Góc nhìn của người thông thái Kỳ 1: Cuộc sống luôn tồn tại quyền lựa chọn mà chúng ta vẫn gọi là hy vọng

13/02/2020 08:00
Góc nhìn của người thông thái Kỳ 1: Cuộc sống luôn tồn tại quyền lựa chọn mà chúng ta vẫn gọi là hy vọng

Không được trang bị cây đũa thần, nhưng cô có một tấm lòng bác ái cùng với khả năng sáng tạo vô bờ. Cô đã chạm đến những người vô gia cư, không phải ở đầu óc của họ, mà ở chính lòng tự trọng.

 

“Ông có khiếu hài hước không?”

“Tất nhiên rồi!”

“Tôi sẽ kể cho ông một nửa câu chuyện cười với giá năm xu.”

“Một nửa câu chuyện cười ư?”

“Vâng. Và với hai mươi xu tiếp theo, ông sẽ biết được điểm nút của câu chuyện.”

“Nếu tôi không muốn biết điểm nút thì sao?”

“Tùy ông thôi. Ông cứ thử một lần xem sao, đưa cho tôi năm xu, có đáng gì đâu nào.”

Cuộc sống luôn tồn tại quyền lựa chọn mà chúng ta vẫn gọi là hy vọng (kỳ 1) - 1

Cứ mỗi lần đi dạo trong cái công viên nhỏ xíu này tôi lại bắt gặp những bàn tay chìa ra xin bố thí từ những người vô gia cư với vẻ mệt mỏi khốn cùng. Đó là một mặt trái của đời sống đô thị, những người dùng khoảng không gian xanh này của thành phố để vừa làm nhà ở, vừa là nơi làm ăn, vừa là câu lạc bộ xã hội, lại vừa là nhà vệ sinh. Những người “ngay đến chó cũng chê”, như họ tự nhận, thường lí nhí xin bố thí một khoản tiền nhỏ, đôi khi chỉ cần đủ cho một ly cà phê. Vậy nên băng qua công viên này giống như bạn đang đi qua một cây cầu có thu phí vô hình. Tôi trả phí, và đôi khi nhận được lời chúc phúc chân tình cho số tiền nhỏ nhoi ấy: “Cầu Chúa ban phước lành, người anh em!”.

Đó không phải một khoảnh khắc vui vẻ, mà là một quá trình xin cho phiền toái. Và tôi cũng biết rằng mình có thể chọn cách đi dạo ở khu vực gần đó, mà không vào công viên.

Vâng, họ ở đó, tôi biết. Còn tôi thì có tiền, và họ biết điều đó. Chúng tôi chỉ làm những việc cần làm trong một thế giới vốn có nhiều bất công. Dù những người hiện thân cho sự sa cơ, thất thế có đang làm gì đi chăng nữa, chúng ta vẫn phải chấp nhận một mối ràng buộc không thể tránh được giữa người với người. Khi một bàn tay chìa ra, tôi không thể ngó lơ hay nói với họ rằng tôi vừa đóng tiền cho một vài tổ chức hay vừa bỏ phiếu ủng hộ cho một vài điều luật và như thế là đã quá đủ với tôi. Vì tôi biết mọi việc không thể giải quyết theo cách đó.

Cuộc sống luôn tồn tại quyền lựa chọn mà chúng ta vẫn gọi là hy vọng (kỳ 1) - 2

Quay trở lại với người đàn ông đề nghị kể một nửa câu chuyện cười trong công viên. Tôi đã đưa cho ông ta năm xu, và được nghe một câu chuyện tào lao về một người Do Thái, một nữ tu sĩ, một con heo và một con gà trong một buồng điện thoại. Một câu chuyện cười tục tĩu. Nhưng ông ta kể quá hay, đến nỗi tôi đã trả cho ông ta hẳn năm đô-la để được nghe điểm nút. Đó là một món hời.

Tôi đã cười gần như suốt cả buổi chiều hôm đó mỗi khi nghĩ về câu chuyện. Sau đó tôi còn giới thiệu cho một vài người bạn đến công viên để kiểm chứng lại. Tôi không thể cho họ biết nửa câu chuyện cười hay một điểm nút một cách miễn phí được.

Ngày hôm sau tôi được biết về một chương trình tạp kỹ nhỏ, giờ đã trở thành một phần không thể thiếu của đời sống trong cái công viên nhỏ này. Một nữ phục vụ bàn trong một quán cà phê gần đấy, người mỗi ngày đều ra công viên hút thuốc vào giờ giải lao, đã kết thân với rất nhiều những người vô gia cư. Thực sự là cô ấy đã trò chuyện với họ.

Đối với cô, họ cũng là những con người như bao người khác. Cô động viên họ hãy sáng tạo hơn với nghề ăn xin. Như thế họ có thể kiếm được gấp đôi cho cùng một nỗ lực và còn có thêm niềm vui nữa. Tại sao lại không cơ chứ? Họ có mất gì đâu nào?

Đó cũng là lời biện hộ cho Ngài - một - nửa - câu - chuyện - cười.

Các lời mời chào cầu may có thể là một vài bài thơ ngắn, một ca khúc, một lời khuyên, một lời chỉ đường, một lời bào chữa, một ván bài, hay một quẻ bói nhanh. Có một anh chàng đã đưa ra lời mời chào rằng: “Cười đùa cùng bạn hay cười vào mặt bạn với giá hai mươi lăm xu”. Thế rồi mọi người bỗng nhiên bị thu hút bởi công viên này - nơi mà trước đây họ từng xa lánh. Tình trạng này có thể không kéo dài, nhưng tại thời điểm này, nơi đây chẳng khác gì một mùa xuân rực nắng.

Người nữ phục vụ bàn đó chính là một bà tiên nhân hậu. Không được trang bị cây đũa thần nào, nhưng cô có một tấm lòng bác ái cùng với khả năng sáng tạo vô bờ. Cô đã chạm đến những người vô gia cư, không phải ở đầu óc của họ, mà ở chính lòng tự trọng.

Cuộc sống luôn tồn tại quyền lựa chọn mà chúng ta vẫn gọi là hy vọng (kỳ 1) - 3

Không trao cho họ những quả bí ngô hay những đôi giày trong câu chuyện Cô bé lọ lem, nhưng cô cho họ ý tưởng để đạt được những thứ ấy. Không thể giúp họ giải quyết tận gốc từng khó khăn, nhưng cô đã giúp họ giải quyết được vấn đề chạy ăn từng bữa.

Cô thúc giục họ tự bắt cá thay vì chìa tay xin bố thí đống xương cá.

Cô giúp họ nhận thức được phần nào của sự thật rằng cuộc sống luôn tồn tại những quyền lựa chọn, mà chúng ta vẫn gọi là hy vọng.

Theo “Góc nhìn của người thông thái”


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 19/03/2024