Hồi ký A Promised Land - Tổng thống Obama: Ý nghĩa của sách với cuộc đời một con người

12/01/2021 17:30
Hồi ký A Promised Land - Tổng thống Obama: Ý nghĩa của sách với cuộc đời một con người

Khi cuốn hồi ký "A Promised Land" được Barack Obama chắp bút đang trong quá trình lên kệ, người ta có dịp nhìn lại những chia sẻ của vị Tổng thống nổi tiếng về ý nghĩa của những cuốn sách và hành trình viết lách trong cuộc đời ông.

Tư liệu của bài viết được trích từ bài phỏng vấn độc quyền của tờ New York Times với Barack Obama thời kỳ đương nhiệm.

Cơ duyên nào đã khiến ông trở thành một cây bút như hiện tại?

Tôi thích đọc sách từ khi còn nhỏ, một phần vì đã đi rất nhiều và có những lúc tôi như không có chốn neo chân, tôi thành ra lạc loài. Khi mới chuyển đến Indonesia, tôi là đứa trẻ to lớn, nước da ngăm đen, rất nổi bật. Và sau đó, khi chuyển từ Indonesia trở lại Hawaii, tôi có cách cư xử và thói quen, có lẽ là, của một đứa trẻ Indonesia.

Và vì vậy, ý tưởng về việc có được những thế giới có thể gói trong lòng bàn tay, có thể dịch chuyển được, một thế giới thuộc về bạn mà bạn có thể bước vào, đã cuốn lấy tôi. Nhưng rồi sau đó tôi bước vào tuổi thiếu niên, không đọc nhiều ngoài những gì được giao ở trường, chơi bóng rổ và theo đuổi các cô gái, và tiếp thu những thứ không lành mạnh cho lắm.

Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều từng như vậy.

Phải. Và rồi, tôi tái khám phá việc viết, đọc và không ngừng suy nghĩ suốt năm đầu tiên hoặc năm thứ hai đại học, rồi sử dụng nó như một cách để xây dựng lại bản thân. Ấy là cả một quá trình, mà tôi đã viết lại  trong “Những giấc mơ từ cha tôi.”

Là thời kỳ ở New York, khi ông đọc và đọc một cách dữ dội.

Tôi đã bó chặt mình lại - thật sự là vậy. Tôi có một cái đĩa, một cái khăn tắm, và tôi mua quần áo tại những cửa hàng tiết kiệm. Khi ấy tôi rất khắc nghiệt, rất ít hài hước. Nhưng điều ấy một lần nữa cho tôi thấy sức mạnh của ngôn từ,  cái sức mạnh dẫn ta tới việc nhận ra mình là ai và mình nghĩ gì, mình tin vào điều gì, điều gì là quan trọng, cũng như sắp xếp và diễn giải vòng xoáy các sự kiện đang diễn ra xung quanh từng phút một.

Điều tuyệt vời là nó rất hữu ích trong công cuộc gây dựng tổ chức của tôi sau này. Bởi vì khi tôi gia nhập chính trường, người đã thuê tôi nói rằng điều khiến mọi người xích lại gần nhau để có can đảm hành động vì cuộc sống của họ không chỉ là vì họ quan tâm đến cùng một vấn đề, mà là họ đã chia sẻ những câu chuyện cùng nhau. Ông ấy nói với tôi rằng, nếu bạn học cách lắng nghe câu chuyện của mọi người và có thể tìm thấy điều thiêng liêng trong câu chuyện của người khác, thì bạn sẽ có thể xây dựng một mối quan hệ lâu bền.

Tổng thống Obama trong buổi phỏng vấn với New York Times.

Viết lách có phải một phần trên hành trình tìm ra bản thân của ông không?

Phải, tôi cũng nghĩ thế. Đối với tôi, đặc biệt vào thời điểm đó, viết lách là cách tôi vượt qua rất nhiều dòng chảy ngược trong đời mình - chủng tộc, giai cấp, gia đình. Và tôi thực sự tin rằng đó là một phần của hành trình tích hợp tất thảy phân mảnh của bản thân vào một cái gì đó tương đối hoàn chỉnh.

Với tư cách một nhà văn, việc viết những lời phát biểu và trở thành trung tâm của lịch sử, cùng với đương đầu với những khủng hoảng, ảnh hưởng tới ông như thế nào?

Tôi vẫn chưa chắc chắn lắm, bởi còn phải xem khi nào tôi bắt đầu viết cuốn sách tiếp theo. Một bài phát biểu cũng có những thủ thuật để viết cho tốt giống với bất kỳ những áng văn hay nào khác: Từ ngữ đó có cần thiết không, có phải là một từ phù hợp không? Ở nó có một nhịp điệu du dương nào không? Làm thế nào để nhịp điệu ấy vang thật rõ?

Thật ra, tôi nghĩ rằng một trong những ích lợi của viết lời phát biểu là nhắc nhở bản thân rằng những từ nằm trên trang giấy kia được nói ra, tạo ra một thanh âm. Ấy là một cảm giác rằng những từ ngữ, ngay cả khi bạn chỉ đang đọc thầm thôi, mà những thanh âm ấy cũng tự truyền đi.

Vì vậy, theo nghĩa đó, tôi nghĩ rằng chúng ít nhiều nhất quán.

Nhưng đây cũng là một phần lý do tại sao việc thỉnh thoảng đọc tiểu thuyết trong nhiệm kỳ tổng thống lại quan trọng, bởi vì hầu hết những gì tôi đọc hàng ngày là những cuốn sách, bản ghi nhớ và tóm tắt những đề xuất. Và do đó, làm việc liên tục với phần não phân tích đó đôi khi đồng nghĩa với việc bạn mất dấu, không chỉ chất thơ của tiểu thuyết, mà còn cả chiều sâu của tiểu thuyết nữa.

Và đó là lý do tại sao khi nhìn thấy các con gái của tôi bây giờ tìm tới những cuốn sách mà tôi đã đọc cách đây 30 năm hoặc 40 năm trước, tôi rất hài lòng, bởi vì tôi muốn chúng có chính kiến của riêng mình - không phải để tự mãn, mà là để chúng tin tưởng rằng những người có tinh thần quyết tâm, lòng can đảm có thể định hình lại mọi thứ. Đó chính là trao quyền hành cho chúng.

 Trạm Đọc | Qua The New York Times.


Gửi bình luận
(0) Bình luận