Hạnh phúc tại tâm Kỳ 6: Từ bỏ cái tôi

21/09/2018 09:06
Hạnh phúc tại tâm Kỳ 6: Từ bỏ cái tôi

Bạn bị suy sụp vì người yêu đã ra đi. Nếu bạn không bị sốc bạn cũng sẽ giả vờ như thế. Bạn sẽ xử sự như thể bạn đang rất đau khổ, bạn sẽ khóc. Những giọt nước mắt của bạn không phải hoàn toàn vì nỗi đau thật sự, mà chỉ để tự an ủi rằng bạn là một người tình tuyệt vời...

Bạn sẽ không tìm thấy cái tôi

Tôi biết một món quà mà tình yêu có thể tặng bạn: đó là thông điệp cái tôi chỉ là tưởng tượng. Nếu chúng ta ngồi đây, và nếu mỗi người là một bản ngã thì sẽ có quá nhiều người; có thể đếm được. Nhưng khi tất cả đều im lặng tuyệt đối, thì bạn không thể đếm được có bao nhiêu người. Chỉ có một đòng ý thức, một sự im lặng, một cái không, một sự phi ngã. Và chỉ có trong tình trạng đó hai người mới có thể sống trong niềm an lạc vô tận. Chỉ có trong tình trạng đó mọi người mới sống trong vẻ đẹp hoàn hảo; và toàn thể loài người mới có thể sống trong phúc lành.

Nếu thử nhìn cái tôi, bạn sẽ không tìm thấy nó. Và việc không tìm thấy nó đó mới là điều quan trọng nhất. Tôi đã nhiều lần kể về câu chuyện Bồ Đề Đạt Ma gặp vua Trung Hoa Lương Vũ Đế, một cuộc gặp kỳ lạ và mang nhiều lợi lạc. Lương Vũ Đế lúc ấy là một hoàng đế hùng mạnh. Ông tin theo lời dạy của Đức Phật nhưng theo kiểu những học giả nghiên cứu lời Phật dạy. Những lời Phật dạy không hề thần bí.

Một dạo, có tin là Bồ Đề Đạt Ma đến Trung Hoa, cả nước tràn ngập không khí chờ đợi. Lương Vũ Đế chịu ảnh hưởng lớn từ những lời Phật dạy, và như thế toàn thể nước Trung Hoa khi ấy cũng chịu ảnh hưởng từ những lời dạy này. Giờ đây, một huyền thoại bằng xương bằng thịt, một vị Phật đang đến. Niềm hân hoan lan tràn khắp nơi.

Trước đó, Lương Vũ Đế chưa bao giờ đến biên giới Ấn Độ – Trung Hoa để đón một ai cả. Vậy mà lần này, ông chào đón Bồ Đề Đạt Ma với niềm tôn kính vô biên và hỏi: “Ta đã từng hỏi tất cả những vị tăng và những học giả đến đây nhưng không ai có thể giúp được ta cả. Ta đã thử tất cả các phương pháp. Làm thế nào để từ bỏ bản ngã của mình? Đức Phật nói rằng nếu không từ bỏ cái tôi thì phiền não không bao giờ đoạn diệt”.

Vua đã rất thành thật. Bồ Đề Đạt Ma nhìn sâu vào mắt vua và nói: “Ta sẽ ở trong ngôi đền bên cạnh dòng sông gần chân núi. Hôm sau, lúc bốn giờ sáng, ngài hãy đến đó và ta sẽ giúp ngài diệt cái tôi đó vĩnh viễn. Nhưng phải nhớ rằng, ngài không được mang theo tùy tùng, không được mang theo cận vệ, ngài phải đến một mình”.

Lương Vũ Đế hơi lo ngại trước yêu cầu kỳ lạ này! Đức vua tự hỏi: “Làm thế nào ông ta có thể đoạn diệt cái tôi của mình nhanh chóng như thế? Các bậc tiền bối đã nói rằng chỉ có sống và sống trong thiền định thì cái tôi mới bị đoạn diệt. Con người này thật bí ẩn. Ông ta lại muốn gặp ta trong bóng tối, bốn giờ sáng, một mình ta, không gươm đao, không cận vệ, không tùy tùng? Con người này thật kỳ lạ – ông ta có thể làm mọi chuyện. Ông ta có ý gì khi bảo rằng sẽ đoạn diệt bản ngã của ta mãi mãi? Ông ta có thể giết ta, nhưng làm thế nào để diệt cái tôi của ta?”.

Cả đêm Lương Vũ Đế không thể nào ngủ được. Ông băn khoăn đắn do không biết nên đi hay không đi. Nhưng có cái gì đó trong đôi mắt, trong giọng nói của Bồ Đề Đạt Ma vẫn còn vang vọng trong tâm thức của nhà vua: “Hãy đến lúc bốn giờ đúng. Ta sẽ đoạn diệt cái tôi cho ngài mãi mãi. Ngài đừng quá lo lắng”. Lời của Bồ Đề Đạt Ma nghe chừng khó hiểu nhưng giọng nói của Ngài lại toát lên thần thái phi thường.

Cuối cùng, Lương Vũ Đế quyết định đi đến chỗ hẹn. Nhà vua chấp nhận mạo hiểm. Ngài thầm nghĩ: “Cùng lắm ông ta cũng chỉ lấy được cái mạng sống của ta mà thôi. Ta đã thử tất cả mọi cách mà vẫn không từ bỏ được cái tôi. Khi chưa diệt được cái tôi thì phiền não vẫn còn mãi”.

Trời còn tối, nhà vua gõ cửa đền, Bồ Đề Đạt Ma nói: “Ta biết ngài sẽ tới, ta cũng biết cả đêm hôm qua ngài đã trằn trọc. Nhưng không sao cả, quan trọng là ngài đã tới. Bây giờ, hãy ngồi xuống trong tư thế hoa sen, nhắm mắt lại, ta đang ngồi trước mặt ngài. Khi ngài nhìn thấy cái tôi bên trong của mình, hãy giữ chặt nó và giết nó. Phải giữ nó thật chặt và báo cho ta hay ngài đã bắt được nó, ta sẽ giết nó và nó sẽ bị đoạn diệt. Chỉ cần tốn vài phút thôi”.

Lương Vũ Đế hơi sợ. Bồ Đề Đạt Ma trông như một người điên. Ngài cũng đã từng được mô tả như một người điên, mặc dù Ngài không như vậy. Những bức tranh chỉ là biểu tượng. Đó là ấn tượng Ngài đã để lại trong mọi người. Đó không phải là gương mặt thật, nhưng là gương mặt mà mọi người nhớ đến. Ngài đang ngồi trước Lương Vũ Đế với cái gậy to và nói với vua: “Đừng đợi dù chỉ một giây. Hãy tìm nó ở mọi ngóc ngách, và khi nào ngài bắt giữ được nó, hãy mở mắt ra và nói với ta ngài đã bắt được nó, ta sẽ kết liễu nó”.

Sau đó là im lặng. Một giờ trôi qua, hai giờ trôi qua.

Sau đó mặt trời lên, và Lương Vũ Đế đã trở thành một người khác. Trong hai giờ đó, ông đã quán tâm mình một cách triệt để. Rất có thể người đang ngồi kia sẽ lấy gậy đánh vào đầu ông. Bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra. Bồ Đề Đạt Ma không phải là người của những quy phạm, nghi thức, Ngài không nằm dưới quyền cai trị của Lương Vũ Đế. Vì thế Lương Vũ Đế phải chú tâm tuyệt đối nhằm tìm kiếm cái tôi. Và trong khi tìm kiếm, ông cảm thấy vô cùng thư thái! Không có gì tồn tại cả. Tất cả mọi ý niệm đã biến mất. Tất cả nguồn năng lượng của cơ thể được vận dụng tối đa cho cuộc truy tìm cái tôi; do đó, không còn gì để tiêu phí cho những tham vọng, ước muốn.

Khi mặt trời lên, Bồ Đề Đạt Ma quan sát gương mặt của Lương Vũ Đế. Người đang ngồi trước mặt Ngài giờ đây không phải là bậc đế vương uy quyền tột bậc của đất nước Trung Hoa. Trên gương mặt Lương Vũ Đế lúc này chỉ còn lại sự tĩnh tịch, thâm trầm. Lương Vũ Đế của hôm qua đã hoàn toàn biến mất.

Bồ Đề Đạt Ma lay ông và bảo: “Hãy mở mắt ra, không có gì ở đây cả. Ta không giết nó. Ta không phải là người hung bạo, ta không giết cái gì cả. Bản ngã của ngài vốn không tồn tại. Bởi vì ngài chưa bao giờ tìm kiếm nó nên nó vẫn tồn tại. Nó chỉ tồn tại khi ngài không kiếm nó, nó chỉ tồn tại trong sự vô minh của ngài. Còn bây giờ, nó đã đi rồi”.

Hai giờ trôi qua và Lương Vũ Đế đã hoàn toàn an lạc.

Ông chưa bao giờ được thưởng thức vị ngọt, sự tươi mát, mới mẻ và cái đẹp vô ngần này. Bồ Đề Đạt Ma đã hoàn thành lời hứa. Lương Vũ Đế quỳ xuống, hôn chân Người và nói: “Xin hãy tha thứ cho con đã nghĩ rằng Người không biết phép tắc, Người là kẻ kỳ lạ và nguy hiểm. Con chưa bao giờ được gặp một người thầy giống như Người…

Con đã làm được rồi. Bản ngã của con đã bị đoạn diệt”.

Sau khi Lương Vũ Đế băng hà, trên lăng mộ ông, Bồ Đề Đạt Ma được nhắc đến trong những nét chạm khắc bằng vàng cho hậu thế biết: “Có một người trông như lão điên khùng nhưng có thể làm nên điều kỳ diệu. Ngài đã giúp ta đoạn ngã mà không phải làm gì cả. Vạn vật quanh ta không thay đổi nhưng trong ta mọi thứ đều đổi thay. Và cuộc sống đã trở thành một bài ca trong trẻo của niềm tĩnh tịch”.

Vì sao tôi cảm thấy rất đau lòng khi phải rời xa những thứ đã gây đau khổ cho tôi?

Những thứ gây đau khổ cho bạn cũng đồng thời đem đến cho bạn niềm hạnh phúc; nếu không phải thế thì câu hỏi trên sẽ không được đặt ra. Nếu chúng chỉ toàn gây đau khổ thì bạn nên từ bỏ chúng. Nhưng trong cuộc sống, không có gì là một chiều cả, mọi thứ đều pha lẫn nhiều mặt đối lập. Mọi thứ đều chứa đựng bên trong những sự đối lập.

Nhìn thấu vào bên trong cái bạn gọi là phiền não, bạn sẽ thấy chúng cho bạn một vài thứ mà bạn muốn có. Nó có thể chưa là sự thật, có thể chỉ là hy vọng, chỉ là một lời hứa cho ngày mai, nhưng bạn sẽ bám lấy nó để đau khổ với hy vọng ngày mai những cái mà bạn luôn ước mơ và muốn sở hữu sẽ đến với bạn. Khi ta chấp nhận phiền não, ta cũng hy vọng tìm thấy niềm vui. Nếu nó chỉ là sự phiền não thuần túy thì bạn không thể bám vào nó được.

Hãy quan sát, và phải cảnh giác hơn với phiền não của bạn. Chẳng hạn, bạn đang cảm thấy ghen tỵ. Nó gây nên phiền não. Nhưng hãy nhìn xung quanh – chắc hẳn phải có gì đó xác thực trong nó. Nó cũng sẽ mang đến cho bạn cảm giác về cái tôi ưu việt nào đó. Lòng ghen tỵ của bạn ít nhất làm cho bạn nghĩ rằng mình đang yêu. Nếu bạn không cảm thấy ghen bạn sẽ nghĩ rằng mình chẳng yêu cái gì cả, và bạn bị vướng vào ghen tuông bởi bạn muốn gắn mình vào tình yêu – ít ra đó cũng là ý niệm của bạn về tình yêu.

Nếu người yêu của bạn đi với ai đó, và bạn không cảm thấy ghen, bạn sẽ lập tức tự cho rằng mình không còn yêu nữa.

Nói cách khác, hàng thế kỷ qua người ta đều nói rằng người đang yêu hay ghen. Ghen tuông đã trở thành một phần của tình yêu; nếu không ghen tình yêu của bạn sẽ chết; bạn cho rằng ghen tuông là nguồn dinh dưỡng duy trì một tình yêu nồng đượm.

Bạn sẽ rất thông minh và khéo léo tìm ra sự giải thích hợp lý. Bạn sẽ bảo rằng, “Ghen tuông là cảm giác tự nhiên. Nó xuất hiện một cách tự nhiên bởi vì mọi người đều như vậy cả”. Ý thức của bạn sẽ bảo rằng, “Cảm giác đau khổ khi tình yêu rời xa là chuyện hoàn toàn tự nhiên, bởi vì bạn đã yêu nhiều quá! Làm thế nào để tránh đau khổ, tránh tổn thương khi người yêu rời bỏ bạn?”. Thật ra, bạn cũng đang tự gặm nhấm vết thương lòng một cách vô thức. Vết thương mang đến cho bạn ý niệm rằng bạn là một người tình tuyệt vời, rằng bạn đã yêu rất nhiều và rất sâu đậm. Tình yêu của bạn thật sâu sắc và bạn bị suy sụp vì người yêu đã ra đi. Nếu bạn không bị sốc bạn cũng sẽ giả vờ như thế, bạn sẽ tin vào sự huyễn hoặc của chính mình. Bạn sẽ xử sự như thể bạn đang rất đau khổ, bạn sẽ khóc. Những giọt nước mắt của bạn không phải hoàn toàn vì nỗi đau thật sự, mà chỉ để tự an ủi rằng bạn là một người tình tuyệt vời, và bạn phải khóc thật nhiều.

Hãy quan sát các trạng thái phiền não: Nó có chút hứng thú và có cả chút hy vọng gọi mời khiến bạn không sẵn sàng từ bỏ. Nó có vẻ rất gần gũi, chỉ cần đưa tay ra là bạn có thể chạm tới nó.

Bạn đã phải vượt qua cuộc hành trình dài đầy gian khổ, và bây giờ thì đích đến đang ở ngay trước mặt bạn. Tại sao lại phải bỏ lỡ cơ hội này? Bạn sẽ tìm thấy lời giải thích hợp lý và một vài thói đạo đức giả trong nó.

Cách đây vài ngày một người phụ nữ viết thư cho tôi kể rằng người yêu cô đã bỏ rơi cô và hiện cô lại không hề đau khổ, cô muốn biết chuyện gì đang xảy ra với cô: “Tại sao tôi lại không cảm thấy đau khổ? Có phải tôi trơ lỳ quá không? Có phải tôi giống đá cuội không? Tôi chẳng thấy buồn khổ gì cả”, cô ấy viết. Cô ấy đang đau khổ bởi vì cô ấy không cảm thấy đau khổ! Cô mong rằng mình sẽ bị sốc. “Ngược lại”, cô viết, “tôi có thể khẳng định rằng tôi cảm thấy hạnh phúc – và điều đó làm tôi buồn. Kiểu tình yêu gì kỳ lạ vậy? Tôi đang hạnh phúc, lòng thanh thản; tôi đã trút được một gánh nặng ra khỏi cuộc đời mình”. Cô ấy hỏi tôi: “Như vậy có bình thường không? Tôi vẫn ổn hay có điều gì đó không ổn với tôi?”.

Không có vấn đề gì với cô ấy cả. Cô ấy hoàn toàn ổn.

Sự thật là sau một thời gian dài để cho mảnh đất tình yêu của mình bị nhấn chìm giữa bao phiền muộn triền miên, hai người yêu nhau sẽ cảm thấy rất nhẹ nhõm khi chia tay.

Nhưng bạn không được phép thú nhận rằng đó là một sự thanh thản. Ít nhất trong một vài ngày bạn sẽ ra ngoài với gương mặt chảy dài, với nước mắt chảy quanh khóe; thật là giả tạo nhưng đó đã trở thành ý niệm phổ biến trên thế giới.

Nếu ai đó chết mà bạn không cảm thấy buồn thì bạn sẽ bắt đầu cái cảm giác rằng có điều gì đó không đúng.

Làm sao bạn có thể tránh được nỗi buồn khi ai đó ra đi vĩnh viễn? Bởi vì chúng ta được dạy rằng điều đó là hiển nhiên, là bình thường và ai cũng muốn là người bình thường cả. Thực ra, đó không phải là điều bình thường, mà chỉ là chuẩn mực của xã hội. Đó không phải là điều hiển nhiên, mà chỉ là một tập tục lâu đời và chẳng có gì đáng phải khóc than ở đây cả. Cái chết chẳng hủy hoại cái gì cả. Thân xác này chỉ là cát bụi và trở về lại cát bụi, và thần thức có hai lựa chọn: Nếu nó vẫn còn ham muốn thì nó sẽ đầu thai vào thân xác mới, hoặc giả tất cả các ham muốn đều biến mất thì nó sẽ vẫn tồn tại và tiến vào cõi bất diệt. Không có gì bị hủy hoại cả.

Thân xác lại trở thành một phần của trái đất này, đi vào trạng thái nghỉ ngơi còn linh hồn hoặc di chuyển vào tâm thức vũ trụ hoặc đi vào một thân xác khác.

Nhưng bạn khóc than và mang theo nỗi buồn đó trong nhiều ngày. Đó chỉ là hình thức hoặc nếu nó không phải là hình thức thì thực sự bạn cảm thấy ân hận vì đã chưa từng yêu thương người đã khuất. Bạn chưa hề yêu thương người đã khuất và bây giờ thì không còn thời gian nữa. Người đó đã không còn và mọi thứ trở thành vô nghĩa. Có thể bạn vừa mới tranh cãi với chồng bạn và anh ấy đã chết trong đêm đó khi đang ngủ. Và bây giờ bạn sẽ nói rằng mình khóc vì cái chết của anh ấy, nhưng thực ra bạn đang khóc vì bạn chẳng còn cơ hội để xin anh ấy tha thứ. Bạn cũng không thể nói lời vĩnh biệt. Và cuộc đấu tranh nội tâm đó sẽ như dám mây lơ lửng trong suốt phần đời còn lại của bạn.

Nếu bạn sống toàn tâm toàn ý trong từng khoảnh khắc thì sẽ không có bất kỳ sự hối hận nào, không có bất kỳ tội lỗi nào. Nếu bạn yêu thương thực sự, thì sẽ không còn phải thắc mắc gì nữa. Một ngày kia, nếu người yêu bỏ đi, thì đơn giản rằng con đường hai người từng chung bước nay rẽ theo hai ngả. Chúng ta có thể nói lời tạm biệt với lòng biết ơn sâu sắc vì những khoảnh khắc đã có bên nhau. Chúng ta đã chia sẻ thật nhiều, đã yêu thật nhiều và chúng ta làm phong phú cuộc sống của nhau – vậy thì tại sao phải khóc than vì điều đó, và tại sao phải đau khổ? Nhưng mọi người thường tự cột mình vào những suy nghĩ duy lý của họ mà bỏ quên những điều này. Họ vướng mắc vào mọi thứ. Thậm chí những điều đơn giản hiển nhiên cũng trở thành phức tạp, rắc rối.

Bạn hỏi tôi: “Tại sao tôi cảm thấy đau lòng khi rời xa những thứ đã gây đau khổ cho tôi?”. Bạn chưa chịu thừa nhận rằng chúng là cội nguồn nỗi đau trong bạn. Tôi đang nói rằng chúng làm bạn đau khổ, nhưng bạn chưa chịu tin.

Và đó không phải là câu hỏi của tôi, điều quan trọng bạn phải hiểu là “Không có gì có thể làm mình đau khổ”. Và bạn phải thấy rằng không ai gây ra đau khổ cho bạn. Nếu bạn muốn có những chướng duyên này, bạn phải học cách sống với sự phiền não. Nếu bạn muốn buông bỏ phiền não, bạn sẽ phải buông bỏ những chướng duyên này.

Bạn đã thấy điều đó chưa? Nếu bạn kể về những phiền não của mình với mọi người, họ sẽ thông cảm với bạn.

Mọi người đều thông cảm với những người đang đau khổ.

Bây giờ, nếu bạn thích đón nhận sự thông cảm từ mọi người, bạn không thể buông bỏ sự phiền não của bạn, và đó là chướng duyên.

Khi một người chồng đau khổ về nhà thì người vợ yêu thương, thông cảm. Anh chồng càng đau khổ bao nhiêu thì những đứa con càng e dè bấy nhiêu, còn những người bạn thì càng thân thiện với anh ta hơn. Tất cả mọi người đều quan tâm đến anh ta. Khi anh ta cảm thấy hạnh phúc thì sự thông cảm của mọi người cũng chấm dứt, vì dĩ nhiên một người hạnh phúc thì không cần sự cảm thông. Anh ta càng hạnh phúc bao nhiêu thì càng cảm thấy rằng chẳng ai quan tâm đến mình, cứ như thể mọi người bỗng nhiên trở nên lạnh lùng. Bây giờ, làm thế nào để bạn thoát khỏi phiền não đây? Bạn sẽ phải buông bỏ ham muốn được quan tâm, được nhận sự thông cảm từ mọi người. Thực ra, chẳng đáng để mong cầu sự thông cảm của mọi người, nó khiến bạn giống như kẻ ăn mày.

Và phải nhớ rằng sự thông cảm không phải là tình yêu. Khi người khác ban ơn cho bạn thì đó chỉ là nghĩa vụ họ cần thực hiện, đó không phải là tình yêu. Có thể họ không thích bạn nhưng họ vẫn sẵn sàng thông cảm với bạn. Đó chỉ là một phép xã giao, văn hóa, thông tục, nghi thức và bạn đang phải sống với những điều giả tạo. Phiền não của bạn là thực còn điều bạn nhận được trong sự trao đổi này là không thực. Dĩ nhiên, nếu bạn hạnh phúc, nếu bạn buông bỏ được phiền não thì đó là sự thay đổi cốt lõi trong cách sống của bạn.

Điều ấy sẽ đưa đến một sự chuyển hóa thật sự trong tâm hồn chúng ta.

Một lần, có một người phụ nữ là vợ của một trong những người giàu nhất Ấn Độ đến gặp tôi. Bà nói: “Tôi muốn thiền định, nhưng chồng tôi không cho phép”.

Tôi hỏi rằng “Tại sao chồng bà phản đối thiền định?”.

Bà trả lời: “Chồng tôi nói: ‘Tôi yêu con người vốn có của em. Tôi không biết điều gì sẽ thay đổi sau khi em thực tập thiền định. Nếu em bắt đầu tập thiền thì em cũng bắt đầu thay đổi, và tôi không biết liệu tôi có thể yêu em nữa hay không, bởi vì em đã biến thành một người khác’”.

Tôi bảo bà ấy: “Chồng bà có quan điểm rằng mọi thứ chắc chắn sẽ khác đi khi bà thiền định. Bà sẽ tự do hơn, tự chủ hơn. Bà sẽ an lạc hơn và chồng bà sẽ phải học cách sống với một người phụ nữ mới. Có thể ông ấy không thích như thế, ông ấy sẽ có thể cảm thấy thua kém. Hiện nay ông ấy cảm thấy cao hơn bà. Chồng bà nói đúng. Trước khi thiền định, bà phải xem xét cẩn thận vì sẽ có nhiều thử thách phía trước.”

Bà ấy không nghe tôi và bắt đầu thiền định. Và bây giờ bà ấy đã ly dị chồng. Bà ấy đến gặp tôi sau một vài năm và nói: “Ông đã đúng. Tôi càng an định bao nhiêu thì chồng tôi càng giận dữ với tôi bấy nhiêu. Trước đây, ông ấy chưa bao giờ hung dữ như vậy, một sự bất thường đã xảy ra”. Bản tính muốn chế ngự của đàn ông trong ông ấy bị đe dọa. Ông ta muốn phá hủy sự bình yên và tĩnh lặng đang đến với vợ mình để duy trì sự độc tôn của mình. Và bởi vì mọi việc không diễn ra như ông ấy muốn nên ông ấy đã ly dị vợ.

Thật là một thế giới kỳ lạ! Nếu bạn có được cuộc sống an nhiên tĩnh tại thì mối quan hệ của bạn với mọi người sẽ thay đổi vì bạn đã trở thành con người khác. Và nếu những mối quan hệ này bện chặt với những phiền não của bạn thì các mối quan hệ đó sẽ biến mất.

Tôi có một người bạn là giáo sư ở trường đại học tôi đang giảng dạy. Ông ấy là một nhà hoạt động xã hội nhiệt tình. Ở Ấn Độ, bất kỳ việc gì liên quan đến những góa phụ đều có thể trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. Không ai muốn cưới họ, và những góa phụ không phải là sự chọn lựa cho hôn nhân. Đó là một điều cấm kỵ. Vị giáo sư này lại quyết định cưới một góa phụ. Ông không để ý đến việc mình có yêu người phụ nữ đó hay không, đó là điều thứ yếu. Điều ông ta quan tâm là bà ấy phải là một góa phụ. Ông đã kiên trì thuyết phục một người phụ nữ và bà ấy đã bằng lòng.

Tôi bảo ông ấy: “Trước khi hành động, hãy suy nghĩ một mình ít nhất ba ngày. Ông có yêu người phụ nữ ấy không hay đó chỉ là hành động phụng sự xã hội?”. Việc cưới một góa phụ ở Ấn Độ có thể được xem là một hành động cách mạng triệt để. “Có phải ông đang cố chứng tỏ rằng ông đang làm cách mạng? Nếu ông đang cố làm việc đó thì ông đang sai lầm. Khi ông cưới bà ấy thì bà ấy không còn là một góa phụ nữa và điều ông quan tâm đã không còn”.

Ông ta không nghe lời tôi. Ông ta kết hôn và sau sáu tháng ông ấy bảo tôi: “Ông nói đúng”. Ông ta khóc và nói: “Tôi đã không nhìn thấy vấn đề, tôi chỉ yêu cái danh góa phụ của cô ấy chứ không yêu chính con người cô ấy, và bây giờ cô ấy đã không còn là một góa phụ”.

Tôi trả lời: “Ông hãy tự sát đi và biến cô ấy thành góa phụ lần nữa, và cho người khác cơ hội làm cách mạng!”.

Trong trường hợp này, bạn còn có thể làm gì được nữa? Suy nghĩ của con người thật khờ dại, không tỉnh táo.

Nó chẳng khác nào một giấc ngủ dài.

Bạn không thể buông bỏ nỗi khổ của mình bởi vì bạn chưa nhìn sâu vào căn nguyên của nó. Bạn cũng chưa nhìn thấy được những niềm vui từ sự phiền não của bạn.

Bạn sẽ phải buông bỏ cả hai, và sẽ không còn khúc mắc gì nữa. Thật ra, phiền não và hạnh phúc chỉ có thể buông bỏ cùng lúc. Và chỉ còn an lạc hiện hữu.

An lạc không chỉ là vui sướng. An lạc không chỉ là hạnh phúc. Hạnh phúc là phải luôn luôn gắn với một cái gì đó bất hạnh và vui sướng thì luôn đồng hành với phiền não. Bạn muốn buông bỏ phiền não để có được hạnh phúc. Đó là cách làm hoàn toàn sai lầm. Bạn phải buông bỏ cả hai. Khi thấy rằng chúng đồng hành, thì ta biết rằng phải buông bỏ cả hai, không thể chỉ chọn một.

Trong cuộc sống, mọi thứ đều có quan hệ hữu cơ với nhau. Phiền não và hạnh phúc không phải là hai phạm trù tách biệt. Bạn muốn có hoa hồng mà không muốn có gai nhọn, bạn muốn ngày và không muốn đêm, bạn muốn yêu thương mà không có căm ghét. Điều này không bao giờ xảy ra, đó không phải là bản chất của mọi việc.

Thế giới của sự an lạc

Bạn phải buông bỏ cả hai, và rồi một thế giới hoàn toàn khác hiện ra: thế giới của sự an lạc. An lạc nghĩa là thực sự bình an, không quá đau buồn hay vui sướng.

Để kỷ niệm bốn mươi năm ngày cưới, Seymour và Rose trở lại đúng căn phòng ở tầng hai của khách sạn mà họ đã hưởng tuần trăng mật.

Seymour nói: “Bây giờ, cũng như đêm đầu tiên, chúng ta hãy cởi bỏ quần áo, đứng ở hai góc phòng, tắt đèn rồi chạy đến và ôm chầm lấy nhau”.

Họ trút bỏ y phục, đi về hai góc phòng, tắt đèn và chạy đến với nhau. Nhưng tri giác của họ đã không còn nhạy như bốn mươi năm trước. Vì thế Seymour bắt trượt Rose và lao thẳng ra cửa sổ. Ông rơi xuống bãi cỏ trong sự sửng sốt.

Seymour gõ lên cửa sổ hành lang, nói nhỏ với nhân viên khách sạn: “Tôi vừa bị ngã, tôi không mặc quần áo và tôi muốn trở lại phòng”.

Anh nhân viên bảo rằng: “Được thôi. Sẽ không ai thấy ông đâu”.

“Anh có điên không đấy? Tôi sẽ phải đi ngang qua hành lang mà tôi lại đang trần truồng”.

Người nhân viên lặp lại: “Không ai thấy ông đâu. Mọi người ở trên lầu đang cố gắng để gỡ một người phụ nữ lớn tuổi ra khỏi tay nắm cửa!”.

Rất ít người trong chúng ta đành thời gian tự quan sát chính mình.

Hãy nhìn nhận phiền não của bạn là gì, những nguyên nhân nào đã gây ra nó, và tại sao bạn lại phải bám vào đó.

Đây không phải là lần đầu tiên bạn buộc chặt mình vào những ham muốn này. Nó đã trở thành quán tính cả một đời chúng ta. Bạn đi vòng quanh và bạn không bao giờ tiến lên được chút nào. Bạn vẫn chỉ là một đứa trẻ ngốc nghếch. Bạn được sinh ra với sự thông tuệ sánh ngang Đức Phật nhưng nó đã bị mất đi vì những nguyên nhân phù phiếm.

Một người nông dân có hai con bò đực già khọm và vừa mua thêm một chú bò trẻ đầy sinh lực. Chú bò mới lập tức “ve vãn” hết chị bò này đến chị bò khác trên đồng cỏ. Sau khi quan sát cảnh tượng này trong một giờ, một trong hai con bò già bắt đầu giậm chân và khịt mũi.

“Có chuyện gì thế?”- Con bò kia hỏi. – “Anh có ý gì hay à?”.

Con bò nọ đáp: “Không có gì. Nhưng tôi không muốn anh chàng trẻ tuổi kia nghĩ rằng tôi là một trong những con bò cái”.

Thậm chí ở tuổi già, con người vẫn còn bận tâm đến cái tôi của mình. Họ phải giả vờ, làm bộ làm tịch dù cuộc đời họ chẳng có gì ngoài một chuỗi phiền não. Nhưng họ vẫn bảo vệ nó hơn là sẵn sàng thay đổi nó. Họ rất bảo thủ.

Hãy bỏ tất cả sự phòng vệ, hãy bỏ tất cả áo giáp. Hãy bắt đầu quan sát cuộc đời của bạn ngày này qua ngày khác, phút giây này đến phút giây khác. Và dù bạn đang làm gì, hãy để ý đến từng chi tiết. Bạn không cần phải gặp một bác sĩ phân tâm học, bạn có thể tự phân tích từng mảnh của cuộc đời bạn. Nó là một tiến trình đơn giản. Chỉ cần quan sát là bạn có thể thấy điều gì đang xảy ra, điều gì đã xảy ra. Bạn đã và đang chọn lựa, và đó chính là vấn đề.

Bạn chọn một phần đối nghịch với phần kia nhưng chúng lại luôn đồng hành. Đừng chọn lựa gì cả. Chỉ quan sát và nhận thức mà không lựa chọn, và bạn sẽ tìm được chính bạn ở thiên đường.

Có phải một người nên tự chiêm nghiệm sự cô đơn của bản thân trước khi bắt đầu những mối quan hệ?

Vâng, bạn phải tự chiêm nghiệm sự cô đơn của bản thân cho đến khi sự cô đơn chuyển thành tự tại. Chỉ khi đó bạn mới có thể có một mối quan hệ sâu sắc và phong phú. Chỉ khi đó bạn mới có thể tiến đến tình yêu. Điều tôi muốn nói là một người phải tự chiêm nghiệm sự cô đơn của mình cho đến khi sự cô đơn chuyển thành sự tự tại.

Cô đơn là một trạng thái tinh thần tiêu cực. Tự tại thì tích cực. Cô đơn là một trạng thái tinh thần khi bạn hoài nhớ ai đó. Tự tại là trạng thái tinh thần khi bạn luôn tự thắp sáng mình. Cô đơn thì đau khổ. Tự tại thì an lạc. Cô đơn luôn làm bạn lo lắng, nhớ nhung, khao khát, ước muốn điều gì đó. Tự tại là bài tập tâm linh sâu sắc, không vọng tưởng, mãn nguyện, an lạc và hân thưởng. Khi cô đơn, bạn không là trung tâm. Trong trạng thái tự tại, bạn là trung tâm và là khởi nguyên của mọi thứ. Tự tại thì hoàn mỹ, tao nhã, thanh lịch và mãn nguyện. Cô đơn thì nghèo nàn, tất cả xung quanh chỉ là sự van nài và không còn gì khác nữa. Nó không hề thanh nhã mà lại xấu xí. Cô đơn thì phải phụ thuộc, tự tại thì hoàn toàn tự chủ.

Bây giờ, nếu bạn thiết lập một mối quan hệ khi bạn đang cảm thấy cô đơn thì bạn sẽ tìm cách chiếm hữu người khác. Người đó sẽ trở thành một phương tiện để thỏa mãn bạn. Bạn sẽ lợi dụng người đó và người đó cũng sẽ lợi dụng lại bởi vì không ai muốn trở thành công cụ cho người khác. Mỗi người là một sự chấm hết với chính mình. Không ai muốn trở thành phương tiện của người khác. Ai cũng muốn mình được tôn sùng như một ông hoàng. Không ai muốn phải nghe lệnh người khác, ai cũng muốn là bản thân mình. Vì vậy khi bạn thiết lập một mối quan hệ trong sự cô đơn thì mối quan hệ này đã đi vào ngõ cụt. Thậm chí trước khi bắt đầu thì nó đã đi vào ngõ cụt. Như là trước khi sinh ra thì đứa bé đã chết.

Hãy nhớ rằng, khi bạn mang theo sự cô đơn, bạn sẽ gặp một ai đó cũng đang tuyệt vọng như mình, bởi vì không có ai sống một cách tự tại có thể thu hút bạn. Bạn khác xa họ. Họ có thể thông cảm với bạn nhưng họ không yêu bạn. Một người ở trên đỉnh cao của sự tự tại chỉ có thể thu hút một người nào đó đang tự tại như họ. Vì thế, bất cứ khi nào hành xử theo sự cô đơn của mình thì bạn sẽ tìm thấy một người giống như bạn. Bạn sẽ thấy hình ảnh phản chiếu của mình ở đâu đó trong họ. Hai kẻ ăn mày gặp nhau tức là hai kẻ đau khổ gặp nhau. Hãy nhớ rằng, khi hai người đau khổ gặp nhau thì nó không là một phép cộng đơn giản mà nó là phép nhân. Lúc này, họ sẽ tạo ra khối đau khổ gấp bội cho chính họ và cho người khác.

Khối đau khổ này lớn hơn gấp nhiều lần nỗi sầu khi mỗi người ôm một mối cô đơn riêng.

Đầu tiên hãy ở một mình. Hãy bắt đầu tận hưởng sự hiện hữu duy nhất của bản thân và hãy yêu chính mình. Hãy tìm niềm vui đích thực ngay cả khi không có ai đến bên bạn.

Bản thân bạn là tất cả. Nếu không ai gõ cửa nhà bạn thì bạn vẫn thế, không nhớ đến ai cả. Bạn không mong chờ ai đến gõ cửa. Bạn ở nhà và nếu có ai đến thì sẽ rất vui. Nhưng nếu không ai đến thì càng vui hơn. Và khi đó, hãy thiết lập một mối quan hệ. Giờ đây, bạn giống như một ông chủ, một vị hoàng đế, chứ không phải một tên ăn mày.

Ai sống tự tại đều có thể thu hút những người cũng sống tự tại bởi vì đồng khí tương cầu. Khi hai người chủ gặp nhau, ít ra họ cũng làm chủ cuộc sống của chính họ, niềm an lạc không là phép cộng mà được nhân lên. Niềm an lạc không tăng theo cấp số cộng mà tăng theo cấp số nhân. Họ không chiếm hữu, họ chia sẻ. Họ không lợi dụng lẫn nhau. Ngược lại, họ trở thành một và tận hưởng mọi sự hiện hữu xung quanh mình. Đó là một trạng thái thưởng thức cuộc sống một cách kỳ diệu.

Hai người cô đơn luôn đối đầu nhau. Hai người sống tự tại đối mặt với những vấn đề vượt lên trên bản ngã của chính họ. Tôi vẫn thường đưa ra ví dụ rằng hai người mới yêu nhau luôn đối diện nhau; nhưng hai người yêu nhau sâu đậm thì sẽ không bao giờ đối diện nhau trong một đêm trăng đẹp. Họ sẽ nắm tay nhau và cùng nhìn vầng trăng trên bầu trời. Họ không nhìn nhau mà họ cùng nhau nhìn về một cái gì khác. Thỉnh thoảng họ sẽ cùng nhau nghe một bản giao hưởng của Mozart, Beethoven hay Wagner. Thỉnh thoảng họ ngồi bên nhau dưới một tán cây và tận hưởng bóng mát đang che chở họ. Thỉnh thoảng họ sẽ ngồi bên một thác nước và lắng nghe bản giao hưởng của thiên nhiên. Thỉnh thoảng họ cùng nhau ngồi trước biển và nhìn về nơi xa ngút tầm mắt. Khi hai người cô đơn gặp nhau, họ sẽ nhìn nhau bởi vì họ vẫn đang tìm cách để chiếm hữu đối phương, để lợi dụng nhau và để tìm hạnh phúc từ đối phương. Nhưng hai người yêu nhau sâu sắc sẽ không tìm cách lợi dụng nhau. Hơn nữa, họ trở thành bạn đồng hành trên con đường hành hương. Mục đích sống của họ trở nên cao đẹp hơn. Những quan tâm giống nhau mang họ lại gần nhau.

Quan hệ giữa hai người khác phái thường bắt đầu từ sức hút trong quan hệ ân ái. Tình dục có thể kết hợp hai người làm một trong một thoáng giây, song sự hòa hợp này chỉ mang tính thất thường và nông nổi. Hai người yêu nhau thực sự có một mối quan tâm chung đến những vấn đề lớn lao hơn. Như thế không có nghĩa là trong tình yêu không có tình dục, mà tình yêu là sự hòa hợp ở cấp độ cao hơn. Lắng nghe những bản giao hưởng của Mozart hay Beethoven có thể đưa hai người đang yêu đến rất gần nhau và họ có thể quan hệ với nhau trong sự hòa hợp với bản giao hưởng của Beethoven.

Bản giao hưởng là thứ có thật, còn từng bước đi của tình yêu diễn ra như một phần tất yếu của bản hợp âm tuyệt diệu. Khi tình yêu diễn ra trong sự hòa hợp của chính nó, không tìm kiếm, không nghĩ suy, diễn ra một cách tự nhiên như một phần của sự hòa hợp hoàn hảo hơn, thì bản chất của tình yêu đó hoàn toàn khác những tình yêu thông thường. Đó là tình yêu thần thánh, đó không còn là tình yêu của con người.

Từ hạnh phúc (happiness) có nguồn gốc từ từ “hap” trong ngôn ngữ Bắc Âu cổ. Từ “happening” cũng có cùng gốc từ với “happiness”. Vì vậy, hạnh phúc (happiness) là những gì đang xảy ra (happening). Bạn không thể tạo ra nó, bạn không thể làm chủ nó, bạn không thể chi phối nó. Và tất cả những gì bạn có thể làm là luôn chuẩn bị vị thế sẵn sàng để hòa cùng bước đi của tình yêu bất cứ khi nào nó đến.

Hai người yêu nhau thật sự vẫn luôn luôn có mặt ở đó nhưng họ không bao giờ cố tìm kiếm hạnh phúc. Vì thế họ không bao giờ nản lòng, bởi vì họ biết rằng khi nào nó đến thì nó sẽ đến. Mỗi người tạo dựng vị thế của riêng mình. Thật ra, nếu bạn hạnh phúc với chính bản thân mình thì bạn đã có một vị thế, và nếu người khác hạnh phúc với chính bản thân họ thì họ cũng có vị thế của riêng mình. Khi hai vị thế này đến gần nhau, thì một vị thế lớn hơn sẽ được tạo lập. Ở đó, không phải làm gì cả.

Con người không cần phải làm gì cả để có được hạnh phúc. Người ta chỉ việc đi và sống. Chỉ đơn giản như vậy thôi.

Vấn đề được đặt ra là: “Có phải mỗi người đều phải trải qua quá trình chiêm nghiệm về sự cô đơn trước khi thiết lập một mối quan hệ mới?”. Chắc chắn phải như vậy. Đó là một quy luật. Cho dù nó có thể làm bạn thấy nản lòng nhưng với tình yêu tự nhiên tuôn chảy trong huyết quản, bạn sẽ làm được điều gì đó còn cao hơn cả tình yêu.

Bí mật của hạnh phúc thực sự chỉ có vậy thôi ư?

Cuộc sống của tôi dường như vô nghĩa và trống rỗng. Tôi luôn nghĩ rằng đáng lẽ phải có gì đó nữa. Tôi muốn phải có thêm gì đó nữa.

Chính lòng ham muốn của bạn là rào chắn khiến bạn không có được nhiều thứ bạn đang khao khát. Ham muốn giống như một bức tường vây quanh bạn, còn từ bỏ ước muốn lại chính là cánh cửa.

Đây là một trong những nghịch lý phổ quát của cuộc đời: Khi ham muốn bạn sẽ bỏ lỡ, còn khi không ước vọng thì bạn sẽ có nó.

Jesus nói: Hãy tìm đi rồi con sẽ gặp. Đức Phật nói: Khi tìm kiếm con sẽ bỏ lỡ. Jesus nói: Hãy ước mong và con sẽ có nó. Phật nói: Khi cầu mong con sẽ không có nó. Jesus nói: Hãy gõ đi và cửa sẽ mở. Phật nói: Hãy chờ đợi và hãy nhìn, cửa không hề đóng. Nếu con gõ thật ra con đang gõ lên đâu đó trên tường bởi vì cửa luôn mở.

Jesus và Phật đều là những bậc sáng suốt, bởi vì những chân lý của họ đều chất chứa một ánh sáng nội tâm siêu việt. Thế thì tại sao lại có sự khác biệt? Sự khác biệt xuất phát từ người mà Jesus trò chuyện. Ngài đang nói chuyện với những người chưa được khai tâm, vẫn còn chưa hiểu nỗi khổ của cuộc sống. Đức Phật lại đang nói với một nhóm người hoàn toàn khác – những bậc trí giả thấu hiểu mọi nghịch lý huyền nhiệm của đời.

Trích Hạnh phúc tại tâm

 


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 4, 20/11/2024