Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn: Sống an vui

GS Nguyễn Lân Dũng18/12/2018 13:27
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn: Sống an vui

Có hai lối sống, sống cho bản thân và sống vì người khác. Khi có thể làm phát sinh nhiều suy nghĩ tích cực trong tâm thì chúng ta sẽ hạnh phúc hơn.

LTS: Tuần này, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng tiếp tục gửi đến bài viết 'Sống an vui'. Đây là những trải nghiệm, ghi chép lại của chính Giáo sư, qua đó Giáo sư mong muốn được truyền tải đến đông đảo quý độc giả.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả.

Tôn sư Khangser Rinpoche có tên nghĩa là ngôi nhà vàng. Ngài sinh năm 1975, là giảng sư dạy triết lý Phật học tại Viện Phật học Tây Tạng Sera Jey. Ngài cũng giảng dạy trong các tu viện, các trung tâm Phật giáo ở Ấn Độ và Nepal.

Ngoài ra, Tôn sư còn giảng dạy cho nhiều tầng lớp dân chúng ở Ấn Độ, Nepal, Việt Nam, Đài Loan, Hàn Quốc, Tây Tạng, Hoa Kỳ…

Tôn sư Khangser Rinpoche (Ảnh: tác giả cung cấp).

Cuốn “Sống an vui” bản tiếng Việt do Nhà xuất bản Hồng Đức và First News phát hành với bản dịch của Trần Gia Phong.

Cuốn sách “Sống an vui” 

- Trong cuộc đời điều quan trọng trước tiên là chúng ta phải biết mình nên sống như thế nào?

- Trước hết, dù làm gì trong cuộc sống bạn cũng cần có động lực. Thiếu động lực ta không thể tiến lên phía trước.

- Có hai lối sống, sống cho bản thân và sống vì người khác. Khi có thể làm phát sinh nhiều suy nghĩ tích cực trong tâm thì chúng ta sẽ hạnh phúc hơn.

- Hạnh phúc và đau khổ là những cảm xúc rất lạ. Niềm vui khi đạt được điều bạn mong muốn và nỗi đau khổ vì mất chúng, cảm xúc nào hiện diện lâu hơn? Nỗi đau khổ tồn tại lâu hơn.

- Do bị tác động bởi hoàn cảnh và môi trường xung quanh, nhiều người trở nên rất căng thẳng và dễ nổi giận. Từ đó họ dễ trở thành người nóng tính. Kỷ luật và nhẫn nhục là những đức tính rất quan trọng trong cuộc sống.

- Khát vọng có thể được thoả mãn nhưng hoàn toàn không thể thoả mãn lòng tham. Khát vọng là yếu tố then chốt đưa đến thành công chứ không phải lòng tham. Lòng tham khiến bạn mù quáng, còn khát vọng không khiến bạn mù quáng.

Một nguyên nhân khiến lòng tham phát sinh là ta không cảm nhận được giá trị của những gì mình đang sở hữu. Ta chỉ nhìn vào những người đang sở hữu những thứ mình không có, mà không nhìn vào những người không thể có những gì mình đang sở hữu.

- Đôi khi chúng ta không nhớ mình đã và đang may mắn ra sao. Nếu có thể nhìn thấy những khó khăn mà người khác phải đối mặt thì bạn sẽ thấy cuộc đời mình thật sự là một ân phước.

- Cố gắng làm việc để kiếm được nhiều tiền hơn là một điều tốt. Tuy nhiên bạn phải suy nghĩ mình sẽ sử dụng số tiền đó như thế nào? Khi chi tiêu cho bản thân ít lại, đóng góp cho gia đình nhiều hơn thì không phải là tham, mà là một cách sống đầy ý nghĩa.

- Bạn chỉ nên động viên con mình cố gắng đạt điểm tốt nhất trong khả năng của các cháu, đừng yêu cầu các cháu phải đạt điểm cao nhất ở trường. Đừng khuyên con mình phải vượt qua đứa trẻ này hay đứa trẻ khác. Nếu làm như vậy thì bạn bè sẽ trở thành mục tiêu ganh đua của các con bạn, và những vấn đề rắc rối khác sẽ phát sinh.

- Dù bạn làm bất cứ điều gì, hãy làm thật đúng đắn và chỉn chu, đừng kỳ vọng quá mức vào kết quả. Nếu bạn kỳ vọng quá cao thì dù có được kết quả tốt, bạn sẽ cảm thấy không mấy hạnh phúc.

- Khi bạn có xích mích với ai đó, thường thì bạn và người đó sẽ không nói chuyện với nhau nữa. Khi đó sẽ nảy sinh nhiều sự hiểu lầm hơn, mối quan hệ với người kia trở nên tồi tệ hơn.

- Dù bạn làm gì hay quyết định một điều gì, trước hết bạn phải có cái nhìn toàn cảnh trong tâm. Đừng làm chỉ để thoả mãn cơn giận hay bản ngã. Khi làm gì mà bạn cũng thấy mình đúng thì điều đó giống như bạn đang ăn thức ăn nhiễm độc.

- Khi phiền não phát sinh trong tâm trước hết bạn hãy tự hỏi bản thân vì sao phải sống khổ như thế? Tâm bạn phải tỉnh táo hơn, phải chủ động hơn trong việc áp dụng các biện pháp loại bỏ phiền não. Bạn phải nuôi dưỡng tư tưởng tích cực thì nó mới có thể tăng trưởng.

- Chúng ta đã được sinh ra làm người, và ngay từ khi chào đời ta đã có quyền được sống hạnh phúc. Mục đích và ý nghĩa cuộc đời là sống hạnh phúc.

- Khi quá tập trung vào bản thân bạn sẽ không thấy những gì bạn đã đạt được và đang sở hữu. Bạn chỉ thấy những gì mình đã đánh mất và hiện không có. Nếu không nhìn nhận một cách đúng đắn thì căng thẳng sẽ trỗi dậy trong tâm.

- Đôi khi chúng ta không thể giữ cân bằng cảm xúc của bản thân, điều này khiến tâm ta căng thẳng, lo âu và làm cho nhiều vấn đề khác nảy sinh.

- Khi đối mặt với căng thẳng, trước hết bạn phải biết cách đánh lạc hướng tâm mình ra khỏi đối tượng gây căng thẳng. Buông bỏ những suy nghĩ không cần thiết là điều quan trọng.

- Mỗi khi có chuyện rắc rối xảy ra, trước hết bạn phải suy nghĩ xem bản thân có thể giải quyết được vấn đề đó hay không? Nếu có thể giải quyết được thì không cần phải lo lắng. Nếu bạn không thể giải quyết được thì lo lắng để làm gì? Khi có thể thay đổi cách nhìn nhận vấn đề, bạn sẽ có thể giảm thiểu căng thẳng và áp lực.

- Nếu có hy vọng thì bạn sẽ tự tin, nếu tự tin thì bạn sẽ dễ dàng đương đầu với thử thách.

- Khi thất bại bạn luôn tự hỏi “Tại sao tôi phải chịu thất bại?”, nhưng khi khi thành công không bao giờ bạn hỏi “Sao tôi lại thành công?”. Mỗi khi gặp khó khăn bạn đừng bao giờ so sánh bản thân với người khác. Đôi khi chúng ta thật sự quên mình đã may mắn ra sao. Chúng ta quên vì ta so sánh bản thân với người khác quá nhiều.

- Khi phiền não phát sinh trong tâm, chúng cũng đồng thời tạo ra nhiều năng lượng tiêu cực trong cơ thể chúng ta. Năng lượng tiêu cực này sau đó sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ thể chất.

- Khi bạn cảm thấy cơ thể bị mỏi mệt bạn có thể chùng vai xuống. Động tác này cũng có thể có tác động thư giãn cho các tế bào trong cơ thể. Khi hít vào bạn hãy hít vào thật sâu và nghĩ rằng có luồng ánh sáng trắng theo hơi thở đi vào cơ thể bạn và ánh sáng trắng đó lan toả khắp cơ thể bạn.

Khi bạn thở ra hãy nghĩ rằng tất cả năng lượng tiêu cực trong cơ thể đi ra ngoài theo hơi thở dưới dạng ánh sáng đen. Bạn hãy dành 30 phút mỗi ngày để thực hành thở theo cách này.

- Nếu có lúc nào bạn bị khó ngủ thì hãy thực hành tập trung vào hơi thở, bởi nếu trong tâm bạn chất chứa quá nhiều suy nghĩ thì bạn sẽ khó ngủ.

- Để hỗ trợ các cơ quan nội tạng trước lúc ăn sáng bạn nên tập như sau: Đặt hai tay lên đùi, lòng bàn tay hướng lên trên. Ngón trỏ và ngón út duỗi thẳng. Ngón giữa và ngón áp út co lại. Ngón cái chạm lên trên hai ngón này. Hít vào sâu và phồng bụng lên, giữ một lúc rồi thở ra nhẹ nhàng và làm bụng xẹp xuống. Nếu tập sau bữa ăn thì phải đợi sau ít nhất một giờ rưỡi.

- Khi thấy đứa trẻ cầm cốc nước nóng, không nên nói “Đừng làm vỡ cốc”, mà hãy nói “Hãy cầm cốc nước cẩn thận”. Ý nghĩa gần như nhau nhưng để lại dấu ấn rất khác nhau trong tâm đứa trẻ. Với bạn bè cũng vậy, không nói “Đừng làm như vậy” mà chỉ khuyên anh ta “Hãy cẩn thận”. Khi anh ta nói, bạn phải thật tâm lắng nghe với thái độ hào hứng và có thể đặt câu hỏi về những gì anh ta đang chia sẻ.

- Cân bằng có nghĩa là bạn làm việc đúng đắn để được thăng tiến, nhưng đừng nghĩ rằng chỉ có thăng tiến mới có thể mang lại hạnh phúc. Khi bạn nghĩ rằng thăng tiến là tất cả bạn sẽ bỏ lỡ rất nhiều thứ quan trọng khác trong cuộc sống.

- Chúng ta được sinh ra đời cùng với tình thương chứ không phải với nỗi sợ hãi. Khi nỗi sợ phát sinh trong tâm thì nó khiến bạn rất trì trệ và đau khổ. Nhiều nỗi sợ thường phát sinh trong tâm những người sợ thất bại, sợ quyết định sai, sợ những điều bất trắc, sợ ốm, sợ chết…

Khi mới sinh ra đời đứa trẻ không hề có nỗi sợ nào cả. Nỗi sợ chỉ phát sinh trong thời gian dài sau đó. Khi bạn dần trưởng thành, người khác đặt vào tâm bạn nhiều nỗi sợ và dần dần bạn bắt đầu sợ hãi thật sự.

- Nguyên nhân thứ nhất của sợ hãi là những sợ hãi không cần thiết. Quá bám chấp vào điều gì đó là một nguyên nhân gây ra sợ hãi. Nguyên nhân thứ hai là thiếu hiểu biết về thực tại, ví dụ tin vào lời đồn về ngày tận thế chẳng hạn.

- Mỗi khi có một nỗi sợ nảy sinh trong tâm, bạn cần nghĩ rằng: “Tôi sẽ chấp nhận bất cứ chuyện gì sẽ xảy ra, bất cứ hệ quả nào sẽ đến”. Chúng ta thường sợ vì nghĩ đến kết quả, và điều đó khiến ta càng sợ hãi hơn.

Khi bạn truy tìm nỗi sợ, cảm giác sợ hãi sẽ dần tan biến. Khi tin tưởng mãnh liệt từ con tim là mình chắc chắn có thể làm được, bạn sẽ dần dần vượt qua nỗi sợ thất bại trong cuộc sống.

Chỉ bạn mới có thể gửi hai thông điệp “Tôi có thể làm được” và “Tôi sẽ chấp nhận tất cả” vào tâm mình. Không ai khác có thể làm được.

- Nỗi sợ trong tâm khiến ta nổi giận và cơn giận càng khiến ta sợ hãi hơn. Giận dữ hoàn toàn không phải là biểu hiện của sức mạnh. Khi bạn kỳ vọng vào một điều gì đó và chúng không diễn ra theo ý bạn thì bạn sẽ nổi giận. Nguyên nhân thứ hai là bị người khác làm tổn thương qua hành động hay lời nói. Nguyên nhân thứ ba là sự kích hoạt từ bên ngoài.

- Càng cố đè nén cơn giận thì bạn sẽ càng đau khổ. Trước hết bạn phải nhận ra mình đang nổi giận. Để làm được điều này bạn phải luôn tỉnh thức về diễn biến trong tâm mình. Hãy tiến hành đếm hơi thở. Hít vào đếm Một, thở ra đếm Hai…đếm đến 10 hay 20, cơn giận sẽ nguôi ngoai.

Bạn cố gắng chuyển tâm mình ra khỏi những sự việc không vui, những lời lẽ nặng nề, đánh lạc hướng tâm mình bằng cách đếm hơi thở.

- Hễ ai ôm lòng oán giận thi người đó sẽ không thể có hạnh phúc. Cơn giận nhất thời là cơn điên nhất thời. Cơn giận không chỉ ảnh hưởng đến bạn mà còn tác động đến gia đình bạn.

- Tâm an lạc là một yếu tố quan trọng đối với sức khoẻ thể chất của con người. Tâm an lạc cũng giúp chúng ta xử lý cơn giận. Mỗi ngày bạn chỉ cần dành khoảng 5 phút để nghĩ về lòng từ bi.

Trong cõi này hàng triệu người còn đang trong cảnh đói khát. Hãy nghĩ về những hoàn cảnh đó và cố gắng phát khởi lòng từ bi đối với họ. Khi đó bạn sẽ nhận ra mình may mắn đến mức nào. Bạn cũng có thể nghĩ về những người chịu hậu quả từ thiên tai. Bạn hãy nghĩ về những tình cảnh này và cố gắng phát khởi và nuôi dưỡng lòng từ bi.

- Trong cuộc sống có rất nhiều người không muốn hợp tác với ta, nhưng ít nhất ta phải cố gắng hợp tác với cảm xúc của chính mình. Đây là điều rất quan trọng. Chúng ta phải thực hành giảm bớt oán giận từ trong tâm chứ không dùng ngoại cảnh để chế ngự cơn giận.

- Bạn có thể tỏ thái độ cương quyết, nói những lời gay gắt, nhưng trong tâm thì vẫn thư thái, an lạc, không nổi giận. Khi trong tâm nổi giận thì ta không làm chủ được lời nói, bạn sẽ thốt ra những lời không cần thiết. Nói những lời cương quyết, mạnh mẽ với mục đích muốn công việc tốt hơn thì không có gì sai.

- Nếu không kiểm soát tốt căng thẳng trong tâm thì bạn không thể làm việc tốt và không thể làm việc với niềm hăng say. Hạnh phúc xuất phát từ nội tâm chứ không đến từ ngoại cảnh. Chuyển đổi tâm tính sẽ giúp bạn thay đổi cuộc đời của chính mình và những người xung quanh bạn.


Gửi bình luận
(0) Bình luận