EQ chỉ năng lực kiểm soát cảm xúc của một người, trong giao tiếp giữa các cá nhân, muốn phán đoán EQ của một người cao tới đâu, cứ nhìn cách họ xử lý khi gặp chuyện là thấu.
Người có EQ cao đều làm được 3 điều này.
Có rất nhiều người hay giơ cái khẩu hiệu "thẳng tính, dám nghĩ dám nói" để xem cái sự vô duyên của mình là cá tính.
Rất nhiều khi, hành vi "có gì nói nấy" của bạn hoàn toàn không cho thấy được sự "khôn khéo" của bản thân, mà ngược lại còn khiến người khác thấy được rằng bạn là một người có EQ thấp.
Khi Stephen William Hawking qua đời, một diễn viên của một chương trình Talkshow đã đăng lên trang cá nhân của mình rằng: (vẻ mặt) Không muốn leo Trường Thành nhưng buộc phải leo… rồi đính kèm là bức ảnh Hawking đang ngồi xe lăn.
Ý của người diễn viên này là trạng thái hiện tại của anh ta cũng giống như Hawking, muốn ngồi lên xe lăn luôn vậy.
Bức ảnh mà người diễn viên dùng để "minh họa" tâm trạng của mình
Nhưng Hawking lại mắc chứng bệnh xơ cứng teo cơ (ALS) từ năm 21 tuổi, khiến ông phải sống trong trạng thái liệt toàn thân và phải ngồi xe lăn trong phần lớn cuộc đời còn lại của mình.
Bất kể là vô tình gây cười hay cố ý trào phúng, hành động này của người diễn viên đó cũng chính là biểu hiện của một người có EQ vô cùng thấp. Động tới lòng tự tôn, động tới cái mà người khác bị thiếu sót, không những làm tổn thương tới họ mà còn cho thấy được cả sự vô tri của bản thân.
B. là một diễn viên hài, trong một chương trình truyền hình thực tế, anh chia sẻ rằng sau khi nổi tiếng, không muốn về quê, bởi lẽ người ở làng thường xuyên nói này nói nọ anh, luôn chê cười anh trước đây chỉ là một nhân viên phục vụ hay bảo vệ. Những người đó khi B. khó khăn, không hề ra tay tương trợ, giờ lại cố tình chê cười, nhạo bang người khác.
Năm xưa, vì không có đủ tiền để đi học mà B. đã phải bỏ học, một mình lên thành phố kiếm việc làm, anh từng phải làm qua rất nhiều việc, cũng từng phải chịu rất nhiều tủi nhục.
Ngày còn làm nhân viên phục vụ, vì nhầm lẫn tính thêm cho khách 2 chai bia thôi mà bị khách mắng tới tận 3 tiếng đồng hồ, anh xin lỗi, nhưng khách vẫn không để yên, cuối cùng phải chịu hộ khách tiền bữa ăn hôm đó thì họ mới để yên.
Nếu không có sư phụ của mình, không biết bao giờ anh mới có được ngày hôm nay. Anh từng bước từng bước thông qua chính nỗ lực của mình để trở thành một diễn viên hài được nhiều người yêu thích như hiện tại.
Tự mình nỗ lực trở nên thành công, không những không có được sự tôn trọng, ngược lại còn bị nhiều người vô duyên nói nọ nói kia. Những người vô duyên không bao giờ để ý tới cảm nhận của người khác. Nhiều khi, vì muốn hạ bệ người khác, họ luôn tỏ ra ta đây hơn người, không bao giờ chịu suy nghĩ tới hậu quả, tùy tiện nói ra những lời nói ác ý.
Người xưa nói: "Đánh người không đánh vào mặt, mắng người không động tới tự tôn."
Người có EQ cao trước giờ không động tới "khuyết điểm" hay tự tôn của người khác, bởi lẽ họ biết làm như vậy là đang vô hình làm tổn thương tới người khác.
Nhớ kĩ: làm người, phải giữ lại 3 phần thể diện, ngày sau gặp lại mới không ngượng ngùng.
Trong một bộ phim truyền hình nọ, nhân vật K vô tình bắt gặp chồng của cô bạn thân ôm một người phụ nữ khác ở trung tâm thương mại. K. chụp lại được hình, định nói với cô bạn. Nhưng cô bạn thân lúc này lại đang mang thai, trong điện thoại, K. không nỡ nói, chỉ bóng gió nhắc nhở cô bạn rồi xóa bức hình đi.
Về phía người bạn, cô thực ra đã sớm đã biết chuyện chồng mình ngoại tình, ngày con trai ra đời, cô thậm chí còn xua đuổi ra mặt cô tiểu tam giả vờ tới thăm mình.
Dù cô bạn có ly hôn với chồng hay lựa chọn tha thứ thì đó cũng là lựa chọn của cô ấy.
Chúng ta không nên tùy tiện đi đánh giá cuộc sống của người khác, cũng không thể nào can thiệp được vào cuộc sống của họ.
Đừng tự cho mình thông minh, tùy tiện đi tiết lộ bí mật của người khác, vừa giữ được tự tôn cho họ, vừa giữ được sự tín nhiệm mà họ dành cho ta.
Có một cậu bé có gia cảnh rất nghèo, cậu không mua nổi quyển vở để làm bài tập, nhưng lại sợ bị bạn học chê cười nên đã tới xin sự giúp đỡ từ thầy giáo.
Cậu bí mật đưa cho thầy một cây bút chì rồi nói: "Thưa thầy, sau này thầy dùng cây bút chì này để chấm bài tập cho em nhé, vở làm bài tập em đã dùng hết rồi, sau khi thầy chấm bài xong, em sẽ dùng tẩy để tẩy đi, vậy nó sẽ như mới."
Vài tháng sau đó, thầy giáo và cậu bé cùng nhau giữ cái bí mật này. Cho tới sinh nhật của cậu bé, thầy giáo đã mua tặng cậu 100 quyển vở. Thầy giáo nói, đây là phần thưởng cho kết quả học tập rất tốt của cậu.
Con trẻ nói với chúng ta bí mật, đối với chúng ta mà nói, đó chính là một món quà. Khi chúng ta giữ bí mật đó, đối với con trẻ mà nói, nó quý giá hơn bất kì thứ gì, bởi đó chính là sự tin tưởng.
100 cuốn vở, không chỉ là một cách để bảo vệ lòng tự tôn của cậu bé, mà còn là sự khẳng định tinh thần nỗ lực của cậu học trò, khiến cậu bé tự tin và lạc quan hơn với con đường học hành tương lai.
Nhà tâm lý học, triết gia người Đức, Karl Theodor Jaspers từng nói: "Quá trình giáo dục trước tiên là quá trình trưởng thành về mặt tinh thần, rồi mới trở thành một phần của quá trình tiếp nhận khoa học."
Sự thỏa mãn, đầy đủ về mặt tinh thần của con trẻ quan trọng hơn bất cứ tri thức nào trong sách giáo khoa.
Thay một đứa trẻ giữ bí mật là việc mà bất cứ người lớn nào cũng có thể làm, trong lòng đứa trẻ, đó là sự bảo vệ và khích lệ không gì sánh bằng.
Người có EQ cao là người giữ được cái miệng của mình, giống như nắp bình vậy, không nhiều lời, đó là sự tin tưởng, là chất xúc tác khiến mối quan hệ giữa đôi bên càng trở nên khăng khít hơn, yêu mến nhau hơn.
"Giữ lời" là giữ sự tín nhiệm, là giữ cả cái tâm.
Trong giao tiếp với người khác, điều quan trọng nhất chính là tôn trọng đối phương, giữ bí mật cho đối phương, thứ tình cảm như vậy mới có thể đi được đường dài.
Chu Đệ khi vẫn còn là "Yên vương", đã từng cùng con trai của Lưu Bá Ôn là Lưu Hạo đánh cờ, trước mắt đã sắp thua, muốn Lưu Hạo nhường mình vài bước. Lưu Hạo không muốn, vì vậy mà Chu Đệ đã thua.
Sau khi Chu Đệ đăng cơ, Lưu Hạo lại đứng về phía Minh Huệ Đế. Chu Đệ triệu kiến Lưu Hạo, dù có nói mình bị bệnh thì Lưu Hạo vẫn bị triệu vào cung. Sau khi gặp Chu Đệ, Lưu Hạo nói: "Điện hạ bách thế hậu, đào bất đắc nhất cá "soán" tự." (ý muốn nói, tiếng tăm của điện hạ sau này sẽ không tách ra được khỏi từ "soán ngôi")
Chu Đệ nhất thời tức giận ra lệnh nhốt Lưu Hạo vào ngục, Lưu Hạo không chịu khuất phục, tự sát trong ngục.
Chỉ vì hẹp hòi, tính toán, không chịu chấp nhận và tán thưởng sự ưu tú của người khác mà Chu Đệ mất đi một cấp dưới có thể là cánh tay đắc lực của mình. Trong cuộc sống, thua một ván cờ là lập tức đố kị người khác. Trên chiến trường chính trị, thắng được chính quyền là không dung được người tài.
Tán thưởng sự ưu tú của người khác là một loại trí tuệ, bởi lẽ họ giống như một tấm gương, khích lệ và thúc đẩy chúng ta tiến bộ.
Người có EQ cao luôn có thể hạ thấp cái tôi, cái tư thái của mình xuống, đặt mình đằng sau người tài giỏi hơn mình, rồi đi tán thưởng và học hỏi từ họ.
Trong tâm lý học có một nguyên lý gọi là "nguyên lý tảng băng trôi", theo đó thì nhân cách của một người cũng giống như tảng băng trôi trên mặt nước vậy, phần băng lộ trên mặt nước thực ra chỉ là một góc nhỏ của cả một tảng băng lớn.
Thứ thực sự quyết định hành vi và sự phát triển của một người, vừa hay chính là 7/8 diện tích miếng băng chìm ở phía dưới.
EQ cao của một người cũng tiềm ẩn dưới phần không nhìn thấy đó.
Người có EQ cao không kiêu ngạo, ra vẻ, họ luôn đem lại cho người khác cảm giác thoải mái khi ở bên.
Người có EQ cao, họ luôn nghĩ cho cảm xúc của người khác. Họ biết cách giữ thể diện cho người khác, thắng được đường lui cho mình. Họ không bóc trần bí mật của người khác, giữ lại lòng tự tôn cho họ, thắng được lòng tin. Họ không đố kị với sự giỏi giang của người khác, tán thưởng họ, hai bên đều là người thắng cuộc.
Cha đẻ của "trí tuệ cảm xúc", Daniel Goleman từng nói: "Người có IQ cao, EQ cũng cao, thuận buồm xuôi gió; IQ không cao, EQ cũng không cao, nhất sự bất thành."
IQ cao có thể giúp bạn đi nhanh, EQ cao mới giúp bạn đi được xa.
Theo Trí Thức Trẻ