Hãy chọn một cách sống – Ai cũng có một ‘công tắc chết’, hãy cúi xuống và tắt nó đi

Trí Việt28/01/2021 08:30
Hãy chọn một cách sống – Ai cũng có một ‘công tắc chết’, hãy cúi xuống và tắt nó đi

Từ giờ trở đi, bạn đừng lãng phí thời gian quý báu vào những điều vô bổ, không quan trọng để rồi không có thời gian đón nhận thử thách thực sự khi nó đến. Điều này áp dụng cho cả công việc lẫn vui chơi.

Có thể bạn biết kiểu người này. Kiểu người luôn bận rộn, luôn có nhiều dự án, nhiều buổi học, nhiều việc lặt vặt phải làm hơn khả năng có thể xử lý, và luôn điên cuồng chạy hết nơi này sang nơi khác để cố thử – chỉ để cố thử mà thôi – đi trước được mọi thứ. Thứ mà những người thuộc kiểu này có, đó là một nỗ lực vô thức nhưng rất hiệu quả để né tránh thành công.

Ồ, họ bận rộn – làm bất kỳ việc lớn nhỏ không quan trọng nào, để nếu có gặp phải một thách thức thực sự, một thứ gì đó thật sự tạo nên được khác biệt cho cuộc sống và phúc lợi của bản thân, họ sẽ luôn dễ dàng đáp lại rằng rất tiếc, họ đã quá bận mất rồi, không thể làm thêm gì nữa đâu.

Nếu nghĩ mình thuộc nhóm này, có thể bạn đang làm việc mà do ai đó đã tác động, nhiều năm trước, đã nhấn vào “công tắc chết” của bạn. Đúng, là “công tắc chết” của bạn! Tôi đã định viết cả một cuốn sách về chuyện này, nhiều năm trước, nhưng đây là lần đầu tiên tôi nói về nó trong một ấn bản in.

Sau khi tôi mua một chiếc xe mui trần rất đắt tiền, tất nhiên người bán hàng thuyết phục tôi rằng tôi không nên mang chiếc xe vô giá đó tơ hơ ra đường và đậu ở bất kỳ bãi đỗ công cộng nào khi chưa gắn báo động chống trộm cho xe, cái thứ sẽ kêu váng lên một tiếng còi to chát chúa nhức óc nếu có bất kỳ ai cố đột nhập, tõm mất viên ngọc quý của tôi, và lái nó đi. Tất nhiên, tôi đồng ý với anh ta.

Một buổi sáng nọ, đã trễ một cuộc hẹn, tôi lao vào nhà xe, tra chìa khóa, và xoay… nhưng chẳng có gì xảy ra cả. Thậm chí không một tiếng rền rĩ. Không gì hết. Bình điện hết rồi sao? Tôi không chắc. Tôi mở radio, vẫn to và rõ. Tôi đút một cuộn băng cát-sét vào đầu phát băng. Ella Fitzgerald và bản Mack the Knife của chị cất lên. Âm thanh cực chuẩn. Tôi bật cần gạt nước. Hai tia nước xịt lên từ những khe ẩn, và những chiếc cần gạt hoạt động rất chi nhịp nhàng. Thất vọng, tức tối, tôi đùng đùng quay trở vào nhà và gọi cho anh chàng bán ô tô thân thiện của mình.

haychonmotcachsong-02.jpg

– Chúng ta đã lắp còi báo chống trộm rồi phải không, Og?

– Trị giá ba trăm đô!

– Thế thì có lẽ ông đã vô tình gạt phải “công tắc chết” rồi.

– Công tắc chết?

– Đúng, đó là một tính năng của những hệ thống báo chống trộm tinh vi hơn. Họ không giải thích cho ông khi lắp sao?

Tôi càng lúc càng giận hơn.

– Tôi chắc chắn phải nhớ nếu như có ai đó từng nói về việc lắp một cái “công tắc chết” vào xe tôi. Nó là gì, và nó ở đâu?

– Nó là một phần của còi báo chống trộm. Sau khi đỗ và khóa xe, ông xoay một chìa khác ở cái rãnh nhỏ được lắp vào cản bên, đúng không? Việc đó kích hoạt còi báo động để nếu có bất kỳ ai cố gắng nạy mở bất kỳ cánh cửa nào, hoặc phá cửa sổ xe, thì còi báo sẽ được kích hoạt vang lên.

– Đúng.

– Ừm, “công tắc chết” là một mức bổ sung cho việc bảo vệ này. Ở đâu đó bên trong xe, thường là ở bên dưới bảng điều khiển hoặc dưới thảm ở sàn xe, có một công tắc khác cũng được cài đặt. Nếu ông ấn vào đấy trước khi rời xe, rồi khóa cửa và bật báo động, ông sẽ thật sự bảo vệ xe mình khỏi bọn trộm. Ngay cả nếu có ai đó nhảy vào xe và đủ ngu ngốc để cố gắng khởi động khi còi đang hụ, kẻ đó cũng sẽ thất bại, bởi một khi ông đã bật “công tắc chết” thì toàn bộ nguồn điện từ ắc quy đến nút đề máy bị chặn hoàn toàn. Xe không thể di chuyển được.

Tôi quay lại nhà xe nhưng không tìm thấy “công tắc chết” của xe mình, trong vòng một tiếng sau, anh chàng đại diện bán hàng có mặt ở nhà tôi. Tất nhiên, anh ta tìm thấy ngay lập tức, bên dưới tấm thảm trước ở phía tài xế. Đúng là công tắc này đã bị gạt. Có lẽ chân tôi đã vô tình gạt phải nó, nhưng tôi không thể tiếp tục giận dữ được nữa, ngay cả với chính bản thân mình, bởi sự tương đồng vô giá mà sự cố này đem đến cho tôi, giống với chuyện của khá nhiều người mà tôi quen biết, khi tôi cố gắng thuyết phục người khác rằng anh ta, hay chị ta, đang lãng phí quá nhiều thời gian “bận rộn” vào những công việc tầm thường, chẳng hề quan trọng.

Bạn thấy đấy, khi tôi xoay chìa khóa, xe của tôi thật sự đã hoạt động khá bình thường. Đèn đã sáng, đài đã bật, cần gạt nước ở kính chắn gió cũng đưa qua đưa lại. Một chiếc xe bận rộn. Giống với rất nhiều người mà tôi quen. Chỉ có một vấn đề. Bất chấp tất cả những hoạt động đó, cỗ xe này không thể di chuyển về trước dù chỉ một li, bởi tôi đã vấp vào “công tắc chết” của nó.

Tất cả chúng ta ai cũng có “công tắc chết” của mình. Có lẽ khi ta còn trẻ, đã có ai đó, thậm chí có thể là bố mẹ ta, hay một người lớn mà ta kính trọng, hoặc sau đó là bạn đời của ta, vào một hôm nào đó, trong cơn tức giận, đã bảo rằng ta sẽ chẳng bao giờ thành đạt được đâu. Chát! Thế là xong! Vô tình và vô ý, họ gạt công tắc ở ta, và ta dành suốt những năm tháng này để cố gắng khiến lời tiên tri đó trở thành hiện thực, mà thậm chí còn không hiểu động cơ nào thúc đẩy sau những hành động của mình.

Chúng ta “bận rộn”, nhưng giống như chiếc xe của tôi đó, chẳng đi được đến đâu cả. Và ta không hiểu lý do vì sao lại thế. Thật đáng buồn!

Giờ bạn đã biết mình có một “công tắc chết”, hãy cúi xuống và tắt nó đi. Chấm dứt những việc bận rộn nhưng chẳng có mấy giá trị đi. Bạn đừng trốn đằng sau tất cả những việc lặt vặt ấy nữa. Có một cách sống tốt hơn mà.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 19/03/2024