở về thời điểm khởi nguồn sinh ra sự việc ấy. Vũ trụ vốn không hỗn loạn. Bản thân từ cosmos (Vũ trụ) có nghĩa là trật tự. Nhưng đây không phải là thứ trật tự mà trí óc con người có thể nhận thức thấu đáo, mặc dù đôi khi con người có thể hiểu được sơ lược.

Khi đối diện với thực tại khó khăn, chúng ta thường có xu hướng đắm chìm trong cảm giác đau khổ miên man. Sau đó chúng ta né tránh hoàn cảnh thực tế và trông chờ vào tương lai sẽ thay đổi tất cả. Tuy nhiên mọi thứ sẽ không diễn ra theo cách này.

Tác giả gửi gắm thông điệp xuyên suốt từng trang sách rằng: Chúng ta nên đối diện với những gì đang diễn ra trước mắt. Đừng để tâm trí mình lạc lối trong suy nghĩ lâm li về hoàn cảnh. Hãy cứ hoà thuận và chấp nhận mọi thứ như nó đang là. Để chấm dứt sự đau khổ trong tâm hồn, ta phải luôn bắt đầu từ bản thân, chịu trách nhiệm cho trạng thái nội tâm của mình trong mọi khoảnh khắc, tức là ngay bây giờ.

Tâm trí ta thoải mái và dễ chịu hơn ở trong công viên có phong cảnh đẹp được bài trí theo trật tự, vì cảnh quan ấy đã được xếp đặt nhờ vào quá trình tư duy chứ không tự nhiên được hình thành. Ở trong công viên có một trật tự mà tâm trí có thể hiểu được. Còn trong khu rừng thì tồn tại một trật tự mà ta không thể nào lý giải, cho nên tâm trí xem đấy là sự hỗn loạn. Có cái gì đó vượt trên cả phạm trù tốt – xấu.

Ta không thể hiểu nó bằng lối suy nghĩ thông thường của mình, mà chỉ có thể cảm nhận được nó khi ngừng tư duy, đi vào trạng thái tĩnh tại, giữ mình tỉnh thức, và không cố gắng hiểu hay giải thích điều gì cả. Chỉ khi đó ta mới có thể nhận ra trật tự thiêng liêng của khu rừng. Ngay khi cảm nhận được sự hài hòa ẩn giấu, ta mới nhận ra mình không tách rời khỏi nó, từ đó ta sẽ chủ động hòa mình vào cái thiêng liêng. Theo cách này, thiên nhiên sẽ giúp ta kết nối với toàn bộ sự sống.

Đây là điều đang diễn ra với hầu hết mọi người: Ngay khi nhận biết được điều gì đó, bản ngã, hay cái tôi giả tạm liền đặt tên cho nó, diễn giải nó, so sánh nó với cái khác, thích nó, ghét nó, gọi nó là tốt hoặc xấu. Tất cả đều bị “giam cầm”, bị đóng khuôn bởi các khuôn khổ tư duy, bởi cái ý thức chỉ hướng về đối tượng. 

Ta không thể thức tỉnh về mặt tâm linh cho đến khi việc đặt tên đầy khiên cưỡng và vô thức ấy dừng lại, hoặc ít nhất là ta bắt đầu có ý thức về việc làm ấy, và qua đó có thể nhận biết được khi nó diễn ra. Chính việc đặt tên, dán nhãn đã giúp cho bản ngã giữ vững vị thế “bất kham”, “bất khả xâm phạm” của nó bấy lâu nay. Đến khi nào tình trạng ấy dừng lại hoặc bạn chớm nhận thức về nó, thì không gian nội tâm sẽ mở ra, và bạn không còn bị cái tâm trí ưa suy nghĩ miên man kia chiếm hữu nữa.

Hãy chọn một món đồ ở gần bạn nhất – cây bút, chiếc ghế, cái ly, chậu cây… - và khám phá nó bằng thị giác, nghĩa là nhìn nó với niềm thích thú, gần như là tò mò. Tránh dùng bất kỳ vật nào gợi nhắc về quá khứ, chẳng hạn như bạn đã mua nó ở đâu, ai đã trao nó cho bạn… Dĩ nhiên cũng nên tránh dùng những vật có chữ viết – như cuốn sách – vì nó sẽ kích thích bạn suy nghĩ. Cứ thư giãn và tỉnh táo, đừng căng thẳng, hoàn toàn tập trung vào đối tượng, quan sát mọi chi tiết. Nếu có suy nghĩ nào tuôn ra, đừng để mình bị cuốn vào. Bởi ở đây bạn không quan tâm đến những suy nghĩ mà chỉ quan tâm đến chính hành vi nhận thức mà thôi.

Lúc này trong bạn có sự tiêu cực nào không?

Bạn có thể tách suy nghĩ miên man ra khỏi nhận thức không? 

Bạn có thể nhìn mà không có “tiếng nói” nhận xét, đưa ra kết luận, so sánh, hay cố gắng tìm hiểu nào vang lên trong đầu không?

Sau đó hãy tỉnh táo chú ý đến cảm xúc của bạn. Đừng quên cảnh giác với nỗi bất hạnh dưới các dạng thức: bất mãn, lo lắng, ngán ngẩm,... Tự nhận thức trạng thái tiêu cực trong lòng mình; điều đó không có nghĩa là thất bại, mà ngược lại bạn đã thành công. Cho đến khi sự tỉnh thức diễn ra, bằng không thì bạn sẽ chẳng bao giờ tìm thấy cái tôi đích thực hay niềm hạnh phúc thật sự.

Khi nhận thức mà không diễn giải hay dán nhãn, nghĩa là không thêm thắt bất cứ suy nghĩ nào vào nhận thức của mình, ta mới có thể cảm nhận được mối liên hệ sâu sắc giữa các sự vật tưởng chừng như tách biệt. 

Hãy xem liệu bạn có thể nắm bắt, tức là chú ý đến tiếng nói trong đầu, ví dụ như ngay lúc nó phàn nàn về điều gì đó chẳng hạn, và hãy thừa nhận nó đúng với sự tồn tại của nó: tiếng nói của bản ngã, hay cái tôi giả tạm, chẳng gì khác hơn là một khuôn mẫu tư duy được định hình theo hoàn cảnh. Bất cứ khi nào chú ý đến tiếng nói ấy, bạn cũng sẽ nhận thấy bạn không phải là tiếng nói đó, mà bạn là người nhận thức về nó.

Thật sự, ta chính là nhận thức đang ý thức về tiếng nói vang lên trong đầu. Từ nhận thức, suy nghĩ hay tiếng nói vang lên trong đầu sẽ sinh ra. Nhận biết được điều đó, ta mới có thể giải thoát mình khỏi bản ngã, thoát khỏi cái tâm trí “bất kham”. 

Mọi khái niệm, cũng như mọi công thức toán học, đều không thể giải thích được cái vô hạn. Không một ý nghĩ nào có thể gói gọn sự mênh mông của tổng thể. Thực tại là một tổng thể thống nhất, nhưng chính tư duy đã phân cách nó thành nhiều mảnh và khiến ta có những diễn giải sai lầm ngay từ nền tảng, ví dụ như có những sự vật, sự việc tồn tại tách biệt hay như cái này là nguyên nhân của cái kia.

Mỗi ý nghĩ chỉ chuyển tải một góc cạnh, và tự thân mỗi góc cạnh đã là sự giới hạn. Cho nên rốt cuộc ý nghĩ không phải là toàn bộ sự thật, chỉ có tổng thể mới là sự thật nhưng lại không thể nói ra hay nghĩ đến. Hãy nhìn vượt ra khỏi mọi giới hạn của tư duy và những điều tâm trí không thể lĩnh hội. Mọi sự đang diễn ra ngay lúc này. Tất cả những chuyện đã qua đi, sẽ diễn ra hoặc đang tồn tại, đều là sự kiến tạo của tâm trí.

Khi ta không che phủ thế giới bằng ngôn từ và nhãn mác, thì cảm nhận về sự huyền diệu sẽ trở lại với cuộc sống. Cảm nhận ấy đã mất đi từ lâu khi nhân loại, thay vì sử dụng suy nghĩ lại bị chính suy nghĩ chiếm hữu. Một sự sâu sắc sẽ trở lại với cuộc sống của ta. Vạn vật lại trở nên tươi mới. Và điều huyền diệu lớn nhất đó là ta trải nghiệm được bản ngã cốt lõi của mình, vốn đi trước bất kỳ ngôn từ, suy nghĩ, nhãn mác hay hình ảnh nào. Để điều này xảy ra, ta cần gỡ ý thức về Tôi, về bản thể tồn tại đích thực ra khỏi những thứ mà Tôi nhầm lẫn mình với chúng, xem mình là chúng. 

Liệu có thể từ bỏ niềm tin rằng ta nên hoặc cần phải biết mình là ai không? Nói cách khác, ta có thể ngưng dựa vào các định nghĩa mang tính khái niệm để cảm nhận về bản thân, con người đích thực không? Ta có thể ngừng tư duy, phân tích, suy xét hay ngừng đưa ra một suy nghĩ để nhìn ra nhân dạng thật sự của mình không?

Càng dùng suy nghĩ để khám phá nhân dạng bản thân bao nhiêu, ta càng kéo mình xa rời chiều tâm linh trong bản thân bấy nhiêu.

Dùng suy nghĩ để xác định bản thân hóa ra lại giới hạn bản thân nhiều hơn. Khi nào hoàn toàn chấp nhận mình không biết, ta mới thật sự đi vào trạng thái thanh thản và thông suốt. Trạng thái ấy kéo ta đến gần hơn với bản thể đích thực.

Đừng cố gắng tìm kiếm hạnh phúc. Nếu cố tìm thì bạn sẽ không thể tìm ra, vì tìm kiếm có nghĩa là đã không tồn tại. Dù hạnh phúc là thứ khó nắm bắt, nhưng thoát khỏi cảm giác bất hạnh là điều ta làm được trong phút giây này bằng cách đối diện với những gì đang diễn ra trước mắt, hơn là dựng lên những câu chuyện lâm ly về hoàn cảnh. Ý nghĩ cho rằng ta là “người khốn khổ” sẽ che đậy trạng thái an nhiên và bình an nội tâm – nguồn gốc mang lại niềm hạnh phúc đích thực.

Luôn hiện diện trong thực tại. Làm từng việc cơ bản bằng sự tỉnh thức cao độ. Ăn uống, làm việc, đi bộ… Hãy để niềm cảm hứng sống tuôn chảy vào trong bạn. Và từ đó, dù bạn thực hiện công việc nào, áp lực đến đâu, bạn cũng sẽ duy trì được trạng thái an nhiên trong tâm hồn.

Người viết : Hoàng Gia Chi Bảo


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 6, 26/04/2024