Đặt mình vào hoàn cảnh người khác: Từ bỏ một chút lợi ích, chịu một chút thua thiệt để "giàu bền vững"

16/01/2020 09:00
Đặt mình vào hoàn cảnh người khác: Từ bỏ một chút lợi ích, chịu một chút thua thiệt để "giàu bền vững"

Cảnh giới cao nhất của sự tu dưỡng mà mỗi người có thể đạt được chính là tấm lòng lương thiện được bồi đắp từ việc biết đặt bản thân mình vào vị trí của người khác, biết cảm thông cho người khác và yêu thương thêm thế giới này.

01

Tại nơi làm việc cũ của tôi, mỗi dịp năm hết tết đến, công ty sẽ cử người đi thăm hỏi những hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bộ phận của tôi phụ trách việc chuẩn bị quà tặng cho các gia đình đó. Và cứ mỗi lần như vậy, sếp lại dặn dò chúng tôi một câu quen thuộc rằng: "Đừng mua những thứ đồ bổ dưỡng đắt tiền, mà hãy mua nhiều gạo, dầu, … Đó mới là những thứ mà họ cần nhất cho mỗi cái Tết. Những thứ đồ kia, e là quý giá quá, họ để dành làm quà biếu chứ bản thân lại không nỡ ăn."

Ban đầu, tôi cũng không quá chú trọng vào điều này, cho tới khi được tận mắt chứng kiến hoàn cảnh của những hộ đó, mới hiểu những thứ họ thực sự cần chính là những thứ thiết thực mà sếp đã dặn chúng tôi chuẩn bị. Không cần cầu kỳ phức tạp, chỉ cần cho họ những bữa cơm ấm áp và một bộ áo ấm để mặc mỗi dịp xuân về là đủ. Tấm lòng yêu thương và sự tinh tế của sếp thực sự làm tôi phải ngả mũ kính phục.

Đặt mình vào hoàn cảnh người khác: Từ bỏ một chút lợi ích, chịu một chút thua thiệt để giàu bền vững - Ảnh 1.

02

Từ nhỏ, mẹ tôi luôn dạy rằng làm người đừng chỉ nghĩ cho bản thân, hãy học cách thứ tha cho người khác. Đến lúc bà qua đời, chồng tôi đã ngậm ngùi nói trong tiếc thương rằng: Cả cuộc đời này, mẹ không hề nghĩ tới bản thân mà chỉ biết nghĩ cho người khác.

Nói về cuộc đời mẹ tôi cũng chỉ tóm gọn trong hai chữ lương thiện. Nhớ ngày em dâu mới bước chân vào nhà tôi, mỗi ngày mẹ hay hỏi cô ấy thích ăn cái gì, nấu cơm cũng nấu làm sao cho hợp khẩu vị của con dâu, thi thoảng còn cho thêm một chút tiền tiêu vặt, hay lén để quà vặt vào trong phòng cho cô ấy.

Tôi vẫn hay đùa với mẹ rằng: "Bây giờ mẹ có con trai với con dâu rồi, nên mẹ không cần đến đứa  con gái này nữa đúng không?". Lúc đó, mẹ lại mắng yêu tôi: "Cái con bé này, con gái người ta được nuôi nấng bao bọc hơn hai mươi năm trời, nay gả đến nhà chúng ta làm dâu, không thể để người ta cảm thấy bị đối xử giống như người ngoài được. Bố mẹ nào mà chả lo con gái mình đi làm dâu nhà người hay phải chịu uất ức tủi thân. Vì vậy, chúng ta nên đối xử tốt với cô ấy một chút, cũng giống như mẹ chồng con đối xử với con vậy. Làm người nên biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, sống cho người khác một chút đừng chỉ nghĩ cho bản thân.

Mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu bao đời vẫn cứ là cơm không lành, canh không ngọt. Nhưng giữa mẹ tôi và em dâu, tôi thấy mối quan hệ đó dường như đã chuyển thành tình cảm gắn bó sâu sắc giữa mẹ và con gái. 

Ngày mẹ phát hiện ra mình bị bệnh ung thư, tôi đến bệnh viện nhìn thấy cảnh em dâu vì thương mẹ mà khóc sưng húp cả mắt, chợt nhận ra cô ấy cũng thương mẹ chả kém gì tôi thương mẹ cả. 

Ngày mẹ nằm viện, cô ấy ngày đêm túc trực bên giường bệnh, nghĩ đủ mọi cách để làm những món ăn ngon cho mẹ tôi. Những bệnh nhân cùng phòng ai cũng khen mẹ tôi sao khéo có cô con dâu ngoan ngoãn hết lòng như vậy.  Tình yêu và hạnh phúc được trao đi, rồi sẽ có ngày quay lại trọn vẹn và đủ đầy bên ta. Đó cũng quy luật báo đáp của sự lương thiện.

Đặt mình vào hoàn cảnh người khác: Từ bỏ một chút lợi ích, chịu một chút thua thiệt để giàu bền vững - Ảnh 2.

03

Trong cuộc phỏng vấn trước đây của tôi với một vị tổng giám đốc công ty, ông ấy đã kể lại quãng thời gian vô cùng khó khăn của mình. Đó là vào năm 2008, khi mà cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra khiến cho lượng đơn hàng trong nước sụt giảm, và ông ấy đã đích thân đi tiếp nhận một đơn hàng rất lớn đến từ nước ngoài. 

Ngày đó, do quá nóng vội mà quên mất không kiểm tra kĩ mọi dữ liệu, cứ thế cho đến khi từng chuyến hàng một được xuất cảng, nhưng lại không có người nhận hàng. Lúc đó, ông mới biết thông tin của đối tác thực sự có vấn đề. Lượng hàng hóa tồn đọng đã tạo ra một sức ép rất lớn lên tình hình tài chính của công ty. Những người công nhân đã mấy tháng rồi không được phát lương, một số trong đó đã trở nên vô cùng kích động. Không thể cứ ngồi chờ chết như vậy được, ngài tổng giám đốc đã quyết định cùng với giám đốc bộ phận Sales và phiên dịch bay sang nước ngoài, nơi mà số hàng kia vẫn đang nằm im ở đó.

Ở nơi đất khách quê người, không ai quen biết, may nhờ vị giám đốc tiêu thụ kia vẫn còn giữ được liên lạc với một số khách hàng ở đây, đi chào hàng từng nhà một, mong có thể bán được hết chỗ hàng đó. Nhưng người mua lại không hiểu cho nỗi khổ của người bán, và thực lòng cũng không muốn mua nên luôn ép giá xuống mức thấp nhất.

Lúc đó, bọn họ trong lòng nóng như có lửa đốt. Nhưng những nỗ lực bền bỉ không biết mệt mỏi ngày ngày đi chào hàng của vị giám đốc kia đã được đền đáp xứng đáng. Trong lúc Visa chỉ còn 3 ngày nữa là hết hạn, ông ấy đã tìm được một khách hàng đồng ý thu mua toàn bộ số hàng kia. Sau khi thu hồi được vốn, công ty có thể xem là thoát khỏi cảnh ngàn cân treo sợi tóc. Ngài tổng giám đốc nói, người làm ông cảm động nhất chính là vị giám đốc kia. 

Khi ấy, ông ấy đã nhận được nhiều lời mời từ các công ty đầu ngành khác, nhưng trong lòng lại không chút xao động, vẫn không quản bao gian khổ đi đàm phán với khách hàng ở nước ngoài, chỉ mong cứu vãn được tình hình công ty.

Cuối năm đó, cho dù công ty làm ăn thua lỗ, ngài tổng giám đốc vẫn quyết định tặng cho vị giám đốc kia một phần tiền thưởng. Nhưng ông ấy đã không nhận, còn nói công ty năm nay khó khăn, ông không thể ích kỉ một mình nhận tiền thưởng được, đợi đến lúc công ty làm ăn khấm khá hơn, thì lúc đó ông sẽ nhận.

Sau này, tôi có cơ hội gặp mặt và trò chuyện với vị giám đốc bộ phận Sales kia. Khi nhắc câu chuyện xưa cũ, tôi cảm nhận được lòng từ bi ánh lên từ trong đôi mắt ấy, lòng từ bi của việc ngay cả trong lúc khó khăn mà vẫn biết suy nghĩ cho người khác.

Đặt mình vào hoàn cảnh người khác: Từ bỏ một chút lợi ích, chịu một chút thua thiệt để giàu bền vững - Ảnh 3.

04

Gần đây, trên mạng xã hội, có một câu hỏi rằng: Hành động cử chỉ nào của người lạ khiến bạn cảm thấy ấm lòng? Đó là khi nhận làm thêm phát tờ tơi, có người nhận tờ rơi rồi còn nói lại một câu cảm ơn. Đó là khi phải mang theo một chiếc vali nặng trong lúc lên tàu hỏa, và thế là có người tốt bụng đã giúp mình để cái vali đó lên giá để hành lý. Hay đó là trong lúc đi xe khách bản thân bị say xe và cảm thấy buồn nôn, đã có cô gái nhỏ ngồi bên đưa khăn giấy và nước khoáng cho mình…

Trong cái thế giới hối hả vội vã này, những cử chỉ hành động đó như điểm xuyết thêm một chút trong trẻo tĩnh lặng cho đời. Điều đó chính là sự quan tâm, yêu thương dành cho những con người hàng ngày đang phải vật lộn trong bão giông, cho dù chỉ là rất nhỏ nhưng đủ để đem đến cho họ cảm giác ấm áp và sức mạnh lớn lao.

Cảnh giới cao nhất của sự tu dưỡng mà mỗi người có thể đạt được chính là tấm lòng lương thiện được bồi đắp từ việc biết đặt bản thân mình vào vị trí của người khác, biết cảm thông cho người khác  và yêu thương thêm thế giới này.

Hi vọng bạn có thể yêu thương và trận trọng cuộc đời này và rồi cuộc đời cũng sẽ yêu thương và trân trọng bạn như chính cách mà bạn đã yêu thương nó.

Theo Trí Thức Trẻ


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 03/12/2024