Cùng lạc trong sa mạc, 2 người lữ hành "kẻ sống - người chết" và lý do ai cũng nên biết

02/07/2019 09:46
Cùng lạc trong sa mạc, 2 người lữ hành "kẻ sống - người chết" và lý do ai cũng nên biết

Kết cục khác nhau của 2 nhân vật trong câu chuyện dưới đây chính là bài học thấm thía về luật nhân quả ở đời.

Lòng ích kỷ và kết cục bi thảm của người lữ hành bị lạc trong sa mạc

Tại vùng đất nọ, có hai thôn trang nhỏ nằm ở hai đầu cách biệt của một sa mạc rộng lớn. Nếu muốn đi từ bên này sang bên kia mà không băng qua sa mạc, những người dân nơi đây sẽ phải mất tới hơn 20 ngày cưỡi ngựa không ngừng nghỉ.

Thế nhưng nếu chấp nhận mạo hiểm vượt qua sa mạc rộng lớn, họ sẽ chỉ mất 3 ngày để có thể đến được thôn trang ở đầu kia nếu thuận lợi. Tuy nhiên con đường tắt ấy bị xem quá mạo hiểm, vì từ trước tới nay không mấy ai tự mình băng qua sa mạc mà may mắn sống sót.

Có vị trí giả đã tìm tới một trong hai thôn trang. Ông cho người đem về rất nhiều gốc cây hồ dương, đồng thời để người dân đem trồng trên sa mạc, mỗi gốc cách nhau nửa dặm, hàng cây bắt đầu từ thôn trang bên này và kéo dài tới tận thôn trang ở đầu còn lại.

Trí giả nói với mọi người, nếu những gốc hồ dương ấy may mắn sống sót thì chúng sẽ tạo thành một con đường vắt ngang sa mạc. Trong trường hợp chúng không thể thích nghi, người dân cũng có thể tận dụng thân cây làm thành những tấm biển chỉ đường để không còn ai bị lạc.

Thế nhưng muốn làm được điều đó, thì điều kiện tiên quyết duy nhất là những người đi qua đều phải nhấc gốc cây lên và cắm lại xuống cát  một lần, từ đó tránh cho những tấm biển chỉ đường bị gió cát vùi lấp.

Kết quả là những cây hồ dương kia vừa được trồng không lâu thì tất cả đều đã chết khô dưới cái nắng thiêu đốt của mặt trời. 

Những thân cây khẳng khiu và trơ trụi của chúng được người dân nơi đây làm thành những tấm biển chỉ đường và thực hiện đúng theo lời căn dặn vị trí giả từng nói.

Nhờ đó mà con đường băng qua sa mạc cứ bình yên như vậy suốt mấy thập niên, tuyệt nhiên không có ai bị mất tích hay bỏ mạng.

 Cùng lạc trong sa mạc, 2 người lữ hành kẻ sống - người chết và lý do ai cũng nên biết - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Cho tới một ngày kia, có người lữ khách đi tới một trong số hai thôn trang ở nơi này. Khi bày tỏ nguyện vọng muốn băng qua sa mạc để tới thôn trang còn lại, ông được người dân tận tình chỉ cho con đường có những tấm biển làm từ các gốc hồ dương.

Những người bản địa cũng không quên nhắc nhở vị khách lạ về việc nhất định phải nhấc lên và cắm lại những tấm biển ấy để chúng không bị gió cát vùi lấp. Người này thoải mái đáp ứng, sau đó đem theo chút nước và ít lương khô lên đường.

Người lữ khách nọ cứ mải miết băng qua sa mạc, thế nhưng tới tận lúc tưởng như đã sức cùng lực kiệt, trước mắt ông vẫn chỉ là những đồi cát mịt mờ không thấy điểm cuối.

Mặc dù có đi qua những gốc hồ dương kèm theo biển chỉ đường, nhưng khi thấy chúng sắp bị gió cát vùi lấp, người đàn ông cũng thản nhiên lướt qua mà chẳng may may thực hiện lời hứa của mình trước đó.

Ông thầm nghĩ: "Dẫu sao ta cũng chỉ đi qua nơi đây có một lần này, chúng bị vùi lấp thì cứ mặc kệ chúng, đâu có ảnh hưởng gì tới ta".

Kết quả là trên suốt con đường mà người lữ khách đi qua, những biển chỉ đường làm từ gốc hồ dương cứ lần lượt bị gió cát thổi bay hoặc vùi lấp, còn người đàn ông ấy thì chưa từng nhấc tay  cắm lại một cái nào.

 Cùng lạc trong sa mạc, 2 người lữ hành kẻ sống - người chết và lý do ai cũng nên biết - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Khi đi tới nơi sâu nhất trong sa mạc, người lữ khách bất chợt bắt gặp một trận cuồng phong nổi lên. Cơn gió cát mịt mù ấy đã cuốn phăng tất cả các gốc hồ  dương trên con đường phía trước.

Dù may mắn sống sót sau khi trận cuồng phong qua đi, nhưng người lữ khách chợt nhận ra rằng con đường trước mặt đã chẳng còn bất kỳ chỉ dẫn nào.

Khi muốn quay đầu trở về điểm xuất phát, ông lại càng hối hận hơn vì nhận ra rằng, con đường mình vừa đi qua cũng đã trống trơn, bởi hết thảy những biển chỉ đường mà ông không hề cắm lại đều đã "bốc hơi" khỏi sa mạc mênh mông này.

Cứ như vậy, người lữ khách rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. Vào thời điểm đã sức cùng lực kiệt, người đàn ông ấy không khỏi hối hận, ngửa mặt lên trời mà than rằng: "Nếu ta làm theo lời căn dặn của mọi người, vậy thì lúc này đây ít nhất cũng còn có một đường lui để thoát thân…"

Không màng đến tính mạng của bản thân, người thanh niên được cứu nhờ một chai nước trong sa mạc

Sau khi những tấm biển chỉ đường từ các gốc hồ dương biến mất, người dân ở hai thôn trang đều không dám mạo hiểm lựa chọn con đường băng qua sa mạc để tới đầu bên kia. Nhiều năm sau đó, ở vùng đất ấy lại vừa vặn xảy ra một câu chuyện ngược lại.

Bấy giờ, có người thanh niên trẻ tuổi vô tình bị lạc trong sa mạc. Khi tưởng chừng như đã sắp kiệt sức, anh may mắn phát hiện ra một gian nhà bỏ hoang.

Trước cửa của ngôi nhà ấy có một thiết bị hút nước từ những mạch nước ngầm. Nhìn thấy tia hy vọng hiếm hoi ấy, người thanh niên đã dùng toàn bộ sức lực của mình đi hút nước.

Thế nhưng điều kỳ lạ là dù anh có cố gắng tới đâu, thì dụng cụ ấy cũng chẳng hề lấy được bất kỳ một giọt nước nào.

Khi đang chìm dần vào tuyệt vọng, người thanh niên lại tình cờ phát hiện ra bên cạnh đó có một bình nước đầy bị bịt kín miệng. Trên thân bình có dán một tờ giấy viết rằng:

"Đem bình nước này đổ hết vào trong dụng cụ hút nước thì nó mới có thể hút được nước lên. Thế nhưng trước khi rời đi, nhất định phải đem lượng nước hút được đổ đầy vào chiếc bình này như cũ".

 Cùng lạc trong sa mạc, 2 người lữ hành kẻ sống - người chết và lý do ai cũng nên biết - Ảnh 3.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Đọc xong mảnh giấy, người thanh niên dè dặt mở chai nước, lượng nước bên trong đủ để cứu mạng anh trong thời khắc nguy nan này.

Chính vào giây phút ấy, người đàn ông trẻ đã phải đối mặt với một lựa chọn vô cùng khó khăn. Bởi nếu anh đem toàn bộ nước trong bình đổ vào dụng cụ kia mà vẫn không thể hút nước, vậy thì chắc chắn anh sẽ bỏ mạng vì chết khát ở nơi này.

Sau một hồi đắn đo cân nhắc, người thanh niên dù lo lắng, bất an, nhưng cuối cùng vẫn quyết định làm theo chỉ dẫn của tờ giấy.

Quả nhiên ngay sau đó, dụng cụ kia đã hút lên được rất nhiều nước. Sau khi nghỉ ngơi hồi sức, người thanh niên vừa đem nước đổ đầy vào những chiếc túi da của mình, đồng thời cũng không quên đổ nước vào chiếc bình ban nãy và để nó vào chỗ cũ.

Trước khi dán lại tờ giấy chỉ dẫn lên chiếc bình, anh còn tận tình thêm vào đó mấy câu:

"Xin hãy tin tưởng những lời trên giấy viết là sự thật. Chỉ khi bạn đem chuyện sinh tử đặt ngoài sự toan tính của bản thân, bạn mới có thể nếm được hương vị ngọt ngào của những giọt nước được lấy lên từ các mạch ngầm trong sa mạc mênh mông này…".

 Cùng lạc trong sa mạc, 2 người lữ hành kẻ sống - người chết và lý do ai cũng nên biết - Ảnh 4.

Ảnh minh họa: Nguồn Internet.

Bài học rút ra

Dù cùng rơi vào hoàn cảnh bị lạc trong sa mạc, thế nhưng kết cục của người lữ khách và chàng thanh niên trong hai câu chuyện trên lại hoàn toàn khác nhau. Và yếu tố làm nên sự khác biệt giữa họ chính là tâm tính cùng hành động.

Kết cục bi thảm của người lữ khách trong câu chuyện thứ nhất đã nói cho chúng ta đạo lý nhân quả chưa bao giờ thay đổi: Giữ lại cho người khác một con đường cũng là cách lưu lại một đường lui cho chính mình.

Kết thúc viên mãn trong câu chuyện thứ hai lại truyền cho chúng ta một thông điệp ý nghĩa: Mặc dù không phải mỗi lần cho đi đều sẽ nhận được hồi báo, thế nhưng chắc chắn hồi báo tốt đẹp sẽ chỉ dành cho những người sẵn sàng cho đi.

Trí thức trẻ


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Chủ nhật, 15/09/2024