Giới trẻ Hàn Quốc tìm đến nhà tù để trốn căng thẳng

27/11/2018 09:33
Giới trẻ Hàn Quốc tìm đến nhà tù để trốn căng thẳng

Đối với hầu hết mọi người, nhà tù là nơi phải tránh xa. Nhưng một số người Hàn Quốc lại tìm đến đây nhằm có khoảng thời gian nghỉ ngơi trong cuộc sống căng thẳng.

Kể từ năm 2013 đến nay, cơ sở nhà tù giả tại thành phố Hongcheon (tỉnh Gangwon) đã đón hơn 2.000 “tù nhân”. Phần lớn là người chịu nhiều áp lực học hành hoặc lao động.

Park Hye-ri, một nhân viên văn phòng 28 tuổi trả 90 USD cho một ngày trong nhà tù giả, chia sẻ: “Nơi này mang lại cho tôi cảm giác tự do. Với lượng công việc phải làm thì đáng lẽ tôi không nên có mặt ở đây. Nhưng tôi quyết định tạm dừng lại và nhìn lại bản thân”.

Một “tù nhân” đi về phòng giam của mình - Ảnh: Reuters

Quy định của nhà tù giả cũng rất nghiêm ngặt: “tù nhân” không giao tiếp với nhau, không sử dụng đồng hồ hay điện thoại.

Khách hàng của cơ sở được phát một bộ đồng phục màu xanh, thảm tập yoga, bộ uống trà, bút và sổ ghi chép. Họ ngủ trên sàn phòng giam, trong phòng có một khu vệ sinh nhỏ nhưng không có gương. Thực đơn bao gồm cháo cho bữa sáng, bữa tối có khoai lang với chuối.

Mọi người cùng đi dạo bên ngoài - Ảnh: Reuters
Phần lớn khách hàng của cơ sở nhà tù giả là người bị áp lực học tập hoặc làm việc - Ảnh: Reuters
Kể từ năm 2013 đến nay, cơ sở nhà tù giả đón hơn 2.000 “tù nhân” - Ảnh: Reuters

Noh Ji-Hyang, một trong những người sáng lập cơ sở nhà tù giả, cho biết đây là ý tưởng của chồng bà. Ông là một công tố viên có thời gian làm việc lên đến 100 tiếng/ tuần.

Theo bà Nok, một số khách hàng thấy e ngại khi trả tiền để ngồi tù. Tuy vậy, sau khi trải nghiệm thì họ cho rằng cuộc sống mà họ phải trở về mới là trại giam thực sự.

Sau khi trải nghiệm, nhiều người cho rằng cuộc sống mà họ sắp phải trở về mới là nhà tự thực sự - Ảnh: Reuters

Suy thoái kinh tế khiến cạnh tranh trong môi trường học tập lẫn lao động ở Hàn Quốc gay gắt hơn, qua đó làm tăng tỷ lệ bị căng thẳng và tự tử. Trong số 36 thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) thì quốc gia Đông Bắc Á đứng thứ ba về số giờ làm việc trung bình năm 2017 (2.024 tiếng).

Trong nỗ lực giúp người dân làm việc ít hơn nhưng nhận lương cao hơn, chính quyền Seoul đã nâng mức lương tối thiểu đồng thời giảm số giờ lao động tối đa/ tuần. Vài nhà kinh tế cảnh báo biện pháp này có thể phản tác dụng.

Cẩm Bình (theo Reuters)


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 02/11/2024